MỸ THUẬT PHẬT GIÁO

HT. TỊNH KHÔNG

Trích: Pháp Ngữ Của Hòa Thượng Tịnh Không; Dịch Anh ngữ: Silent Voices; Dịch Việt ngữ: Ty kheo Thích Nguyên Tạng; NXB. Phương Đông

Mỹ thuật Phật giáo Phật giáo có những biểu tượng mỹ thuật. Khởi thủy Phật giáo là một nền giáo dục, phối hợp những cái tương ứng với hệ thống trường học và viện bảo tàng ngày nay. Vậy “chùa” là bao gồm trường học, thư viện và viện bảo tàng. Ngày xưa ở Trung Hoa, hệ thống trường học truyền thống không được phổ biến rộng rãi nên đa số học sinh đến một chùa để học, vì ở đây thường có đủ sách vở, giống như một thư viện ngày nay, và không chỉ có toàn kinh điển, mà còn có gần như tất cả những loại sách khác. Các tăng sĩ học Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo và các sách cổ của Trung Hoa, họ có khả năng trả lời các câu hỏi và thông thạo về các đề tài khác nhau. Kết quả là các học viện Phật giáo giữ nhiệm vụ giáo dục cho xứ sở này.

Những ngôi tự viện Phật giáo là sự biểu lộ mỹ thuật được gọi là “Phật giáo biểu hiện”. Tuy nhiên những bức tượng Phật và Bồ Tát không phải là sự biểu lộ của đa thần giáo. Mỗi bức tượng đều có tính chiêu cảm trí tuệ và giác ngộ trong mỗi người chúng ta. Những bức tượng này cũng tượng trưng một số phương diện của PG, nhắc nhở các hành giả về một giáo lý nào đó. Thí dụ bồ tát Quan Âm, vị Bồ Tát phổ biến nhất ở Trung Hoa, tượng trưng cho lòng từ bi, tượng Quan Âm sẽ nhắc nhở chúng ta phát tâm từ bi đối với thế gian, với mọi người và vạn vật. Nhưng ngày nay người ta thờ Bồ Tát Quan Âm như một vị thần và cầu nguyện với ngài để được cứu khổ cứu nạn. Đây là một sự mê tín và sai lầm, vì người ta quên rằng những bức tượng này tượng trưng cho những ý niệm trong Phật giáo.

Kiến trúc Phật giáo cũng là một sự biểu hiện mỹ thuật. Ngôi chánh điện tương ứng với một phòng học hay một phòng họp lớn, và nhìn từ bên ngoài có vẻ như có hai tầng nhưng ở bên trong chỉ có một tầng. Hai tầng bên ngoài tượng trưng cho Chân đế và Tục đế hay chân lý tuyệt đối và chân lý tương đối. Chân đế là sự thật của đời sống trong vũ trụ, còn Tục đế là kiến giải thế tục vẫn còn vô minh. Tầng độc nhất bên trong muốn nói rằng Chân đế và Tục đế chỉ là một chân lý. Với người vô minh thì Chân đế và Tục đế là hai điều khác nhau, còn đối với người giác ngộ thì Chân đế và Tục đế là một.

Ở giữa chánh điện có một tượng Phật và hai tượng Bồ Tát. Tượng Phật tượng trưng tính chất thật của vũ trụ và con người, được gọi là “Phật tính” hay “chân tâm”. Phật”, tiếng Sanskrit có nghĩa là “người đã giác ngộ viên mãn”. Tượng Phật biểu trưng cho sự giác ngộ nguyên thủy của chúng ta, còn hai bức tượng Bồ tát thì biểu trưng sự ứng dụng tâm giác ngộ nguyên thủy này. Tất cả những biểu tượng và những ý nghĩa nhiều vô số có thể được chia làm hai loại: Trí tuệ và Thực hành. Thí dụ: Tịnh Độ Tông thờ một vị Phật và hai Bồ Tát của Tịnh Độ Tây Phương. Phật A Di Đà (Vô Lượng Quang và Vô Lượng Thọ) tượng trưng sự giác ngộ vốn là một phần chân tính của chúng ta. Bồ tát Quan Âm tượng trưng lòng từ bi, và Bồ Tát Đại Thế Chí tượng trưng cho đại trí tuệ. Chúng ta nên từ bi với chúng sanh, nên có ý nghĩ, kiến giải và hành vi hợp lý, chứ không nghĩ, nói và làm theo tình cảm riêng tư, để chỉ gây ra phiền não. Vì vậy chúng ta không nên coi Đức Phật và các Bồ Tát là những vị thần, Nhưng các ngài có gia hộ cho chúng ta không? Có, các ngài sẽ trao cho chúng ta những tri kiến để biết cách giải trừ phiền não và thoát khổ. Khi đã biết ý nghĩa của kiến trúc, âm nhạc, tranh và tượng Phật giáo, chúng ta sẽ có được kinh nghiệm phong phú khi viếng thăm một ngôi chùa.

Tuy nhiên ngày nay có nhiều người không hiểu ý nghĩa và giáo lý của Phật giáo, nên họ cho rằng tranh và tượng Phật, Bồ Tát là dấu hiệu của Đa Thần Giáo. Thật ra trong Phật giáo, hình tượng chỉ là phương tiện để hỗ trợ việc học đạo chứ không phải là tượng thần linh để phụng thờ và cầu xin. Chúng ta có vô số khả năng ẩn sâu trong chân tánh bất tư nghì của mình, vì vậy chúng ta có vô số biểu tượng để tương ứng, giống như ngày nay một người có thể có nhiều chức vụ và tước vị ghi trên tấm danh thiếp để cho thấy những địa vị và những thành tựu mà họ đạt được. Chư Phật, Bồ Tát là những biểu tượng của chân tánh bên trong chúng ta. Phật tượng trưng cho chân tâm, các Bồ Tát tượng trưng những đức tánh đạt được ngang qua việc tu luyện. Tất cả chúng ta đều có những phẩm tính này. Chúng ta cần phải hiểu ý nghĩa của biểu tượng học Phật giáo để có thể cảm nhận được sự phong phú và hoàn hảo của nền giáo dục Phật giáo.

Ngày nay, những tự viện tiêu biểu rất hiếm thấy. Ngôi điện đầu tiên của chùa là Điện Hộ Pháp. Ở giữa điện này là tượng Bồ Tát Di Lặc được tạc theo hình ảnh của Bố Đại Hòa Thượng. Nụ cười lớn của tượng Di Lặc hàm ý để thông hiểu Phật Pháp, người ta phải biết vui vẻ và hòa nhã với tất cả mọi người và mọi sự vật. Cái bụng to tướng của Ngài là tượng trưng sự công bằng, uyển chuyển, không thiên lệch, nhẫn nhục và tính khoan dung.

Bên cạnh tượng Di Lặc là bốn tượng Hộ Pháp, tượng trưng cho sự bảo hộ những ai thọ trì Phật pháp. Các Ngài bảo hộ chúng ta bằng cách nhắc nhở chúng ta tu học và gìn giữ chánh kiến của mình. Mỗi vị Hộ Pháp biểu trưng cho mỗi ý nghĩ hay hành vi.

Hộ Pháp Đông phương (cầm cây đàn) tượng trưng cho bổn phận và sự bảo đảm lãnh thổ, nghĩa là tất cả chúng ta phải có bổn phận với bản thân, gia đình, xã hội, và tổ quốc. Nếu mỗi người chúng ta làm tốt bổn phận và làm tròn những nhiệm vụ của mình thì như vậy là chúng ta hỗ trợ lẫn nhau cũng như phục vụ chính mình.

Hộ Pháp Nam phương (cầm kiếm) tượng trưng sự tiến bộ và dạy chúng ta phải tinh tấn. Ngài nhấn mạnh sự quan trọng của việc tu sửa liên tục để gia tăng đức hạnh, trí huệ, và kiến thức, phát triển khả năng thi hành những bổn phận của mình. Điều này giống như là dạy người ta nên tu sửa mỗi ngày của Khổng giáo.

Hộ Pháp Tây phương (cầm con rồng) tượng trưng trí kiến bao quát về thế gian. Chúng ta cần phải mở mắt quan sát con người và vạn vật, phát triển tri kiến, và biết phân biệt phải trái, xấu tốt. Hộ Pháp Bắc phương (cầm lộng) tượng trưng sự học bao la. Hai vị Hộ Pháp này chỉ dạy cách thực hành và đạt đến thành tựu trong việc thi hành bổn phận và tu sửa bản thân. Cổ nhân có câu “Đọc vạn cuốn sách, đi vạn dặm đường”. Chúng ta đọc sách để gia tăng kiến thức, và đi đây đó để quan sát sự vật. Như vậy chúng ta sẽ có khả năng tự tu sửa và thi hành bổn phận của mình hiệu quả hơn.

Ngày nay, người ta vào Điện Hộ Pháp để đốt nhang, lễ bái và dâng hoa quả để mong được phù hộ về tài lộc và phúc lạc. Như vậy là mê tín, vì tất cả những tiện nghi, những tranh tượng Phật, Bồ Tát, những nghi thức dâng cúng chỉ là những phương tiện giáo hóa, gây cảm hứng cho tâm trí của chúng ta, nhắc nhở chúng ta cần phải đạt giác ngộ, thay vì vô minh, trở nên người đức hạnh thay vì tội lỗi, thanh tịnh thay vì ô trược. Giác ngộ, tri kiến chân chính, và thanh tịnh là ba nguyên lý của Phật Pháp.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NỀN GIÁO DỤC CỦA ĐỨC BỔN SƯ PHẬT THÍCH CA
  2. NHỮNG TÂM NIỆM CỦA NGƯỜI ĐỆ TỬ PHẬT TRONG ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY
  3. ĐẠT HÒA BÌNH THẾ GIỚI VỚI THÂN TÂM ĐƯỢC TU LUYỆN, GIA ĐÌNH HÒA HỢP, VÀ XỨ SỞ THỊNH VƯỢNG

Bài viết mới

  1. VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH
  2. THỰC HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT
  3. CHINH PHỤC MỤC TIÊU