SAANEN, NGÀY 15 THÁNG 7 NĂM 1972

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: Về Tâm Và Ý; Vũ Toàn dịch; NXB Phương Đông.

Thật là đẹp và lý thú biết bao khi ý nghĩ vắng bặt và chỉ còn sự sáng suốt. Ý nghĩ không thể có được sự sáng suốt. Chỉ khi nào tâm không hoạt động một cách máy móc trong cái cơ cấu của ý nghĩ thì người ta mới có được sự sáng suốt. Khi có được sự sáng suốt thì ý nghĩ sẽ đưa ra một kết luận về sự sáng suốt đó. Và thế là ý nghĩ lại hành động mà ý nghĩ thì máy móc. Như thế, tôi muốn biết liệu có thể nào có được cái nhìn sáng suốt về chính mình, và cũng có nghĩa là về thế gian này, mà không đưa ra một kết luận nào? Khi đi đến một kết luận, ta hành động theo một ý tưởng, một hình ảnh, hoặc một biểu tượng, có nghĩa là cơ cấu của ý; như thế ta không ngừng ngăn che sự sáng suốt trong chính mình, và không hiểu biết sự vật như chúng đang là. Tôi sẽ đi vào toàn thể vấn đề này để tìm hiểu tại sao ý nghĩ lại can thiệp và đi đến một kết luận khi nhận thức xảy ra.

Ta nhận thức một điều gì đó là đúng, ta nhận thức rằng sự tự kiềm chế – hãy lắng nghe – sự tự kiềm chế tạo ra phân chia trong chính mình – người kiềm chế và kẻ bị kiềm chế, và do đó xung đột khởi sinh. Ta biết điều này rất rõ, ta đã bị điều kiện hóa bởi ý nghĩ ta phải kiềm chế, giáo dục, tôn giáo, xã hội mà ta đang sống, cơ cấu gia đình, tất cả mọi thứ đều bảo ta “kiềm chế.” Đó là cái kết luận trao truyền cho ta, cũng là cái kết luận mà ta thụ đắc, và hành động theo kết luận đó có nghĩa là máy móc. Vì thế ta sống trong sự xung đột thường xuyên. Bây giờ ta có được sự hiểu biết tường tận về toàn thể vấn đề kiềm chế. Như thế ta có được sự sáng suốt – xuất hiện khi tâm hoàn toàn tự do để quan sát, không còn bị điều kiện hóa – nhưng thật ra toàn thể cái cơ cấu của sự điều kiện hóa vẫn còn đó. Giờ đây có một cái tâm lên tiếng: “Chà! ta đã thấy điều này rất rõ, nhưng ta vẫn bị trói buộc trong thói quen của sự kiềm chế.” Thế là xung đột xảy ra – một bên là máy móc và bên kia là phi máy móc. Tại sao ý nghĩ lại bám víu vào toàn thể cơ cấu của sự kiềm chế? Bởi vì chính ý nghĩ đã đẻ ra ý tưởng kiềm chế này.

Kiềm chế là gì? Kiềm chế hàm ý ức chế và phân chia trong chính mình, nghĩa là một phần, một mảng của cái ta bảo: “Ta phải kiểm soát các phần kia.” Chính ý nghĩ đã đẻ ra sự phân chia này. Ý nghĩ bảo: “Ta phải tự kiềm chế vì nếu không ta sẽ không thể thích ứng với hoàn cảnh, với những gì người khác nói, và vân vân; do đó ta phải kiềm chế.” Như thế ý nghĩ, hay là phản ứng của ký ức – ký ức là quá khứ, là kinh nghiệm, kiến thức, mà tất cả đều là máy móc – có một quyền lực vô biên. Do đó xung đột luôn luôn xảy ra, giữa một bên là sự nhận thức, sự sáng suốt và bên kia là sự điều kiện hóa.

Vậy tâm phải làm gì? Đây là vấn đề của chúng ta. Các bạn thấy một cái gì đó mới nhưng cái cũ vẫn còn đó thói quen cũ, ý tưởng cũ và đủ loại đức tin, tất cả là một sức nặng khủng khiếp. Vấn đề bây giờ là làm sao tâm có thể duy trì sự sáng suốt mà không bao giờ đi đến một kết luận? Vì nếu ta có một kết luận thì kết luận ấy là máy móc, là kết quả của ý nghĩ, của ký ức. Từ ký ức có một phản ứng là ý nghĩ, rồi ý nghĩ sẽ trở nên máy móc, rồi ý nghĩ sẽ trở nên già nua. Hãy thực nghiệm điều này với tôi.

Sáng suốt là thấy biết hoàn toàn mới, trong sáng và đẹp, còn quá khứ là toàn thể ký ức, kinh nghiệm, kiến thức, và từ đó ý nghĩ sinh khởi, mà ý nghĩ thì thận trọng, dè dặt, sợ hãi và thường xuyên tự hỏi làm thế nào để đem cái mới vào cái cũ. Khi các bạn thấy biết điều này một cách rõ ràng thì chuyện gì xảy ra? Chúng ta là kết quả của quá khứ, dù cho những người thuộc thế hệ trẻ tìm cách thoát ly quá khứ và nghĩ rằng họ hoàn toàn tự do để tạo dựng một thế giới mới, thật ra họ vẫn chưa thoát khỏi quá quá khứ. Họ phản ứng với quá khứ, nên vẫn còn tiếp tục với quá khứ.

Như vậy ta đã nhận ra vấn đề. Ta đã thấy được ý nghĩ hành động ra sao, và ta cũng nhận thức rõ ràng là sự sáng suốt chỉ xuất hiện khi ý nghĩ vắng mặt. Bây giờ, làm sao ta giải quyết vấn đề này? Có bao giờ các bạn nghĩ đến điều này chưa? Có lẽ các bạn mới thấy nó lần đầu. Các bạn, hay tâm, phản ứng ra sao trước điều này?

Để tôi đặt câu hỏi theo một cách khác. Tâm phải có kiến thức: Tôi phải biết tôi sống ở đâu. Tâm phải biết ngôn ngữ mà nó nói. Tâm phải hành xử ý nghĩ – tức là phản ứng của ký ức, kinh nghiệm, kiến thức, và có nghĩa là quá khứ. Tâm phải hoạt động vì nếu tôi không tư duy rành mạch thì không thể có sự truyền đạt giữa các bạn và tôi. Như vậy kiến thức rất cần thiết để tâm hoạt động trong thế giới máy móc. Đi từ đây đến nơi tôi ở, nói một ngôn ngữ, mọi ứng xử từ kiến thức, từ đủ loại kinh nghiệm, đều là máy móc. Tiến trình máy móc này, trong một phạm vi nào đó, cần phải tiếp tục. Đây là điều mà ta thấy biết rất rõ ràng.

Các bạn có thấy không? Như vậy, khi có sự sáng suốt thì không hề có mâu thuẫn giữa kiến thức và phi kiến thức.

Điều ta thấy biết rõ ràng bây giờ là: Kiến thức thì cần thiết, và sự thấy biết rõ ràng đó chỉ xảy ra khi nào ý nghĩ vắng mặt. Như vậy lúc nào cũng có nhận thức, lúc nào cũng thấy biết rõ ràng mà không hề có mâu thuẫn.

Chắc các bạn thấy được sự khó khăn khi phải dùng ngôn từ để truyền đạt những điều tôi muốn nói. Điều tôi muốn truyền đạt đến các bạn là: cái tâm luôn luôn hoạt động dựa trên một kết luận thì chắc chắn sẽ trở nên máy móc, mà khi đã trở nên máy móc thì tâm sẽ phải chạy trốn vào ảo tưởng, thần thoại hay một trò xiếc tôn giáo nào đó. Khi thấy biết rõ ràng như thế, các bạn sẽ bảo: “Chà! điều này quả thật đúng.” Nhưng nếu từ sự thấy biết rõ ràng này các bạn rút ra một kết luận, thì tuy các bạn đã bước sang một phạm trù khác nhưng vẫn còn máy móc. Chỉ khi nào tâm luôn luôn thấy biết rõ ràng mà không đưa ra một kết luận thì trạng thái đó của tâm mới là sáng tạo – chứ không phải cái tâm thường xuyên ở trong xung đột và qua sự xung đột đó vẽ tranh, viết sách. Cái tâm này không bao giờ có thể sáng tạo. Nếu các bạn thấy được như thế, thì đó là sáng suốt, có phải thế không?

Các bạn biết đấy, trong thế giới văn học nghệ thuật, người ta thường khen tặng một người nào đó là một nghệ sĩ vĩ đại, hay một nhà văn sáng tạo. Nhưng đằng sau các tác phẩm, các bạn sẽ thấy tác giả phải đối diện với đủ mọi xung đột mỗi ngày – vợ con, gia đình, xã hội, tham vọng, lòng tham, ham muốn quyền lực, địa vị, danh vọng; và người sáng tác có một số tài năng trong lĩnh vực viết văn. Trong căng thẳng và xung đột, nhà văn có thể viết ra những tuyệt tác nhưng đã không thực sự sáng tác theo đúng nghĩa của từ ngữ này. Hãy quan sát xem liệu mỗi người trong chúng ta có thực sự sáng tạo theo đúng nghĩa của từ ngữ này hay không – không phải bằng sự thể hiện, có nghĩa là qua việc viết sách, làm thơ, hay một hình thức nào khác, mà là thường xuyên thấy biết sáng suốt nhưng không bao giờ rút ra một kết luận nào từ sự thấy biết sáng suốt đó; được như thế các bạn sẽ luôn luôn đi từ sự sáng suốt này đến sự sáng suốt khác, từ hành động này sang hành động khác. Đó là tự nhiên.

Một cái tâm như thế rõ ràng phải là đơn độc – nhưng không có nghĩa là bị cô lập. Các bạn có thể nhận ra sự khác biệt giữa cô lập và đơn độc? Ta bị cô lập khi ta dựng lên bức tường đối kháng quanh ta. Ta đối kháng lại, ta chống lại mọi phê bình, mọi ý kiến khác lạ, ta sợ hãi và ta tự vệ, ta không muốn bị tổn thương. Và do đó sự đối kháng này đã đem lại hành vi hướng ngã trong hành động của chúng ta, có nghĩa là một tiến trình đến cô lập. Các bạn rõ chứ? Hầu hết chúng ta đang tự cô lập. Ta đã bị tổn thương và ta không muốn bị thương tổn nữa. Ký ức về sự thương tổn vẫn còn đó nên ta kháng cự. Khi đặt đức tin vào Jesus hoặc Krishna, hoặc đấng nào đó, ta chống lại mọi hoài nghi, mọi chỉ trích về đức tin của ta vì đó chính là sự an toàn của ta. Đó là cô lập. Sự cô lập có thể bao gồm cả ngàn, cả triệu người, nhưng đó vẫn là sự cô lập. Khi tôi nói rằng tôi là một tín đồ Thiên chúa giáo, hay một người Cộng sản, hoặc một ai đó, thì tôi đang tự cô lập. Còn đơn độc thì hoàn toàn khác hẳn, nó không phải là sự đối nghịch của cô lập – các bạn hãy chăm chú lắng nghe là sự đơn độc. – thấy biết rõ ràng sự cô lập. Sự thấy biết rõ ràng này chính là sự cô lập.

Các bạn biết đấy, chết là trạng thái chung cuộc của sự cô lập hoàn toàn. Các bạn để lại tất cả phía sau, mọi công trình, mọi ý tưởng; các bạn hoàn toàn bị cô lập bởi nỗi lo sợ cái chết. Sự cô lập này hoàn toàn khác với sự thấu hiểu toàn thể bản chất của cái chết. Nếu các bạn thấy biết rõ ràng về cái chết tức là các bạn đơn độc.

Một cái tâm tự do thì sáng suốt trong từng phút, một cái tâm tự do thì không chứa chấp một kết luận nào nên không máy móc. Một cái tâm như thế luôn luôn hoạt động, hoạt động không máy móc, vì nó thấy thực tế và biết rõ mọi chuyện trong từng giây phút. Do đó nó luôn luôn chuyển dịch và sinh động. Một cái tâm như thế thì luôn luôn tươi trẻ và không thể bị tổn thương, còn cái tâm máy móc thì thường bị thương tổn.

Như thế ý nghĩ, nền tảng của mọi nền văn minh, là máy móc thì mọi nền văn minh đều máy móc. Và do đó chúng xấu xa. Vì thế khi thuộc về bất cứ tổ chức nào người ta sẽ trở nên tha hóa, hoặc để cho mình bị tha hóa. Đó là sáng suốt, có phải thế không? Liệu các bạn có thể đi từ sự sáng suốt này sang sự sáng suốt khác và cứ tiếp tục như thế, có nghĩa là đang sống, và như thế quan hệ sẽ trở thành một cái gì đó hoàn toàn khác? Mọi quan hệ của chúng ta đều dựa trên kết luận, có phải thế không? Hãy quan sát và thấy biết rõ ràng điều này, các bạn sẽ nhận ra sự thay đổi kỳ lạ trong mọi quan hệ hàng ngày của chính mình.

Trước tiên, mọi quan hệ của chúng ta là máy móc, có nghĩa là quan hệ của chúng ta dựa vào ý nghĩ, kết luận và hình ảnh. Tôi có một hình ảnh về vợ tôi, hoặc vợ tôi có một hình ảnh về tôi – hình ảnh theo nghĩa kiến thức, kết luận và kinh nghiệm – rồi từ kết luận, kiến thức và hình ảnh đó vợ tôi hành xử và qua hành xử tô đắp thêm cái hình ảnh và kết luận đã có về tôi; và cả tôi cũng thế. Như thế quan hệ là ở giữa hai kết luận, và do đó máy móc. Các bạn có thể gọi đó là tình yêu, người ta có thể ăn nằm với nhau, nhưng chỉ là máy móc. Cảm thấy máy móc, các bạn muốn sự hưng phấn – hưng phấn tôn giáo, hưng phấn tâm lý – hoặc bất cứ hình thức giải trí nào, để chạy trốn mối quan hệ máy móc đó. Người ta ly dị, và mong tìm được một người đàn ông hay một người đàn bà nào đó có cái gì khác lạ, nhưng rồi thì tất cả lại trở nên máy móc.

Như thế mọi quan hệ của chúng ta đều dựa trên tiến trình máy móc này. Nếu các bạn thấy được điều này một cách rõ ràng, thấy nó như nó thực sự là – lạc thú, cái gọi là tình yêu, cái gọi là đối kháng, những nỗi chán chường, những hình ảnh, những kết luận mà bạn đã tạo nên về người phối ngẫu của bạn và về chính bạn – nếu các bạn thấy một cách rõ ràng thì tất cả sẽ biến mất, có phải thế không? Các bạn sẽ không còn một hình ảnh, tức là một kết luận nào nữa. Như thế quan hệ sẽ trực tiếp, mà không qua một hình ảnh. Nhưng mọi quan hệ của con người đều dựa trên ý nghĩ, trên tri thức, có nghĩa là máy móc và như thế rõ ràng chẳng dính dáng chút nào đến tình yêu. Tôi có thể bảo rằng: “Tôi yêu vợ tôi,” nhưng đó không phải là một sự kiện thực tế. Tôi yêu cái hình ảnh mà tôi có về vợ tôi khi bà ấy không công kích tôi. Như thế tôi phát hiện ra rằng quan hệ mà không dựa vào hình ảnh, hay kết luận thì có nghĩa là trách nhiệm và tình yêu. Tình yêu không phải là một kết luận, các bạn hiểu chứ?

Bộ óc của tôi là cái kho chứa kiến thức, vô số các kinh nghiệm, ký ức, sự tổn thương và hình ảnh – tức là ý nghĩ – phải thế không? Hãy thấy rõ điều này. Bộ óc của tôi – có nghĩa là bộ óc của các bạn và cũng là của tôi – bị điều kiện hóa qua thời gian, qua sự tiến hóa, và qua sự trưởng thành. Chức năng của bộ óc là sống trong điều kiện an toàn tuyệt đối một cách tự nhiên, nếu không thì nó không thể hoạt động. Như vậy bộ óc cần dựng lên một bức tường quanh nó như đức tin, giáo điều, uy tín, quyền lực, địa vị, vân vân để có được cảm tưởng tuyệt đối an toàn. Có bao giờ các bạn quan sát bộ óc của mình hoạt động không? Các bạn sẽ nhận thấy rằng bộ óc hoạt động rất hợp lý và hữu hiệu khi nó không sợ hãi. Điều này có nghĩa là khi nó được an toàn tuyệt đối. Nhưng liệu có sự an toàn tuyệt đối chăng? Vì không chắc chắn về một sự an toàn tuyệt đối, nên bộ óc đi đến kết luận là có sự an toàn. Nó đưa ra một kết luận và kết luận trở thành sự an toàn của nó. Tôi sợ hãi, tôi thấy tôi chỉ có thể hoạt động, bộ óc chỉ có thể hoạt động, khi nào nó hưởng được sự an vui thực sự. Nhưng tôi không hưởng được sự an vui đó vì tôi luôn luôn lo sợ – sợ mất việc, mất vợ. Tôi lo sợ – và qua sự sợ hãi tôi đầu tư tất cả sức lực vào một đức tin, vào một kết luận nào đó; và nó trở thành sự an toàn của tôi. Sự tin tưởng đó, kết luận đó, có thể là một ảo tưởng, một chuyện hoang đường, một điều vớ vẩn, nhưng nó vẫn là sự an toàn của tôi. Người ta tin vào tất cả việc làm của các giáo hội, cho dù là hoàn toàn hoang đường, nhưng lại là sự an toàn của họ. Như thế, tôi tìm sự an toàn trong một đức tin, hoặc trong một thái độ rối loạn thần kinh – bởi vì hành xử một cách rối loạn thần kinh cũng là một hình thức của sự an toàn.

Bộ óc chỉ có thể hoạt động một cách tự do và trọn vẹn khi có sự an toàn tuyệt đối. Tôi cần phải có sự an toàn, dù thật hay giả, dù là ảo tưởng hay không tồn tại, vì thế bộ óc sẽ đẻ ra một sự an toàn. Bây giờ thì tôi thấy rõ rằng không hề có an toàn trong bất cứ đức tin, trong một kết luận, hay trong bất cứ cá nhân, trong bất cứ cơ cấu xã hội, trong bất cứ lãnh tụ nào, hay trong sự phục tùng một ai đó. Tôi thấy không có sự an toàn nào trong tất cả những thứ đó. Như vậy tôi chỉ có được an toàn trong sự thấy biết rõ ràng, trong sự sáng suốt. An toàn ở trong sự sáng suốt, chứ không ở trong một kết luận. Các bạn đã thấy được sự an toàn đó cho chính mình chưa? Mà không phải từ tôi. Các bạn đã nắm bắt được nó chưa, nó có thật đối với các bạn không?

Vấn đề của chúng ta là tâm hay bộ óc chỉ có thể hoạt động trong điều kiện trật tự tuyệt đối, an toàn tuyệt đối, và hoàn toàn chắc chắn; nếu không nó sẽ trở nên rối loạn, điên rồ. Do đó bất cứ ai, trong đó có cả tôi, nếu còn là thành viên của một đoàn thể, nếu còn đặt niềm tin vào một tổ chức, hay một lãnh tụ, đều hành động một cách điên rồ. Khi đã quẳng bỏ tất cả những thứ này thì tâm có được sự an toàn nào? Sự an toàn của tâm ở trong sự sáng suốt mà sự sáng suốt đó đem đến trí tuệ. An toàn là trí tuệ. Trí tuệ không phải kiến thức, không phải kinh nghiệm, mà là sự thấy biết rõ ràng giá trị của kiến thức; đó là khả năng của trí tuệ vững bền, và trong đó có sự an toàn. Vì vậy, trí tuệ đó, sự thấy biết rõ ràng đó thì luôn luôn vô úy.

Thật là kỳ diệu nếu chúng ta có thể cùng hiểu được điều duy nhất này: Bản chất của sự tỉnh thức, bản chất của nhận thức, bản chất của sự sáng suốt. Bởi vì lúc đó tâm sẽ hoàn toàn tự do để sống. Sống, nhưng không trong giằng co xung đột, tranh giành, ngờ vực, sợ hãi, đau đớn và tất cả những gì còn lại của sự bất hạnh.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. GIÁO DỤC ĐÚNG ĐẮN – KRISHNAMURTI BÀN VỀ GIÁO DỤC
  2. TÂM THỨC HOÀN TOÀN TỰ DO, KHÔNG PHÂN MẢNH LÀ MỘT TRẠNG THÁI CÓ TRẬT TỰ
  3. CỐNG HIẾN ĐỜI MÌNH CHO CÔNG CUỘC GIÁO DỤC CHÂN CHÍNH

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ