TÌNH THƯƠNG VÀ ĐỨC TIN

THINLEY NORBU

Trích “Đi Vào Kim Cương Thừa” Tác giả: Thinley Norbu Người dịch: Ban Dịch thuật Thiện Tri Thức Nxb Thiện Tri Thức, 2009. Ảnh chụp tại Dharamsala, Ấn Độ 06/2022

Đối với những ai trong các ông muốn đạt giác ngộ, không cần học nhiều giáo lý. Hãy chỉ học một cái thôi. Cái đó là gì? Chính là đại bi. Bất cứ ai có đại bi thì có mọi phẩm tính của Phật trong bàn tay mình. 

– ĐỨC PHẬT 

Trong tánh thanh tịnh không mê lầm của tự-biểu hiện, không có tên gọi tình thương và đức tin, bởi vì không có thực thể đối tượng chung sanh và không có bản chất đối tượng của các bổn tôn. Nhưng bởi vì tất cả chúng sanh bám vào sự phô diễn hình tướng không thể nắm bắt, tất cả hiện tượng trở thành thô nặng và có bản chất, và chúng ta tạo ra nhị nguyên mình-người, những ý niệm của tâm bình thường và mê lầm nghiệp của thói quen. 

Bởi vì mọi thói quen thuộc về hoặc là sự kinh khủng mê lầm của sanh tử hoặc là con đường cao quý của giác ngộ, tốt nhất là khai triển những thói quen tích cực của con đường giác ngộ, nó luôn luôn tạo ra năng lượng tích cực của tình thương và đức tin, cho đến khi chúng ta đạt đến sự biểu hiện vô ngã của chư Phật. Tình thương và đức tin có cùng một tinh chất là sự quan tâm sâu sắc. Sự khác biệt duy nhất là tình thương hướng đến chúng sanh, và đức tin hướng đến các bậc cao cả, bao gồm tất cả chư Phật và những vị hướng dẫn giác ngộ. 

Tính cách của tình thương là cho người khác năng lượng tích cực để làm họ lợi lạc và giải thoát họ khỏi khổ đau. Tính cách của đức tin là tin vào các bậc cao cả để nhận những ban phước của năng lượng trí huệ làm lợi lạc cho mình và cho những người khác. Đức tin chân thật tạo ra lòng bi bao la làm lợi lạc cho vô số chúng sanh. Nếu dựa vào tâm nhị nguyên bình thường, chúng ta không thể có tình thương sâu xa và lâu bền cho những người ngang bằng hoặc những người kém may mắn, bởi vì tâm nhị nguyên bình thường dựa vào những hoàn cảnh tạm thời không chắc chắn. 

Sự không chắc chắn này dễ dàng gây ra sự lơ là vô cảm, hận thù và phản bội. Nếu không tin vào sự tương tục của tâm, chúng ta sẽ chỉ để ý những hoàn cảnh hữu hình trực tiếp trong những mối liên kết chúng ta với những người khác, mà từ chối hay chấp nhận theo cái có lợi nhất cho mình khi những hoàn cảnh ấy thay đổi. 

Tình thương bình thường sanh khởi từ thói quen nghiệp quả có vẻ có những phẩm tính chân chất, trung thành và vững chắc, nhưng những phẩm tính ấy chỉ che dấu những tiềm năng ngược lại khi hoàn cảnh đổi thay. Vì tình thương này không sâu, nên nó hạn hẹp. Nếu nó trở nên khó chịu, chúng ta ngừng cảm nhận nó. 

Khi chỉ phản ứng với những hoàn cảnh thực ra chúng ta chỉ chú ý đến chính mình và những phản ứng của mình mà không tôn trọng hay quan tâm sâu xa đến người khác. Khi cảm thấy cô đơn và muốn được thương yêu, chúng ta bày tỏ tình thương với những người khác để nhận được tình thương từ họ, nhưng khi đã thỏa thích, chúng ta quên họ. Đây không phải là tình thương liên tục và bền vững. Nó không gây ra lòng bi không thiên vị của những Bồ tát bởi vì nó dựa trên tham muốn cá nhân ích kỷ của chúng ta. Nếu không tin cái gì vượt khỏi kinh nghiệm, chúng ta sẽ không nhận biết rằng cái biết của chúng ta là giới hạn và chỉ quan tâm đến những kinh nghiệm trực tiếp. Sự quan tâm chính của chúng ta sẽ là lợi lạc tạm thời của mình và không chắc chắn. 

Nếu tin tâm là liên tục, tình thương cho người khác cũng liên tục. Tin vào sự liên tục này, chúng ta không tin vào những hoàn cảnh hữu hình tạm thời hay cho nó quá quan trọng. Vì mệt mỏi bởi xoay quanh giữa những cái vô thường và không quan trọng, chúng ta trở nên ít bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh. Điều này tạo ra thói quen ổn định khiến tâm bớt rong ruổi, cuộc đời bớt hỗn loạn và cảm nhận về người khác bớt thay đổi, điều này gây ra tình thương không ngừng sâu và chung thủy thêm mãi. Nếu chúng ta tin vào sự tương tục của tâm, bấy giờ tình thương sẽ nối kết một cách kín đáo chúng ta với những người chúng ta thương mến với năng lượng tích cực, đến độ những xa cách hữu hình không giảm bớt năng lực vô hình của tình thương. 

Tình thương này tự động lâu dài bởi vì nó không dễ bị hoàn cảnh ảnh hưởng. Nếu chúng ta không bám chấp vào những người khác với sự sợ hãi ích kỷ sẽ mất họ hay với hi vọng ích kỷ sở hữu họ bằng tâm nhị nguyên, bấy giờ năng lượng tình thương tăng trưởng và phẩm tính của tình thương là năng lượng cho sẽ mở rộng. 

Thói quen tích cực của sự tương tục được tạo ra do không dựa vào cái gì xảy ra mỗi phút giây như thể nó là phút giây duy nhất. Tin vào sự tương tục của tâm, chúng ta công nhận sự tương tục của mọi hoàn cảnh, gồm cả những kinh nghiệm tình thương của chúng ta, nó không chỉ dành cho của khoảnh khắc hay cho một đời. Chúng ta có thể hiểu rằng vô ích khi cố gắng thoát khỏi sự không hài lòng tạm thời hay theo đuổi lợi ích tạm thời bằng cách từ bỏ những hoàn cảnh cũ và chạy theo những hoàn cảnh mới, bởi vì có gì thực sự thay đổi trừ phi chúng ta giải thoát khỏi mọi hoàn cảnh để giác ngộ. 

Do thói quen đoạn kiến, chúng ta có thể đánh giá một cách hời hợt những tương quan cha con, bạn bè, thầy trò, cho rằng chúng không hòa hợp. Nếu chúng ta không tin vào tâm tương tục và những liên kết nghiệp tương tục mà chỉ tin vào những hoàn cảnh ngẫu nhiên, chúng ta có thể nghĩ rằng tốt hơn là nên xa lánh những tương quan khó khăn này, thoát khỏi những rắc rối và dễ dàng rời bỏ những người khác. Nhưng nếu tin vào tâm và nghiệp có sự liên tục, chúng ta biết rằng những hiện tượng tạm thời luôn luôn thay đổi. Trừ phi thay đổi để thực hành đưa đến giác ngộ, không cần thiết cố gắng thay đổi những hiện tượng thế gian và vô ích, điều chỉ làm chúng ta ra khỏi khốn khổ này để vào khốn khổ khác. Chúng ta không xem sự tiêu cực tạm thời là quan trọng nếu biết mọi hoàn cảnh đều vô thường. 

Chúng ta cũng không muốn giữ lấy những cảm nhận tiêu cực làm tăng thêm những thói quen tiêu cực, bởi vì biết chẳng có lợi lạc gì. Tin rằng chúng ta thực sự có thể thay đổi những hoàn cảnh nghiệp, chúng ta có thể cầu nguyện cho những người khác, tịnh hóa những tiêu cực, và tạo ra năng lượng tích cực với ý định đạt đền giác ngộ. Thay vì cố gắng thay đổi những hoàn cảnh bên ngoài, chúng ta sẽ hiểu rằng ý nghĩa hơn khi thay đổi những hiện tượng của chính chúng ta. Để tăng sự hiện diện tích cực và vô lượng của trí huệ, những nối kết của chúng ta với những người khác phải luôn luôn gắn với Pháp. Khác với mục tiêu tạm thời và tình thương tạm thời, tình thương của chúng ta dành cho người khác có thể dành cho lợi lạc tối hậu. Ý định của tình thương có thể giống như ý định của đức tin, hướng đến giác ngộ, và giải phóng chúng ta khỏi sự khổ đau của tình thương trần tục hời hợt bề ngoài. 

Chúng ta có thể tạo ra động lực nền tảng này cho mọi liên hệ của chúng ta với những người khác. Chúng ta có thể mong ước đi theo những Bồ tát, bằng tình thương đại bi cho những người khác, thệ nguyện làm cho sanh tử phải trống không. Như có nói, “Cho đến khi nào sự than khóc thống khổ của tất cả chúng sanh chấm dứt, căn bệnh của Bồ tát không hề được chữa lành.” Bao giờ chúng ta còn chết và sanh lại trong sanh tử, cầu được một sự sanh ra làm người để có thể nối kết với Pháp là điều quan trọng. 

Dầu có hư vô đoạn kiến, con người được xem là cao cấp hơn những loại chúng sanh khác nhờ trí thông minh của nó. Nguồn gốc của trí thông minh này là tâm tương tục, từ đó vô số hình tướng có thể xuất hiện, từ những hiện tượng thế gian bình thường đến những hình tướng của giác ngộ. Với nguyện vọng được sanh ra làm một con người với cha mẹ tin Pháp, chúng ta cố gắng tạo ra những hoàn cảnh tích cực qua tình thương gia đình và làm tăng đức tin sẽ tiếp tục từ đời này sang đời khác. 

Cũng thế, cha mẹ, thầy giáo và những người khác nhiều kinh nghiệm hơn cần trau dồi một thói quen Pháp cao cả cho con cái, học trò và những người khác chưa có kinh nghiệm, để tạo một nối kết với ngữ của Phật là điều quan trọng. Trừ những chúng sanh được sanh ra không nhờ hoàn cảnh của cha mẹ, như những chúng sanh sanh ra do hơi nóng hay sự ẩm ướt, những chúng sanh sanh ra bằng thói quen ở những cõi địa ngục, hay những bậc cao cả sanh ra không do thói quen mà bằng trí huệ làm nên phép lạ, như Padmasambava, mọi chúng sanh đều sanh ra do cha mẹ và cha mẹ nào cũng thương con. 

Thứ nhất, chúng ta phải tri ân tình thương này và cố gắng thương yêu tất cả chúng sanh, họ đã là cha mẹ chúng ta trải qua vô số kiếp. Thứ hai, chỉ nghĩ đến lòng tốt của họ đối với chúng ta thì không đủ; chúng ta phải cho họ lòng tốt lớn lao. Thứ ba, nếu họ có những phẩm tính tích cực và đời họ hạnh phúc, chúng ta phải tùy hỷ, hoan hỷ vui theo thay vì ghen tỵ. Thứ tư, chúng ta phải thương yêu, tử tế và tùy hỷ tất cả chúng sanh một cách bình đẳng. Đây là bốn mong muốn vô lượng. Nhiều người bận tâm, với những bám luyến vào những người khác mà không hề lợi dụng cơ hội được làm người để khai mở tâm của họ. Họ giữ thói quen bám giữ người khác cho sự thỏa mãn riêng tư và liên tục xoay vần giữa hạnh phúc và bất hạnh tạm thời. 

Thay vì nối kết với những đối tượng bình thường tạm thời và có thể gây ra tiêu cực, tốt hơn là quán tưởng, có đức tin hay thậm chí chỉ nghĩ đến chư Phật, không tách lìa với các ngài. Các ngài là những người đồng hành không thay đổi và là những vị an ủi vĩ đại nhất. Khác biệt duy nhất giữa sanh tử và giác ngộ là sự bám luyến. Chúng ta có thể chuyển bất cứ kinh nghiệm nào trong thực hành thành những hiện tượng thế gian nếu chúng ta bám luyến chúng. 

Ngược lại, dù có vẻ chúng ta dấn thân vào những hoạt động thế gian, nếu chúng ta nhận biết rằng mọi hiện tượng là hiện tướng rộng mở, tự do, không bám luyến của tánh giác, thì mọi sự là giải thoát. Cái đối trị cho bám luyến là biết rằng mọi hiện tượng đều không có bản chất và không phải vật chất. Không phải chúng ta chỉ lập nên một ý niệm về tánh Không và áp đặt nó lên hiện tượng, mà thật ra những hiện tượng vốn trống không. Tánh Không thì không thể nắm bắt. Điều cốt tủy là không có sắc tướng của bản chất có thể nắm giữ. 

Chỉ có tánh Không không dấu vết nhiễm ô. Cũng không phải là không có gì cả, bởi vì sắc tướng trông không là sắc tướng quang minh, hoàn toàn thanh nhẹ, hỷ lạc của bổn tôn, hoàn toàn khác với sắc tướng nặng nề của nghiệp. Thấy quang minh này của hình tướng sẽ giải phóng chúng ta khỏi bám luyến và nặng đục bình thường. 

Cũng như chúng ta có thể dùng bất cứ hiện tượng sanh tử nào để tạo ra những hiện tượng mới, bằng thực hành chúng ta có thể chuyển hóa sự bám luyến bình thường của tình thương thành những hình tướng tích cực của bổn tôn. Theo cách này, năng lượng của những đam mê xúc tình của tình thương bình thường có thể được dùng với đức tin để tăng cường những phẩm tính trí huệ đến mức chúng ta có thể đạt giác ngộ. 

Khi bám luyến của tình thương và những đam mê bình thường được thay đổi bằng thực hành thành sự bám luyến vào những hiện tượng và những phẩm tính cao cả, tình thương quy về mình trở thành tình thương vô ngã. Khi những hình tướng thanh tịnh của thực hành bổn tôn tăng cường những phẩm tính trí huệ, và tánh Không của thiền định giải phóng chúng ta khỏi bám luyến vào những hình tướng này do thấy thể tánh trống không tinh khiết của bổn tôn, sự không thể tách lìa của những hiện tượng vô ngại vô tận và nhất thể vĩ đại rộng mở. 

Khi tâm chúng ta mê lầm, cái gì cũng có vẻ thật, kể cả những đam mê xúc tình trong những bám luyến vào người khác. Tạo ra những ý niệm và sắc tướng có bản chất, nghĩ chúng là thật, chúng ta bám nắm chúng và tạo ra những hiện tượng của sanh tử. Nhưng bất cứ cái gì chúng ta định danh là thật thì đều không thật. Khi nào có những hiện tượng sanh tử, khi ấy có giác ngộ; chúng ta chỉ đổi những hiện tượng bình thường của chúng ta thành hình tướng trí huệ. 

Nếu chúng ta tin tưởng, thực hành và thành tựu tinh túy của samaya (giới nguyện) Kim Cương thừa về hiện tượng thanh tịnh, bấy giờ mọi sự là bổn tôn. Khi không còn nữa sự bám níu vào ý niệm, thì sự sáng tỏ thông suốt trọn vẹn biểu hiện. Thế nên thay vì bám nắm chúng ta phải giải thoát vào ánh sáng. Nếu chúng ta dựa vào tâm nhị nguyên, chúng ta không thể có đức tin bền vững sâu sắc, bởi vì khi những hoàn cảnh thay đổi thì niềm tin thay đổi đến độ chúng ta bỏ nó. 

Nếu chúng ta kinh nghiệm một cảm nhận về đức tin thì khi kinh nghiệm tạm thời này suy giảm, chúng ta xem thường cái chúng ta đã từng tin và từ bỏ đức tin. Nếu chỉ tin vào những hiện tượng hữu hình của những hoàn cảnh tạm thời nhờ bám luyến vào bản chất, chúng ta sẽ không thể nhận biết những phẩm tính vô hình của tâm trí huệ. 

Đổ là bởi vì chúng ta mạnh mẽ tin vào sự thật của những tri giác mê lầm của mình và không tin cái chúng ta không thể tri giác. Bao giờ chúng ta còn không tin vào những phẩm tính trí huệ bao la, chúng ta còn bị mắc bẫy trong sự không tin và chúng ta sẽ không cố gắng tăng trưởng những hiện tượng vô hình, thanh nhẹ luôn luôn đem đến năng lượng tích cực và khuyến khích chúng ta chuyển hóa những hiện tượng bình thường của mình.

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CHỮA LÀNH
  2. ĐI VÀO KIM CƯƠNG THỪA
  3. KÍNH TRỌNG

Bài viết mới

  1. CHINH PHỤC MỤC TIÊU
  2. CHÁNH NIỆM
  3. BỚT SỢ HÃI