NGHỆ THUẬT

THINLEY NORBU

Nguồn: SỰ NHẢY MÚA ẢO DIỆU -Trò Phô Diễn Của Tự Tánh Của Năm Dakini Trí Huệ
Tác giả: Thinley Norbu
Người dịch: Nguyễn Nhàn Cát Đằng
NXB: Thiện Tri Thức, 2005

Trong sân khấu tấm gương pha lê của Tâm Tánh Giác, người nghệ sĩ tối thượng trình diễn sự phô bày huyễn thuật của ông, nhưng hiếm có khán giả có cái nhìn trong sáng thấu suốt, để có thể nhìn thấy trí huệ này.

Tất cả nghệ thuật được tạo thành bằng từ những nguyên tố thô và tế. Không có những nguyên tố thì không có cách gì cho nghệ sĩ diễn tả. Khi người ta dùng những thành ngữ như tính tình nông nỗi, lạnh lùng, khô khan, ướt át, điều đó nói lên rằng họ đã tự nhiên nối kết tâm thái nguyên tố tế với sự diễn tả thuộc về nguyên tố thô.

Nhưng những nghệ sĩ phải vượt khỏi sự diễn tả những nguyên tố hiển nhiên bên ngoài để có được những kinh nghiệm với những nguyên tố vi tế bên trong, chúng là cội nguồn của những nguyên tố thô bên ngoài. Bấy giờ họ có thể làm nghệ thuật phản ánh cái mà công chúng cần.

Theo quan điểm đời thường, những nghệ sĩ không có mục tiêu tối thượng là đạt đến giác ngộ. Họ chỉ có mục đích tạm thời là nhận biết những xúc cảm bên trong và rồi diễn tả chúng ra bên ngoài. Những nghệ sĩ bình thường hay tự diễn tả chính họ để thông tin, có tiếng hay quyền lực. Bởi vì họ cảm thấy cô đơn, họ muốn liên hệ với thế giới bên ngoài qua nghệ thuật cho sự lợi ích riêng của họ. Bởi vì, họ không liên hệ với mọi nguồn gốc vượt khỏi trí năng hay truyền thống, họ không thể giải thích sâu xa cho những người khác tác phẩm của họ nói về cái gì. Họ làm ra một thứ nghệ thuật rốt cuộc trở thành ông chủ cai quản họ. Nếu họ không diễn tả với một quan điểm trí huệ, kết quả luôn luôn là vô thường, và làm giảm năng lượng, điều này đưa đến khổ đau.

Theo quan điểm Phật giáo, ý định của một nghệ sĩ là lòng bi. Nghệ sĩ sáng tạo để làm ra một sự liên kết với những chúng sanh khác qua những nguyên tố bên trong thanh tịnh của mình, và để chuyển hóa những nguyên tố bên trong bình thường và thô của họ thành giác ngộ nhờ sự kết nối này.

Trong hệ thống Mật thừa, nghệ sĩ diễn tả ra bên ngoài phẩm tính của năng luợng thanh tịnh của những nguyên tố bên trong qua hình và tượng tiêu biểu cho hình tướng; qua những lời dạy, bài ca, bài thơ, và âm nhạc tiêu biểu cho lời nói; qua những điệu múa tiêu biểu cho những hoạt động, và qua những biểu lộ hài hòa vô tận tiêu biểu cho tâm. Bởi vì, những nghệ sĩ ấy nối kết với nguồn gốc của tác phẩm nên họ luôn luôn có thể giải thích sâu xa cho những người khác tác phẩm của họ nói về cái gì và họ luôn luôn là ông chủ kiểm soát nghệ thuật của họ. Qua những ý định của những nghệ sĩ cao cả, những nguyên tố thô bên ngoài được tịnh hóa thành những nguyên tố bên trong và tái nối kết với trí huệ bên trong.

Một cách tạm thời, điều này đem lại sự thỏa mãn bởi vì người ta nhận biết phẩm tính bên trong nơi sự diễn tả ra bên ngoài của nghệ thuật. Một cách tối hậu, có giải thoát qua tịnh hóa chất thể của nghệ thuật không có tinh túy thành tinh túy giác ngộ không có chất thể.

Tâm Trí Huệ không thể thấy được trừ phi chúng ta có con mắt trí huệ. Những màu sắc căn bản tự nhiên không thể thấy nhưng yên ngủ, tỏa thấm khắp mọi nơi và luôn luôn chuyển động. Qua sự chuyển động này, những nguyên tố khác nhau nối kết trở thành hình thể và màu sắc thấy được. Những màu gốc là xanh, trắng, đỏ, vàng và lục. Cũng như mỗi nguyên tố chứa đựng mọi nguyên tố khác, mỗi màu chứa đựng tất cả các màu khác.

Thế nên, mỗi màu gốc có năm nhánh màu, chúng dựa vào những điều kiện và những nối kết thay đổi và phụ trợ. Khi chúng nối kết và thay đổi, vô số nhánh màu thanh tịnh mới được tạo ra cho đến khi chúng trở thành vi tế đến độ khó nhận biết vì rất xa màu gốc. Mắt bình thường không thể thấy màu tự nhiên. Thế nên, theo cái nhìn thấy bình thường, những màu vốn thanh tịnh này có vẻ cũ kỹ, nhợt nhạt và yếu ớt. Nhưng con mắt trí huệ nhận biết những màu gốc nguyên sơ tự nhiên, và qua sự nối kết này với những điều kiện gốc, nó tăng thêm một cách tự nhiên những hiện tượng thanh tịnh với những điều kiện phụ trợ.

Khi những nghệ sĩ bình thường nhận thức mọi màu sắc càng lúc càng nhợt hơn đến độ có vẻ cạn kiệt thì trí tưởng tượng của họ cũng cạn kiệt. Vì họ không tin vào tinh túy bên trong không thể thấy của hình tướng và màu sắc, họ phải đi trở lại những hiện tượng bên ngoài thô mà họ có thể thấy chúng như là nguồn gốc của những ý niệm của nhãn quan của họ.

Nhưng vì họ chỉ dựa vào hình tướng và màu sắc nguyên tố thô và không mềm dẻo, tâm thức họ trở nên khô cứng và giới hạn. Những quan niệm của họ rối rắm đến độ không thể sáng tạo không gian bao la trong nghệ thuật của họ và nó trở nên không mềm dẻo, chật chội và kẹt nghẽn.

Do những nghệ sĩ cao cả nhận biết tinh túy thanh tịnh không thể thấy của những nguyên tố. Họ hiểu rằng màu sắc gốc và tự nhiên luôn luôn không giảm sút và họ có thể làm trở đi trở lại hình tướng và màu sắc sống động, tươi mới từ cái không thể thấy trong nghệ thuật của họ. Bởi vì họ có tâm thức bao la không chướng ngại, họ hiểu làm thế nào để sáng tạo ra không gian bao la trong nghệ thuật của họ. Và họ có thể sáng tạo bất kỳ hiện tượng nào.

Theo cách này, nếu những nghệ sĩ nhận biết nguồn gốc của những quan niệm, khi họ diễn tả chúng, sự nối kết giữa quan niệm và nguồn gốc của nó không bị dứt đoạn, và do đó thanh tịnh, tươi mới và thanh nhẹ.

Nghệ sĩ cao cả, giống như người quán tưởng cao cả, nhìn thấy những hiện tượng từ quan điểm cao cả của chân lý tương đối thực sự, chân lý này không chia tách cái thô với cái tế, cái hữu hình với cái vô hình. Nghệ sĩ giống như người quán tưởng, nhưng nghệ sĩ dùng phương tiện chất thể hiển lộ cái vô hình thành rõ ràng trong khi người quán tưởng dùng những phương tiện vi tế hiển bày cái vô hình thành rõ ràng. Mục tiêu của cả hai là đạt đến cái vô hình qua cái hữu hình.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TÌNH THƯƠNG VÀ ĐỨC TIN
  2. CHỮA LÀNH
  3. ĐI VÀO KIM CƯƠNG THỪA

Bài viết mới

  1. CHỮA LÀNH TINH THẦN
  2. XA RỜI THỊ PHI PHIỀN NÃO
  3. BA LOẠI HÀNH ĐỘNG