TÌNH YÊU CÓ KỶ LUẬT – HÀNH TRÌNH TRƯỞNG THÀNH ĐÍCH THỰC

M.SCOTT PECK

Trích: Hành Trình Trưởng Thành Đích Thực; Việt dịch: Thiên Hựu Nguyễn Thành Thống; NXB. Văn Hóa Thông Tin; 2004

Đam mê là cảm xúc rất sâu sắc. Việc một cảm xúc không kiểm soát dù gì cũng không cho thấy là sâu sắc hơn một cảm xúc được kiểm soát.

Tôi đã chỉ ra rằng năng lực dành cho công việc tự kỷ luật phát xuất từ tình yêu, nó là một dạng của ý chí. Kế đến, sự tự kỷ luật đó thường không chỉ là tình yêu, được chuyển thành hành động, mà một người yêu thương đích thực còn xử sự theo tự kỷ luật và một mối quan hệ yêu thương đích thực còn là một mối quan hệ có kỷ luật. Nếu tôi yêu thương thực sự một người khác, đương nhiên tôi sẽ xử sự như thế nào để có thể đóng góp nhiều nhất vào sự trưởng thành tinh thần của người ấy. Tôi đã có lần làm việc với một đôi vợ chồng trẻ, thông minh, nghệ sĩ và “lãng du”. Họ đã có một cuộc hôn nhân 4 năm đánh dấu bằng những cãi vã la hét, đĩa bay, cấu xé gần như hàng ngày, những vụ ngoại tình hàng tuần và những vụ bỏ nhau hàng tháng. Sau khi chúng tôi làm việc một thời gian ngắn, mỗi anh chị đều nhận thức đúng đắn rằng việc trị liệu có thể đưa họ đến việc gia tăng tự kỷ luật, và do đó đến một mối quan hệ bớt lộn xộn hơn. “Nhưng ông muốn đưa đam mê ra khỏi mối quan hệ của chúng tôi”, họ nói. “Những quan niệm của ông về tình yêu và hôn nhân không dành một chỗ nào cho đam mê”. Gần như lập tức ngay sau khi đó họ bỏ ngang việc trị liệu, và người ta cho tôi biết rằng 3 năm sau đó, sau nhiều đợt trị liệu với những bác sĩ trị liệu khác, những trận la hét hàng ngày và cái khuôn mẫu hỗn loạn của cuộc hôn nhân của họ tiếp tục không thay đổi, cũng như sự cằn cỗi trong đời sống cá nhân của họ. Không nghi ngờ gì, sự kết hợp của họ, theo một nghĩa nào đó, là một bức tranh rất nhiều màu. Nhưng nó giống như những màu cơ bản trong những bức tranh của trẻ con, tung toé trên giấy một cách tùy tiện, đôi lúc cũng không phải là không hấp dẫn, nhưng tựu trung diễn tả sự đơn điệu cố hữu của nghệ thuật của bọn trẻ. Trong những gam màu câm lặng, dồn nén của Rembrandt người ta vẫn có thể tìm thấy màu sắc, sự phong phú, độc đáo và ý nghĩa hơn rất nhiều. Đam mê là cảm xúc rất sâu sắc. Việc một cảm xúc không kiểm soát dù gì cũng không cho thấy là sâu sắc hơn một cảm xúc được kiểm soát. Trái lại, các nhà trị liệu hiểu rõ sự đúng thật của những câu tục ngữ xưa như “Thùng rỗng kêu to” và “Sông sâu, nước tĩnh”. Chúng ta không nên nghĩ rằng một người có những cảm xúc điều hòa và được kiểm soát không phải là người đam mê.

Mặc dù chúng ta không nên nô lệ các cảm xúc, nhưng sự tự chế không có nghĩa là nghiền nát các cảm xúc thành hư không. Tôi thường nói với các bệnh nhân những cảm xúc là những tên nô lệ của họ và nghệ thuật tự chế giống như nghệ thuật chiếm hữu nô lệ. Trước hết, những cảm xúc của một người là nguồn năng lượng của người đó; chúng cung cấp mã lực, hay sức lực của nô lệ, giúp chúng ta có thể hoàn thành những công việc trong cuộc sống. Vì chúng làm việc cho chúng ta, nên chúng ta phải đối xử kính trọng với chúng. Có hai điều sai lầm thông thường mà những người chủ nô lệ có thể mắc phải là thể hiện những hình thức trái ngược và thái quá của sự chỉ huy. Một kiểu chủ nô lệ không kỷ luật các nô lệ, không cho chúng một cấu trúc, không vạch những giới hạn cho chúng, không định hướng cho chúng và không làm cho rõ ai là chủ. Đương nhiên, điều xảy ra là đến lúc các nô lệ ngừng công việc và bắt đầu tiến vào nhà, lục tủ rượu, đập phá đồ đạc, thì ông chủ nô lệ sẽ sớm thấy rằng mình là nô lệ của các nô lệ của mình, sống trong hỗn độn như kiểu của đôi vợ chồng “lãng du” rối loạn tính cách nói ở trên.

Nhưng cung cách chỉ huy trái ngược lại, mà người nhiễu tâm gây tội ác thường áp dụng cho những cảm xúc của mình, thì cũng tai hại không kém. Theo cung cách này thì người chủ nô lệ bị ám ảnh bởi nỗi lo sợ những (cảm xúc) nô lệ có thể thoát khỏi sự kiểm soát và quá xác quyết rằng để chúng khỏi gây rắc rối thì phải thường xuyên đánh đập chúng bắt chúng khuất phục và trừng phạt chúng thật gắt mỗi khi thoáng thấy chúng có dấu hiệu mạnh lên. Kết quả của kiểu cách này là trong một thời gian tương đối ngắn giữ được trật tự, những nô lệ này trở nên càng lúc càng kém năng suất vì lý trí của chúng bị hủy hoại bởi sự đối xử khắt khe mà chúng phải chịu. Hoặc ý chí của chúng càng ngày càng quay sang ngấm ngầm phản loạn. Nếu tiến trình này diễn ra đủ lâu thì một đêm kia điều tiên đoán của ông chủ cuối cùng trở thành sự thật và các nô lệ nổi dậy, đốt nhà, và thường có ông chủ ở bên trong. Nguồn gốc phát sinh của những chứng loạn tâm và nhiễu tâm nặng là như thế. Sự quản lý thích đáng những cảm xúc rõ ràng nằm ở con đường trung dung, quân bình, phức tạp (và do đó không đơn giản hoặc dễ dàng), đòi hỏi sự cân nhắc kiên trì và sự điều chỉnh liên miên. Ở đây người chủ đối xử các cảm xúc (nô lệ) với sự tôn trọng, nuôi dưỡng chúng bằng thức ăn bổ dưỡng, nhà ở và thuốc men, lắng nghe và đáp lại những tiếng kêu của chúng, khuyến khích chúng, hỏi thăm sức khỏe, đồng thời cũng phải tổ chức chúng, giới hạn chúng, giải quyết các tranh chấp giữa chúng, uốn nắn chúng và chỉ dạy chúng, suốt thời gian đó phải xác định rõ ràng ai là chủ. Đây là con đường tự chế lành mạnh.

Tình yêu đích thực thật quý giá và những ai có khả năng yêu đích thực đều biết rằng năng lực yêu thương của họ cần được huy động càng hiệu quả càng tốt thông qua sự tự chế.

Trong số những cảm xúc phải được đưa vào khuôn phép như thế có cảm xúc yêu thương. Như tôi đã chỉ rõ đây không phải là tình yêu đích thực, nhưng là cảm xúc được kết hợp với sự đầu tư năng lượng, nó phải được tôn trọng và nuôi dưỡng rất nhiều vì nó mang năng lượng sáng tạo, nhưng nếu cho phép nó tung hoành phóng túng thì kết quả sẽ không phải là tình yêu đích thực mà là sự hỗn loạn và sự cằn cỗi. Vì tình yêu đích thực bao gồm sự mở rộng bản ngã và, dù muốn hay không, kho năng lượng cũng giới hạn như giờ giấc một ngày của chúng ta. Chúng ta không thể nào yêu tất cả mọi người. Quả thật, chúng ta có thể có một cảm xúc yêu thương dành cho loài người, và cảm xúc này có thể cũng hữu ích vì nó cung cấp cho chúng ta đủ năng lượng để thể hiện tình yêu đích thực đối với một vài cá nhân đặc trưng nào đó. Nhưng tình yêu đích thực dành cho một số ít cá nhân nào đó là tất cả những gì nằm trong khả năng của chúng ta. Cố gắng vượt qua những giới hạn năng lượng của chúng ta tức là cho nhiều hơn những gì mình có thể cho, và có một điểm giới hạn mà nếu cố gắng vượt qua đó để yêu tất cả mọi người đến với chúng ta thì sẽ trở thành phỉnh lừa và có hại cho chính những người chúng ta muốn giúp đỡ. Vì thế nếu chúng ta có đủ may mắn để ở trong một vị trí mà nhiều người cần đến sự quan tâm của chúng ta, thì chúng ta phải chọn trong số họ người mà chúng ta thực sự phải yêu thương. Sự lựa chọn này không dễ dàng gì; nó có thể rất đau khổ, nhưng việc đảm nhận quyền lực của Thượng Đế vẫn thường như thế. Nhưng phải chọn lựa. Cần phải xem xét nhiều yếu tố, quan trọng nhất là khả năng của người tương lai sẽ đón nhận tình yêu của chúng ta có đáp ứng được tình yêu đó bằng sự trưởng thành tinh thần không. Khả năng này khác biệt ở từng người, việc này sẽ được xem xét nhiều hơn về sau. Tuy nhiên, không thể chối cãi là có nhiều người tâm hồn khóa chặt sau áo giáp không thể xâm nhập được đến nỗi dù cố gắng rất nhiều để nuôi dưỡng cho sự trưởng thành của tâm hồn, họ cũng đành phải thất bại. Cố gắng yêu một người không thể tận dụng tình yêu của bạn để trưởng thành về mặt tinh thần thì chỉ là phung phí năng lượng của bạn, chỉ là gieo hạt trên đất khô cằn. Tình yêu đích thực thật quý giá và những ai có khả năng yêu đích thực đều biết rằng năng lực yêu thương của họ cần được huy động càng hiệu quả càng tốt thông qua sự tự chế.

Câu chuyện về vấn đề yêu thương quá nhiều người cũng cần được xem xét. Ít ra có một số người có thể cùng một lúc yêu nhiều người, cùng một lúc giữ được một số mối quan hệ yêu thương đích thực. Sự việc này tự nó là một vấn đề có nhiều lý do. Một trong những lý do đó là do huyền thoại Tây phương và Mỹ về tình yêu lãng mạn cho rằng người ta “có số dành cho nhau”; vì thế do phép loại suy, họ không được dành cho một người thứ ba nào khác nữa. Như vậy câu chuyện huyền thoại này xác nhận tính độc quyền đối với những mối quan hệ yêu thương, nhất là tính độc quyền trong quan hệ tính dục. Xét mọi mặt thì huyền thoại này hẳn nhiên là hữu ích trong việc góp phần đem lại sự ổn định và hiệu suất của những mối quan hệ của con người, bởi vì đại đa số con người nhờ đó ý thức được giới hạn khả năng mở rộng chính mình nên chỉ phát triển những mối quan hệ yêu thương đích thực với mỗi chồng (vợ) con cái mình mà thôi. Quả thực, nếu ta nói được rằng ta đã xây dựng những mối quan hệ yêu thương đích thực với bạn đời và con cái mình, thì ta đã thành đạt nhiều hơn đa số người đạt được trong một cuộc đời. Thường có một cái gì đó lâm ly thống thiết đối với người thất bại không xây dựng được gia đình mình thành một gia đình yêu thương mà lại không ngừng tìm kiếm những mối quan hệ yêu thương bên ngoài gia đình. Bổn phận thứ nhất của một người biết yêu thương đích thực luôn luôn là bổn phận đối với mối quan hệ với người bạn đời và con cái mình. Tuy nhiên, có một số người mà khả năng yêu thương của họ lớn đủ để họ xây dựng thành công những mối quan hệ yêu thương trong gia đình và còn có năng lượng dành cho những mối quan hệ khác nữa. Đối với những người này, huyền thoại về tính độc quyền kia không những sai một cách rõ ràng, mà còn thể hiện một sự giới hạn không cần thiết trên cái khả năng ban phát chính mình cho người khác bên ngoài gia đình. Việc vượt quá sự giới hạn này là đều có thể nhưng sự hết sức tự chế mình là cần thiết trong việc mở rộng bản thân để tránh việc “căng mình ra quá mỏng”. Chính vấn đề vô cùng phức tạp này (chỉ được lướt qua ở đây) mà Joseph Fletcher thần học gia Thánh Công Hội, tác giả của cuốn The New Morality (Nền luân lý mới) đã nhắm đến khi ông trực tiếp nói với một người bạn của tôi: “Tình yêu tự do là một lý tưởng. Đáng tiếc, đó là một lý tưởng mà rất ít người trong chúng ta có thể đạt được”. Điều ông muốn nói là rất ít người trong chúng ta có một khả năng tự chế lớn đủ để duy trì những mối quan hệ xây dựng tức là sự yêu thương đích thực bên trong và bên ngoài gia đình. Tự do và kỷ luật là những nô tì; không có kỷ luật của tình yêu đích thực, tự do luôn luôn là không yêu thương và phá hoại.

Tình yêu đích thực là sự tự bổ sung. Tôi càng nuôi dưỡng sự trưởng thành tinh thần của người khác, thì sự trưởng thành tinh thần của chính tôi càng được nuôi dưỡng nhiều hơn.

Đến đây một số độc giả có thể cảm thấy chán chê cái ý niệm về kỷ luật và kết luận rằng tôi đang ủng hộ một lối sống buồn tẻ của phái Calvin. Không ngừng tự kỷ! Không ngừng tự vấn! Bổn phận! Trách nhiệm! Tân Thanh giáo, người ta có thể gọi thế. Hãy gọi nó là gì bạn muốn, tình yêu đích thực, với tất cả cái kỷ luật nó đòi hỏi, là con đường duy nhất trên đời này dẫn đưa đến niềm vui chân thực. Nếu theo một con đường khác, bạn có thể tìm thấy những khoảnh khắc hiếm hoi vui thú ngây ngất, nhưng chúng sẽ trôi qua và từ từ tan biến nhanh hơn. Khi tôi yêu thật sự tôi mở rộng mình ra, và khi tôi mở rộng mình ra tôi lớn lên. Tôi càng yêu nhiều, tôi càng yêu lâu thì tôi càng trở nên to lớn hơn. Tình yêu đích thực là sự tự bổ sung. Tôi càng nuôi dưỡng sự trưởng thành tinh thần của người khác, thì sự trưởng thành tinh thần của chính tôi càng được nuôi dưỡng nhiều hơn. Tôi là một con người hoàn toàn ích kỷ. Tôi không bao giờ làm một điều gì cho ai khác nhưng tôi làm điều đó với chính tôi. Và khi tôi lớn lên thông qua tình yêu, thì niềm vui của tôi cũng lớn lên, lớn hơn bây giờ, lớn hơn mãi mãi. Có lẽ tôi là một người Tân Thanh giáo. Nhưng tôi cũng là một người lập dị về niềm vui. Như John Denver hát:

Tình yêu ở khắp mọi nơi, tôi thấy nó. 
Bạn là tất cả những gì bạn có thể, tiếp tục đi và là như thế. 
Cuộc đời tuyệt hảo, tôi tin như thế. 
Hãy đến chơi trò chơi này với tôi.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TÌNH YÊU THƯƠNG, NGUỒN GỐC CỦA HẠNH PHÚC
  2. TÌNH YÊU THƯƠNG BẮT ĐẦU BẰNG SỰ HIỂU BIẾT

Bài viết khác của tác giả

  1. SỰ LIỀU DẤN THÂN – HÀNH TRÌNH TRƯỞNG THÀNH ĐÍCH THỰC

Bài viết mới

  1. HÌNH ẢNH CỦA CHÍNH MÌNH – ĐỜI THAY ĐỔI KHI TA THAY ĐỔI
  2. TÂM TA TẠO NÊN TOÀN BỘ THẾ GIỚI
  3. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH