NHỮNG GÌ BẠN NHÌN THẤY, BẠN TRỞ THÀNH NHƯ VẬY

DEEPAK CHOPRA

Trích: Chữa Lành Lượng Tử; Nguyên tác: Quantum Healing; Việt dịch: Lê Hà Lộc & Nguyễn Tăng Phú; NXB. Thế giới; Công ty XB Sách Thiện Tri Thức, 2022

Trong nhiều năm, tôi đã bị ám ảnh bởi ký ức về một trong những bệnh nhân đầu tiên của tôi, một người dân làng ở Ấn Độ tên là Laxman Govindass. Lúc đó, tôi còn là một sinh viên y khoa ở New Delhi, bị kìm kẹp trong nhiệm vụ cực nhọc là chăm sóc sức khỏe thể chất cho những bệnh nhân mà các bác sĩ chính thức của bệnh viện quá bận rộn chưa khám được. Bệnh viện được đề cập ở đây là một bệnh viện giảng dạy liên kết với trường của tôi, Học viện Y khoa Toàn Ấn Độ, và các bác sĩ hàn lâm ở đó hiếm khi quan tâm đến một kẻ nát rượu như Laxman Govindass.

Ông ta là một nông dân nghèo, việc uống rượu trở nên không còn kiểm soát được nữa, đến mức gia đình bỏ rơi ông. Một người con trai đã bó ông lại, đưa đến cửa bệnh viện của chúng tôi và để ông ta lại đó với một câu, “Đây là nơi mà có lẽ ông sẽ chết.” Giống như tất cả những người dân làng được phó thác cho chúng tôi, ông Govindass rất sợ hãi và vô cùng hoang mang. Các bác sĩ thực tập nội trú đã chăm lo đầy đủ cho bệnh xơ gan của ông ta, nhưng không dành bất kỳ thời gian nào để làm quen với ông. Tôi làm quen với ông ấy chỉ bởi vì là một sinh viên, phần lớn thời gian trong ngày tôi không có việc gì để làm. Tôi tạo cho mình thói quen đi theo người hộ lý phát cà ri ăn tối để có thể trò chuyện với bệnh nhân.

Tôi bắt đầu mối quan hệ với Govindass, ngồi cạnh giường ông và thỉnh thoảng trao đổi với nhau vài câu; chủ yếu là chúng tôi chỉ cùng nhau nhìn ra ngoài cửa sổ. Mỗi ngày trôi qua ông suy kiệt thêm một chút, và không ai, kể cả tôi, nghĩ rằng ông còn sống được lâu hơn một tuần hoặc tối đa là hai tuần. Trong một thời gian ngắn, đã đến lúc tôi phải xoay phiên từ thành phố đến một trạm xá trong ngôi làng nhỏ cách đó sáu mươi dặm, vì thế tôi đi vào để chào tạm biệt ông. Giữ vẻ mặt tươi tỉnh, tôi đã nói với ông ấy rằng tôi sẽ trở lại gặp ông ấy sau ba mươi ngày nữa.

Đáp lại, ông nhìn tôi rất nghiêm túc và nói “Giờ anh ra đi rồi, tôi không còn gì nữa để sống – Tôi sẽ chết”. Không nghĩ gì tôi buột miệng nói: “Đừng ngớ ngẩn. Ông không thể chết cho đến khi tôi quay lại gặp ông lần nữa.” Vì Govindass vô cùng tiều tụy – ông chỉ còn nặng chưa đến 40kg nên các bác sĩ đã rất ngạc nhiên vì ông thậm chí còn sống.

Tôi đi nhận nhiệm vụ ở vùng quê và trong một thời gian ngắn không còn suy nghĩ gì về ông ấy nữa. Một tháng sau, khi trở lại New Delhi, lúc đi dọc hành lang bệnh viện, tôi nhìn thấy cái tên Laxman Govindass trên một cánh cửa. Tôi lao vào, cảm thấy sợ hãi lạ lùng, và ông ở đó, cuộn tròn bên ngoài tấm trải giường trong tư thế bào thai. Người ông chẳng còn gì ngoài da và xương, nhưng khi tôi nhẹ nhàng chạm vào ông, ông hướng đôi mắt to về phía tôi. “Anh đã trở lại”, ông lẩm bẩm. “Anh đã nói rằng tôi không thể chết mà không gặp lại anh – giờ tôi gặp anh rồi.” Rồi ông nhắm mắt lại và chết.

Tôi đã từng kể lại chi tiết sự việc này, một trong những sự kiện quan trọng nhất của đời tôi; vào thời điểm đó, tôi cảm nhận hai cảm xúc – một cảm giác tội lỗi vương vất vì đã tuyên án con người có quá nhiều đau khổ triền miên này và một sự tôn trọng sâu sắc đối với các mối liên hệ giữa tâm trí và cơ thể đã giúp ông sống sót. Bây giờ tôi nhận ra rằng tôi đã nhìn thấy chân lý của sự vô hạn, khả năng làm những gì chúng muốn của các xung lực từ trí thông minh của chúng ta, bất chấp tất cả các quy tắc có thể phải bị phá vỡ. Xung lực mà tôi chia sẻ với Laxman Govindass là tình yêu. Mặc dù nó nảy sinh trong một cơ thể suy kiệt nhưng tình yêu của ông có sức mạnh mà bất cứ tình yêu nào cũng luôn có – nó đem lại một cuộc sống mới. Nó xuyên qua Maya của cơ thể ông và bất chấp cái chết để đòi lại ông. Trên sự tinh xảo của xung lực đó, một sợi tơ mảnh mà chắc như thép, một nền y học mới có thể được thiết lập.

Khả năng mỗi người là một sinh thể vô hạn giờ đang trở nên hiện thực hơn. Được ban cho sự linh hoạt hoàn toàn trong hệ thần kinh, tất cả chúng ta đều có quyền lựa chọn để xây dựng ranh giới hoặc phá bỏ chúng. Mỗi người liên tục sản sinh ra một loạt suy nghĩ, ký ức, mong muốn, đối tượng, v.v. Những xung lực này, róc rách chảy qua đại dương ý thức, trở thành thực tại của bạn. Nếu bạn biết cách kiểm soát việc tạo ra các xung lực của trí thông minh, bạn sẽ không chỉ có thể phát triển các sợi nhánh tế bào thần kinh mới mà cả bất cứ thứ gì khác.

“Bạn nhìn thấy những gì, bạn trở thành như vậy.” – Photo by Ravi Pinisetti on Unsplash

“Bạn nhìn thấy những gì, bạn trở thành như vậy” là một chân lý định hình toàn bộ các chức năng sinh lý, bao gồm cả bộ não. Điều này đã được làm rõ bởi một thí nghiệm tài tình do các nhà tâm lý học Joseph Hubel và David Weisel nghĩ ra, một lần nữa liên quan đến những chú mèo con mới sinh. Ba đàn mèo con được đặt trong môi trường được kiểm soát cẩn thận khi chúng mở mắt. Đầu tiên là một hộp màu trắng được sơn sọc ngang màu đen; hộp thứ hai là một hộp màu trắng được sơn các sọc dọc màu đen; hộp thứ ba chỉ đơn giản giữ lại màu trắng.

Sau khi tiếp xúc với những điều kiện này trong vài ngày quan trọng khi thị giác phát triển, não của mèo con tuân theo chúng suốt đời. Những con vật được nuôi dưỡng trong một thế giới toàn sọc ngang không thể nhìn thấy bất cứ thứ gì theo chiều dọc một cách chính xác – chúng sẽ đâm vào chân ghế, chiều dọc của chân ghế có rất ít hoặc không có tính thực tại đối với chúng. Đàn mèo từ hộp trắng sọc dọc gặp vấn đề hoàn toàn ngược lại, không thể cảm nhận được các đường ngang. Những chú mèo con từ môi trường toàn màu trắng bị mất phương hướng nhiều hơn và không thể liên hệ chính xác với bất kỳ đồ vật nào.

Những con vật này trở thành những gì chúng nhìn thấy, bởi vì các tế bào thần kinh chịu trách nhiệm về thị giác giờ đây đã được lập trình cố định. Trong trường hợp của con người cũng vậy, bộ não cũng hy sinh một số nhận biết không biên giới của nó mỗi khi nó nhận biết thế giới thông qua các ranh giới. Nếu không có khả năng để vượt lên, chứng mù một phần này là không thể tránh khỏi. Đối với mỗi giác quan, không chỉ thị giác, các dấu ấn liên tục được đặt lên các tế bào thần kinh của chúng ta. Mặc dù chúng ta quen gọi các dấu ấn nặng nề hơn là “căng thẳng” nhưng trên thực tế, tất cả các dấu ấn đều tạo ra một hạn chế nào đó.

Để minh họa: các nhà nghiên cứu tại M.I.T. vào đầu những năm 1980 đã khảo sát cách thính giác của con người hoạt động. Thính giác có vẻ thụ động, nhưng thực ra mỗi người đều lắng nghe thế giới một cách khá chọn lọc và đưa ra cách giải thích của riêng mình dựa trên những dữ liệu thô lọt đến tai mình. (Ví dụ, một nhạc sĩ được đào tạo sẽ nghe thấy cao độ và hợp âm, còn một người không mù giai điệu lại nghe thấy tiếng ồn.) Một thử nghiệm liên quan đến việc cho mọi người nghe những nhịp điệu ngắn, đơn giản (1-2-3 và 1-2-3 và 1-2 -3), sau đó huấn luyện họ nghe nhịp điệu theo một cách khác (1, 3-và-1, 2, 3-và1, 2). Sau khi họ bắt đầu nghe các nhịp điệu khác nhau, các đối tượng báo cáo rằng âm thanh có vẻ sống động và tươi mới hơn. Rõ ràng, thí nghiệm đã dạy mọi người thay đổi một chút ranh giới vô hình của họ. Tuy nhiên, kết quả thực sự thú vị là khi họ về nhà, những người này nhận thấy màu sắc trông tươi sáng hơn, âm nhạc nghe vui tai hơn, hương vị thức ăn bỗng nhiên ngon hơn và mọi người xung quanh họ trông thật đáng yêu.

Chỉ cần một chút mở rộng của nhận thức đã gây ra sự thay đổi thực tại. Thiền mang lại một sự thay đổi lớn hơn bởi vì nó mở ra nhiều kênh nhận biết hơn và mở chúng đến cấp độ sâu hơn. Sự thay đổi không đi chệch xa khỏi cách thức thông thường mà chúng ta sử dụng sự nhận biết của mình. Xây dựng ranh giới vẫn sẽ là một yếu tố có thật trong cuộc sống. Sự thay đổi mà các rishi mang lại là truyền cho hoạt động này sự tự do, nâng nó lên một cấp độ vượt quá những suy nghĩ và mong muốn vụn vặt của bản ngã biệt lập. Thông thường, bản ngã không có lựa chọn nào khác ngoài việc dành cả cuộc đời để dựng lên hết ranh giới này đến ranh giới khác một cách tuyệt vọng. Nó làm điều này vì cùng một lý do mà các thành phố thời trung cổ đã dựng lên các bức tường thành – với mục đích bảo vệ.

Bản ngã nhận thấy thế giới là một nơi nguy hiểm, thù địch bởi vì mọi thứ tồn tại đều tách biệt khỏi “Tôi”. Đây là tình trạng được gọi là nhị nguyên, hai mặt, và nó là nguồn gốc to lớn của nỗi sợ hãi – Vệ đà gọi nó là nguồn gốc duy nhất của nỗi sợ hãi. Khi chúng ta nhìn ra “ngoài kia”, chúng ta thấy mọi loại mối đe dọa tiềm tàng, tất cả những tổn thương và đau đớn mà cuộc sống có thể gây ra. Biện pháp phòng vệ hợp lý của bản ngã là xây tường chung quanh chính nó bằng những thứ thân thiện hơn – gia đình, những thú vui, những ký ức hạnh phúc, những địa điểm và hoạt động quen thuộc. Các rishi không đề xuất phá bỏ các ranh giới phòng thủ này, mặc dù nhiều người tin rằng đó là ý định của họ. Ở cả phương Đông và phương Tây, ý tưởng cho rằng các nhà hiền triết Ấn Độ lên án “ảo tưởng của cuộc sống” đã bén rễ, tuy nhiên, thực tại Vệ đà không dựa trên một điều phi lý như vậy.

Tính nhị nguyên thực sự có tồn tại, và vì sự tồn tại của nó, việc thừa nhận một sự thống nhất cao hơn có ý nghĩa. Hai đối cực hợp nhất thành một tổng thể – nguyên tắc này đặt các trường thinh lặng và trường năng động của cuộc sống vào một góc nhìn thích hợp. Khi các rishi tìm thấy sự thống nhất, trường thinh lặng của trí thông minh, họ đã tìm ra cực còn lại, cực khiến cuộc sống trở nên trọn vẹn. Các văn bản cổ giải thích điều này là Purnarn adah, purnam idam – “Cái này đầy thì cái kia cũng đầy.”

Vì vậy, mục tiêu cao nhất của sự tồn tại là đạt được “hai trăm phần trăm cuộc sống”. Hệ thần kinh của con người có thể thực hiện được điều này bởi vì nó đủ linh hoạt để trân quý sự đa dạng của sự sống vốn là vô hạn nhưng đầy ranh giới, và trạng thái hợp nhất, cũng vô hạn, nhưng hoàn toàn không có ranh giới. Chỉ từ quan điểm logic, không thể có khả năng nào khác. Không ai được trao cho một chiếc máy tính vũ trụ cùng lời dặn: “Hãy nhớ rằng, bạn chỉ có thể sử dụng một nửa của nó”. Không ai gán cho chúng ta bất kỳ giới hạn nào đối với các mô thức của trí thông minh mà chúng ta có thể tạo ra, thay đổi, pha trộn, mở rộng và sống ở đó. Cuộc sống là một trường của những khả năng vô hạn. Đó là sự vinh quang của tính hoàn toàn linh hoạt trong hệ thần kinh của con người.

Đây là một điểm cực kỳ quan trọng. Nó nói rằng chúng ta có thể bỏ qua những lựa chọn hạn hẹp, bị ước định mà chúng ta vẫn quen đưa ra và đi thẳng đến giải pháp của bất kỳ vấn đề nào. Cơ sở cho khẳng định này là tự nhiên đã cấu trúc sẵn giải pháp trong ý thức của chúng ta. Các vấn đề phiền toái nằm trong trường của sự đa dạng, trong khi các giải pháp lại ở trong trường thống nhất. Đi thẳng đến trường thống nhất sẽ tự động tìm ra giải pháp mà hệ thống tâm-thể sau đó sẽ thực hiện – đó là con đường tắt của rishi.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. ÁP DỤNG QUY LUẬT NHÂN QUẢ
  2. THAY ĐỔI THỰC TẾ CỦA BẠN ĐỂ THÍCH ỨNG VỚI BÍ MẬT THỨ CHÍN
  3. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU

Bài viết mới

  1. HÀO PHÓNG – VẼ LẠI NHỮNG LẰN RANH
  2. NHỮNG KẺ ĐỊCH THÂN CẬN
  3. KHẢ NĂNG TRUYỀN CẢM HỨNG