NGƯỜI DÁM VƯỢT QUA RANH GIỚI

DANIEL H PINK

Trích: “Một Tư Duy Hoàn Toàn Mới”; Người dịch: Lotus; Nhà xuất bản: Lao Động Xã Hội, 2008

Nhận biệt những mối liên hệ

Giống như việc vẽ, bản chất của hòa hợp cũng nằm ở những mối quan hệ. Những người hy vọng thành công trong Thời đại Nhận thức phải hiểu được mối liên kết giữa sự hỗn độn và những trật tự, ngỡ như tách biệt với nhau. Họ phải biết cách liên kết những yếu tố nhìn bề ngoài rõ ràng không liên quan đến nhau để tạo ra cái mới. Đồng thời, họ cũng phải nắm vững sự tương đồng – khi xem xét một vấn đề qua một vấn đề khác. Hay nói cách khác, các cơ hội luôn rộng mở với ba loại người sau: người dám vượt qua ranh giới, nhà phát minh và người biết dùng phép ẩn dụ.

Người dám vượt qua ranh giới

Tiền tố nào là phổ biến nhất và quan trọng nhất trong thời đại chúng ta? Đó chính là đa (nhiều). Công việc đòi hỏi phải đa chức năng. Cộng đồng của chúng ta là cộng đồng đa văn hóa. Hoạt động giải trí cũng đa phương tiện. Trong khi việc hiểu biết chuyên sâu về một lĩnh vực riêng lẻ từng đảm bảo cho sự thành công của con người thì ngày nay, vinh quang lại thuộc về những người có năng lực đảm nhiệm những lĩnh vực hoàn toàn khác nhau một cách tự tin. Tôi gọi họ là “những người dám vượt qua ranh giới”. Họ thành thạo rất nhiều lĩnh vực, có thể nói nhiều ngôn ngữ khác nhau và đặc biệt, tìm thấy niềm vui trong kinh nghiệm sống phong phú của mình. Họ sống nhiều cuộc sống vì như vậy thú vị hơn và ngày nay, nó có hiệu quả hơn.

Những người dám vượt qua ranh giới là những người như Andy Tuck, giáo sư triết học, nghệ sĩ dương cầm, người đã áp dụng các kỹ năng được trau dồi ở những lĩnh vực trên để điều hành công ty tư vấn của mình. Hay những người như Gloria White-Hammond, một mục sư kiêm bác sĩ nhi khoa tại Boston; Todd Machover, người sáng tác opera và chế tạo các nhạc cụ công nghệ cao; Jhane Barnes, người sử dụng những kiến thức toán học sâu sắc của mình để thiết kế những mẫu trang phục cầu kỳ. Mihalyi Csikszentmihalyi, nhà tâm lý học thuộc Đại học Chicago, là người đã viết cuốn sách kinh điển Flow: The Psychology of Optimal Experiences (Dòng chảy: Tâm lý của trải nghiệm tối ưu) cũng như cuốn Creativity: Flow and the Psychology of Discovery and Invention (Sự sáng tạo: Dòng chảy, tâm lý khám phá và phát minh). Ông đã nghiên cứu cuộc đời của những người sáng tạo và nhận ra rằng “sự sáng tạo nói chung đòi hỏi phải vượt qua những ranh giới giữa các lĩnh vực khác nhau”. Những người sáng tạo nhất khám phá ra những mối liên hệ mà người khác không bao giờ chú ý. Khả năng này được đánh giá rất cao trong một thế giới mà công việc dựa trên một kiến thức chuyên môn có thể nhanh chóng trở thành công việc lặp lại theo chu kỳ, và do đó sẽ được tự động hóa hay thuê nhân công bên ngoài. Nhà thiết kế Clement Mok cho rằng: “Mười năm tới sẽ rất cần những người có thể nghĩ và làm việc vượt qua những ranh giới để tiếp cận lĩnh vực mới, hoàn toàn khác biệt so với lĩnh vực chuyên sâu của họ. Họ không chỉ vượt qua những ranh giới đó mà còn nhận biết những cơ hội và liên kết chúng với nhau.”

Một ví dụ là những công việc liên quan đến máy tính đang được chuyển sang Ấn Độ sẽ tạo ra cơ hội cho những người có thể giải quyết được mối liên hệ giữa người viết mã ở phương Đông và khách hàng ở phương Tây. Những người có tư duy tổng thể này phải hiểu biết sâu sắc về hai nền văn hóa, thành thạo phần cứng là lĩnh vực máy tính cũng như phần mềm là lĩnh vực marketing bán hàng. Và họ có thể quan hệ với các nhóm người khác nhau, đôi khi đối lập nhau, với sự linh hoạt của một nhà ngoại giao. Những người đa tài như vậy thường có khả năng giải quyết những vấn đề mà ngay cả các chuyên gia cũng cảm thấy lúng túng. Nicholas Negroponte, Viện Công nghệ Massachusetts, cho biết: “Có rất nhiều vấn đề kỹ thuật bế tắc lại được khai thông nhờ những người không phải là kỹ sư. Đó là do sự nhìn xa trông rộng còn quan trọng hơn chỉ số thông minh. Khả năng tạo ra bước nhảy vọt trong suy nghĩ chính là điểm chung giữa những người có ý tưởng đột phá. Thường thường, khả năng này tồn tại ở những người có hiểu biết rộng, trí óc được rèn luyện nhiều và có kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực.”

Những người dám vượt qua ranh giới từ chối những lựa chọn có/không mà chủ động tìm kiếm nhiều lựa chọn cũng như giải pháp khác nhau. Cuộc sống của họ luôn đầy ắp những gạch nối giữa các nghề nghiệp cũng như trong cá tính của mình.

(Ví dụ: Omar Wasow, một người sinh ra ở Nairobi, doanh nhân- chính trị gia-nhà phân tích truyền hình người châu Phi-châu Mỹ-Do Thái). Họ giúp giải thích hiện tượng ngày càng đông các sinh viên đại học có chuyên môn về hai lĩnh vực và sự gia tăng nhanh chóng của các khoa đào tạo tự xưng là “liên ngành”.

Csikszentmihalyi cũng đã khám phá một khía cạnh liên quan đến tài năng của những người dám vượt qua ranh giới: những người có tố chất đó thường tránh việc rập khuôn vai trò giới tính truyền thống. Qua nghiên cứu, ông thấy: “Khi bài kiểm tra có phân biệt giới tính được đưa ra cho những người trẻ tuổi, qua nhiều lần đều nhận được kết quả: những cô gái sáng tạo, tài năng sẽ nổi trội và cứng rắn hơn những cô gái khác và những chàng trai sáng tạo sẽ nhạy cảm hơn và không hiếu chiến bằng bạn bè cùng giới.” Theo Csikszentmihalyi, khả năng này mang lại những lợi thế hiếm có: “Thực tế, một người có đặc tính của cả nam và nữ về mặt tâm lý sẽ có những phản ứng tinh tế gấp đôi bình thường, có cơ hội tương tác với thế giới ở diện rộng và phong phú hơn rất nhiều.”

Hay nói cách khác, như Samuel Taylor Coleridge đã phát biểu cách đây 200 năm và ngày nay, những người dám vượt qua ranh giới nhắc nhở chúng ta: trí tuệ vĩ đại là một trí tuệ lưỡng tính, mang cả đặc tính của nam và nữ.

Bình luận


Bài viết mới

  1. BIỂU LỘ CHÍNH MÌNH MỘT CÁCH TRỌN VẸN
  2. CHÂN LÝ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC BẰNG LAO ĐỘNG QUÊN MÌNH
  3. CẢM GIÁC TỰ DO, ĐƯỢC GIẢI PHÓNG BẢN THÂN