NHÀ VĂN LƯU VĨ LÂN: VIẾT LÀ ĐỂ HÒA GIẢI

LINH THOẠI

"Viết là để hòa giải. Tôi không có cách nghĩ nào khác điều đó khi cầm bút. Viết để tiếp tục gây đau lòng nhau, gây lở lói thêm những vết thương vừa khép miệng thì thật đáng tiếc...".

Có thể không ngần ngại gọi nhà báo Lưu Vĩ Lân là một nhà văn đúng nghĩa, bởi tài năng và những ấn tượng anh mang đến trong hơn ba năm qua với ba cuốn tiểu thuyết: 

Mật đạo (2018), Ngẫu tượng (2019) và Nghiệp chướng (2021). 

Mỗi cuốn sách có một vị thế riêng khó lẫn, bởi tác giả khai phá một chủ đề độc đáo mà dường như chưa cây bút nào đào sâu trước đó: công cuộc làm ăn của các nhà tư sản dân tộc trước biến thiên của lịch sử.

TÔI BỊ CUỘC CHIẾN NÀY ÁM ẢNH

Điều gì thôi thúc một nhà báo kỳ cựu như anh khởi sự viết tiểu thuyết ở tuổi ngũ tuần? Vì những thao thức về lịch sử, định mệnh của đất nước mà anh chưa nói được hết qua các tác phẩm báo chí, hay là niềm yêu thích làm một cuộc khám phá dài hơi hơn với chữ nghĩa qua văn chương?

– Tôi đọc được đâu đó một câu nói, rằng: “Báo chí thì đi từ sự kiện thật tiến đến… chỉ hai phần ba sự thật. Còn văn chương thì từ “điều giả”, tưởng tượng, nhưng lại tiến gần đến sự thật hơn”.

Làm báo, trong nhiều trường hợp, tuy phản ánh một sự kiện có thật nhưng tùy góc nhìn, những tránh né, những húy kỵ, những ràng buộc… khiến ta phải vừa viết, vừa lách… nên sự thật đó nhiều lúc bị méo mó, không còn… thật nữa. Văn chương với hai chữ “hư cấu” lại giúp ta… “mon men” gần hơn đến sự thật.

Tuy nhiên, tôi viết là vì thấy hạnh phúc. Bạn bè nói sao ông chịu cực quá vậy, vừa làm việc kiếm cơm, rảnh là nhào vào viết, tôi đáp: “Tôi tiến đến bàn viết với cái rạo rực của một cuộc… hẹn hò chứ nào phải đến trình diện ông giám thị để bị cấm túc đâu mà bảo cực”.

Đối với tôi, viết tiểu thuyết không chỉ là chữ nghĩa, là văn chương. Viết một cuốn tiểu thuyết là tạo ra một “máy mô phỏng” (simulator), trong đó tôi tạo ra mô phỏng của một thời đại lịch sử, rồi thả nhân vật của mình vào để xem họ sống, yêu, ghét, đau khổ, suy tư, vật vã… thế nào.

Tôi cảm ơn vì đã làm báo để bây giờ có thể viết văn, vì đây không chỉ là cuộc chơi về chữ nghĩa, cảm xúc, một cuốn truyện là một nghiên cứu, một luận văn, nó cần được nghiên cứu và tập tính làm báo rất hữu ích ở đây.

Ba quyển sách như “tiếng lòng” của tác giả với một khúc quanh lịch sử khốc liệt của dân tộc, từ năm 1943 đến sau 1975. Dù hóa thân vào nhân vật của phía nào trong những thời đoạn hỗn loạn ấy, anh luôn chọn cho mình góc nhìn bình tâm nhất có thể, như đối thoại của một sĩ quan tình báo cách mạng với một chuẩn tướng của quân đội Việt Nam cộng hòa: “Hãy tha thứ cho lịch sử, cho tha nhân và cho chính mình. Chúng ta phải tìm cách làm hòa với nhau” (Ngẫu tượng). Anh có nghĩ bộ ba tác phẩm này sẽ ít nhiều đóng góp cho công cuộc hòa giải – ít ra trong lòng những người đọc vẫn còn định kiến về bên thắng cuộc lẫn bên thua cuộc?

– Viết là để hòa giải. Tôi không có cách nghĩ nào khác điều đó khi cầm bút. Viết để tiếp tục gây đau lòng nhau, gây lở lói thêm những vết thương vừa khép miệng thì thật đáng tiếc. Dĩ nhiên để hòa giải cần phải nêu đúng các sự kiện từng diễn ra trong lịch sử nhưng với một cái nhìn bình tâm hơn. Ta đã có một độ lùi dài đến 40 năm rồi, ta cứ để cho cảm xúc tiếp tục ngậm ngùi nhưng phải hòa trộn trong đó là sự cảm thông và niềm hi vọng…

Tôi lớn lên ở “vùng 1 hỏa tuyến”, tức các tỉnh địa đầu của cuộc chiến phân ly cũ (Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng…), chứng kiến và trải nghiệm các cuộc đụng đầu lớn nhất trong cuộc chiến tranh thống nhất đất nước: năm 1968, 1972, 1975. Ngày 29-3-1975, tôi là một người di tản trẻ có mặt trên một chiến hạm của hải quân Việt Nam cộng hòa trên vịnh Đà Nẵng, chứng kiến cảnh hạm đội ấy chào vĩnh biệt thành phố để rút đi khi cờ của Mặt trận giải phóng kéo lên.

Rồi ngày 30-4-1975 ở Sài Gòn, tôi chứng kiến thời điểm kết thúc cuộc chiến… Suốt 30 năm sau sự kiện này, tôi đã sưu tầm, đọc, nghiên cứu về cuộc chiến tranh ấy. 15 năm sau ngày thống nhất, khi đất nước bắt đầu mở cửa, năm 1990 tôi đã lần về Khe Sanh, Đông Hà (Quảng Trị), Khu căn cứ Trung ương Cục, gọi là R ở Tây Ninh và viết một quyển sách hướng dẫn du lịch tên là Trở về chiến trường xưa (1994). Tôi bị cuộc chiến này ám ảnh và tôi đã “nhào” vào đó để tự “phân tâm” mình.

Bây giờ tôi đã thoát ra khỏi “vũng lầy của những ám ảnh” đó, tôi đã hiểu lý do và hoàn cảnh nào tạo ra đoạn trường lịch sử đó và muốn chuyển tải cảm xúc ấy trong ba tiểu thuyết này.

YÊU HỒN PHÁCH VIỆT

Cảm xúc lớn nhất anh muốn chuyển tải có lẽ là niềm cảm khái những đoạn trường lịch sử và niềm cảm phục sức mạnh của dân tộc qua các cuộc chiến trường kỳ. Lòng cảm phục ấy và tình yêu với non nước Việt lúc ẩn tàng, khi hiển lộ dưới ngòi bút của anh. Điều gì đã nuôi dưỡng tình yêu ấy sâu đậm thế?

– Không dám trách thế hệ trẻ, nhưng tôi đã thật sự ngạc nhiên khi nhiều bạn trẻ có lúc quá “rộng lượng” với nền văn minh bên ngoài, chưa thấy hết cái lịch lãm, sâu sắc của văn minh xứ sở mình. Nền văn minh này không chỉ cổ kính, cao thượng mà còn hàm chứa tính đương đại trong từng giai đoạn lịch sử.

Tôi từng ngạc nhiên: 500 năm trước, nền văn minh chính trị Việt đã tạo ra một thể chế lưỡng đầu: vừa có vua, vừa có chúa, và có lẽ là một mô hình chính trị đương đại duy nhất vào thời kỳ đó, mô hình đó giúp Đàng Ngoài trụ vững đến hai thế kỷ.

Tôi cũng giật mình khi cụ Trạng Trình nhắn nhủ với hai vị tạo lập hai dòng họ trên bằng những câu sấm “tùy thời, tùy cảnh” mà khống chế lịch sử: “Hoàng Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” tặng cho Nguyễn Hoàng và “Giữ chùa, thờ Phật thì ăn oản” tặng cho chúa Trịnh để ông duy trì thế lưỡng đầu của vương quốc mình. Tất cả đều quá uyên bác…

Tôi lớn lên ở đất Thần Kinh và cảm thụ một kinh đô kỳ lạ, một thành trì thâm trầm cổ kính ẩn dật dưới những cánh rừng vươn ra từ một nhánh của dãy Trường Sơn, e ấp bên dòng Hương Giang kiều diễm. Đó là một “hòn non bộ” kỳ vĩ được những “nhà quy hoạch đô thị” thấm đẫm chất ý nhị của dân tộc này chế tác, phong vị của nó khác biệt và độc nhất vô nhị.

Rồi khi nhớ đến cái phong vị sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn, người đến chốn lao xao/ Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”, tôi thấy những người bảo vệ thiên nhiên ngày nay chưa thấu cách sống thuận thảo với trời đất như vậy.

Khi đến các resort hiện đại “nhái” cảnh trí đồng quê, mượn ý của thiên nhiên để tạo ra những kiểu sống phong nhiêu, tôi tiếc cho các kiến trúc sư đó vì đã không biết cách sống của cụ Nguyễn để đưa văn minh Việt vào kiểu cách sống mới…

Ở thời hiện đại, tôi vẫn tâm đắc về cách chúc tết bằng các câu thơ của Cụ Hồ vào thời điểm giao thừa, hay truyền thống tết trồng cây mà Cụ đề ra. Phải yêu thiên nhiên, yêu Tổ quốc, yêu hồn phách Việt và thấm đẫm cái tinh túy của dân tộc mới có những cách nghinh xuân như vậy. Bao nhiêu là bậc thức giả với suy tư và cảm thụ tuyệt đẹp, vừa hồn hậu, vừa hào sảng, vừa đương đại đã tạo dựng lên tinh thần Việt trong suốt dòng lịch sử. Tại sao chúng ta không suy gẫm và thừa hưởng?

Những bài báo anh từng viết, cùng tiểu thuyết Ngẫu tượng và Nghiệp chướng cho thấy anh rất hiểu và yêu Đà Nẵng cũng như Sài Gòn. Từ góc nhìn của một người gắn bó với TP.HCM hơn 40 năm qua, anh thấy thành phố này đã thừa hưởng và giữ được hồn Việt ấy tới đâu?

– Bốn thành phố mà tôi sống và gắn bó là Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn và Đà Lạt. “Chân dung” của đất nước được hình thành trong tôi qua “chân dung” của bốn thành phố đó. Tôi là người thành phố từ nhiều đời, nên không chỉ cả một đô thị, mà từng góc phố đã là “chốn thôn ổ” của người thị dân, nên mất mát dù chỉ một cành cây, một cột đèn cũng đều không nhỏ.

Tôi thích suy gẫm của Văn Cao trong bài thơ Giấc mơ: “Dưới mái nhà, một người đang ngủ với giấc mơ của những vì sao”. Chúng ta nghĩ lớn nhưng sống nhỏ, ta mơ mộng tầm vũ trụ nhưng thích loanh quanh trong những kỷ niệm gắn bó quanh mình. Khi về Huế tôi vẫn chỉ thích ở quanh khu An Lăng, An Cựu – nơi có ngôi trường mà tôi theo học từ bé, tôi yêu câu nói của cụ Phạm Quỳnh trong tác phẩm Mười ngày ở Huế ông viết hồi đầu thế kỷ, đại ý: thành quách này phải rêu phong như thế, từng cọng cỏ hoang mọc trong một góc tường thành cũ cũng nên được lưu giữ vì đó mới chính là hồn phách, phong vị của đất Thần Kinh.

Ở Sài Gòn, tôi vẫn thích nhất đường Lê Quang Định “cổ”. Con đường thuần chất Nam Bộ chạy xuyên tỉnh Gia Định xưa (nay là từ Bình Thạnh xuyên Gò Vấp), cong cong tự nhiên, phát triển từ một lộ đất cũ chứ không quy hoạch thẳng thớm, dọc theo đó bao nhiêu là cổ thự, chợ xưa, đình làng. Ngày bé, tôi còn được thấy cả những chiếc xe thổ mộ chạy cóc cách chở hàng lên chợ Bà Chiểu… Gia Định mới chính là chất Việt, vì thời Pháp thuộc, nội ô Sài Gòn là khu Tây hoặc Tây hóa, các dòng họ, gia đình Việt thuần chất, khá giả hay cư dân thường thì sống nhiều ở Gia Định, có thể hiểu là bắt đầu từ cầu Bông qua lăng Ông Bà Chiểu bây giờ, đệm giữa khu Tây và Việt đó là khu Đa Kao, chạy dọc đường Đinh Tiên Hoàng, người Tây cho nhiều người Việt gốc Hoa sinh sống ở đây như một vùng đệm.

Dù sao Sài Gòn cũng là một “thành phố ngã ba đường” (tên của một nghiên cứu của UNESCO từ lâu về các thành phố là điểm giao lưu và chuyển hóa rất dữ), cộng với sức ép của phát triển, ta không thể cản được nó tiến về phía trước. Chúng ta đành chấp nhận trong lo âu và hi vọng…

Nhà văn Lưu Vĩ Lân – Ảnh đồ họa: Nguyên Sa

TÂM THỨC NÚI, TÂM THỨC RỪNG TẠO NÊN TÂM HỒN THẾ HỆ CHÚNG TÔI

Mật đạo gây ấn tượng với những trang viết hay và kỹ lưỡng về vùng đất Quảng Trị – “nơi chốn bất thường của lịch sử”, về đại ngàn hùng vĩ, sự tao ngộ kỳ diệu giữa con người và thiên nhiên, những rung cảm tinh tế với đất trời. Chắc anh đã thật sự “sống” với một cánh rừng mới có thể viết như vậy?

– Tôi mở mắt chào đời giữa cảnh sơn thủy kỳ vĩ của miền Trung, thị xã Đà Nẵng cổ kính, buổi chiều ngồi bên sông Hàn nhìn đỉnh Sơn Trà nghe câu ca dao: “Chiều chiều mây phủ Sơn Trà/ Sấm rền Non Nước trời đà chuyển mưa”. Các ngọn núi Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn (Non Nước), rồi Hải Vân sơn xa xa ngự trị trong tâm thức người miền Trung, đó là tâm thức núi. Núi, rừng bao bọc quanh họ. Cách Đà Nẵng chưa tới 30 cây số về phía tây có vùng Thượng Đức, một cửa ngõ từ đồng bằng đi vào núi mẹ Trường Sơn, với rừng, đồi, núi bao phủ hùng vĩ… Đây cũng là chiến địa cho một thư hùng khốc liệt để mở lối xuống đồng bằng của “đoàn quân trên non cao”.

Cuộc đấu tranh thống nhất bắt đầu từ rừng núi, từ thuở đó các địa danh kỳ bí của rừng theo hơi thở của chiến tranh đã văng vẳng vọng vào lòng các thiếu niên đô thị chúng tôi: Khâm Đức, Thượng Đức, Khe Sanh, Đường 9, trận đánh Ashau, A Lưới, đồi Thịt băm, sông Thạch Hãn, thành cổ Quảng Trị, đường mòn Hồ Chí Minh… Tâm thức núi, tâm thức rừng hòa lẫn với tiếng “đại bác đêm đêm vọng về thành phố” đã tạo ra tâm hồn thế hệ chúng tôi. Tôi viết về rừng là vì vậy.

Mật đạo có nhiều suy tư triết học, suy tưởng về ý nghĩa cuộc đời. Dường như cảm thức về sự hư vô của kiếp người, về “bản chất ảo ảnh của cuộc đời” đã đeo đuổi anh, từ những bài suy niệm trong tập sách Bức tĩnh vật của sương khói (2011) cho đến tiểu thuyết đầu tay này?

– Mật đạo là tiểu thuyết không dễ đọc, tôi biết như thế. Sau Mật đạo, hai quyển Ngẫu tượng và Nghiệp chướng tôi viết khác đi, nhưng vẫn ao ước sẽ quay lại thực hiện một tác phẩm theo phong cách này.

Viết Mật đạo trong hơn bốn năm, tôi thấy mình như Từ Thức lạc thiên thai, cứ mỗi lần trầm mình vào tác phẩm tôi thoát xác và sống ở một kiếp khác, một đời khác. Cuốn sách chắc không dành cho đa số, nhưng cho riêng tôi (và có lẽ một vài người đồng cảm khác) thì đó là một ân sủng.

Như ông Lam – nhân vật chính – tìm đến sống bên lề của vô tận, nơi bìa rừng, giáp tuyến giữa đời thực và đại ngàn hoang liêu, tôi hiểu, chỉ khi sống cận biên như thế ta mới nhận ra: chỉ một bước nhỏ nữa thôi là ta có thể tan biến vào vô tận.

Nói như thầy Nhất Hạnh trong tác phẩm Nẻo về của ý, trong một khoảnh khắc thần khí, thầy đứng ở Phương Bối giữa cánh rừng hoang sơ khi trời vừa dứt cơn mưa, cố nhìn xuyên qua lớp sương mù đang chuyển hóa và thốt lên rằng: “Chỉ một chút nữa thôi tôi đã có thể thấy được điều tôi tìm kiếm suốt đời”. Tôi cũng vậy, khi trầm mình vào Mật đạo, chỉ một chút nữa thôi tôi đã có thể tiệm cận với hư vô.

🍂🍀🌞

Trân trọng những gã doanh nhân phiêu lãng

Ở Nghiệp chướng, tiếp nối từ câu chuyện về các nhà tư sản dân tộc ở Mật đạo, anh theo đuổi một đề tài mới lạ: cuộc cải tạo công thương khi đất nước thống nhất dưới góc nhìn của người miền Nam, rộng hơn là câu chuyện kinh doanh theo thời cuộc. Có vẻ đề tài về những người làm kinh doanh sẽ còn là một “vỉa quặng” lớn của anh?

– Gia đình tôi là dân kinh doanh, từ giữa thập niên 1960 đã xây dựng một chuỗi nhà hàng mang tên Nhà hàng Việt Nam mà chúng tôi chỉ kịp phát triển ở hai điểm là Đà Nẵng và Sài Gòn (Nha Trang là điểm dự kiến thứ ba nhưng không kịp). Lúc đó, các bậc tiền bối của tôi đã có định hướng nâng món ăn Việt Nam lên hàng cao cấp (60 năm trước chỉ có món Tàu, Tây mới đạt đẳng cấp nhà hàng, món Việt chỉ là thức ăn bình dân nằm ở các hàng quán). Và không chỉ thức ăn Việt mà phong cách Việt cũng được đưa vào trong thiết kế với các bụi tre trồng trước cửa, ốp tre bên trong, các đèn trang trí bằng ống tre… Ở Đà Nẵng nó còn có tên là Bamboo Restaurant (Nhà hàng Tre) nằm nổi trên sông Hàn. Còn ở Sài Gòn, Nhà hàng Việt Nam tọa lạc trên đường Mạc Đĩnh Chi sang trọng vào lúc đó. Ba tôi làm trong ban quản lý của Hãng tàu Container Sealand…

Vì vậy tôi yêu kinh doanh và khi làm báo, tôi viết về kinh doanh (khác với kinh tế). Giờ khi cầm bút cho nghiệp văn chương, tôi thấy mình rất thuận để hiểu về cuộc sống, cách nghĩ, những lo âu, những hãnh diện của các doanh nhân. Tôi trân trọng những “gã phiêu lãng” này, tôi biết họ hầu hết đều rất lãng mạn vì bản chất kinh doanh là một cuộc phiêu lưu lớn có thể đánh đổi cả một sản nghiệp, một gia đình, nhiều cuộc đời trong cuộc chơi đầy thành bại này… Tôi sẽ tiếp tục viết về họ.

🌟🍀🍒

Một góc nhìn đáng soi chiếu về lịch sử Việt đương đại

Nhà báo Lưu Vĩ Lân là người góp phần sáng lập, cải tiến và làm thư ký tòa soạn những tờ báo có dấu ấn riêng của làng báo Sài Gòn như Nhà ĐẹpKiến Trúc và Đời Sống, Ý Tưởng và Sản PhẩmVietNamNet… Anh cũng là cây bút quen thuộc của Tuổi Trẻ Cuối Tuần với những bài báo có những liên hệ Đông – Tây sâu sắc, am hiểu thời cuộc trong – ngoài nước, những chia sẻ trầm tĩnh, hướng đến xây dựng một tâm thức xã hội ôn hòa vì một đất nước phát triển.

Ba cuốn tiểu thuyết (NXB Hội Nhà Văn) của Lưu Vĩ Lân – mỗi quyển vừa có thể đứng độc lập vừa có thể hòa vào mạch chủ đề chung – góp một góc nhìn riêng về ba giai đoạn của lịch sử Việt đương đại.

Theo dõi câu chuyện làm ăn của nhóm Gia đình từ năm 1943 đến 1968 trong Mật đạo, người đọc được nhìn cuộc chiến Việt Nam từ cả hai phía, cảm khái với tâm tình người Việt giữa tình cảnh đất nước bị chia đôi; bất ngờ với những doanh nhân lịch lãm và độc lập từ thuở nước non còn oằn mình dưới bom đạn; bị hấp dẫn bởi sự “dấn thân vào hoang liêu” của nhân vật chính.

Đọc Ngẫu tượng, độc giả lại được mục kiến những ngày tháng 3 và tháng 4-1975 ở Huế và Đà Nẵng, tiếp cận một góc nhìn sắc bén về cuộc “triệt thoái” của quân đội Việt Nam cộng hòa, về bản chất của cuộc chiến; ngậm ngùi cùng những suy tư đầy phản tỉnh của một vị tướng kiêu hùng đang phải đối diện với những ngày trở thành bại tướng…

Với Nghiệp chướng, công cuộc làm ăn ở Sài Gòn sau ngày 30-4-1975 với nhiều khó khăn lẫn thời cơ cần nắm bắt ở buổi giao thời hiện lên đầy cảm xúc qua đôi mắt bao dung của một doanh nhân bị “làm khó” bởi cuộc cải tạo công thương nghiệp… Góc nhìn nhiều cảm thông ấy có thể còn gây tranh cãi, nhưng câu chuyện mà tác giả chọn kể, như hai cuốn trước, vẫn thật độc đáo, để rồi đọng lại với người đọc vẫn là “cái tâm của dân tộc này là hiền lành”…

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ cuối tuần, ngày 17/04/2021

Bình luận


Bài viết mới

  1. LÒNG TỪ ÁI
  2. NĂM NGUỒN LỰC THÀNH CÔNG LÀ GÌ?
  3. NHÓM VÀ CÁCH LÀM VIỆC THEO NHÓM