NHẪN NHỤC ĐỘ VÔ CỰC

KINH LỤC ĐỘ TẬP

Trích: Kinh Lục Độ Tập, quyển 5; Hán dịch: Đời Đông Ngô, Sư-môn Khương Tăng Hội, người nước Khương cư; Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Hạnh Nhẫn nhục của các Đại Bồ Tát

Thế nào gọi là Nhẫn nhục độ vô cực?

Bồ-tát suy nghĩ sâu xa: “Thần thức của chúng sinh bị ngu si khuất lấp nên cống cao, tự đại, thường muốn hơn kẻ khác. Những sự tốt đẹp của quan tước, đất nước, sáu tình đều muốn riêng mình giành hết. Nếu thấy người ta có thì đâm ra ganh ghét, tham lam một cách ngu si. Trong thì hừng hực tham lam, ganh ghét, ngoài mặt thì sân giận bừng bừng, không biết dừng lại. Những cái đó làm cho con người say sưa điên cuồng nên mãi mãi ở trong cảnh tối tăm, lần hồi trong năm đường, nơi ngục Thái sơn thiêu nấu, trong nẻo ngạ quỷ, súc sinh… chồng chất không biết bao nhiêu lần khổ”.

Bồ-tát thấy những điều đó liền hiểu ra, buồn bã than:

– Chúng sinh do đó mà mất nước, tan nhà, hại thân mạng, diệt họ hàng. Họ sống thì chịu những hoạn nạn ấy, chết thì chịu khổ nơi ba đường ác. Họ phải chịu như vậy đều do không thể ôm nhẫn làm lành.

Bồ-tát hiểu ra điều đó, liền tự thệ:

– Ta thà chịu cái đau đớn của nước sôi, lửa bỏng, cái hoạn nạn bị băm vằm, trọn không hề sân hận, gây độc hại đối với chúng sinh. Phàm nhẫn những điều không thể nhẫn là cội nguồn của muôn phước.

Từ khi Bồ-tát biết rõ như vậy trở về sau, đời đời tu hạnh từ bi. Chúng sinh có theo mình mắng chửi, đánh đập, cướp đoạt của báu, vợ con, đất nước, nguy thân, hại mạng Bồ-tát liền dùng phước đức nơi sức nhẫn của chư Phật để diệt trừ độc hại của sân giận, luôn từ bi thương xót, tìm đến để tế độ giúp đỡ họ. Nếu chúng sinh ấy thoát khỏi tội lỗi thì Bồ-tát lấy làm hoan hỷ.

???

43- Thuở xưa, có vị Bồ-tát tên là Thiểm, thường mang lòng Từ rộng lớn thấm nhuần khắp chúng sinh, thương xót hạng ngu muội không thấy ba ngôi báu, bèn đem cha mẹ mình vào ở trong chốn núi đầm. Cha mẹ tuổi đã cao, đôi mắt lại mù lòa, nên Thiểm lấy làm thương xót, khổ sở, nói ra rơi nước mắt. Đêm đêm, ông thức dậy ba lần để chăm sóc, hàn huyên, hạnh chí hiếu tỏa đức thơm lừng trời đất. Thần đất, rồng biển, người trong nước… đều hay biết. Ông phụng thờ Phật, làm mười điều thiện, không giết hại chúng sinh, không nhặt của rơi trên đường, giữ trinh không cưới vợ, các họa của thân đều dứt sạch. Nói hai lưỡi, nói lời ác độc, nói dối, nói thêu dệt, khen chê tà vạy… lỗi nơi miệng cũng đều diệt hết. Những dơ bẩn trong lòng như ganh ghét, sân giận, tham lam, tâm cấu uế… cũng đều tịch tịnh cả. Ông tin làm thiện được phước, làm ác mang họa, lấy cỏ tranh làm lều, lấy rơm rác làm chiếu, thanh tịnh vô dục, chí như vàng trời. Trong núi có suối chảy, giữa dòng sen mọc, quanh bờ trái cây ngon ngọt đầy khắp. Sớm dậy đi hái quả, chưa từng dành phần trước, lòng nhân từ ấy thấu xa, cầm thú gần gũi cậy nhờ.

Một hôm, ông Thiểm đi lấy nước về cho cha mẹ dùng thì gặp phải lúc vua nước Ca-di vào núi săn bắn. Nhà vua giương cung lắp tên bắn hươu nai núi, nhưng lại nhầm trung vào ngực Thiểm. Chất độc của mũi tên hoành hành, đau đớn không thể tả. Ông ngoái trông hai bên, rồi khóc kêu lớn:

– Ai đã dùng một mũi tên mà giết chết ba đạo Sĩ? Song thân ta tuổi cao, lại đều bị mù lòa, một ngày không có ta, chắc đều phải mất mạng.

Lại cất tiếng than:

– Voi chết vì ngà, tê giác chết vì sừng, chim thú chết vì lông… ta đây không ngà, không sừng, cũng không lông rực rỡ thì vì cái gì mà chết?

Nhà vua nghe tiếng kêu thảm thương, liền xuống ngựa, hỏi:

– Nhà ngươi làm gì trong núi sâu?

Đáp:

– Tôi đem cha mẹ vào ở trong núi này để từ bỏ sự dơ bẩn của cuộc đời, tinh tấn tu học đạo lớn.

Nhà vua nghe Thiểm thưa, nghẹn ngào rơi nước mắt, càng đau đớn thương xót ông, nên nói:

– Ta là kẻ bất nhân, tàn hại sinh mạng loài vật, lại còn giết chết người con chí hiếu.

Rồi cất tiếng than thở:

– Sao lại đến nỗi này?

Quần thần lớn nhỏ không ai là không nghẹn ngào. Nhà vua lại nói:

– Ta đem cả nước để cứu mạng ngươi. Xin chỉ chỗ song thân ngươi ở, ta muốn đến để tạ tội.

Ông Thiểm nói:

– Nhân theo lối nhỏ này, đi đến chỗ kia không xa thấy một lều cỏ, cha mẹ tôi ở trong ấy. Xin nhà vua vì tôi nói với song thân: tôi từ đây xin vĩnh biệt, những năm tháng còn lại xin thận trọng, không nên luyến nhớ.

Thiểm nói rồi lại càng đau xót, chốc lát thì mất. Nhà vua cùng quân Sĩ lại một lần nữa thổn thức. Họ tìm theo đường đã chỉ đến đúng chỗ cha mẹ ông Thiểm ở. Nhà vua đi có nhiều người theo, tiếng cỏ cây sột soạt, cha mẹ Thiểm nghi là có người lạ, lên tiếng hỏi:

– Người nào đi đó?

Nhà vua đáp:

– Là vua nước Ca-di.

Cha mẹ Thiểm nói:

– Nhà vua đến đây rất tốt, nhà chỉ có chiếu cỏ xin ngài nghỉ mát, có quả ngọt để ngài dùng, con tôi đi lấy nước sắp về ngay đây.

Nhà vua thấy cha mẹ ông ấy đem lòng thương đợi con về, lại nghẹn ngào lần nữa. Nhà vua gọi họ bảo:

– Ta thấy hai đạo Sĩ đã thương đợi con về, lòng ta xót đau không lường, ông Thiểm con của đạo Sĩ bị ta bắn chết rồi.

Cha mẹ Thiểm kinh hãi nói;

– Con tôi vì tội gì mà giết nó thế? Tánh khí của nó nhân từ, đạp đất còn sợ đất đau. Nó có tội gì mà nhà vua giết nó?

Nhà vua nói:

– Quả thật con ông là một người con chí hiếu, là một bậc thượng hiền, ta săn bắn hươu nai, nhầm trúng ông ấy thôi.

Cha mẹ Thiểm nói:

– Con tôi đã chết! Chúng tôi biết sẽ nương vậy vào đâu, hôm nay chắc phải chết thôi. Xin đại vương đưa giúp hai mạng già chúng tôi đến chỗ thi thể của con, quyết gặp lần cuối, hầu chết được chung mồ.

Nhà vua nghe lời nói ấy, càng thêm xót thương, rồi đích thân dẫn cha mẹ Thiểm đến chỗ xác chết.

Người cha lấy tay sờ lên đầu gối, người mẹ thì ôm lấy chân con trai, hôn chân con thành tiếng, cả hai đều dùng tay sờ lên vết thương bị tên, đấm ngực, đập má, ngẩng đầu kêu:

– Thần trời, thần đất, thần cây, thần nước… con ta là Thiểm đó, thờ Phật, tin Pháp, tôn kính Hiền thánh, hiếu thuận song thân, lòng nhân từ rộng rãi hơn hết, thấm nhuần đến cả cỏ cây.

Rồi họ lại nói:

– Nếu xét thấy con ta lòng thành phụng Phật, chí hiếu thấu đến trời cao, thì tên phải được nhổ ra, độc hại được tiêu trừ, con được sống lại, làm tròn cái hạnh chí hiếu ấy. Còn nếu hạnh của con không được như vậy, lời của cha mẹ không thành thì xin được chết theo luôn để cùng làm tro đất một thể!

Trời Đế Thích, Tứ đại Thiên vương, Thần đất, Rồng biển, nghe lời thảm thương của cha mẹ Thiểm, đều tin lời nói ấy, ai ai cũng động lòng. Trời Đế Thích hóa thân xuống gọi song thân Thiểm bảo:

– Người con chí hiếu ấy ta có thể làm sống lại được.

Rồi ngài dùng thần dược của trời rót vào miệng Thiểm, bỗng nhiên ông được sống lại.

Cha mẹ và Thiểm, vua cùng quần thần tháp tùng đều vui buồn lẫn lộn, thảy cùng bậc khóc. Nhà vua nói:

– Do đức hạnh thờ Phật, chí hiếu, nên mới được như thế. Rồi vua ra lệnh cho quần thần từ nay về sau thúc đẩy dân chúng phải thờ phụng Phật và mười đức lành, tu theo hạnh chí hiếu của Thiểm.

Cả nước đều làm theo, sau đấy nước giàu dân mạnh, nên được thái bình. Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:

– Ta đời đời phụng thờ hạnh chí hiếu của chư Phật, đức cao, phước thịnh, nên đạt Bậc Thiên Trung Thiên, một mình qua lại ba cõi, ông Thiểm lúc ấy là thân Ta, còn quốc vương là A-nan, cha của Thiểm là cha Ta hôm nay, bà mẹ ấy nay là Xá Diệu mẹ Ta, trời Đế Thích là Di-lặc.

Bồ-tát thực hành pháp Nhẫn độ vô cực đã nhẫn nhục như vậy.

???

Kết quả luôn là những quả ngọt của những hạnh nhẫn cao quý.

44- Thuở xưa, Bồ-tát lúc làm Phạm chí, tên là San-đề-hòa, sống tại núi đầm, ngồi thiền bên gốc cây, dùng trái rừng, nước suối làm đồ ăn thức uống. Tâm cấu nhiễm được gột sạch, ở chỗ vắng lặng, sáu căn rộng tỏ, biết được hết mọi thứ. Hương thơm trí tuệ tỏa lừng tám hướng và trên dưới. Mười phương các Đức Phật, Duyên giác, Ứng nghi, cùng Thánh chúng không ai là không khen ngợi. Phạm vương, Đế Thích, Tứ thiên vương, rồng biển, thần đất… sớm chiều cung kính chắp tay cúi đầu, vâng theo đúng cách, ủng hộ nước ấy, gió mưa thuận thời, ngũ cốc được mùa, độc hại tiêu trừ, tai ương diệt hết, vua tôi giàu thịnh.

Vua nước này tên là Ca-lê vào núi săn bắn, đuổi theo hươu nai, tìm dấu chân chúng.

Khi đi qua trước chỗ Bồ-tát, nhà vua hỏi đạo Sĩ:

– Dấu thú qua đây, chúng về hướng nào?

Bồ-tát im lặng suy nghĩ: “Chúng sinh luôn bị rối loạn chỉ vì thân mạng, ham sống sợ chết, lòng ta nào có khác! Giả như ta chỉ cho nhà vua thì là bạo ngược, giết hại bất nhân, tội đồng với vua. Còn ta nói không thấy thì là nói dối gạt”. Lòng cảm thấy xấu hổ, nên cúi đầu không nói. Nhà vua liền nổi giận, bảo:

– Người ăn mày đáng chết! Ta là bậc chí tôn trong một nước mà hỏi ngươi không trả lời còn giả vờ cúi đầu ư?

Nước kia có lệ cho khảy móng tay là không nói. Bồ-tát buồn bã, khảy móng tay nói “không biết”. Bèn nói rõ với vua là mình không thấy.

Vua bảo:

– Dấu chân thú qua đây mà nói rằng không thấy, thì với thế lực lớn của nhà vua không giết ông được ư?

Bồ-tát nói:

– Tôi xin nghe theo lời vua.

Nhà vua hỏi:

– Ông là ai vậy?

Đáp:

– Tôi là người nhẫn nhục.

Vua nổi giận rút kiếm chém cánh tay phải. Bồ-tát nghĩ: “Chí ta chuộng đạo pháp, không tranh với đời, mà ông vua này còn dùng dao hại ta, huống gì là đối với dân chúng! Ta nguyện khi thành Phật sẽ trước độ ông ấy, để cho chúng sinh khỏi bắt chước theo những hành vi độc ác.”

Nhà vua lại hỏi:

– Ông là ai?

Đáp:

– Tôi là người nhẫn nhục.

Vua lại chặt cánh tay trái của Bồ-tát. Rồi cứ một lần hỏi là một lần chặt một bộ phận nơi thân thể. Vua chặt chân, cắt mũi, cắt tai…, máu chảy như suối, đau đớn vô lượng. Trời đất vì việc này mà chấn động, mặt trời liền tối sầm lại. Bốn Đại thiên vương đều kịp thời đến, giận dữ đồng thanh nói:

– Tên vua này tàn ác hết mực, thật không ai bằng!

Rồi họ nói với đạo Sĩ:

– Không phải bận lòng, chúng tôi sẽ giết bỏ tên vua này, cả vợ con, cùng tiêu diệt luôn cả nước để nêu rõ cái ác của hắn.

Đạo Sĩ đáp:

– Mấy ông nói gì thế? Cái tai ương này là do đời trước không vâng theo lời dạy của Đức Phật, đã gia hại ông ấy. Do đó làm ác thì họa theo như bóng theo hình.

Xưa gieo trồng ít mà nay gặt hái nhiều. Ta nếu thuận theo ý của các vị thì họa như trời đất, phải nhiều kiếp chịu tội lỗi, há có thể hết được sao?

Chúng dân thấy có biến vội vàng chạy đến, nhận lỗi, đồng thanh nói:

– Đạo Sĩ ở đây, ân lớn giúp đỡ khắp đất nước, tai ương qua hết, dịch bệnh tiêu trừ, mà ông vua này quá ư ngu si không biết phải trái, không rõ nẻo tới lui, mà giết hại đức Thánh! Cúi xin Thánh nhân đừng đem chúng con, tâu lên Thượng đế!

Bồ-tát đáp:

– Vua đem điều ác vô cùng làm khốn khổ thân ta, nhưng lòng ta vẫn thương xót như mẹ hiền thương con. Còn chúng dân đây thì đâu có lỗi gì mà ta oán họ! Nếu còn nghi ngờ thì các ngươi cầm cánh tay của ta đã bị chặt đem lại đây.

Dân chúng cầm lấy, thì dòng sữa vọt ra. Bồ-tát nói:

– Vì ta có nỗi xót thương của người mẹ hiền nên nay bằng chứng ấy đã hiện ngay đây.

Dân chúng thấy được bằng chứng rộng lớn, không ai là không vâng theo lời dạy và vui mừng lui về.

Bồ-tát có người em, cũng đã thấy được nguồn đạo, đang ở tại một núi khác, dùng Thiên nhãn nhìn thấu suốt, thấy Trời, Thần, Quỷ, Rồng hội nhau bàn bạc về cái ác của vị vua kia, không ai là không phẫn nộ. Sợ người anh mình có chỗ tổn hại đến tâm đức nên dùng thần lực đi đến chỗ người anh, hỏi:

– Những vết thương ấy có đau đớn lắm không?

Bồ-tát đáp:

– Không sao! Nếu em muốn rõ về bằng chứng của ta thì hãy lấy tay, chân, tai, mũi rời ra đó sắp vào chỗ cũ. Nếu nó liền lại thì niềm tin của ta đã hiện rõ.

Người em nối các thi thể của anh, tức thì chúng đã liền lại. Người anh nói:

– Niềm tin về lòng Từ bi rộng khắp của ta đến nay đã hiện rõ. Thần trời, Thần đất không ai là không vui mừng, cúi đầu khen ngợi, rồi khuyến khích dắt dẫn nhau lập chí tu hạnh cao, thọ giới mà lui về.

Từ đó về sau mặt trời mặt trăng, không còn ánh sáng, năm sao cũng hết thấy dạng, yêu quái dẫy đầy, thời tiết khô hạn, ngũ cốc khan hiếm, dân chúng khốn khổ đều đem lòng oán thán vị vua. Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:

– Ông San-đề-hòa khi ấy là thân Ta, người em là Đức Di-lặc, nhà vua nay là La-hán Câu-lân.

Bồ-tát thực hành pháp Nhẫn độ vô cực đã nhẫn nhục như vậy.

???

48- Thuở xưa, Bồ-tát cùng A-nan đều có tội phải làm thân rồng. Một con rồng nói:

– Ta với anh cùng ở trong biển, không chỗ nào là không trông thấy, nay chúng ta có thể lên đất liền dạo chơi chăng?

Một con đáp:

– Người ở trên đất liền hay dấy lòng ác, nếu gặp phải chuyện bất thường thì mình không thể thoát ra.

Rồng nọ lại nói:

– Hay ta hóa làm rắn nhỏ! Nếu đường không người thì ta tìm đường lớn đi chơi, gặp người thì trốn, nào lo sợ gì?

Cả hai đều đồng ý, liền lên đất liền dạo chơi. Ra khỏi biển chưa bao lâu, giữa đường gặp con rắn hổ ngậm độc. Con rắn hổ thấy hai con rắn nhỏ thì niệm ác phát sinh, lòng muốn đến hại, liền phun bọt độc vào hai con rắn nhỏ. Một con rắn nảy ý muốn dùng thần oai giết chết con rắn hổ kia. Một con thì tâm Từ nhịn nhục, can ngăn:

– Phàm là kẻ cao Sĩ thì phải xá cho bọn ngu dại chứ. Phải nhẫn được điều không thể nhẫn dược, đó mới là đại giới chân chánh của Phật.

Liền nói kệ:

Tham dục làm điên dại

Không có lòng nghĩa nhân

Ganh ghét muốn hại Thánh

Chỉ lặng nhẫn là yên.

***

Ai phi pháp không tuân

Trong lòng không thương xót

Tham ác hại bố thí

Chỉ lặng nhẫn là yên.

***

Người phóng dật không giới

Khốc hại mang lòng ác

Không vâng thuận đạo đức

Chỉ lặng nhẫn là yên.

***

Quên ân không đền đáp

Giả vờ làm dối nịnh

Ấy là ngu si quá

Chỉ lặng nhẫn là yên.

Một con rắn thì ca tụng đức nhẫn nhục, nói kệ để nêu bày đủ nghĩa lý, còn một con thì cung kính thọ trì nên không hại con rắn hổ độc kia. Một con rắn nói:

– Thôi chúng ta trở về biển, nên chăng?

Rồi cùng nhau đồng ý ra về, trổ oai thần làm chấn động cả trời đất, nổi mây sa mưa, rồng thiên biến hóa làm sáng rực cả vùng biển, người quỷ đều kinh hãi. Con rắn hổ kinh hoàng sợ hãi, chết giấc không biết, bảy ngày bỏ cả ăn uống.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

– Con rồng muốn hại con rắn độc lúc bấy giờ là ông A-nan, con rồng nói pháp nhẫn là thân Ta, còn con rắn hổ ngậm độc là Điều-đạt. Bồ-tát đời đời tu hành nhẫn nhục. Tuy ở loài cầm thú mà không hề quên hạnh ấy.

Bồ-tát thực hành pháp Nhẫn độ vô cực đã nhẫn nhục như vậy.

???

49- Thuở xưa, có đất nước tên là Ma-thiên-la, vị vua tên là Nan, học thông thần minh, không chỗ tối nào là không thấy. Biết rõ cõi đời là vô thường, nên nói:

– Thân ta rồi sẽ mục nát làm phân bón cho đời, thì đất nước làm sao giữ mãi được!

Bèn từ bỏ vinh hoa dục lạc, mặc pháp phục của bậc Đại Sĩ, một bát ăn là đủ, thọ giữ giới luật của Sa-môn, lấy núi rừng làm chỗ ở đã ba mươi năm. Ở mé rừng cây, có cái hầm, hầm sâu những ba mươi trượng. Một hôm, có tên thợ săn vội đuổi bắt hươu bị rơi vào hầm. Cùng lúc, có con quạ và một con rắn do kinh sợ nên bị rơi xuống đấy, thân thể đều bị thương, cùng khốn đốn cả. Cả ba ngửa mặt lên trời kêu khóc, tiếng than thật bi ai, thê thảm. Vị đạo Sĩ nghe bùi ngùi, dùng lửa soi thấy chúng nước mắt ràn rụa, đến bên hầm bảo:

– Các ngươi đừng buồn, ta sẽ cứu các ngươi khỏi nạn lớn này.

Đạo Sĩ liền làm một sợi dây treo thòng xuống để chúng leo lên. Ba người, vật hoặc ngậm bằng miệng, hoặc nắm bằng tay, đều được cứu toàn mạng, tất cả cúi đầu lạy tạ ân đạo Sĩ, nói:

– Mạng sống chúng tôi như ngọn đuốc leo lét trước gió, đạo Sĩ nhân từ rộng khắp vô lượng, nên hôm nay chúng tôi mới còn nhìn thấy ánh mặt trời. Xin nguyện trọn đời này chu cấp mọi thứ gì ngài còn thiếu thốn để báo đền ân sâu trong muôn một.

Vị đạo Sĩ nói:

– Ta là quốc vương nước lớn, dân nhiều, cung báu, thể nữ… đứng trên các nước, cầu gì có ngay, muốn gì chẳng được. Nhưng ta cho đất nước là hang oán thù, cho sắc, thinh, hương, vị, y phục phô trương, niệm tà là sáu lưỡi kiếm chặt đứt thân ta, là sáu mũi tên bắn vào mạng ta. Do sáu thứ tà này mà phải luân chuyển chịu khổ khốc liệt trong ba đường, khó nhẫn, khó kham, nên ta rất chán mới bỏ đất nước để làm Sa-môn, nguyện chứng được Bậc Như Lai Vô Sở Trước Chánh Chân Giác Đạo Tối Chánh Giác Đạo Pháp Ngự Thiên Nhân Sư, để giáo hóa dẫn dắt chúng sinh khiến họ trở về với cội nguồn của mình, há chỉ cứu có ba các ngươi thôi sao? Các ngươi trở về nơi ở cũ, gặp người thân của mình thì hãy khiến họ quy y ba ngôi báu, không làm trái điều Phật dạy.

Tên thợ săn nói:

– Tôi sống ở đời nhiều năm, tuy thấy các nho Sĩ tích đức làm thiện nhưng há có ai như đệ tử của Đức Phật, quên mình cứu người, ở ẩn mà không nêu danh ư!

Nếu đạo Sĩ có đi khất thực, nguyện xin ngài đến nhà để tôi cúng dường.

Quạ nói:

– Con tên là Bát, nếu đạo Sĩ gặp nạn thì xin gọi tên là con vội vàng đến ngay.

Rắn nói:

– Con tên là Trường, nếu đạo Sĩ gặp hoạn nạn gì thì xin gọi tên là con nhất định đến để đền ân. Nói xong lời từ biệt, chúng đều lui về hết. Một ngày kia, đạo Sĩ đi đến nhà người thợ săn. Tên này từ xa trông thấy đạo Sĩ đến thì nói với vợ:

– Người tới kia là kẻ chẳng lành, nếu ta có bảo làm cơm thì cứ thong thả mà nấu nướng, lão ấy quá ngọ là không ăn nữa.

Người vợ thấy đạo Sĩ đến làm ra vẻ vồn vã, giả bộ lưu lại để đãi cơm, nhưng rồi cứ ngồi đó nói chuyện suông đến quá ngọ, đạo Sĩ bèn cáo lui ra về. Đến núi thấy quạ, gọi tên Bát, con quạ hỏi:

– Ân nhân đi đâu về?

Đáp:

– Từ nhà thợ săn về.

Quạ hỏi:

– Ngài đã ăn gì chưa?

Đáp:

– Hắn làm cơm chưa xong thì đã quá ngọ rồi, không đúng giờ ăn nên ta đành lui về.

Quạ nói:

– Đồ quỷ tội lỗi, hung ác! Gặp nạn, người ta đem lòng Từ cứu vớt cho, vậy mà trái nhân, bội ân, là tội hung nghịch lớn nhất. Con không có đồ ăn thức uống để cúng dường, xin ngài hãy nán ngồi lại đây, con đi giây lát sẽ trở về.

Rồi nó bay đến nước Bàn-già, vào hậu cung của nhà vua thấy hoàng hậu nằm ngủ, trong các bảo vật trang sức trên đầu có hạt ngọc minh nguyệt, quạ liền gắp lấy rồi vội bay về, đem dâng lên cho đạo Sĩ. Phu nhân của vua thức dậy tìm không thấy ngọc, liền tâu lên vua. Nhà vua ra lệnh cho thần dân, ai tìm được thì thưởng cho vàng, bạc, mỗi thứ một ngàn cân, trâu ngựa mỗi loài một ngàn con, nếu ai tìm được mà không đem dâng thì bị tội diệt cả dòng họ.

Đạo Sĩ được ngọc rồi đem cho tên thợ săn. Tên thợ săn liền bắt ngài trói lại đem đến tâu với vua. Nhà vua hỏi:

– Ngươi được ngọc này từ đâu?

Vị đạo Sĩ thầm nghĩ: “Nếu ta nói thực ra thì loài quạ trên cả đất nước đều bị chết hết. Còn nếu nói trộm lấy được thì không phải là đệ tử Phật”. Rồi ngài nín lặng chịu mọi sự tra khảo, bị đánh đập hàng ngàn gậy, không chút oán vua, cũng không hề thù tên thợ săn, chỉ khởi tấm lòng Từ rộng lớn, thề nguyện:

– Nguyện được làm Phật để cứu độ hết khổ của chúng sinh.

Nhà vua bảo:

– Đem chôn sống đạo Sĩ, chỉ chừa cái đầu để ngày mai sẽ chém.

Lúc này đạo Sĩ mới gọi tên con rắn:

– Trường ơi!

Con rắn thầm nói:

– Thiên hạ không ai biết tên ta, chỉ có đạo Sĩ thôi! Nay đã tiếng gọi tên thì ắt phải có chuyện gì đấy.

Nó vội vàng chạy đến thì thấy đạo Sĩ bị hoàn cảnh như thế. Nó cúi đầu hỏi:

– Vì sao ngài phải đến nỗi này?

Vị đạo Sĩ thuật lại đầy đủ sự việc như trên. Rắn rơi nước mắt nói:

– Lòng nhân từ của đạo Sĩ như trời đất mà còn bị tai họa, huống chi kẻ vô đạo thì có ai giúp đỡ được? Trời nhân từ không oán! Ông vua này chỉ có thái tử là con duy nhất, không ai nối dõi. Con sẽ vào cung cắn chết thái tử, ngài dùng thần dược của con truyền cho thái tử là khỏi ngay.

Đêm đến, rắn bò vào cung cắn chết thái tử, nhà vua cho quàng xác ba ngày và ra lệnh:

– Ai cứu sống được thái tử ta sẽ chia nước mà cai trị!

Rồi chở thái tử vào núi để hỏa táng, đường đi qua bên cạnh chỗ chôn đạo Sĩ. Đạo Sĩ hỏi:

– Thái tử bệnh gì mà đến nỗi phải chết? Hãy khoan hỏa táng, ta có thể làm cho thái tử sống lại được.

Kẻ tùy tùng nghe nói, vội về tâu lên vua. Nhà vua buồn vui lẫn lộn, lòng lại càng xót thương, nói:

– Ta sẽ xá tội và chia nước cho ngươi làm vua!

Đạo Sĩ đem thuốc truyền vào thân thái tử, thái tử bỗng đứng lên nói:

– Tại sao ta lại ở đây?

Kẻ tùy tùng thưa rõ đầy đủ nguyên nhân. Thái tử trở về, trong cung lớn nhỏ đều vui mừng, nhảy múa. Nhà vua chia nước ban cho, đạo Sĩ một mực từ chối. Nhà vua sực tỉnh nghĩ ra:

– Chia nước còn không nhận thì há có việc trộm ngọc báu ư?

Nhà vua hỏi:

– Ngài là người nước nào? Vì sao lại làm Sa-môn? Ngọc này ngài có được từ trường hợp nào? Hạnh cao như thế bỗng mắc phải hoạn nạn này là do từ đâu?

Đạo Sĩ liền thuật rõ hết cả đầu đuôi. Nhà vua thương xót khóc, nước mắt đầy cả mặt.

Rồi vua cho gọi tên thợ săn đến nói:

– Nhà ngươi có công lao với nước, hãy cho gọi hết bà con đến đây, ta muốn ban thưởng trọng hậu.

Người thân của tên thợ săn bất kể lớn nhỏ đều kéo nhau đến cửa cung. Nhà vua nói với họ:

– Bất nhân, bội ân, đứng đầu các tội ác, hãy giết hết chúng đi.

Từ đó đạo Sĩ vào núi học đạo, tinh tấn không mệt mỏi, sau khi mạng chung được sinh lên cõi trời.

Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:

– Vị đạo Sĩ khi đó là thân Ta, con quạ là Thu Lộ Tử, con rắn là A-nan, tên thợ săn là Điều-đạt, còn vợ tên thợ săn là con gái của Hoài Bàn.

Bồ-tát trải lòng nhân độ vô cực, đã thực hành nhẫn nhục như vậy.

???

52- Kinh Đến Nước Khỏa Thân

Thuở xưa, Bồ-tát là hai anh em chú bác, đều có vốn liếng trong nước. Một lần họ đem của cải đến quê hương người khỏa thân. Người em nói:

– Người nhiều phước thì ăn mặc tự nhiên đầy đủ, còn kẻ bạc phước thì nhờ đến sức lực của mình. Nay quê hương người khỏa thân ấy không có Phật, không có Pháp, không có chúng Sa-môn, đáng gọi là đất không có người. Chúng ta đến đó tranh thủ ý của họ đâu phải là chuyện dễ. Thôi thì vào nước họ phải theo phong tục của họ, tiến lui phải hợp nghi thức, tánh tình mềm mỏng, lời nói từ tốn, giấu sự sáng suốt, bày vẻ ngu dốt, ấy là lo nghĩ của bậc Đại Sĩ.

Người anh nói:

– Lễ nghi không nên giảm bớt, đạo đức không nên thoái lui, há có thể khỏa thân để hủy hoại các nghi lễ trước của ta sao?

Người em nói:

– Phép tắc lớn của bậc Tiên thánh là thà mất thân chứ không mất hạnh, đó là đạo thường của giới. Trong vàng ngoài đồng để thích nghi theo thời, trước chê sau khen, đó là cái lớn của đạo quyền biến.

Rồi họ cùng đi đến nước ấy. Người anh bảo:

– Nay chú vào trước, xem thử sự thể thế nào rồi sai người về bảo thật cho ta.

Người em nói:

– Thưa vâng.

Khoảng mười ngày thì ông sai người về báo cho anh: “Nhất định phải theo đúng lễ nghi, phong tục của họ”.

Người anh nói ngay:

– Bỏ phong cách của người mà theo kiểu sống loài vật, đâu phải là hành động của người quân tử? Chú làm theo còn ta thì nhất định không. Phong tục nước ấy thì cứ lấy ngày rằm tháng cuối, đêm thường tổ chức vui chơi, dùng dầu mè, mỡ thấm ướt đầu, đất trắng vẽ thân, cổ đeo các loại xương, lấy hai viên đá đập vào nhau, rồi trai gái nắm tay nhau nhởn nhơ ca múa.

Bồ-tát cũng làm theo họ, nên người trong nước đều hân hoan. Vua yêu dân kính người khách đến với mình. Vua lấy hết của cải mua lại với giá thập bội. Người anh đi xe vào nước ấy, nói năng ra vẻ nghiêm túc, làm trái lòng dân, nên vua giận dân khinh, đã đoạt hết của cải mà còn đánh đập nữa. Người em cầu xin mãi mới được thả ra. Rồi cả hai trở về nước mình. Kẻ đưa tiễn người em đầy đường, còn người anh thì bị mắng rát cả tai. Người anh xấu hổ, giận nói:

– Bọn ấy cùng chú sao lại thân, cùng ta sao lại thù? Chú thì họ đem cho của cải còn ta thì chúng đoạt lấy, há không phải do chú gièm pha gì sao?

Rồi buộc đai người em, nói tiếp:

– Từ nay về sau, đời đời hại nhau, chứ không tha chú đâu!

Bồ-tát bùi ngùi rơi nước mắt, thề:

– Xin cho ta đời đời gặp Phật, thấy Pháp, thân phụng Sa-môn, rộng báo đáp bốn ân, cứu giúp chúng sinh, thờ anh như chính bản thân, không hề trái lời thề này.

Từ đó về sau người anh luôn cản trở, gây khó người em, còn người em thì thường cứu giúp người anh.

Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:

– Người em thuở ấy là thân Ta, người anh là Điều-đạt.

Bồ-tát thực hành tâm Bi nhu hòa độ vô cực đã nhẫn nhục như vậy.

???

Tu tập Nhẫn nhục Ba la mật là một trong sáu phẩm tính của mỗi một người học Phật.

53- Kinh Sáu Năm Nhịn Đói Trả Xong Tội

Thuở xưa, Bồ-tát làm vua nước lớn, quy kính ba ngôi báu, phụng giữ đủ mười điều thiện, đức bao trùm gần xa, không ai là không thuận theo. Binh đao không dấy, lao ngục không có, gió mưa đúng thời, nước mạnh dân giàu, bốn phương bình an, trên đường không lời ta thán. Sách tà nhảm nhí cả nước không đọc, lời chân của sáu độ mọi người đều tụng.

Bấy giờ có một người Phạm chí giữ khí tiết thanh tịnh, sống ẩn nơi núi rừng, không dự vào vòng tục lụy, chỉ lấy việc tu đức làm chính. Một đêm kia, khát nước nên đi uống, uống nhầm nước ao trồng sen của người trong nước. Uống rồi tự nghĩ: “Người kia mua ao này lấy hoa dâng cúng chùa, đền Phật, còn quả thì tự dùng. Ta uống nước ấy mà không xin chủ, tức là uống trộm. Phàm tạo cái họa ăn trộm thì trước phải vào ngục Thái sơn, thứ đến là làm súc sinh bị mổ thịt đem ra chợ bán để đền nợ kiếp trước, rồi nếu được làm người phải chịu kiếp nô tỳ, chẳng bằng ngay đời này ta sớm trả hết, không để họa về sau”.

Bèn đến thẳng cung vua tự cáo:

– Tôi đã phạm tội ăn trộm, cúi xin đại vương dùng luật pháp mà trị, đền xong đời này đời sau khỏi tội.

Nhà vua bảo:

– Đó là nước tự nhiên, không phải là vật báu, làm gì có tội?

Thưa:

– Phàm mua nhà tức là có giếng, chiếm ruộng tức là có cỏ. Múc nước, cắt cỏ, không báo cho chủ là không lấy. Tôi không báo cho chủ mà uống nước, há chẳng phải là ăn trộm sao? Xin vua xét xử.

Nhà vua nói:

– Việc nước còn nhiều, ông vào vườn ngự mà chờ.

Thái tử bảo Phạm chí vào sâu trong vườn ngồi chờ. Nhà vua vì bận bịu công việc nên quên bẵng đến sáu ngày. Bỗng nhiên vua nhớ ra, hỏi:

– Vị Phạm chí còn ở đó ư? Mau gọi ông ấy lại đây!

Phạm chí giữ giới, đói khát sáu ngày, đến đứng trước mặt vua, thân thể gầy gò, đứng dậy mà muốn ngã xuống đất. Nhà vua nhìn thấy rơi nước mắt, nói:

– Lỗi ta nặng lắm!

Hoàng hậu mỉm cười. Nhà vua sai người tắm rửa cho Phạm chí, sắm đủ các món ngon, rồi đích thân vua cúng dường, cúi đầu hối lỗi, nói:

– Ta làm vua, để dân đói tức là ta đói, dân rét tức là ta lạnh, huống chi lại tỏ ra sơ sót đối với bậc giữ đạo thi đức! Phước của thiện Sĩ cả nước không bằng cái đức của bậc hiền giả hạnh cao. Đất nước, dân chúng, được an ổn, bốn mùa thuận hợp, lúa thóc dồi dào, nếu không phải do đức của giới hạnh thì ai có thể làm được?

Rồi vua nói với đạo Sĩ:

– Uống nước không báo, tội còn như thế, huống gì là thực sự ăn trộm thì không có tội nặng hay sao? Vì vậy, ta tha cho ngài, ắt sau không còn họa nữa.

Phạm chí nói:

– Tốt lắm, xin đội ân lớn của vua.

Từ đó về sau, luân chuyển trong cõi sinh tử không bờ. Mãi đến khi sắp thành Phật, phải không ăn sáu năm, tội hết đạo thành. Do Câu-di tự giải, La-vân mới sinh ra. Thái tử bỏ nước, chuyên ở chốn núi rừng, bọn tà kiến đều cho là điên cuồng, tiếng bài báng không phải ít. Thái tử nghe được, nhịn nhục những lời chê bai ấy, dùng lòng Từ bi tế độ để đáp lại, phước đức nhiều lên, đạo quả được thành, chư Thiên nhĩm lại cúi đầu vâng theo, vua chúa, thần dân không ai là không quy mạng.

Đức Phật bảo các thầy Tỳ-kheo:

– Đức vua thời đó là thân Ta, phu nhân ấy là Câu-di, thái tử là La-vân. Phàm chuộng ác thì họa theo liền, thi ân đức thì phước về ngay, có thể không cẩn thận ư! Nhà vua quên đạo Sĩ, khiến đói sáu ngày, nên phải chịu tội nhịn đói sáu năm mới dứt. Sáu ngày sau vua đích thân cúng dường, nên nay sáu năm tai ương qua rồi, đạt thành đạo quả. Câu-di mỉm cười nên nay phải mang thai La-vân sáu năm bệnh nặng. Thái tử đem Phạm chí vào ở sâu trong vườn ngự, nên phải ở sáu năm nơi chốn tối tăm. Người ngu mê muội không rõ đường đi lối về, đem tâm ác đối với Phật, Sa-môn, Phạm chí. Chặt tay, cắt mũi thì đó chỉ khổ một đời.

Dối dùng tay đánh, dùng miệng chê bai càn bậy thì khi chết sẽ đọa vào địa ngục Thái sơn, bị quỷ kéo lưỡi ra đặt vào cát nóng, rồi đem trâu đến cày trên đó, lại còn dùng đinh cháy đóng lên năm vóc, muốn chết cũng không được. Họa dữ như thế, nên phải thận trọng, đừng làm theo nẻo tà vạy.

Bồ-tát thực hành pháp Nhẫn độ vô cực đã nhẫn nhục như vậy.

???

Nguồn: Kinh Lục Độ Tập, quyển 5

Hán dịch: Đời Đông Ngô, Sư-môn Khương Tăng Hội, người nước Khương cư.

Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Bình luận


Bài viết mới

  1. KHỔ ĐAU VÀ HẠNH PHÚC CHỈ LÀ CẢM NHẬN CHỦ QUAN
  2. VƯỢT QUA SỢ HÃI
  3. TÍNH NÔN NÓNG