NHỮNG ĐIỀU KỲ DIỆU CỦA CUỘC SỐNG

MAC ANDERSON

Nhân Ái và Sự Sẻ Chia

“Cho đi là cái giá chúng ta phải trả để được tồn tại trên đời.”

– Marion Wright Edelman

“Giúp người cũng chính là giúp bản thân mình vậy”

– Ralph Waldo Emerson

Một trong những sở thích của tôi là dậy thật sớm vào sáng chủ nhật, mua báo, tự pha cho mình một tách café nóng rồi ngả mình trên ghế đọc tin tức khắp nơi. Đó là khoảng thời gian thư giãn riêng tư quý báu mà tôi tự dành cho mình.

Một buổi sáng chủ nhật nọ, tôi đang lướt qua những hàng tít trên báo thì có một nhan đề làm tôi chú ý và dừng lại để đọc. Đó là bài viết có nhan đề “Ngày tri ân”, kể về Oral Lee Brown – ân nhân của nhiều đứa trẻ mồ côi và thất học ở Oaklan. Năm 1987, Brown lúc đó là nhân viên môi giới bất động sản, một ngày trên đường đi làm về cô bỗng trông thấy một bé xin ăn bên đường. Sau khi dừng lại và hỏi han, cô nghĩ về số phận của những đứa trẻ lang thang: chúng sẽ đi về đâu nếu không được xã hội bao bọc, không được học hành? Chính vào ngày hôm đó, Brown đã quyết định sẽ thay đổi cuộc sống của nhiều đứa trẻ bất hạnh. Cô nhận bảo trợ cho tất cả học sinh lớp một ở một trong những trường học nghèo nhất Oakland và hứa sẽ đài thọ cho bất cứ đứa trẻ nào trong số đó học xong đại học.

Nếu Oral Lee Brown là người giàu có thì không có gì để bàn, đằng này, cô chỉ có thu nhập khiêm tốn hàng tháng và cũng còn đang nuôi hai đứa con. Nhưng Brown đã giữ lời hứa. Từ năm 1876, cô đã tiết kiệm 10.000$ mỗi năm để đưa vào quỹ “giúp trẻ đến trường”. Nhờ có hành động cao thượng đầy tình yêu thương này mà nhiều đứa trẻ vốn có nguy cơ trở thành tội phạm đường phố đã tốt nghiệp đại học và trở thành những công dân lương thiện.

Chúng ta ai cũng gắng tìm cho mình một mục đích sống trên đời. Chúng ta ai cũng muốn làm một điều gì đó tốt đẹp cho người khác, nhưng giữa nói và làm là cả một khoảng cách.

Tuyệt diệu thay, Oral Lee Brown đã trở thành một tấm gương cho chúng ta soi chiếu. Sống bằng tình yêu thương, quan tâm và sẻ chia với những số phận bất hạnh, mỗi sự đóng góp nhỏ bé của chúng ta đang tạo nên những cơ hội lớn cho những số phận cần được vun đắp trong cuộc đời.

“Bạn luôn luôn có thể hoặc không thể làm một việc gì đó.”

– Henry Ford

Vui Với Cuộc Sống

“Cuộc đời sống động như một trò chơi.”

– Plato

Kiểm soát Stress

Căng thẳng thần kinh là kẻ sát nhân thầm lặng. Con người sống ở khắp nơi trên thế giới không ai là không phải đối mặt với chúng. Ai cũng mong muốn có một cuộc sống thanh thản, nhẹ nhàng, nhưng sự thật thì đã có mấy ai đạt được điều đó. Chúng ta không thoát được chúng bởi vì chúng tồn tại cùng với suy nghĩ của chúng ta trong tất cả các mặt của đời sống. Nhưng như thế không có nghĩa là chúng ta chấp nhận để “kẻ sát nhân thầm lặng” này chi phối đời sống tinh thần của mình, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được stress. Đó là sự thật!

Nhưng cũng như nhiều vấn đề khác, kiểm soát sự căng thẳng như thế nào thì còn tuỳ thuộc vào mỗi cá nhân. Sau đây tôi xin nêu ra cách thức của tôi để các bạn tham khảo.

Cách kiểm soát căng thẳng tốt nhất theo tôi là luyện tập thể dục thể thao. Bởi vì một tinh thần minh mẫn chỉ tồn tại trong một cơ thể tràn đầy sinh lực. Khi bạn vận động, máu sẽ lưu thông tốt hơn và lượng oxy chúng ta nhận được vào cơ thể cũng nhiều hơn, giúp hệ thống hô hấp cũng như hệ thống tuần hoàn hoạt động nhịp nhành. Lúc này, những tác nhân hoá học gây căng thẳng cũng sẽ dần bị đẩy lui.

Cuộc sống và công việc vốn tất bật, làm cách nào để có thể duy trì chế độ luyện tập thường xuyên? Tôi có hai giải pháp. Thứ nhất, tham gia một câu lạc bộ thể dục thể thao. Đó là cách để chúng ta bước vào một môi trường có thể thúc đẩy mình cùng luyện tập với mọi người. Thứ hai, tôi tự thực hành những bài tập tay không khi có thời gian đến phòng tập.

Bên cạnh đó, để kiểm soát căng thẳng, tôi vẫn dành cho mình những khoảng thời gian riêng tư, không điện thoại, không email, chỉ một mình thư giãn và tận hưởng cảm giác hoà mình vào thiên nhiên.

Có rất nhiều cách để bạn có thể thử nghiệm, nhưng điều quan trọng ở đây là bạn cần lên lịch trình rõ ràng cho việc thư giãn chứ không phải đợi đến khi thực sự có nhiều thời gian. Nếu bạn là người bận rộn, hay tham công tiếc việc, thì bạn lại càng cần phải học cách thư giãn. Do đó, chẳng phải là nghịch lý khi có ý kiến cho rằng: “Cũng như trẻ con, người lớn cũng phải được chơi. Đó là quá trình giúp người lớn hoàn thiện!”.

Sống Nhiệt Tình

“Thời gian hình thành tuổi tác, thái độ tạo nên tâm hồn.”

– Samuel Ullman

Sống hết mình với hiện tại

“Chim hót không chỉ để đáp lại tiếng gọi bầy, mà còn để ngợi ca cuộc sống”

– Ngạn ngữ Trung Hoa

Không ai có thể tắm hai lần trong một dòng sông. Quả vậy, những gì đã qua thuộc về quá khứ, còn tương lai thì không biết trước được. Cái duy nhất thực sự có ý nghĩa là hiện tại.

Jim Valvano – một bình luận viên bóng rổ đã từng là một huấn luyện viên có sự nghiệp lừng lẫy khi dẫn dắt đội North Carolina giành chức vô địch giải quốc gia NCAA trước đội Houston năm 1983. Thế nhưng giải thưởng danh dự Arthur Ashe là giải thưởng cho lòng dũng cảm mà ông được trao tặng năm 1993 lại chẳng có liên quan gì đến sự nghiệp bóng rổ cả. Lúc đó, Valvano đang phải chịu đựng một chứng ung thư hiểm nghèo và chỉ còn sống được sáu tháng. Trong bài diễn văn ông đọc lúc nhận giải thưởng cao quý này, ông viết:

“Tôi tha thiết mong muốn các bạn hãy tận hưởng cuộc sống của mình. Hãy tận hưởng mọi khoẳnh khắc ta có được trên cõi đời này. Hãy để tiếng cười tràn ngập mỗi ngày. Đừng kìm nén những cảm xúc, hãy thể hiện chúng. Hãy sống với tất cả nhiệt tình, bởi vì chúng ta sẽ không thể làm nên những thành tựu lớn lao nếu thiếu điều đó. Và hãy sống với những ước mơ của mình.”

Jim Valvano tuy mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo nhưng ông luôn sống hết mình, yêu đời và tin tưởng vào mọi giá trị mà cuộc sống mang lại. Sự quý trọng từng phút giây được sống trên đời, sống như thể ngày mai mình không còn được sống đã mang lại nhiệt tình sống mạnh mẽ đến thế. Và tôi tin rằng mỗi ngày chúng ta cũng nên ý thức cho mình điều đó, vì ngày mai còn quá xa vời, chỉ có thực tại mới là cái chúng ta đang đặt chân lên.

Vài tháng trước, một người bạn có gửi cho tôi bài viết của Samuel Ullman viết năm 1920 có tựa đề: “Tuổi trẻ”. Bài viết này đã khuấy động tâm hồn tôi để lại trong tôi nhiều điều mà tôi muốn chia sẻ cùng các bạn:

“Tuổi trẻ không là khái niệm chỉ là một giai đoạn trong đời người, mà chỉ là một trạng thái trong tâm hồn. Tuổi trẻ không nhất thiết phải gắn liền với sức khỏe và vẻ tráng kiện bên ngoài, mà lại gắn với ý chí mạnh mẽ, trí tưởng tượng phong phú, sự mãnh liệt của tình cảm và cảm nhận phấn khởi với suối nguồn cuộc sống.

Tuổi trẻ thể hiện ở lòng can đảm chứ không phải tính nhút nhát, ở sở thích phiêu lưu trải nghiệm hơn là ở sự tìm kiếm an nhàn. Những đức tính đó thường dễ thấy ở những người năm sáu mươi tuổi hơn là ở đa số thanh niên tuổi đôi mươi. Không ai già đi vì tuổi tác, chúng ta chỉ già đi khi để tâm hồn mình héo hắt.

Thời gian hình thành tuổi tác, thái độ tạo nên tâm hồn. Năm tháng in hằn những vết nhăn trên da thịt, còn sự thờ ơ với cuộc sống tạo nên những vết nhăn trong tâm hồn. Lo lắng, sợ hãi, mất lòng tin vào bản thân là những thói xấu huỷ hoại tinh thần của chúng ta.”

Cho dù đang ở tuổi thanh xuân hay đã lên bậc lão, mỗi chúng ta đều rộn ràng trước những điều kỳ diệu, đều cảm thấy niềm náo nức trẻ thơ muốn khám phá một điều gì đó, và đều nuôi dưỡng niềm hạnh phúc sống. Trái tim chúng ta vẫn không ngừng cảm nhận những vẻ đẹp từ cuộc sống mang lại. Và chừng nào khi chúng ta còn biết hy vọng, còn biết vui sướng, còn cảm thấy sức mạnh lớn lao của lòng can đảm, chừng ấy chúng ta vẫn còn tuổi trẻ.

Một khi chúng ta quyết định khép lòng mình trước những điều như thế, tâm hồn ta đã nhanh chóng trở nên nguội lạnh với đầy rẫy những suy nghĩ yếm thế bi quan, và chúng ta vì thế mà già đi, thậm chí ngay ở tuổi đôi mươi. Còn ngược lại, nếu chúng ta luôn suy nghĩ lạc quan, chúng ta sẽ sống với tuổi trẻ suốt cả đời.

“Hãy nhìn vào vạn vật như thể mọi thứ đều tươi mới, nhìn bằng đôi mắt trẻ thơ, trong sáng và háo hức.”

– Joseph Cornell

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. HIỂU RÕ CHÍNH MÌNH
  2. NHÂN ÁI
  3. TỬ TẾ

Bài viết mới

  1. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG
  2. BẢN TÁNH TỐI HẬU CỦA TÂM
  3. BA CON ĐƯỜNG