NGÀY VÀ ĐÊM

NGUYÊN GIÁC

Trích: Kinh Pháp Cú Tây Tạng; NXB Ananda Viet Foundation.

1. Khi mặt trời chưa mọc, đom đóm chiếu sáng; khi mặt trời mọc, đom đóm hết sáng và trở thành tối như cũ.

2. Khi Như Lai chưa xuất hiện, các nhà ngụy biện chiếu sáng; khi đấng Giác Ngộ Hoàn Mãn xuất hiện nơi thế giới này, các thầy trò ngụy biện hết chiếu sáng.

3. (11) Người xem vật rẻ tiền là quý giá, và người xem vật quý giá là rẻ tiền, toàn bộ hiểu biết của người này đã đảo ngược hoàn toàn – người này sẽ không tìm ra những gì quý giá.

4. (12) Người biết vật rẻ tiền là rẻ tiền, và người xem vật quý giá là quý giá, toàn bộ hiểu biết của người này là chính đáng — người này sẽ tìm ra những gì quý giá.

5. Ai cứ mãi tăng thêm trói buộc xuyên qua ưa thích tà kiến, và cứ mãi nghe tà kiến, nhảy múa vòng quanh sinh tử luân hồi, sẽ rơi vào lửa như bướm đêm thiêu thân.

6. Ai trong cõi này có bất kỳ ngờ vực nào về nhân quả nơi cõi này hay cõi sau, nếu người này sống đời thánh hạnh, khi nghĩ tới ngờ vực, ngờ vực sẽ biến mất.

7. (9) Người có tâm như nước đục, và người mặc áo cà sa, sống không tự chế, sẽ không xứng đáng mặc cà sa.

8. (10) Người xa lìa tất cả nhiễm ô, luôn chú tâm vào giới hạnh, sống tự chế, sẽ xứng đáng mặc áo cà sa.

9. Ai mưu mô, lừa gạt, tham tài vật, bất kể màu áo cà sa, bề ngoài và lời nói, sẽ không trở thành người tôn quý.

10. Cắt bỏ ba tâm mưu mô, lừa gạt, tham tài vật cũng như chặt ngọn cây tala – thông minh và sạch tội, người này được gọi là tốt nhất trong cõi người.

11. Người trong cõi này, có tính lừa gạt, ích kỷ, không chịu tự phòng hộ, giả vờ như khéo phòng hộ với bộ áo cà sa – chớ nên tin tưởng người như thế.

12. Trông dễ nhầm như màu đồng, như sắt được mạ vàng, là người có tâm địa như thuốc độc và có vẻ ngoài như bậc thánh, và người đi lòng vòng trong thế giới này với nhiều người theo đông.

13. (325) Người ưa ngủ, ăn nhiều, nằm lăn lóc qua lại, chẳng khác heo no bụng, kẻ ngu nhập thai mãi.

14. Người nào luôn luôn biết suy nghĩ, biết ăn chừng mực, sẽ ít gặp khổ, giữ cách ăn chậm để tăng tuổi thọ.

15. (7) Ai ưa nhìn cảnh đẹp mắt, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần. Ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.

17.(8 ) Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần. Ma không uy hiếp được, như núi đá trước gió.

17. (99) Khả ái thay núi rừng, chỗ người phàm không ưa, vị ly tham ưa thích, vì không tìm dục lạc.

18. (98) Làng mạc hay rừng núi, thung lũng hay đổi cao, La Hán trú chỗ nào, đất ấy thật khả ái.

19. (304) Người lành dầu ở xa, sáng tỏ như núi tuyết; Người ác dầu ở gần, như tên bắn đêm đen.

20. Ai thân với người trí, với bậc thánh có tâm trong sạch, sẽ có lợi ích lớn, và sẽ đắc trí tuệ thâm sâu.

21. (320) Hãy như voi giữa trận, hứng chịu cung tên bắn, hãy kham nhẫn hứng chịu mọi phỉ báng.

22. Người đã phá hủy nhà xong, không còn tin tưởng gì [vào sinh tử], không trả lại cái tạo tác [đã chứng vô tác, Niết bàn], phá hủy các cơ hội [tái sinh], và ăn đồ mửa [chứng vô tham]. Đó là bậc thánh.

23. Đã giết xong cha [vô minh] và mẹ [tham ái] và hai vị vua [danh, sắc], đã chinh phục trọn vương quốc với các thần dân [các tâm sở], người này sẽ thanh tịnh.

24. (92) Người đó rời xa sắc dục, ăn uống điều độ. Tất cả hành vi mang ba đặc tính: Không, vô tướng, vô sở trụ; lối đi khó nhận ra, như chim trên trời.

25. (93) Người đó rời xa sắc dục, ăn uống điều độ. Tất cả hành vi mang ba đặc tính: Không, vô tướng, vô sở trụ; dấu vết người này khó dò ra, như chim trên trời.

26. Người đó rời xa sắc dục, ăn uống điều độ. Tất cả hành vi mang ba đặc tính: Không, vô tướng, thiền định liên tục; lối đi người này khó thấy, như chim trên trời.

27. Người đó rời xa sắc dục, ăn uống điều độ. Tất cả hành vi mang ba đặc tính: Không, vô tướng, thiền định liên tục; dấu vết người này khó thấy, như chim trên trời.

Bài kệ 28, 29 lập lại hai bài kệ 24 và 25.

30. Người đó không bị giữ nơi bờ này, đã đoạn tận lậu hoặc. Tất cả hành vi mang ba đặc tính: Không, vô tướng, vô sở trụ; lối đi người này khó thấy, như chim trên trời.

31. Người đó không bị giữ nơi bờ này, đã đoạn tận lậu hoặc. Tất cả hành vi mang ba đặc tính: Không, vô tướng, vô sở trụ; dấu vết người này khó thấy, như chim trên trời.

32. Người đó không bị giữ nơi bờ này, đã đoạn tận lậu hoặc. Tất cả hành vi mang ba đặc tính: Không, vô tướng, thiền định liên tục; lối đi người này khó thấy, như chim trên trời.

33. Người đó không bị giữ nơi bờ này, đã đoạn tận lậu hoặc. Tất cả hành vi mang ba đặc tính: Không, vô tướng, thiền định liên tục; dấu vết người này khó thấy, như chim trên trời.

Bài kệ 34, 35 lập lại các bài kệ 32 và 33.

36. (85) Ít người giữa nhân loại, đến được bờ bên kia. Còn số người còn lại, xuôi ngược chạy bờ này.

37. (86) Những ai hành trì pháp, theo chánh pháp khéo dạy, sẽ tới bờ kia, qua biển sinh tử, lối đi khó vượt.

38. Người đó tự giải thoát nhờ chú tâm tỉnh thức, để lại quá khứ tất cả sầu khổ, tự mình rời trói buộc, sẽ không gặp phiền não nữa.

39. Người này vượt qua đường sợ hãi, xa lìa đường gập ghềnh bất thiện, rời tất cả trói buộc, hủy diệt thuốc độc của tham đắm.

40. (251) Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!

41. Sa môn đã tới bờ kia sẽ y hệt bầu trời không dấu chân. Kẻ ngu vui theo lắm việc cõi này, Như Lai không ưa thích gì nơi cõi này. Kẻ ngu bị dính mắc (nắm giữ) lôi đi; người trí phá hủy tất cả dính mắc.

42. Người trí phá hủy tất cả dính mắc của cõi trời và cõi người; nhờ xa lìa tất cả dính mắc, người trí đoạn tận tất cả sầu khổ.

43. Từ dính mắc sẽ dẫn tới sinh hữu; lìa dính mắc sẽ không còn sinh hữu; người trí phải hiểu về đường dẫn tới sinh diệt và đường tới vô sinh diệt. Người trí hãy chọn con đường xa lìa dính mắc (vô sở trụ) để giải thoát.

44. Làm ác, sẽ gặp cảnh khổ, tương lai tái sinh cũng sẽ thọ khổ; làm thiện, sẽ gặp cảnh hạnh phúc, tương lai tái sinh cũng gặp cảnh hạnh phúc.

45. Chớ làm ác trong cả hai (kiếp này và kiếp sau) vì làm ác sẽ thọ khổ; hãy làm thiện để xa lìa sầu khổ.

46. Khi người trí và kẻ ngu ở chung và im lặng, sẽ không ai phân biệt được họ; họ chỉ được nhận ra qua lời nói, khi người trí dạy pháp về đường tới Niết bàn.

47. Giảng dạy chánh pháp là tiêu chuẩn của Như Lai, chánh pháp là dấu ấn của Như Lai; pháp của Như Lai đã được giải nghĩa sáng tỏ, hãy truyền xa hơn.

48. (227) Không nói, sẽ bị chê; nói nhiều, sẽ bị chê; nói chậm, sẽ bị chê; không ai trên đời không bị chê trách.

49. (228) Người chỉ thuần bị chê trách, người chỉ thuần được khen, chưa từng có như thế; trước giờ chưa từng có chuyện như thế, tương lai cũng không bao giờ có.

50. Người trong tâm không vướng gì về sinh hữu, người đã đoạn tận sầu khổ vì lìa dính mắc, người đã giải thoát khỏi sinh hữu, chúng sinh cõi trời và người không hiểu được mục đích người này.

51. (229, 230) Người này được các bậc thiện tri thức khen ngợi vì có tín tâm, giới hạnh và đại trí tuệ, không còn ai chê trách được người này nữa; người này y hệt vàng trong cõi Diêm Phù Đề.

52. (81) Như núi và đá tảng không bị gió lay động, người trí không bị dao động dù được khen hay bị chê.

53. Người tinh tấn không để lại gốc rễ nào nơi mặt đất, không để lại một chiếc lá nhiễm ô nào trên bất kỳ cành nào, xa lìa mọi trói buộc, không ai chê trách được.

54. (179) Đức Phật là người chiến thắng, không bại, là người thế giới không thể so bằng, là người có oai lực vô cùng tận, là bậc tự giác, không ai hướng dẫn.

55. Đức Phật là người chiến thắng, không bại, là người thế giới không thể so bằng, là người có oai lực vô cùng tận, là bậc tự giác, không ai hướng dẫn.

56. (180) Đức Phật là người đã không còn chút mảy may nào về tham, là người lĩnh vực hoạt động lan rộng tới vô tận, là bậc không ai hướng dẫn.

57. Đức Phật là người đã không còn chút mảy may nào về tham, là người có oai lực lan rộng tới vô tận, là bậc không ai hướng dẫn.

58. Ngài là bậc chiếu sáng bởi tri kiến toàn hảo, người đã an trụ trong Không, người hiểu tất cả pháp, người giải thoát vì xa lìa tất cả mọi dính mắc, xa lìa tất cả sắc tướng (form) và xa lìa tất cả thức (consciousness), người đã vượt trên bốn cõi vô sắc, người đã đoạn tận sinh hữu.

59. (348) Hãy buông tất cả những gì quá khứ, buông tất cả những gì của tương lai, buông tất cả những gì của hiện tại, ngươi sẽ qua tới bờ bên kia; khi tâm xa lìa tất cả, ngươi sẽ không còn sinh và tử.

Bình luận


Bài viết mới

  1. LỜI RĂN DẠY CỦA KHỔNG TỬ
  2. “LÀM VIỆC” CŨNG LÀ “LÀM NGƯỜI”
  3. CÁCH GIỮ TẬP TRUNG KHI BẠN BẮT ĐẦU CHÁN MỤC TIÊU CỦA MÌNH