NHÀNH MAI BÊN CỬA BIẾT ĐÀ NỞ CHƯA?

Trích: Nhà Sư và Khu Vườn, Lắng Nghe Giáo Lý Loài Hoa; Việt dịch: Hồng Hà; NXB Phụ nữ Việt Nam, 2024

26/01/2025
123 lượt xem

Ở thành phố New York, Mỹ, một người ăn xin nọ đang đứng run rẩy trong cái rét cắt da cắt thịt. Trước ngực ông đeo tấm biển ghi: “Tôi bị mù”, nhưng những người qua đường chẳng mảy may để ý, cái bát trước mặt ông chỉ vỏn vẹn vài đồng xu lẻ. 

Thấy vậy, một người đàn ông bèn bước tới, giúp người ăn xin sửa lại dòng chữ trên tấm bảng. Kỳ lạ thay, sau đó mọi người bắt đầu nhiệt tình bỏ đầy đồng xu vào bát. 

Dòng chữ đã được sửa lại thành: 

“Chẳng mấy nữa mà mùa xuân sẽ đến. Tiếc rằng tôi chẳng thể nhìn thấy mùa xuân.” 

Người sửa lại dòng chữ trên tấm bảng chính là nhà thơ người Pháp André Breton. Chỉ một câu: “Tiếc rằng tôi chẳng thể nhìn thấy mùa xuân” đã lập tức khiến bao người mở lòng. Dường như không thể ngắm nhìn trăm hoa đua nở là nỗi bất hạnh lớn nhất của đời người. Vì vậy ngay lúc này đây, nếu vẫn còn có thể cảm nhận và tận hưởng mùa xuân, xem như chúng ta đã có trong tay niềm hạnh phúc vô bờ. 

Tiến sĩ Yang Ju Dong, nhà ngôn ngữ học Hàn Quốc, giải thích nguyên gốc của từ “mùa xuân” (봄, bom) trong tiếng Hàn như sau: “Suốt mùa đông, vạn vật mắc kẹt dưới băng tuyết, khi trời ấm lên, băng tan, tất cả nhú khỏi mặt đất, ngẩng đầu “nhìn’ (보다, bo-da) thế giới, vì vậy mà mùa xuân mới được gọi là ‘bom’ trong tiếng Hàn.” 

Chưa gì tôi đã mong ngóng hoa xuân ló mặt gửi lời chào rồi. Thứ làm tan chảy băng tuyết trên núi không phải con người mà là hơi ấm của mùa xuân. Tôi từng đọc được câu chuyện như sau: người thầy hỏi học trò của mình sau khi tan tuyết sẽ biến thành gì, tất cả đều trả lời là nước, nhưng riêng một cậu bé lại nói: “Tuyết tan sẽ thành mùa xuân.” Đúng vậy, tuyết tan thì xuân về. Bây giờ mùa xuân thực sự đang về ở khắp muôn nơi. Từng chút một, nàng tiên xuân đánh thức vạn vật khỏi giấc ngủ đông lạnh lẽo. Niềm vui thú lớn nhất lúc này chính là đi dạo trong khu vườn đang mơ màng ngái ngủ và thư thả chờ đợi. 

Hôm nay, cây hồng mai trồng cạnh chính điện đã nhú một vài nụ đỏ rói. Chắc nhờ đã quen đất bén rễ nên năm nay nụ cũng trĩu trịt hơn. Đến kỳ hoa nở rộ thì cả chùa hẳn sẽ ngập tràn sắc đỏ tươi và hương thơm ngát. Bất chấp giá rét khắc nghiệt của mùa đông năm ngoái, những nụ hoa vẫn bình an vô sự, không hề hấn gì. Tôi tha thẩn dạo bước, ngắm hoa ngắm cây, tận hưởng mùa xuân đang tới gần. Cách đây ít lâu tôi đã hứa mời mấy người bạn ghé qua uống trà thưởng hoa khi mai nở, phải mau chóng liên lạc với họ mới được. 

Người từ quê cũ tới đây, 

Liệu chăng người có tỏ hay tin nhà? 

Ngày đi người có ghé qua, 

Nhành mai bên cửa biết đà nở chưa?

Đây là bài Tạp thi kỳ 1 của nhà thơ Vương Duy, thời Đường. Phàm là người yêu mai hẳn đều nên ngâm vịnh một lần. Từng câu từng chữ đều đẹp đẽ, trữ tình, đong đầy tâm tư của một người xa quê lâu ngày. Tình cờ gặp được người bạn cùng quê, nhân vật chính mừng rỡ hỏi thăm không biết tình hình dưới quê thế nào, cây mai trong vườn đã nở hay chưa. Bản tiếng Hán có chữ “ỷ song” nghĩa là “cửa số che rèm lụa”, ý chỉ khuê phòng của phụ nữ. Vì vậy, khi hỏi “nhành mai bên cửa”, nhân vật chính cũng muốn hỏi thăm về chủ nhân căn phòng. Tưởng như hỏi mai nhưng thực chất lại đang kín đáo hỏi về tình hình người vợ ở quê nhà. 

Có câu nói thế này: “Nếu khuôn mặt xuất hiện trước, đó là người ta nhung nhớ. Nếu cái tên xuất hiện trước, đó là người ta không thể quên”. Vậy khi mai nở, người mà bạn nghĩ đến là ai? 

Có lẽ câu trả lời sẽ được tìm thấy trong bài Vọng xuân từ kỳ 1 của nữ thi sĩ Tiết Đào, thời Đường. 

Cùng xem hoa nở đã không ai 

Cùng xót hoa rơi lại vắng người 

Muốn hỏi đâu là nơi tưởng nhớ 

Rằng khi hoa nở lúc hoa rơi. 

Mỗi lần nhìn hoa rơi nở mà trong lòng xuất hiện một người, thì đó nhất định là người ta khắc cốt ghi tâm, cả đời không thể quên. Đóa hoa từng làm rung động người mà ta thương mến, năm nay lại nở lại tàn, vẫn cạnh bên ta.