PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU

ECKHART TOLLE

Trích: Trải Nghiệm Sức Mạnh Hiện Tại Tác giả: Eckhart Tolle Người dịch: Minh Gấm Nhà xuất bản Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh - 2019 Ảnh: Eckhart Tolle

💦💦💦🌞💦💦💦

Sự đau khổ không muốn bạn quan sát nó một cách trực tiếp và xem xét nó là cái gì. Khoảnh khắc bạn quan sát sự khổ đau, cảm nhận trường năng lượng của nó ở trong bạn, chính là lúc sự đồng hóa giữa bạn và nỗi đau khổ bị phá vỡ.

Một chiều cao hơn của tâm thức đã đi vào trong bạn. Tôi gọi nó là hiện tại. Bây giờ bạn trở thành một nhân chứng hay một người quan sát nỗi đau ở trong bạn. Điều này có nghĩa là sự khổ đau không thể chiếm hữu và sử dụng bạn được nữa – bằng cách giả vờ đó là bạn, và nó không còn có thể nạp năng lượng cho chính nó từ bạn. Bạn đã tìm thấy sức mạnh ở sâu bên trong.

Một số nỗi đau rất phiền hà, khó chịu nhưng tương đối vô hại, giống như một đứa trẻ không ngừng gào khóc. Một số nỗi đau lại dai dẳng và luẩn quẩn, giống như những con quái thú bạo tàn, những con quỷ thật sự. Một số thì có tính xâm hại về thể xác, một số phổ biến hơn thường liên quan đến xâm hại về tinh thần. Một số nỗi đau khiến bạn có xu hướng hành hung những người xung quanh, trong khi một số nỗi đau lại uy hiếp cả chính bạn, người đang mang chính nỗi đau đó. Những suy nghĩ, cũng như cảm xúc bạn có về cuộc đời, đều hoàn toàn tiêu cực và gây tổn hại cho chính bạn. Bao nhiêu bệnh tật và tai nạn cũng thường theo đó mà ra. Có những nỗi đau, nỗi dằn vặt có thể đẩy con người đến chỗ tự vẫn.

Khi bạn nghĩ rằng bạn biết một người, sau đó bạn bất chợt tiếp chạm với nỗi đau tột cùng được biểu lộ từ sâu bên trong con người ấy ngay trong lần đầu tiên, bạn sẽ rơi vào tình trạng vô cùng kinh ngạc. Nhưng tốt hơn hết là hãy tập nhận diện và quan sát nỗi đau ấy trên chính mình hơn là trên người khác.

Hãy cẩn trọng với bất kỳ dấu hiệu không vui nào bên trong bạn, dưới bất kỳ hình thức nào, nó có thể là nỗi đau quá khứ được đánh thức. Nỗi đau này có thể được biểu lộ dưới hình thức như cảm giác bực bội, nóng nảy, u sầu, ác ý, giận dữ, phẫn nộ, u uất, hoặc muốn đưa một mối quan hệ cá nhân đến chỗ bi kịch, v.v… Cho nên bạn hãy sáng suốt nhận diện những nỗi đau khổ trong quá khứ ngay trong giây phút chúng vừa trở mình thức dậy.

Nỗi đau khổ cũ muốn được tiếp tục tồn tại, cũng giống như bất kỳ vật thể nào khác đang tồn tại, và nó chỉ tồn tại được khi bạn vô tình đồng hóa mình với nỗi khổ ấy một cách mê muội. Nỗi đau khổ đó sẽ sống dậy, chiếm hữu bạn, trở thành chính bạn, và sống thông qua bạn.

Nỗi đau này cần được nuôi dưỡng và tiếp nhận “thức ăn” từ bạn. Nó sẽ được nuôi dưỡng bởi bất kỳ trải nghiệm nào của bạn, gần giống hoặc gợi lên trường năng lượng giống với nó, bất kỳ cái gì có thể tạo thêm sự đau đớn dưới mọi hình thức (như tức giận, phá hoại, căm thù, sầu khổ, bi kịch trong tình cảm, bạo hành, thậm chí cả ốm đau). Do vậy nỗi khổ đau, khi nó đã thống lĩnh và chiếm hữu bạn, sẽ tạo ra những tình huống trong cuộc sống phản ánh lại tần số năng lượng của nó để có thể nuôi sống chính nó. Chỉ có sự đau đớn mới có thể nuôi dưỡng nỗi đau khổ. Sự đau đớn không thể được nuôi dưỡng bằng sự hân hoan và niềm vui. Nó sẽ thấy những cảm xúc tích cực đó không thể tiêu hóa nổi.

Một khi nỗi đau khổ đã chiếm lấy bạn, bạn sẽ có tư tưởng “muốn” được đau khổ thêm. Bạn vừa trở thành một nạn nhân, đồng thời là thủ phạm. Bạn muốn tạo ra sự đau khổ cho người khác, hoặc muốn chịu đựng sự đau khổ, hoặc cả hai. Ở đây không có sự khác biệt giữa hai điều này. Dĩ nhiên là bạn sẽ không nhận ra hay ý thức được trạng thái đó, và sẽ khăng khăng chối cãi rằng bạn không muốn chịu khổ đau. Nhưng khi nhìn kỹ lại vấn đề, bạn sẽ thấy tất cả những tư tưởng và hành động của bạn được thiết kế ra với cùng một mục đích là để kéo dài những nỗi đau, cho chính bạn và cho người khác. Nếu bạn ý thức được điều này một cách sáng suốt, thì những niềm đau dĩ vãng sẽ được hóa giải và chấm dứt, vì mong muốn thêm đau khổ quả là điên rồ và không ai muốn thấy chính mình bị điên dại như vậy.

Vì nỗi khổ đau giống như bóng đen của bản ngã, nên nó sẽ thực sự khiếp sợ ánh sáng của ý thức. Nó sợ rằng nó sẽ bị tìm ra, bị phát hiện. Sự sinh tồn của nó phụ thuộc vào việc bạn đồng hóa một cách vô thức với nỗi đau khổ và sự sợ hãi khi phải đối diện với nỗi đau đang sống ở trong bạn. Nhưng nếu bạn không đối diện với nó, bạn không thể dẫn ánh sáng của ý thức đến nỗi đau bên trong, bạn sẽ phải nuôi dưỡng sự đau khổ đó triền miên.

Đối với bạn, nỗi đau khổ có thể giống như con quái thú mà bạn không đủ can đảm để nhìn vào, nhưng tôi đảm bảo với bạn rằng nó chỉ là một bóng ma yếu đuối, không có thực, nên không thể đấu lại với sức mạnh thực sự từ sự hiện hữu của chính bạn.

Khi bạn trở thành người quan sát, và không còn đồng hóa với nỗi khổ, sự đau khổ sẽ tiếp tục hoạt động trong chốc lát và vẫn cố gắng dụ dỗ bạn đồng hóa trở lại. Mặc dù bạn không còn tiếp năng lượng cho nó nữa thông qua việc đồng hóa bản thân với nó, nhưng nó vẫn còn có đà chuyển động, giống như bánh xe đang quay sẽ tiếp tục chuyển động trong giây lát ngay cả khi không còn lực đẩy cho nó nữa. Trong giai đoạn này, nỗi đau yếu ớt đó cũng vẫn có thể tạo ra sự đau đớn về thể chất ở những phần khác nhau trên cơ thể, tuy nhiên nó sẽ không thể kéo dài.

Hãy an trụ trong hiện tại, hãy sống trong ý thức, trong sự thức tỉnh. Hãy trở thành người lính gác luôn luôn tỉnh táo với không gian nội tâm của bạn. Bạn cần hiện diện ở hiện tại vừa đủ để có thể theo dõi nỗi đau một cách trực tiếp và cảm nhận mức năng lượng của nó. Nỗi đau ấy sau đó sẽ không thể kiểm soát suy nghĩ của bạn được nữa.

Khoảnh khắc mà suy nghĩ của bạn gắn với trường năng lượng của khổ đau, bạn đã đồng hóa mình với chính nó và nuôi dưỡng nó bằng suy nghĩ của bạn. Ví dụ, nếu tức giận đang là tần số rung động chính của khổ đau và bạn có những suy nghĩ giận dữ, đang chú tâm vào những gì người khác đã làm cho bạn hoặc những gì bạn đang làm cho anh/ cô ta, sau đó bạn trở nên vô thức, mê muội và sự đau khổ sẽ trở thành chính bạn. Nơi nào có tức giận, nơi đó có nỗi đau ẩn bên dưới.

Hoặc khi có cảm giác u ám, đen tối đến với bạn và bạn bắt đầu có lối tư duy tiêu cực, nghĩ về cuộc đời của bạn khổ sở như thế nào, thì lối tư duy của bạn đã gắn kết với sự đau khổ đó, và bạn trở nên vô thức, mông muội, yếu đuối trước bất kỳ sự tấn công nào của nỗi đau.

“Vô thức” hay “vô minh”, từ mà tôi hay sử dụng ở đây, có nghĩa là đồng hóa với một lối tư duy hay cảm xúc nào đó. Nó ám chỉ sự vắng mặt hoàn toàn của người theo dõi.

CHUYỂN HÓA NỖI ĐAU KHỔ THÀNH Ý THỨC

Sự tập trung chú ý kéo dài sẽ chia tách sự kết nối giữa nỗi đau và quá trình suy nghĩ của bạn, và thiết lập quá trình chuyển hóa. Nó giống như thể nếu sự đau đớn trở thành dầu thắp cho ngọn lửa cháy của ý thức, kết quả là ý thức sẽ được cháy sáng hơn.

Đây chính là nghĩa bóng của thuật giả kim cổ xưa: chuyển hóa kim loại bình thường thành vàng, hay chuyển hóa sự đau khổ tăm tối thành ánh sáng của ý thức. Những rạn nứt ở bên trong sẽ được hàn gắn, và bạn sẽ trở thành một thể hợp nhất như trước. Trách nhiệm của bạn sau đó là không được tạo thêm đau khổ, phiền não nào nữa.

Hãy tập trung chú ý vào cảm nhận ở bên trong. Nhận biết rằng ở đó có sự đau khổ. Chấp nhận nó đang ở đó. Không nghĩ về sự đau khổ, không để cảm nhận đó chuyển thành suy nghĩ trong đầu. Không phán xét hay phân tích nó. Không nên tạo ra một nhân dạng của bản thân dựa trên nó. Hãy hiện hữu ở hiện tại, và tiếp tục là người quan sát những gì đang xảy ra bên trong bạn.

Không chỉ chú ý vào nỗi đau đớn về cảm xúc, mà hãy nhận biết “người đang theo dõi, hay nhân chứng”, người đang tĩnh lặng quan sát. Đó chính là sức mạnh của Hiện Tại, sức mạnh của sự hiện hữu sâu sắc, đầy ý thức của chính bạn. Và sau đó hãy xem những gì sẽ đến với bạn.

💦💦💦🌞💦💦💦

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NIỀM VUI TỰ TẠI
  2. QUÁ KHỨ KHÔNG THỂ “SỐNG DẬY” KHI BẠN THỰC SỰ CẢM NHẬN ĐƯỢC HIỆN TẠI
  3. ĐÁNH MẤT CÁI BÂY GIỜ

Bài viết mới

  1. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  2. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP
  3. THAY ĐỔI CÁCH NHÌN CUỘC SỐNG HẠNH PHÚC HƠN