”NHIỆM VỤ” QUAN TÂM TRONG TÌNH YÊU
Trích: Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi; Nguyên tác: The Road Less Travelled; Người dịch: Lâm Đặng Cam Thảo; NXB Dân Trí, 2025

Nhiệm vụ quan trọng nhất trong tình yêu chính là sự quan tâm. Khi yêu chính mình, chúng ta quan tâm đến sự trưởng thành của bản thân. Khi yêu một người, chúng ta quan tâm đến người đó, quan tâm đến sự trưởng thành và chăm sóc cho người đó. Sự quan tâm đòi hỏi chúng ta phải cố gắng thu xếp những nhu cầu riêng để dành thêm thời gian thực hiện nhiệm vụ yêu thương dành cho người khác. Đó là hành động của lý trí, đi ngược lại với bản năng lười biếng, thích tận hưởng cố hữu của chúng ta. Như nhà tâm lý học hiện sinh Rollo May đã nói: “Khi phân tích ‘sự nỗ lực’ bằng những công cụ của phân tâm học hiện đại, chúng ta nhận thấy nền tảng của nó chính là sự tập trung quan tâm. Nỗ lực muốn làm gì đó chính là cố gắng tập trung trí óc để suy nghĩ về việc đó, và trạng thái căng thẳng khi nỗ lực cũng chính là sự căng thẳng để duy trì lý trí sáng suốt”.*
Cách thức phố biến nhất và quan trọng nhất để thể hiện sự quan tâm chính là lắng nghe. Chúng ta dành nhiều thời gian để nghe thấy nhiều thứ nhưng hầu hết đều bị lãng quên, vì nhìn chung đa số chúng ta rất kém trong khả năng lắng nghe. Một chuyên gia tâm lý học từng nhận định rằng lượng thời gian mà chúng ta dành ra để giảng dạy các môn học cho các em học sinh hoàn toàn tỷ lệ nghịch với mức độ áp dụng thực tế các kiến thức đó vào cuộc sống sau này. Ví dụ, một doanh nhân mỗi ngày thường sẽ dành khoảng một giờ để đọc các văn bản, hai giờ để giao tiếp và tám giờ để lắng nghe người khác. Thế nhưng, ở trường, lũ trẻ lại dành phần nhiều thời gian để đọc, rất ít thời gian để phát biểu, và gần như không được dạy cách lắng nghe người khác. Nói thế không phải để đề xuất điều chỉnh việc giảng dạy sao cho giống hệt ngoài đời, mà ý tôi là sẽ rất tốt nếu trẻ em được sớm trang bị kỹ năng lắng nghe, để các em sớm hiểu rằng việc đó không hề dễ dàng, vì nó đòi hỏi sự chú tâm và phải nỗ lực. Chính vì không nhận ra điều này nên hầu hết mọi người nghĩ đây chỉ là một chuyện tất lẽ dĩ ngẫu, để rồi thường chỉ lắng nghe một cách nửa vời. Cách đây ít lâu, tôi tham dự hội thảo của một diễn giả nổi tiếng trong nghiên cứu về mối quan hệ giữa tâm lý học và tôn giáo – một đề tài mà tôi đã quan tâm từ lâu. Vì quan tâm nên tôi đã có sẵn một số kiến thức nhất định nên lập tức nghe hiểu và thấy rằng người này quả thực uyên bác vô cùng. Tôi cũng cảm nhận được sự nhiệt tình của ông khi truyền đạt, cố gắng diễn giải những khái niệm mơ hồ, khó hiểu bằng nhiều ví dụ cụ thể. Do đó, tôi đã hết sức chăm chú. Sau chín mươi phút lắng nghe, mặt tôi đầm đìa mồ hôi dù trong khán phòng có máy lạnh. Lúc ông ấy kết thúc, đầu tôi đau như búa bổ, còn cổ thì tê cứng do mải miết tập trung, và tôi thấy hoàn toàn kiệt sức. Tôi nghĩ bản thân chỉ hiểu chưa được một nửa những gì vị diễn giả tuyệt vời kia đã trình bày, nhưng tôi vẫn thích thú vô cùng với kho kiến thức mà người đàn ông tài hoa đó đã trao cho mình. Sau buổi hội thảo, tôi đi loanh quanh để nghe thử mọi người nhận xét như thế nào, vì thành phần tham gia đều là những người ham học hỏi. Nhìn chung, họ thất vọng. Vì nghe danh diễn giả nên họ kỳ vọng cao hơn nhiều. Họ thấy bài giảng khó theo dõi, nhiều chỗ còn khó hiếu. Họ nghĩ ông phải diễn thuyết lôi cuốn hơn nhiều. Một bà còn phán luôn: “Chả có gì mới để nghe”.
Khác hẳn với họ, tôi lại nắm bắt được rất nhiều điều từ buổi hôm ấy, là vì tôi sẵn lòng và cố gắng lắng nghe. Tôi làm thế vì hai lý do. Thứ nhất, tôi nhận ra sự lỗi lạc của ông ấy nên tin là những gì ông trình bày cũng sẽ rất giá trị; Thứ hai, tôi cũng rất quan tâm đến lĩnh vực này nên tôi vô cùng mong muốn được lĩnh hội những điều mới nhằm nâng cao vốn hiểu biết và sự trưởng thành tinh thần của bản thân. Sự lắng nghe này của tôi chính là một hành động của tình yêu. Tôi yêu mến ông vì tôi nhận thấy ông ấy xứng đáng được lắng nghe, và tôi cũng yêu bản thân bởi vì tôi đã sẵn sàng nỗ lực cho sự tiến bộ của chính mình. Vì ông ấy là thầy còn tôi là trò, ông ấy là người cho còn tôi là người nhận, hành động của tôi chủ yếu là vì tư lợi, do được thôi thúc bởi những gì mà tôi lĩnh hội chứ không phải những gì tôi cho đi. Tuy nhiên, hoàn toàn có khả năng là ông ấy cũng cảm nhận được sự tập trung, quan tâm, và nhiệt tình của tôi từ hàng ghế khán giả, để rồi ông sẽ cảm thấy nỗ lực chia sẻ kiến thức của mình đã được đền đáp. Tình yêu luôn là con đường hai chiều, một hiện tượng giao thoa mà trong đó người nhận cũng cho và người cho cũng nhận.
Trên đây là ví dụ về việc lắng nghe trong vai trò người nhận, vậy còn lắng nghe ở vai trò người cho thì sao? Hãy thử xem xét việc cha mẹ lắng nghe con cái. Việc này sẽ khác nhau tùy theo độ tuổi của trẻ, nên chúng ta hãy cụ thể xem xét giai đoạn trẻ lên sáu, vừa vào lớp một. Hễ có dịp, những bạn nhỏ này có thể kể huyên thuyên không ngừng đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Cha mẹ nên phản ứng thế nào với những cái miệng liến thoắng này đây? Cách đơn giản nhất là quát lên “Câm mồm. Vâng, kỳ thực có những gia đình mà trẻ em không được lên tiếng khi chưa được phép, bị ép phải im lặng suốt ngày. Những đứa trẻ đó thường chỉ lủi thủi một góc như những cái bóng. Còn không thì vài gia đình vẫn để đứa trẻ nói nhưng không hề lắng nghe, như thể nó đang nói chuyện với không khí hoặc đang lảm nhảm một mình. Những gì nó nói chỉ được coi như một loại tiếng ồn vô thưởng vô phạt. Hoặc một vài cha mẹ cũng có thể giả vờ đang nghe, nhưng thực chất vẫn tiếp tục làm những việc đang làm hoặc tiếp tục trôi theo dòng suy nghĩ riêng, thỉnh thoảng đáp lại vài từ “ừ hử” hoặc “hay quá” ngẫu nhiên hòng khiến đứa trẻ nghĩ bạn vẫn đang chú tâm. Một kiểu nữa là lắng nghe tùy hứng – một kiểu giả vờ lắng nghe đặc biệt không nên. Khi ấy, cha mẹ chỉ dỏng tai lên nghe khi có vẻ đứa trẻ sắp nói ra gì đó hay ho, hòng “đãi cát tìm vàng”, hy vọng mình tìm được những điều vui thú trong câu chuyện non nớt của con. Vấn đề là bộ óc con người không giỏi sàng lọc, nên thường nghe xong họ chỉ nắm lại toàn cát mà sẩy đi rất nhiều vàng. Và cuối cùng nhiều bậc phụ huynh thật sự lắng nghe con một cách chú tâm, nghiên ngẫm và thấu hiểu từng câu từng chữ của đứa trẻ. Những cách phản ứng trên được trình bày theo thứ tự tăng dần sự nỗ lực. Trong đó cách cuối cùng, thật sự lắng nghe, đòi hỏi cha mẹ dành nhiều công sức hơn nhiều. Có lẽ bạn đang nghĩ rằng tôi đang đề xuất các bậc phụ huynh phải luôn làm vậy, luôn thật sự lắng nghe con trẻ. Khó lắm! Thứ nhất, một đứa trẻ sáu tuổi có thể nói nhiều đến mức nếu cha mẹ lúc nào cũng lắng nghe chăm chú thì sẽ không còn thời gian làm gì khác. Thứ hai, để thật sự lắng nghe thật sự rất tốn công sức, lắng nghe mọi thứ sẽ khiến họ mệt hết hơi. Cuối cùng, những gì một đứa trẻ sáu tuổi nói thường thì không thú vị gì mấy đối với người lớn, nên nghe nhiều quá sẽ rất chán nản. Do đó, chúng ta cần phải nhuần nhuyễn cân bằng tất cả các cách trên. Có những khi cần phải bắt trẻ im lặng – ví dụ, trong những tình huống cha mẹ cần phải tập trung làm việc hoặc khi trẻ nói leo hay nói hỗn. Hay đôi khi, lũ trẻ chỉ nói chuyện vì thích nói, thậm chí là vui vẻ bi bô một mình, những lúc đó thì người lớn không cần phải phản hồi, trừ khi các bé tỏ ra muốn được chú ý. Cũng có khi trẻ sà vào lòng người lớn rồi nói chuyện này chuyện nọ, những lúc như vậy, điều trẻ cần không phải giao tiếp mà chỉ là nũng nịu, muốn gần gũi mà thôi, khi ấy cha mẹ chỉ cần giả vờ lắng nghe cũng được. Ngoài ra, trẻ con cũng nhanh chán, những cuộc nói chuyện thường rất tùy hứng, nên chúng cũng chấp nhận được rằng cha mẹ cũng sẽ lắng nghe tùy hứng mà thôi. Thế nên, chỉ có một phần rất nhỏ những gì một đứa trẻ sáu tuổi nói ra là cần được chăm chú lắng nghe. Một trong những nhiệm vụ cực kỳ khó của cha mẹ là dung hòa được giữa lắng nghe và không lắng nghe, để đáp ứng thỏa đáng từng nhu cầu đa dạng của trẻ.
Sự dung hòa như vậy thường hiếm thấy, vì nhiều bậc phụ huynh không sẵn lòng hoặc không có khả năng lắng nghe, dù những lúc con cần được lắng nghe chỉ là thi thoảng đi nữa. Phần lớn trong số họ còn cho rằng mình đang thật lòng lắng nghe trong khi thực chất chỉ giả vờ, hoặc lắng nghe tùy hứng, họ tự nhủ thế để lấp liếm sự lười biếng của bản thân. Bởi lẽ, lắng nghe thật lòng, dù chỉ trong chốc lát, cũng đòi hỏi nhiều nỗ lực. Trước hết, nó đòi hỏi người nghe phải hoàn toàn tập trung. Bạn không thể vừa thật sự lắng nghe ai đó vừa làm việc khác. Nếu muốn thật lòng lắng nghe con cái, cha mẹ phải gạt mọi thứ khác sang một bên, dành riêng thời gian đó cho trẻ. Nếu không sẵn sàng gạt mọi thứ qua một bên, bao gồm cả những mối lo lắng, bận tâm, bạn vẫn chưa thực sự sẵn sàng lắng nghe. Tiếp đến, để hoàn toàn tập trung vào lời nói của một đứa con nít sáu tuổi khó hơn rất nhiều. Các bé sẽ nói chuyện không theo trình tự – thỉnh thoảng còn ngọng nghịu và nói lắp – khiến người lớn dễ mất tập trung. Rồi những vấn đề của trẻ con cũng thường lặt vặt, dễ khiến chúng ta không quan tâm. Tóm lại, rất dễ chán và khó chú tâm khi phải ngồi nghe một đứa trẻ nói chuyện. Cho nên, việc thật lòng lắng nghe một đứa trẻ là cần sự nỗ lực xuất phát từ tình yêu thương. Nếu không lấy tình yêu thương con cái làm động lực, không cha mẹ nào có thể làm được.
Nhưng sao phải nhọc lòng như vậy? Tại sao phải cố gắng dồn hết tâm trí vào những câu chuyện linh tinh của một đứa trẻ lên sáu? Thứ nhất, khi bạn sẵn sàng chịu khó như vậy, cha mẹ đã chứng mình mạnh mẽ rằng họ tôn trọng đứa con. Khi được trao cho sự lắng nghe đầy tôn trọng tương tự như khi người lớn tôn trọng một diễn giả lỗi lạc, đứa trẻ sẽ dần hình thành cảm giác tự trân trọng bản thân. Suy cho cùng, không có cách nào tốt hơn để nuôi dưỡng sự tự trọng cho con cái bằng cách thực sự tôn trọng chúng. Thứ hai, khi trẻ càng cảm thấy bản thân có giá trị, nó sẽ bắt đầu nói ra những điều có giá trị hơn cho cha mẹ nghe. Thứ ba, càng lắng nghe kỹ, cha mẹ càng có thể sàng lọc ra được nhiều thông tin giá trị giữa những chuyện huyên thuyên tưởng như vô nghĩa. “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ” là một đúc kết hoàn toàn chính xác và thông thái. Khi lắng nghe con trẻ đủ nhiều, cha mẹ sẽ nhận ra những khía cạnh xuất sắc của bé. Và càng nhận ra điểm xuất sắc, họ sẽ càng muốn lắng nghe, và sẽ càng học hỏi được nhiều điều thú vị hơn từ góc nhìn trẻ thơ. Thứ tư, càng lắng nghe con, cha mẹ sẽ càng hiểu và càng dễ dạy dỗ chúng hơn. Khi chưa hiểu con, các bậc phụ huynh dễ rơi vào tình trạng cứ dạy bảo những điều mà chúng chưa đủ tuổi để hiểu, hoặc cứ lặp đi lặp lại những điều chúng đã biết tỏng, có khi còn biết rõ hơn cả cha mẹ. Cuối cùng, khi càng biết rằng mình được tôn trọng và đánh giá cao, đứa con sẽ càng sẵn lòng nghe lời và kính trọng cha mẹ. Cha mẹ càng hiểu con, thì cách dạy bảo của họ càng hợp tình hợp lý, bọn trẻ sẽ càng háo hức học hỏi. Và khi ham học hỏi, trẻ sẽ càng xuất sắc hơn. Đó là một vòng tròn khép kín, là tính chất có qua có lại của tình yêu. Đó là một vòng xoáy thăng hoa của sự tiến bộ và trưởng thành giữa cha mẹ và con cái. Giá trị tạo ra thêm giá trị. Tình yêu sản sinh thêm tình yêu.
Trên đây chúng ta chỉ mới nói về trường hợp đứa trẻ lên sáu. Ở những độ tuổi khác nhau, mức độ dung hòa giữa lắng nghe và không lắng nghe sẽ khác nhau, nhưng bản chất thì vẫn vậy. Với trẻ nhỏ hơn, dù giao tiếp thường là phi ngôn ngữ vẫn đòi hỏi sự hoàn toàn tập trung. Bạn không thể chơi giỡn với con mà đầu óc cứ nghĩ chuyện đâu đâu. Nếu cứ tương tác với trẻ theo kiểu nửa vời, bạn sẽ dễ nuôi dạy ra một đứa trẻ hời hợt. Càng lớn, con cái sẽ càng ít cần cha mẹ hơn, nhưng khi cần thì chúng sẽ mong muốn cha mẹ phải thật lòng lắng nghe. Vì khi bắt đầu thành niên, những câu chuyện sẽ không còn huyên thuyên vô bổ nữa, nên một khi đã trò chuyện, chúng sẽ muốn cha mẹ phải hoàn toàn chăm chú.
Nhu cầu được cha mẹ lắng nghe vẫn sẽ còn mãi đến tận tuổi trường thành. Một chuyên gia tài giỏi ba mươi tuổi phải trị liệu chứng tự lo âu, có khuynh hướng tự đánh giá thấp bản thân. Anh này đã phải trải qua vô số lần bị cha mẹ, cũng là những chuyên gia cùng ngành, phớt lờ hoặc xem nhẹ những phát biểu của anh. Ký ức phũ phàng nhất xảy ra vào năm hai mươi hai tuổi, khi bài luận văn công phu và độc đáo đã giúp anh tốt nghiệp đại học hạng ưu. Cha mẹ cũng vô cùng vui sướng với thành tích đó. Thế nhưng, suốt một năm sau, dù anh ấy đã để bài luận ngay tại phòng khách và thường xuyên ngầm gợi ý “có thể bố mẹ muốn đọc qua”, nhưng không ai ghé mắt đến nó cả. “Tôi dám chắc rằng họ sẽ đọc và thậm chí còn khen tôi nếu tôi khẩn nài. Xin cha mẹ đọc bài luận văn của con, thừa nhận và khen ngợi những nghiên cứu của con được không? Nhưng điều đó có nghĩa là một đứa con trai hơn hai chục tuổi phải đi năn nỉ cha mẹ quan tâm tới mình. Mà sự quan tâm do cầu xin mà có cũng không khiến tôi thấy mình được trân trọng hơn chút nào.“
Việc lắng nghe chăm chú, hoàn toàn tập trung vào những gì người kia nói, luôn là biểu hiện của tình yêu. Khi đó, chúng ta tạm thời gác lại những định kiến, những cách nghĩ và ước muốn riêng để đặt mình vào nội tâm của người nói, đặt mình vào hoàn cảnh của họ. Sự hợp nhất này chính là quá trình phát triển bản thân, vì cả hai sẽ luôn thu nhận được nhiều hiểu biết mới mẻ. Hơn nữa, vì phải gác lại cái tôi, nên khi thật lòng lắng nghe cũng là khi ta hoàn toàn chấp nhận người kia. Khi cảm thấy mình được chấp nhận, người nói cũng bớt rụt rè mà sẽ càng thêm cởi mở để hé lộ những nỗi niềm sâu lắng. Từ đó, hai phía sẽ thấy trân trọng nhau hơn, và vòng xoáy thăng hoa của tình yêu sẽ khởi động. Nỗ lực mà sự quan tâm trọn vẹn này đòi hỏi lớn đến mức người ta sẽ không thể đáp ứng được nếu không có tình yêu, nếu không có mong muốn mở rộng bản ngã vì sự trưởng thành của nhau. Trong cuộc sống, chúng ta thường chẳng mấy khi nỗ lực đến thế. Ngay cả khi đàm phán kinh doanh hay xã giao với những mối quan hệ quan trọng, có vẻ như chúng ta luôn lắng nghe rất chăm chú, nhưng thực chất chúng ta chỉ đang lắng nghe có chọn lọc, với những mục tiêu được thảo ra sẵn trong đầu, vừa nghe vừa tính cách để đạt kết quả, hòng nhanh chóng kết thúc cuộc trò chuyện, hoặc tìm cách thao túng nó theo ý mình.
Lắng nghe là một hành vi của tình yêu, nên không nơi nào để thể hiện điều đó thích hợp hơn là trong hôn nhân. Thế nhưng, hầu hết các đôi vợ chồng lại ít khi thật lòng lắng nghe nhau. Do đó, khi trị liệu cho các cặp đôi, chúng tôi trước hết phải hướng dẫn họ cách lắng nghe – một nhiệm vụ quan trọng tiên quyết. Nhiều lần chúng tôi thất bại, vì quá trình đó đòi hỏi nỗ lực và kỷ luật nhiều hơn mức mà họ sẵn lòng đáp ứng. Họ thường kinh ngạc khi chúng tôi đề nghị rằng họ cần phải ấn định một khoảng thời gian trong ngày để ngồi lại trò chuyện với nhau. Họ thấy việc đó thật cứng nhắc, khô khan và gò bó. Thế nhưng, nếu không dành thời gian và tạo điều kiện thích hợp, làm sao người ta có thể lắng nghe nhau? Làm sao có thể lắng nghe trong khi đang lái xe, đang nấu ăn hay đang thấy mệt mỏi hoặc bị phân tâm? Lúc lãng mạn mới yêu thường dễ dàng du dương, nên khi bước vào tình yêu trách nhiệm đích thực thì không ai muốn gánh vác nỗ lực kỷ luật và thật lòng lắng nghe. Nhưng nếu họ cố gắng làm được, kết quả vô cùng mỹ mãn. Rất nhiều lần, chúng tôi chứng kiến niềm hân hoan được dẫn lối bằng “tiến trình lắng nghe”: “Lấy nhau mấy chục năm rồi mà giờ tụi mình mới hiểu nhau đang nghĩ gì”. Khi điều này xảy ra, cuộc hôn nhân bắt đầu thăng hoa.
Dù khả năng lắng nghe có thể trở nên thành thạo thông qua rèn luyện, nhưng đó chưa bao giờ là việc dễ dàng. Điều kiện tiên quyết để trở thành một bác sĩ tâm lý giỏi là phải biết lắng nghe, thế nhưng nhiều lần trong những phiên trị liệu, tôi chợt nhận thấy bản thân không thật sự lắng nghe khách hàng. Đôi khi, tôi hoàn toàn không hiểu họ vừa nói gì, và buộc phải thú nhận: “Xin lỗi, nhưng tôi vừa lơ đễnh một chút nên không nắm bắt được bạn vừa nói gì. Bạn có thể vui lòng nhắc lại câu vừa rồi được không? ”. Thật thú vị là khách hàng thường không thấy bực bội khi chuyện này xảy ra. Trái lại, bằng trực giác, họ dường như hiểu rằng một yếu tố quan trọng của khả năng lắng nghe là nhận ra khi mình mất tập trung, và việc tôi chân thành thừa nhận điều đó cũng khiến họ yên tâm rằng tôi đang lắng nghe đầy trách nhiệm. Cảm giác rằng mình thật sự được ai đó lắng nghe cũng có tác dụng trị liệu đáng kể. Trong khoảng một phần tư trường hợp, dù bệnh nhân là người lớn hay trẻ em, họ đều có tiến triển đáng kể chỉ trong vài tháng đầu tiên, Còn trước cả khi chúng tôi chẩn đoán được nguyên nhân hoặc đưa ra những kiến giải quan trọng. Có nhiều lý do giải thích cho sự khả quan này, nhưng tôi dám chắc rằng lý do quan trọng nhất là họ cảm nhận rằng mình đang được lắng nghe; đối với nhiều khách hàng, đó là lần đầu sau nhiều năm, hoặc lần đầu tiên trong đời, họ được tôn trọng như vậy.
Dù lắng nghe vẫn là hành vi quan trọng nhất, những hành động khác cũng cần thiết để thể hiện sự quan tâm, nhất là với trẻ em. Một trong số đó là chơi đùa với trẻ. Chơi ú òa với trẻ sơ sinh, chơi trốn tìm với trẻ lên sáu tuổi, lớn nữa thì đánh cầu lông, chơi ô chữ… Đọc sách hay giúp con làm bài tập về nhà cũng là quan tâm. Các sinh hoạt gia đình như đi xem phim, đi dã ngoại, hay đi chơi hội chợ cũng có vai trò quan trọng. Thậm chí chỉ đơn giản chăm sóc trẻ cũng là một hình thức quan tâm, như khi ngồi trên bãi biển trông nom một đứa trẻ nghịch cát hoặc lái xe đưa bọn trẻ đi dạo phố phường. Tất cả các hành động này đều có một điểm chung – cũng giống như khi lắng nghe – là đều dành thời gian cho trẻ. Về cơ bản, quan tâm ai đó là dành thời gian cho họ, và chất lượng của sự quan tâm tỷ lệ thuận với mức độ tập trung trong khoảng thời gian đó. Nếu biết trân trọng, những khoảng thời gian này chính là lúc cha mẹ có vô số cơ hội quan sát và hiểu rõ con mình hơn: Nó chấp nhận hay cay cú khi thua cuộc? Nó làm bài tập như thế nào, có tiếp thu bài tốt không? Nó thích gì và không thích gì? Khi nào nó tỏ ra can đảm và khi nào thì hoảng sợ? Tất cả đều là những mẩu thông tin quan trọng đối với những cha mẹ giàu lòng yêu thương. Dành thời gian cho con cũng mang đến cơ hội để dạy con các kỹ năng và hình thành nếp kỷ luật. Các chuyên gia trị liệu dày dạn kinh nghiệm rất giỏi hòa nhập và chơi đùa với các khách hàng nhí để có thể quan sát và đưa ra những khuyến nghị trị liệu quan trọng.
Ngồi trông nom đứa trẻ bốn tuổi trên bãi biển, chăm chú vào một câu chuyện không đầu không đuôi của đứa trẻ sáu tuổi, dạy một thiếu niên lái xe, thật sự lắng nghe và cảm thông khi bạn đời kể những chuyện linh tinh trong ngày – tất cả thường mang đến cảm giác nhàm chán, phiền phức và luôn khiến ta kiệt sức; nên tôi mới gọi chúng là những nhiệm vụ. Nếu lười, chúng ta sẽ không làm nổi. Nếu cố gắng hơn một chút, chúng ta sẽ làm những điều đó thường xuyên hơn và tốt hơn. Vì tình yêu là một nhiệm vụ, nên nếu cho phép mình lười biếng tức là ta không hề yêu.
— 💦🍁☘️ —
Chú thích
* Love and Will (Tạm dịch: Tình yêu và Ý muốn) (New York: Delta Books, Dell Pub. 1369), tr, 220.