QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU

DEEPAK CHOPRA

Trích: Bảy Quy Luật Tinh Thần Của Thành Công; Việt dịch: Lý Đình; NXB. Thế giới; Công ty VH & TT Nhã Nam, 2019

Thánh nhân không đi mà biết, không nhìn mà thấy rõ, không làm mà nên. – Lão Tử

Quy luật tinh thần thứ tư của thành công là Quy luật Nỗ lực Tối thiểu. Quy luật này dựa trên thực tế là trí tuệ tự nhiên thực hiện chức năng với sự thảnh thơi buông bỏ và không cần nhiều nỗ lực. Đây là nguyên tắc hành động tối thiểu, không đối kháng. Do vậy, đây là nguyên tắc hòa hợp và yêu thương. Khi học được bài học này từ tự nhiên, chúng ta sẽ dễ dàng thực hiện được những khát vọng của mình.

Nếu quan sát thế giới tự nhiên trong trạng thái hoạt động, bạn sẽ thấy tình trạng nỗ lực tối thiểu rất phổ biến. Cỏ không cố mọc, nó mọc tự nhiên. Cá không cố bơi, chúng bơi tự nhiên. Hoa không cố nở, chúng nở tự nhiên. Chim không cố bay, chúng bay tự nhiên. Đây là bản chất tự nhiên của chúng. Trái đất không cố gắng quay quanh trục của nó; đó chỉ là bản chất của trái đất – quay với tốc độ chóng mặt và chuyển động vũ bão trong không gian. Bản chất của trẻ thơ là luôn sống hạnh phúc. Bản chất của mặt trời là chiếu sáng. Bản chất của những ngôi sao là nhấp nháy và lấp lánh. Còn bản chất của con người là biến những ước mơ của mình trở nên hữu hình một cách đơn giản và dễ dàng.

Trong Kinh Vệ đà, triết học cổ Ấn Độ, nguyên tắc này được biết đến là nguyên tắc tiết kiệm nỗ lực, hay “làm ít hơn mà đạt được nhiều hơn”. Cuối cùng thì bạn đạt đến trạng thái chẳng làm gì nhưng lại có mọi thứ. Điều này có nghĩa bạn chỉ đặt ra một mục tiêu nhỏ, rồi sau đó thực hiện mục tiêu đó mà không cần cố gắng nhiều. Điều thường được gọi là “phép màu” thực ra chỉ là một biểu hiện của Quy luật Nỗ lực Tối thiểu.

Trí tuệ tự nhiên thực hiện vai trò của mình một cách không cần dụng sức, không căng thẳng và rất tự nhiên. Nó không phải là tuyến tính. Nó mang tính trực giác, tính chính thể và có tác dụng nuôi dưỡng. Và khi sống hài hòa với tự nhiên, khi hiểu thấu được Bản ngã đích thực của mình, bạn có thể tận dụng được Quy luật Nỗ lực Tối thiểu. Nỗ lực tối thiểu được áp dụng khi hành động của bạn xuất phát từ tình yêu, bởi tự nhiên được gắn kết với nhau nhờ năng lượng của tình yêu. Khi tìm kiếm quyền lực và muốn kiểm soát người khác, bạn sẽ tiêu tốn năng lượng. Khi tìm kiếm tiền bạc hay quyền lực vì bản ngã hướng ngoại, bạn tiêu tốn năng lượng theo đuổi ảo mộng hạnh phúc thay vì tận hưởng hạnh phúc trong từng khoảnh khắc. Khi kiếm tiền chỉ cho riêng bản thân mình, bạn đã chặn đứng dòng năng lượng chảy đến chỗ bạn, và can thiệp vào biểu hiện của trí tuệ tự nhiên. Nhưng khi bạn hành động xuất phát từ tình yêu thương thì năng lượng sẽ không bị mất đi. Khi hành động của bạn xuất phát từ tình yêu thương, năng lượng của bạn sẽ được nhân lên và lũy tiến – và nguồn năng lượng dư thừa mà bạn tập hợp và tận hưởng có thể được chuyển hóa để tạo ra bất cứ thứ gì bạn muốn, kể cả sự giàu có vô hạn.

Bạn có thể xem thể xác mình như một công cụ kiểm soát năng lượng: nó có thể tạo ra, dự trữ và tiêu tốn năng lượng. Nếu biết cách tạo ra, dự trữ và tiêu tốn năng lượng một cách hiệu quả, bạn có thể trở nên giàu có ở bất cứ mức độ nào. Việc chú ý đến bản ngã tiêu tốn nhiều năng lượng nhất. Khi điểm quy chiếu nội tại của bạn là bản ngã, khi bạn tìm kiếm quyền lực và kiểm soát người khác hay kiếm tìm sự ủng hộ từ người khác, thì bạn đang lãng phí năng lượng của mình.

Khi năng lượng đó giải phóng, nó có thể được tái chuyển hóa và sử dụng để tạo ra bất cứ thứ gì bạn muốn. Khi điểm quy chiếu nội tại của bạn là tinh thần, khi bạn miễn nhiễm với mọi chỉ trích và không sợ bất cứ thử thách nào, bạn có thể tận dụng được sức mạnh tình yêu, và sử dụng năng lượng một cách sáng tạo để tận hưởng sự giàu có và phát triển.

Trong cuốn Nghệ thuật Mơ ước, Don Juan nói với Carlos Castaneda rằng, “… hầu hết năng lượng của chúng ta đều phục vụ cho tầm quan trọng của chúng ta… Nếu chúng ta có khả năng bỏ đi phần nào đó cái tầm quan trọng ấy, hai điều phi thường sẽ xảy đến: Một là, chúng ta sẽ giải phóng năng lượng của mình, thôi không nỗ lực duy trì ảo tưởng về tâm vĩ đại của mình nữa; và hai là, chúng ta sẽ tự cấp cho mình đủ năng lượng để… có một ý niệm thoáng qua về sự vĩ đại thực sự của vũ trụ.”

Khi điểm quy chiếu nội tại của bạn là bản ngã, khi bạn tìm kiếm quyền lực và kiểm soát người khác hay kiếm tìm sự ủng hộ từ người khác, thì bạn đang lãng phí năng lượng của mình.

Có ba yếu tố cấu thành Quy luật Nỗ lực Tối thiểu – ba điều bạn có thể làm để biến nguyên tắc “làm ít mà đạt được nhiều” thành hành động. Yếu tố đầu tiên là sự chấp nhận. Chấp nhận chỉ đơn giản có nghĩa là bạn hứa: “Ngày hôm nay tôi sẽ chấp nhận những con người, những tình huống, hoàn cảnh và sự kiện xảy ra. Điều này có nghĩa tôi sẽ biết được thời điểm này là như nó cần phải thế, bởi toàn bộ vũ trụ cũng đang trong trạng thái như nó cần phải thế. Thời điểm này – thời điểm bạn đang trải nghiệm – là đỉnh điểm của mọi thời điểm bạn đã trải nghiệm trong quá khứ. Thời điểm này diễn ra như nó vốn thế bởi toàn bộ vũ trụ cũng đang điễn ra như nó vốn thế.

Nếu đấu tranh chống lại thời điểm này, thì thực ra bạn đang đấu tranh chống lại toàn thể vũ trụ. Thay vì như thế, bạn có thể quyết định hôm nay sẽ không đấu tranh chống lại toàn thể vũ trụ bằng cách không chống lại thời điểm hiện tại. Điều này có nghĩa sự chấp nhận của bạn đối với thời điểm này là hoàn toàn và tuyệt đối. Bạn chấp nhận các sự việc như chúng vốn thế, chứ không như bạn ao ước chúng như thế trong thời điểm này. Hiểu được điều này rất quan trọng. Bạn có thể ước những điều trong tương lại sẽ khác đi, nhưng tại thời điểm này bạn phải chấp nhận sự việc như chúng vốn thế.

Khi bạn cảm thấy bực tức hay cáu giận một người hay tình huống nào đó, hãy nhớ rằng không phải bạn đang phản ứng lại con người hay tình huống đó, mà chính là phản ứng lại những cảm xúc của bạn về con người hay tình huống đó. Đây đều là những cảm xúc của bạn, rnà cảm xúc của bạn thì không phải là lỗi của ai đó. Khi bạn nhận biết và hiểu được điều này một cách đầy đủ, thì bạn đang sẵn sàng chịu trách nhiệm về cảm xúc của mình và thay đổi nó. Và nếu bạn có thể chấp nhận sự việc như chúng vốn thế, thì bạn đang sẵn sàng chịu trách nhiệm về hoàn cảnh của bạn và về tất cả những vấn đề mà bạn cho là khó khăn.

Điều này dẫn chúng ta đến yếu tố thứ hai của Quy luật Nỗ lực Tối thiểu, đó là trách nhiệm. Vậy trách nhiệm nghĩa là gì? Trách nhiệm có nghĩa bạn không đổ lỗi cho bất cứ ai hay bất cứ điều gì đối với hoàn cảnh của bạn, kể cả chính bạn. Khi đã chấp nhận tình huống này, sự kiện này, khó khăn này, thì khi đó trách nhiệm có nghĩa là khả năng đưa ra một phản ứng sáng tạo trước tình huống như nó đang diễn ra. Tất cả mọi khó khăn đều chứa đựng những hạt giống cơ hội, và nhận thức được điều này cho phép bạn nắm bắt thời điểm và biến nó thành một tình huống hay sự việc tốt đẹp hơn.

Một khi thực hiện được điều này, mỗi tình huống bị coi là gây khó chịu sẽ trở thành cơ hội sáng tạo ra thứ gì đó mới mẻ và tốt đẹp, và người bị coi là kẻ hành hạ hay kẻ bạo ngược sẽ trở thành người thầy của bạn. Thực tế là một sự diễn giải. Và nếu chọn diễn giải thực tế theo cách này, bạn sẽ có rất nhiều người thầy xung quanh mình, và nhiều cơ hội được mở ra cho mình.

Bất cứ lúc nào phải đối mặt với kẻ bạo ngược, kẻ hành hạ, người thầy, người bạn, hay kẻ thù của mình (những từ này đều mang nghĩa giống nhau) thì hãy tự nhắc mình rằng, “Thời điểm này đang diễn ra như nó nên thế.” Bất cứ mối quan hệ nào bạn cuốn vào cuộc sống của mình tại thời điểm này đều chính là những thứ bạn cần trong cuộc đời bạn tại thời điểm này. Đằng sau mọi sự việc đều có một ý nghĩa tiềm ẩn nào đó, và ý nghĩa tiềm ẩn này đang giúp cho sự tiến hóa của chính bạn.

Yếu tố thứ ba của Quy luật Nỗ lực Tối thiểu là không tự bảo vệ, điều này có nghĩa nhận thức của bạn được tạo ra mà không được bảo vệ, và bạn từ bỏ nhu cầu thuyết phục người khác hay làm cho người khác tin quan điểm của bạn. Nếu quan sát những người xung quanh, bạn sẽ thấy họ dành tới chín mươi chín phần trăm thời gian để bảo vệ chính kiến của họ. Nếu chỉ từ bỏ nhu cầu bảo vệ ý kiến của mình, thì trong sự từ bỏ đó bạn sẽ tiếp cận được một nguồn năng lượng khổng lồ từng bị lãng phí trước đây.

Khi bạn bắt đầu bảo vệ quan điểm của mình, chỉ trích người khác, và không chấp nhận hay đầu hàng thời điểm này, cuộc sống của bạn sẽ gặp phải sự phản kháng. Bất cứ khi nào bạn đối mặt với sự phản kháng, hãy nhận ra rằng nếu bạn phản ứng lại tình huống đó, thì mức độ phản kháng chỉ càng tăng lên. Bạn không nên giống cây sồi cao lớn đứng cứng đơ để rồi nứt toác và sụp đổ trong giông bão. Thay vào đó, bạn cần mềm dẻo, như cỏ dại rạp xuống dưới mưa bão và sống sót.

Hãy thôi bảo vệ quan điểm của mình. Khi bạn không có lý do gì để bảo vệ, thì đừng để tranh luận xảy ra. Nếu bạn kiên trì thực hiện điều này – nếu bạn thôi tranh cãi và kháng cự – bạn sẽ hoàn toàn trải nghiệm được hiện tại, nó là một món quà. Có ai đó từng nói với tôi rằng, “Quá khứ là lịch sử, tương lai là bí ẩn, và hiện tại là một món quà.”

Nếu bạn trân trọng hiện tại và trở thành một phần của nó, hòa vào nó, thì bạn sẽ cảm nhận được sự ấm áp, hăng hái và rạng rỡ của niềm vui rộn ràng trong tất thảy mọi sinh thể hữu tri. Khi bạn bắt đầu cảm nhận được niềm hân hoan tinh thần này trong vạn vật đang tồn tại, khi bạn trở nên gần gũi với nó thì niềm vui sẽ được sinh ra ngay bên trong bạn, và bạn sẽ quên đi những phiền toái và gánh nặng tồi tệ của tính hay chống đối, hay oán giận và dễ tổn thương. Chỉ như thế bạn mới trở nên thư thái, thảnh thơi, vui vẻ và tự do.

Trong sự tự do đầy vui sướng và giản đơn này, bạn sẽ biết chắc chắn từ trái tim mình rằng điều bạn muốn luôn có sẵn cho bạn bất cứ khi nào bạn cần, bởi nó đến từ hạnh phúc chứ không phải từ lo lắng hay sợ hãi. Bạn chẳng cần phải chứng tỏ; chỉ đơn giản là bộc lộ ý định của mình với chính bản thân, và bạn sẽ cảm nhận được sự thỏa mãn, vui sướng, hân hoan, tự do tự tại và tự do ý chí trong từng khoảnh khắc cuộc sống.

Hãy cam kết đi theo con đường không có sự kháng cự. Đây là con đường mà qua đó trí tuệ tự nhiên sẽ tự mở ra, không xung đột hay cần nhiều nỗ lực. Khi khéo léo kết hợp việc chấp nhận, trách nhiệm và không bảo vệ quan điểm, bạn sẽ trải nghiệm được cuộc sống chảy trôi một cách nhẹ nhàng.

Khi bạn giữ thái độ cởi mở với mọi quan điểm – không cứng nhắc thiên về một quan điểm duy nhất nào – thì những ước mơ và khát vọng của bạn sẽ hòa cùng những khát vọng của tự nhiên. Khi đó bạn có thể giải phóng những dự định của mình, không tham đắm, chỉ chờ đợi thời điểm thích hợp để những khát vọng của bạn thực sự đơm hoa kết trái. Bạn có thể chắc chắn rằng khi thời điểm đó đến, khát vọng của bạn sẽ trở thành hiện thực. Đây được gọi là Quy luật Nỗ lực Tối thiểu.

Quá khứ là lịch sử, tương lai là bí ẩn, và hiện tại là một món quà.

ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU

Tôi sẽ thực hiện Quy luật Nỗ lực Tối thiểu bằng cách cam kết tuân theo các bước sau:

1. Tôi sẽ thực hiện việc Chấp nhận. Ngày hôm nay tôi sẽ chấp nhận những con người, những tình huống, hoàn cảnh và sự kiện xảy ra. Tôi sẽ biết được rằng thời điểm này là như nó nên thế, bởi toàn bộ vũ trụ cũng đang trong trạng thái như nó nên thế. Tôi sẽ không đấu tranh chống lại toàn thể vũ trụ bằng cách chống lại thời điểm này. Sự chấp nhận của tôi là hoàn toàn và tuyệt đối. Tôi chấp nhận sự việc như chúng vốn thế tại thời điểm này, chứ không phải như tôi mong muốn.

2. Khi chấp nhận mọi thứ như chúng vốn thế, tôi sẽ chịu trách nhiệm về hoàn cảnh của mình và về tất cả những vấn đề mà mình cho là khó khăn. Tôi biết rằng chịu trách nhiệm có nghĩa không đổ lỗi cho bất cứ ai hay bất cứ điều gì đối với hoàn cảnh của mình (và cả chính bản thân mình). Tôi cũng biết mỗi khó khăn đều là một cơ hội được ngụy trang, và sự tỉnh táo trước các cơ hội này cho phép tôi nhận lấy thời điểm này và biến nó thành lợi ích to lớn hơn.

3. Ngày hôm nay nhận thức của tôi sẽ vẫn được đặt trong trạng thái Không được bảo vệ. Tôi sẽ từ bỏ nhu cầu bảo vệ quan điểm của mình. Tôi sẽ cảm thấy không cần thiết phải thuyết phục hay làm cho người khác chấp nhận quan điểm của mình. Tôi vẫn sẽ cởi mở với mọi quan điểm chứ không cứng nhắc thiên về một quan điểm cụ thể nào trong số đó.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. QUY LUẬT NGHIỆP QUẢ HAY NGUYÊN NHÂN VÀ HỆ QUẢ
  2. QUY LUẬT MỤC ĐÍCH VÀ KHÁT VỌNG

Bài viết khác của tác giả

  1. ÁP DỤNG QUY LUẬT NHÂN QUẢ
  2. THAY ĐỔI THỰC TẾ CỦA BẠN ĐỂ THÍCH ỨNG VỚI BÍ MẬT THỨ CHÍN
  3. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH