QUY LUẬT NGHIỆP QUẢ HAY NGUYÊN NHÂN VÀ HỆ QUẢ

DEEPAK CHOPRA

Trích: Bảy quy luật tinh thần của thành công; Lý Đình dịch; NXB. Thế giới - Công ty Văn hóa và truyền thông Nhã Nam, 2013

Mọi hành động đều tạo ra thứ sức mạnh quay lại với chúng ta trong trạng thái giống ban đầu… chúng ta gieo cây nào sẽ gặt quả nấy. Và khi chúng ta lựa chọn những hành động mang lại hạnh phúc và thành công cho người khác, trái ngọt của nghiệp quả sẽ là hạnh phúc và thành công.

“Nghiệp quả là sự khẳng định vĩnh cửu tự do con người… Suy nghĩ của chúng ta, ngôn từ của chúng ta và hành vi của chúng ta là những sợi chỉ của tấm lưới mà chúng ta quăng quanh bản thân mình.”Swami Vivekananda

Quy luật tinh thần thành công thứ ba là Quy luật Nghiệp quả.

“Nghiệp quả” vừa là hành động vừa là hệ quả của hành động đó; nó là nguyên nhân, đồng thời là kết quả, bởi mọi hành động đều tạo ra thứ sức mạnh quay lại với chúng ta trong trạng thái giống ban đầu. Luật Nghiệp quả không phải là điều gì mới mẻ. Hẳn mọi người đã từng nghe “Gieo cây nào, gặt quả ấy.” Rõ ràng, nếu muốn tạo dựng hạnh phúc trong cuộc đời mình, chúng ta phải học cách gieo mầm hạnh phúc. Do vậy, nghiệp quả dùng để chỉ hành động đưa ra lựa chọn có ý thức.

Về bản chất, cả bạn và tôi đều là những người không bao giờ ngừng lựa chọn. Trong từng khoảnh khắc tồn tại của mình, chúng ta đều nằm trong địa hạt của mọi khả năng nơi chúng ta được tiếp cận vô số những lựa chọn. Một vài lựa chọn của chúng ta có ý thức, trong khi số khác thì vô thức. Nhưng cách tốt nhất để hiểu và vận dụng được tối đa luật nghiệp quả là trong bất cứ thời điểm nào cũng phải nhận thức rõ những lựa chọn của chúng ta.

Dù bạn thích hay không thì bất cứ điều gì đang diễn ra tại thời điểm này đều là kết quả của những lựa chọn của bạn trong quá khứ. Thật không may, nhiều người trong chúng ta lại chọn lựa một cách vô thức, và do vậy chúng ta không nghĩ rằng đó là những sự lựa chọn – trong khi thực tế đúng là như vậy.

Nếu tôi xúc phạm bạn, rất có thể bạn sẽ chọn cách tỏ ra khó chịu. Nếu tôi khen ngợi bạn, rất có thể bạn sẽ chọn cách cảm thấy hài lòng hoặc hãnh diện. Nhưng hãy nghĩ về nó: nó vẫn chỉ là một lựa chọn.

Tôi có thể khiến bạn bực mình và tôi có thể xúc phạm bạn, và bạn có thể chọn cách không cảm thấy bực mình. Tôi có thể khen ngợi bạn và bạn cũng có thể chọn cách không để điều đó khiến bạn hãnh diện.

Nói cách khác, hầu hết chúng ta – thậm chí ngay cả khi chúng ta là những người có khả năng lựa chọn vô hạn – đều trở thành những mớ phản ứng có điều kiện vốn không ngừng được con người và các tình huống tác động mà biến thành những kết quả hành vi có thể đoán trước được. Những phản ứng có điều kiện này cũng giống như phản xạ Pavlov. Pavlov trở nên nổi tiếng khi chứng minh được rằng nếu mỗi lần cho chó ăn bạn đều rung chuông thì dần dần con chó sẽ bắt đầu chảy nước miếng khi bạn mới chỉ rung chuông, bởi nó có sự liên tưởng giữa tác nhân kích thích này với tác nhân kích thích kia.

Hầu hết chúng ta đều có những phản ứng lặp lại và có thể đoán trước đối với các nhân tố kích thích trong môi trường như là kết quả của một quá trình điều kiện hóa. Có vẻ như những phản ứng của chúng ta đều do con người và các tình huống gây nên, và chúng ta quên mất rằng đây vẫn chỉ là những chọn lựa mà chúng ta đang đưa ra trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Chỉ là chúng ta đang chọn lựa một cách vô thức mà thôi.

Nếu bạn quay lại một thời điểm và quan sát những chọn lựa của bạn trong thời điểm đưa ra lựa chọn ấy, thì chỉ qua hành động quan sát này, bạn nắm được toàn bộ quá trình từ địa hạt vô thức tới địa hạt ý thức. Quá trình chọn lựa và quan sát có ý thức này có tác động mạnh mẽ.

Khi bạn đưa ra một lựa chọn – bất kể lựa chọn nào – bạn có thể tự hỏi mình hai điều: Thứ nhất, “Hệ quả của lựa chọn mình đang đưa ra là gì?” Bạn sẽ ngay lập tức biết rõ câu trả lời từ trong thâm tâm. Thứ hai, “Liệu lựa chọn mình đang đưa ra có mang lại hạnh phúc cho mình và những người xung quanh hay không?” Nếu câu trả lời là có thì hãy thực hiện lựa chọn đó. Nếu câu trả lời là không, nếu lựa chọn đó khiến bạn hay những người xung quanh cảm thấy phiền muộn, hãy gạt nó đi. Đơn giản thế thôi.

Trong số rất nhiều những lựa chọn luôn có sẵn thì chỉ duy nhất một lựa chọn sẽ mang lại hạnh phúc cho bạn cũng như những người quanh bạn. Và khi bạn đưa ra lựa chọn đó, bạn sẽ có được một dạng hành vi gọi là hành động đúng đắn tự nhiên. Hành động đúng đắn tự nhiên là hành động phù hợp tại một thời điểm phù hợp. Nó là phản ứng đúng đắn cho mọi tình huống khi nó xảy ra. Chính hành động đó đem lại lợi ích cho bạn và bất cứ ai chịu tác động của nó.

Một cơ chế rất thú vị là vũ trụ phải giúp bạn đưa ra được những lựa chọn đúng đắn tự nhiên. Cơ chế này gắn với những cảm giác trong cơ thể bạn. Cơ thể bạn cảm nhận được hai loại cảm giác: một là dễ chịu, và một là khó chịu. Tại thời điểm bạn lựa chọn một cách có ý thức, hãy chú ý đến cơ thể mình và tự hỏi, “Nếu mình đưa ra lựa chọn này, điều gì sẽ xảy ra?” Nếu cơ thể bạn gửi tín hiệu cảm giác dễ chịu, đó là lựa chọn đúng. Nếu cơ thể bạn gửi tín hiệu khó chịu thì đó không phải là lựa chọn phù hợp.

Với một số người, tín hiệu cảm giác dễ chịu và khó chịu nằm trong vùng đám rối dương, nhưng với hầu hết mọi người thì nó lại nằm trong trái tim. Hãy luôn có ý thức quan tâm tới trái tim mình và hỏi nó bạn nên làm gì. Và hãy chờ đợi phản ứng – một phản ứng mang tính vật lý dưới hình thức cảm giác. Nó có thể thuộc cấp độ mờ nhạt nhất trong cảm giác – nhưng nó vẫn hiện hữu ở đó, trong cơ thể bạn.

Chỉ có trái tim mới biết câu trả lời chính xác. Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng trái tim ủy mị và đa cảm. Nhưng không hẳn thế. Trái tim mang tính trực giác; tính chính thể, phù hợp với hoàn cảnh, và có tính liên đới. Nó không theo định hướng được-mất. Nó gắn vào bộ não vũ trụ – trường tiềm năng thuần khiết, tri thức thuần khiết và quyền năng tổ chức vô hạn – và lưu tâm đến tất cả mọi thứ. Đôi lúc có vẻ như trái tim không có lý trí, nhưng nó có khả năng tính toán chính xác và tỉ mỉ hơn nhiều so với bất cứ thứ gì trong giới hạn của tư duy thuần lý.

Bạn có thể vận dụng Quy luật Nghiệp quả để tạo ra tiền bạc và của cải, và vô số những điều tốt lành khác, vào bất cứ lúc nào bạn muốn. Nhưng trước hết, bạn phải ý thức rõ tương lai bạn là kết quả của những lựa chọn mà bạn đưa ra trong từng thời điểm của cuộc sống. Nếu thường xuyên ý thức được điều đó, bạn sẽ tận dụng được tối đa Quy luật Nghiệp quả. Càng đưa ra được những lựa chọn dựa trên ý thức, bạn sẽ càng có được những chọn lựa chính xác một cách tự nhiên – cả cho bạn lẫn những người xung quanh.

Vậy còn nghiệp quả trong quá khứ thì sao và nó đang ảnh hưởng tới bạn như thế nào? Có ba điều bạn có thể làm đối với nghiệp quả trong quá khứ. Một là trả những món nợ nghiệp quả. Hầu hết mọi người đều chọn cách này – một cách vô thức, tất nhiên. Đây cũng có thể là lựa chọn của bạn. Đôi khi việc trả những món nợ đó mang lại nhiều đau khổ, nhưng theo Quy luật Nghiệp quả thì không có món nợ nào trên thế gian này lại không phải trả. Trên thế gian này tồn tại một hệ thống kế toán hoàn hảo, và mọi thứ đều là sự trao đổi “qua lại” không ngừng của năng lượng.

Điều thứ hai bạn có thể làm là chuyển hóa hoặc chuyển đổi nghiệp quả của bạn thành một trải nghiệm đáng mong muốn hơn. Đây là một quá trình rất thú vị mà trong đó khi đang trả món nợ nghiệp quả, bạn tự hỏi mình, “Tôi có thể học được gì từ trải nghiệm này? Tại sao điều này lại xảy ra và đâu là thông điệp mà vũ trụ gửi đến tôi? Làm thế nào tôi có thể khiến trải nghiệm này trở nên hữu ích cho đồng loại của tôi?

Bằng cách này, bạn tìm kiếm hạt giống cơ hội và sau đó gắn hạt giống ấy với pháp, với mục đích cuộc sống của bạn, điều này chúng ta sẽ nói đến trong Quy luật Tinh thần thứ bảy của Thành công. Cách này cho phép bạn chuyển hóa nghiệp quả sang một dạng thức thể hiện mới.

Chẳng hạn, nếu bạn gãy chân trong lúc chơi thể thao, có thể bạn sẽ hỏi, “Tôi có thể học được gì từ trải nghiệm này? Đâu là thông điệp mà vũ trụ gửi đến tôi?” Có thể thông điệp đó là bạn cần phải chơi chậm lại và hãy cẩn thận hay chú ý hơn đến cơ thể mình trong những lần sau. Và nếu pháp của bạn là dạy những người khác điều bạn biết, thì bằng cách hỏi, “Làm thế nào tôi có thể khiến trải nghiệm này trở nên hữu ích cho đồng loại của tôi?” Có thể bạn sẽ quyết định chia sẻ những gì bạn biết bằng cách viết sách về việc chơi thể thao một cách an toàn. Hoặc bạn có thể thiết kế ra một loại giày hay dụng cụ đặc biệt hỗ trợ chân, có khả năng phòng ngừa loại chấn thương như bạn từng gặp phải.

Bằng cách này, trong khi trả món nợ nghiệp quả, bạn cũng sẽ biến điều bất lợi thành thuận lợi có thể mang lại cho bạn sự giàu có và thỏa mãn. Đây là sự chuyển hóa nghiệp quả của bạn thành một trải nghiệm tích cực. Bạn chưa thực sự thoát khỏi nghiệp quả, nhưng bạn có thể hóa giải được một phần nghiệp quả và tạo ra nghiệp quả mới mang tính tích cực từ nghiệp quả ấy.

Cách thứ ba để đối mặt với nghiệp quả là vượt lên nghiệp quả. Vượt lên nghiệp quả nghĩa là trở nên độc lập với nghiệp quả. Cách để vượt lên nghiệp quả là không ngừng trải nghiệm khoảng trống, Cái Tôi và Tinh thần. Điều này cũng giống như giặt một miếng vải bẩn trên dòng suối. Mỗi lần giặt nó, bạn sẽ làm mờ bớt vết bẩn. Bạn tiếp tục giặt đi giặt lại, và cứ sau mỗi lần giặt nó sẽ trở nên sạch hơn một chút. Bạn rũ sạch hay vượt lên hạt giống nghiệp quả bằng cách đi vào khoảng trống rồi lại đi ra. Tất nhiên, điều này được thực hiện thông qua phương pháp thiền.

Tất cả mọi hành động đều là một phần nghiệp quả. Uống một tách cà phê là một phần nghiệp quả. Hành động đó tạo ra kí ức, và ký ức có khả năng hay tiềm năng tạo ra khát vọng. Khát vọng lại sinh ra hành động. Phần mềm điều hành của tâm hồn bạn là nghiệp quả, ký ức và khát vọng. Tâm hồn bạn là một tập hợp ý thức chứa đựng hạt giống nghiệp quả, ký ức và khát vọng. Bằng cách ý thức về những hạt giống hiện hữu này, bạn sẽ trở thành người có ý thức tạo ra thực tại. Bằng cách trở thành một người lựa chọn có ý thức, bạn sẽ bắt đầu đưa ra những hành động mang tính tiến hóa cho bạn và những người xung quanh. Và đó là tất cả những gì bạn cần làm.

Chừng nào nghiệp quả còn mang tính tiến hóa – cho Cái Tôi và bất cứ ai chịu tác động của Cái Tôi – thì hạnh phúc và thành công sẽ chính là những trái ngọt của nghiệp quả.

Áp Dụng Quy Luật “Nghiệp Quả” Hay Luật Nhân Quả

Tôi sẽ thực hiện Quy luật Nghiệp quả bằng cách cam kết tuân theo các bước sau:

  1. Hôm nay tôi sẽ xem xét những lựa chọn mà tôi đưa ra tại mỗi thời điểm. Và trong khi thuần túy xem xét những lựa chọn này, tôi sẽ quan tâm, ý thức đến chúng. Tôi sẽ biết cách tốt nhất để chuẩn bị cho bất cứ thời điểm nào trong tương lai chính là việc ý thức đầy đủ ngay từ hiện tại.
  2. Bất cứ lúc nào đưa ra một lựa chọn, tôi sẽ tự đặt cho mình hai câu hỏi: “Những hệ quả của lựa chọn mà tôi đưa ra là gì?” và “Liệu lựa chọn này có mang lại sự thỏa mãn và hạnh phúc cho tôi cũng như những người chịu  tác động của lựa chọn này hay không?
  3. Sau đó tôi sẽ tìm sự chỉ dẫn từ trái tim mình và sẽ được chỉ dẫn thông qua tín hiệu dễ chịu hay khó chịu của trái tim. Nếu lựa chọn đó mang lại cảm giác dễ chịu, tôi sẽ tự do lao về phía trước. Nếu lựa chọn đó khiến tôi khó chịu, tôi sẽ dừng lại và xem xét những hậu quả của hành động bằng cái nhìn nội tâm của tôi. Chỉ dẫn này sẽ giúp tôi đưa ra những lựa chọn đúng đắn tự nhiên cho chính tôi và những người xung quanh.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NHÂN QUẢ ĐỐI VỚI SỨC KHỎE
  2. SỐNG AN VUI
  3. NHÂN QUẢ ĐỂ GIẢI THÍCH ĐỜI SỐNG

Bài viết khác của tác giả

  1. CHẾT CÓ Ý THỨC
  2. NHỮNG NGUYÊN TẮC MẠNH MẼ GIÚP BẠN ĐẠT TỚI SỰ LÀM CHỦ CÁI TÔI
  3. NHỮNG GÌ BẠN NHÌN THẤY, BẠN TRỞ THÀNH NHƯ VẬY

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ