NGUỒN GỐC CỦA MA TRẬN THẦN THÁNH

GREGG BRADEN

Trích: Ma Trận Thần Thánh; Nguyễn Tiến Hòa dịch; NXB Dân Trí, Sách Thiện Tri Thức.

Các nhà khoa học chính thống ngày nay tin rằng vũ trụ của chúng ta đã bắt đầu trong khoảng 13 đến 20 tỷ năm trước với một siêu vụ nổ không giống như bất kỳ vụ nổ nào đã từng tồn tại trước đó hay vụ nổ nào khác kể từ đó đến giờ. Mặc dù hiện tại có các học thuyết mâu thuẫn nhau về thời điểm chính xác và liệu đó có phải là một vụ nổ duy nhất hay nhiều vụ nổ, người ta dường như có một sự đồng thuận chung là vũ trụ của chúng ta đã bắt đầu với một vụ bộc phát năng lượng khổng lồ cách đây từ rất lâu. Vào năm 1951, nhà thiên văn học Fred Hoyle đã đặt ra một thuật ngữ cho vụ nổ không thể tìm hiểu đó mà cho đến ngày nay người ta vẫn còn sử dụng: Ông đặt cho nó cái tên là “vụ nổ lớn” (big bang).

Các nhà nghiên cứu đã tính toán rằng ở thời điểm chỉ một vài phần giây trước khi vụ nổ lớn diễn ra, toàn bộ vũ trụ của chúng ta có kích thước nhỏ hơn rất nhiều so với kích thước của nó ngày nay. Các mô hình máy tính đề xuất rằng trên thực tế vũ trụ đó nhỏ đến mức nó nhét vừa vào một quả bóng nhỏ. Nếu toàn bộ không gian “trống rỗng” được loại bỏ khỏi cái mà chúng ta coi là vũ trụ ngày nay, người ta tin rằng quả bóng đó từng có kích thước chỉ bằng một hạt đỗ xanh!

Tuy nhiên, quả bóng mặc dù có kích thước rất nhỏ nhưng nó chắc chắn không hề mát mẻ chút nào. Các mô hình gợi ý rằng nhiệt độ bên trong không gian bị nén đó lên tới hàng 18 tỷ triệu triệu triệu độ Fahrenheit – nóng hơn nhiệt độ mặt trời hiện nay vô số lần. Trong vòng một vài phần giây sau vụ nổ lớn, các mô hình giả lập cho thấy nhiệt độ có thể đã hạ xuống mức dễ chịu hơn là 18 tỷ độ hoặc tương đương và sự chào đời của tân vũ trụ đã bắt đầu.

Khi lực của vụ nổ lớn xé toang sự trống rỗng của khoảng không đang tồn tại, nó mang theo không chỉ hơi nóng và ánh sáng như chúng ta tưởng. Vụ nổ phát ra một nguyên mẫu năng lượng đã trở thành bản thiết kế chi tiết cho tất cả những gì đang hiện diện và trở thành sau này. Khuôn mẫu này chính là chủ đề cho thần thoại cổ đại, truyền thuyết muôn thuở và trí tuệ thần bí. Với những cái tên từ “tấm lưới” của thần Indra trong kinh Phật Ấn Độ cho đến “mạng lưới” của Bà cố Nhện theo truyền thống của người Hopi, tiếng vọng của khuôn mẫu đó vẫn còn lưu lại cho đến tận ngày nay.

Chính tấm lưới hay mạng lưới năng lượng này tiếp tục mở rộng xuyên suốt vũ trụ với vai trò là tinh túy lượng tử của vạn vật, bao gồm cả chúng ta và những thứ quanh ta. Đây là năng lượng kết nối cuộc sống của chúng ta với tên gọi Ma Trận Thần Thánh. Chính tinh chất này cũng đóng vai trò là một tấm gương đa chiều, phản chiếu những gì chúng ta tạo ra theo cảm xúc và niềm tin của mình, mang trở lại thế giới của chúng ta.

Chúng ta làm thế nào để chắc chắn rằng mọi thứ trong vũ trụ đều thực sự được kết nối? Để trả lời câu hỏi này, hãy cùng nhau quay trở lại vụ nổ lớn và thí nghiệm của Đại học Geneva trong phần trước. Dẫu thí nghiệm này và vụ nổ có vẻ khác nhau đến vậy chúng vẫn phảng phất một sự tương đồng: Trong mỗi trường hợp, mối kết nối mà người ta đang khám phá đều là kết nối tồn tại giữa hai vật đã từng là một thể. Trong mỗi trường hợp, việc chia tách một photon đơn lẻ thành hai hạt giống hệt nhau đã tạo ra những cặp song sinh và điều này đã được thực hiện theo cách để đảm bảo rằng cả hai hạt giống hệt nhau trên mọi khía cạnh. Thực tế là các hạt photon và các hạt từ vụ nổ lớn đều từng là những phần thực thể của nhau chính là điểm mấu chốt cho tính chất kết nối của chúng. Có vẻ như một khi thứ gì đó được kết hợp, nó sẽ luôn được kết nối cho dù mối liên kết vật lý có còn tồn tại hay không.

Đây là điểm mấu chốt trong thảo luận của chúng ta bởi vì một lý do thực sự quan trọng và thường bị bỏ sót. Cho dù vũ trụ ngày nay có dáng vẻ khổng lồ đối với chúng ta như vậy và mặc dù ánh sáng rực rỡ của những ngôi sao ở xa nhất phải mất hàng tỷ năm ánh sáng mới lọt vào mắt chúng ta, tất cả vật chất trong vũ trụ tại một thời điểm trong quá khứ đã từng bị ép chặt vào một không gian vô cùng chật hẹp. Trong trạng thái bị đè nén không thể tưởng tượng nổi đó, mọi thứ về mặt cơ học đều dính liền với nhau. Khi năng lượng của vụ nổ lớn khiến cho vũ trụ của chúng ta mở rộng, các hạt vật chất bị chia tách ra rất xa nhau ngoài không gian.

Các thí nghiệm gợi ý rằng bất kể không gian chia tách hai vật có xa bao nhiêu đi chăng nữa, một khi chúng đã từng liên kết thì chúng sẽ mãi mãi có mối dây liên hệ. Chúng ta có mọi lý do để tin rằng trạng thái đám rối kết nối các hạt bị chia tách ngày nay cũng là trạng thái của những thành phần được kết nối trong vũ trụ của chúng ta trước vụ nổ lớn. Về cơ bản, mọi thứ phát xuất từ vũ trụ có kích thước chỉ lớn bằng hạt đậu của chúng ta từ 13 đến 20 tỷ năm trước vẫn đang được kết nối với nhau! Và thứ năng lượng thực hiện việc kết nối đó là thứ mà Planck đã mô tả là “ma trận” của vạn vật.

Ngày nay, khoa học hiện đại đã làm sáng tỏ hơn hiểu biết của chúng ta về ma trận mà Planck nhắc đến, mô tả ma trận này là một dạng năng lượng có mặt ở tất cả các nơi, luôn luôn hiệu hữu kể từ khi thời gian bắt đầu cùng với vụ nổ lớn. Sự tồn tại của trường năng lượng này gợi ý về ba nguyên tắc có ảnh hưởng trực tiếp đến cách chúng ta sống, mọi việc chúng ta làm, những gì chúng ta tin tưởng và thậm chí cả cách chúng ta cảm nhận về mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta. Phải thừa nhận rằng những ý tưởng này mâu thuẫn trực tiếp với rất nhiều niềm tin thâm căn cố để trong cả địa hạt khoa học lẫn tâm linh. Dẫu vậy, đồng thời với đó, chính những nguyên tắc này đã mở ra cánh cửa dẫn đến cách nhìn thế giới và đời sống của chúng ta một cách mạnh mẽ và đầy sức sống.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. KHI Ở ĐÂY LÀ Ở ĐÓ
  2. CUỘC SỐNG KHÔNG PHẢI LÚC NÀO CŨNG TUÂN THEO CÁC QUY TẮC VẬT LÝ
  3. CÁI “KHÔNG HOÀN HẢO” CHÍNH LÀ SỰ HOÀN HẢO

Bài viết mới

  1. ĐẢN SANH VÀ NHẬP SƠ THIỀN TẠI LỄ HẠ ĐIỀN
  2. 5 CÁCH NUÔI DƯỠNG TÌNH YÊU THIÊN NHIÊN Ở CON TRẺ
  3. NHỮNG VÍ DỤ VỀ BUÔNG BỎ