TAITETSU UNNO
Đời sống đạo đức trong Phật giáo không tách lìa với đời sống tôn giáo. Người ta chủ trương đạo đức là một căn cứ cần thiết cho thực hành tôn giáo ; và nó cũng là hậu quả tự nhiên của việc đi trên con đường giác ngộ. Người ta luôn luôn cố gắng làm người một cách đích thực trong mỗi tư tưởng, lời nói và hành động. Điều này nghĩa là trong khi đạo đức Phật giáo căn cứ trên những nguyên lý phổ quát, như bất bạo lực và thiêng liêng hóa tất cả đời sống, thì sự áp dụng những nguyên lý đó vào những hoàn cảnh cụ thể sẽ khác nhau, tùy theo mỗi trường hợp. Đây không phải là chuyện đơn giản, chẳng hạn như việc phá thai, trong đó không bao giờ có một câu trả lời dứt khoát. Tuy nhiên, đạo đức Phật giáo tìm cách tăng cường tối đa trách nhiệm cá nhân và giảm đến tối thiểu sự đạo đức giả khi đối xử với những vấn đề khó khăn.
Căn cứ cho điều đó là sự kiện cơ bản tương thuộc và tương liên của toàn bộ đời sống. Điều này có nghĩa là trong khi chúng ta không luôn luôn có thể thương yêu thật sự và chân thành những người khác, thì chúng ta luôn luôn thừa hưởng những quan tâm, hy sinh và thiện ý của những người khác. Thấu hiểu điều này, chúng ta sẽ muốn phụng sự những người khác và xã hội ở mức độ cao nhất của khả năng chúng ta. Một sự thấu hiểu về đời sống đạo đức như vậy được đức Dalai Lama diễn tả bằng ngôn ngữ thực tiễn :
Bởi vì từ lúc bắt đầu đến lúc chấm dứt cuộc đời, chúng ta hoàn toàn tùy thuộc vào lòng tốt của những người khác, làm sao chúng ta có thể lơ là với lòng tốt đối với những người khác ở chặng giữa cuộc đời ta được ?
Trong cuốn sách bestseller của mình, Sách của những Đức Hạnh, William Bennett dành chương hai cho “Lòng Bi”. Ông gom vào đó ba mươi lăm câu chuyện, chuyện kể, bài thơ, diễn văn, và giai thoại của những tác giả khác nhau như Aesop, Emily Dickinson, Shakespeare, De Tocqueville, Tolstoy và Anh Em Grimm để khuyến khích thực hành lòng bi. Chương này nằm giữa chương một, “Kỷ luật bản thân”, và chương ba, “Những trách nhiệm”. Như thế Bennett hy vọng cổ vũ cho độc giả, nhất là lớp trẻ, hãy tự lực, bi mẫn và có trách nhiệm. Những phẩm tính này cần yếu cho bất kỳ con người có suy nghĩ nào và cũng cần cho sự duy trì trật tự xã hội.
Nhưng lòng bi chân thật chỉ có thể có khi nguồn gốc đích thực của nó được biết. Để làm sáng tỏ nguồn gốc, chúng ta bắt đầu tự hỏi : Tôi có luôn luôn thương yêu không ? Tôi có biểu lộ lòng bi đích thực, kiên cố đối với những người khác ? Làm sao tôi có thể bi mẫn thực sự, đặc biệt với vợ chồng, với cha mẹ, con cái, và những người hàng xóm, đặc biệt vào những lúc họ cần ? Là một người trưởng thành, tôi có quyền thúc dục những người khác thực hành từ bi, khi tôi không có nó ?
Ở một nơi ẩn cư của Phật giáo Chân tông ở Asilomar, California, vài năm trước đây, có một người đàn bà trẻ kể lại một sự việc về cha của bà. Bà nói rằng bà đã không liên lạc với ông trong mười lăm năm nay, do một hiểu lầm sâu sắc. Nhưng mới đây bà nghe tin đồn cha bà ở bệnh viện, chờ cắt đi một cái chân. Lấy làm tiếc cho ông vì bà nhớ lại ông là một người hoạt động, đầy sinh lực, bà quyết định đến thăm ông ở bệnh viện. Nhưng trước khi đến, bà thấy cần hỏi lại cô em gái và để xem có nên đến thăm hay không. Bà đã không gặp hay nói chuyện với ông trong mười lăm năm nay. Khi điện thoại cho em, cô em trả lời, “Dĩ nhiên, nên đến thăm ông. Ba đã gọi cho em, hỏi về chị – về sức khỏe của chị, chị đang làm gì, và chị lo liệu đời sống như thế nào – mỗi tuần suốt mười lăm năm nay.”
Người đàn bà trẻ sững sờ, hoàn toàn không biết tình thương của cha mình hướng về mình trong ngần ấy năm. Bà chỉ đã cảm thấy cay đắng, tức giận và thù hận. Nhưng bây giờ bà đã bị khuất phục bởi một cảm giác hối hận sâu xa về mọi sự làm trầm trọng thêm và những ưu phiền bà đã gây ra. Biết ơn sâu sắc lòng bi mẫn của cha đã tạo ra cho bà một không gian vô biên cho ta cái cứng đầu của mình, bà thu xếp gặp cha ngay sau thời nhập thất và tạo dựng lại cho thời gian đã mất. Sự thức tỉnh này không những kiến tạo lại mối liên hệ với cha mình, mà bà còn bắt đầu liên lạc với những người khác đang cần giúp đỡ, trả lại cho thế giới sự chăm sóc, quan tâm và lòng bi mà cha bà đã biểu lộ với bà.
Một câu chuyện về lòng bi còn ấn tượng hơn xảy ra ở Anh. Một cô gái mười sáu tuổi bị động kinh do thân nhiệt lên quá cao và rơi vào hôn mê. Cô không bao giờ trở lại tình trạng ý thức và chết ba mươi bảy năm sau. Trong suốt thời gian đó, cha cô đã làm ba công việc để trả tiền bệnh viện. Mẹ cô chăm sóc cho mọi nhu cầu của cô, tắm cho cô mỗi ngày và sửa soạn thức ăn lỏng để nuôi cô qua những cái ống. Để phòng ngừa lở do nằm lâu, bà xoay thân thể con mình theo những thời gian đều dặn. Cuối cùng người con gái chết đi mà không hề tỉnh lại một lần. Tình thương của cha mẹ đã giữ cho cô sống ba mươi bảy năm, nhưng có bao giờ cô biết được sự chăm sóc không mệt mỏi và vô ngã đã duy trì mạng sống của cô ?
Khác với người đàn bà trẻ kia, tôi có đầy đủ ý thức, khả năng suy nghĩ, và kiểm soát tất cả những năng lực của tôi. Tuy nhiên tôi tự hỏi : Tôi có ý thức tất cả sức mạnh của cuộc sống đã nâng đỡ tôi suốt bao nhiêu năm ấy ? Tôi có hiểu biết trọn vẹn tình thương cha mẹ đã tưới rắc lên tôi ? Tôi có thể đếm số người đã hy sinh cho tôi, làm cho cuộc đời tôi hiện hữu ? Tôi có bao giờ nghĩ đến tất cả mọi người, biết mặt và không biết mặt, đã làm cho tôi thành tôi hôm nay ? Khi tôi rời bỏ thế giới này, tôi sẽ có ý thức đầy đủ và biết ơn tất cả sự mắc nợ của tôi ?
Tôi e rằng câu trả lời của tôi không hoàn toàn là xác định. Tôi không khác với Joseph K trong tiểu thuyết Phiên Tòa của Kafka. Khoảng giữa đời, Joseph K bị nhà cầm quyền bắt. Trọn cuốn tiểu thuyết anh ta cứ thử lập đi lập lại đương đầu với hoàn cảnh khó xử của mình, hình dung ra lý do mình bị bắt, và sắp xếp trong óc trường hợp của mình một cách hệ thống và có lý. Là một thư ký ngân hàng thành công, anh cảm thấy có thể đối xử với sự bắt giữ như với công việc của mình. Nhưng cuối cùng anh ta thất bại. Tiểu thuyết kết luận, “Như thế là sự tủi hổ về điều đó sẽ tồn tại lâu hơn trong cuộc đời anh ta.” Như tên họ dở dang của mình, cuộc đời của Joseph K là không trọn vẹn, không đầy đủ, và lãng phí vô ích.
“Sự bắt giữ” Joseph K là do anh thất bại không hiểu biết một thực tại còn lớn hơn bản thân anh, thực tại đó làm cho cuộc đời anh thành ra có thể. Nói một cách tôn giáo, chính sự thiếu nhạy cảm với lòng bi vô biên đã gây ra sự bắt giữ này và tước lột của Joseph K một đời sống trọn vẹn và phong phú. Rốt cuộc, làm sao anh ta có thể sống sót chín tháng trong bụng mẹ ? Và làm sao được chăm sóc suốt tuổi thơ, nhận sự giáo dục từ các thầy cô, được tưới đẫm bởi lòng tốt của những người khác và có thể theo đuổi một nghề nghiệp thành công ? Chắc chắn không phải do năng lực của chỉ mình anh. Nhưng Phiên Tòa chờ đợi mỗi chúng ta : chúng ta có thể bị bắt giữ vào bất cứ lúc nào trong dòng đời của chúng ta.
Việc chúng ta chỉ có một cảm kích rất đỗi giới hạn với đời sống đã cho tôi thấy mới đây trong một cách không ngờ nhất. Chúng tôi có một con chó cưng, một con Lhasa Apso tên là Shaypa, nghĩa là “Yêu Dấu” trong tiếng Tây Tạng. Tôi tìm thấy một tờ giấy nhỏ trong hộp thức ăn của nó, “Khứu giác của một con chó khoảng một triệu lần hơn khứu giác của bạn hay tôi.” Một triệu lần ! Tôi nghĩ với khả năng kỳ lạ như vậy, thế giới của Shaypa phải vô cùng bao la, phong phú và hấp dẫn hơn của tôi. So với nó, tôi chủ yếu chỉ dựa vào suy nghĩ và những giác quan để sống còn, nhưng như thế thì hạn hẹp biết bao nhiều ! Bình thường, đó không phải là một vấn đề, cho đến khi nào tôi gặp một khó khăn không giải quyết được. Khi cố gắng giải quyết nó ý nghĩ của tôi trở nên mờ tối và những giác quan hoàn toàn mờ mịt. Tôi mất hướng và không thể tìm ra lối thoát. Theo Phật giáo, những rối loạn trong cuộc đời của chúng ta mọc rễ trong tư duy nhị nguyên hay lưỡng phân mà chúng ta không hề nghi vấn, nhưng chúng chứa đựng những hạt giống của mê lầm. Chúng ta sẽ phải nói nhiều hơn về mê lầm ấy sau này.
Vô minh nghiệp báo của chúng ta chọn ở lại trong bóng tối của sự tự giam nhốt mình, đóng cửa với lòng bi vô biên đang nâng đỡ chúng ta. Tuy nhiên, lòng bi chân thật làm việc không mệt mỏi nơi mỗi chúng ta cho đến khi chúng ta hoàn toàn thức tỉnh. Cho đến cuối cuộc đời sống lâu và sáng tạo nhiều của mình, Thân Loan tiếp tục bày tỏ lòng biết ơn sâu xa với công việc không ngừng nghỉ của lòng bi :
Dù đôi mắt tôi có mờ đi vì đam mê, phiền não
Không thấy ánh sáng ôm ấp lấy tôi,
Đại bi không bao giờ mệt mỏi
Thường hằng ban rải ánh sáng trên tôi.
Có thể có những lời phê bình cho là lòng bi như căn cứ cho đời sống đạo đức là quá chủ quan và cá nhân để có ảnh hưởng nào với xã hội, tuy nhiên chính một người, một cá nhân có thể thay đổi dòng chảy của lịch sử để làm nhẹ khổ đau và cứu vớt nhiều người. Những người đã cứu vớt nhiều cuộc đời Do Thái trong Thế Chiến Thứ Hai là một ví dụ. Ý tưởng này khởi lên trong tôi khi tôi nghe tác giả cuốn Tìm Kiếm Sugihara, ông Hillel Levine nói chuyện mới đây ở Smith College.
Những cái tên Oskar Schindler và Raoul Wallenberg được biết đến nhiều, nhưng ít người từng nghe những việc làm đáng nhớ của Chiune Sugihara, một lãnh sự Nhật ở Kaunus, Lithunia. Ông này đã từng cứu hàng nghìn mạng sống Do Thái năm 1940 bằng cách trao những chiếu khán cho những người bị Quốc Xã ngược đãi.
Levine gọi hành động của Sugihara là một “mưu mô của cái thiện”, ngược với câu nói thường được biết đến là “mưu mô của cái ác”. Hành động từ lòng bi của ông tạo ra một hiệu quả “gợn sóng”, thí dụ nổi bật là sự kiện những viên chức về tỵ nạn cho phép những người Do Thái đi qua Nga một cách an lành đến Nhật Bản và những chỗ khác. Sức mạnh của chính phủ, quyền lực của tôn giáo, thiện ý của những người từ thiện và tâm hồn đạo đức đã lơ là với người dân Do Thái trong Thế Chiến Thứ Hai, nhưng những nỗ lực của chỉ một người như Sugihara đã cứu không chỉ cho những người Do Thái nhận chiếu khán mà còn vô số con cháu sau này của họ, khoảng bốn mươi ngàn cuộc sống.