SỢ HÃI CHÍNH LÀ CĂN BỆNH

ÉMILE CHARTIER

Trích: Alain Nói Về Hạnh Phúc; Người dịch: Hồ Thanh Vân, Cao Việt Dũng, Nguyễn Ỉ Long; NXB Trẻ.

Tôi còn nhớ một tay pháo thủ biết xem chỉ tay. Anh ta từng làm nghề tiều phu và nhờ cuộc sống cô độc ấy mà biết xem tướng. Tôi đoán anh bắt chước một thầy tướng số nào đó và bắt đầu tập quan sát lòng bàn tay, đọc ý nghĩ ở đó, như chúng ta đọc trong ánh mắt và nếp nhăn trên mặt. Dưới ánh nến trong khu rừng Sồi Rạng, anh ta tìm lại được ngôi đền trong tất cả sự uy nghi, nói những gì thường rất đúng về tính nết con người một cách có chừng mực, dự đoán tương lai gần và tương lai xa của từng người, những điều mà không ai cười được cả.

Sau đó tôi đã có dịp nhận thấy một trong những lời tiên đoán của anh đã trở thành sự thật, có thể tôi đã thêm thắt gì đó vào ký ức của mình chỉ vì tôi cảm thấy dễ chịu khi lời tiên đoán đó xảy ra. Trò chơi của trí tưởng tượng đã một lần nữa cảnh báo tôi, nhắc nhở tôi rằng mình phải thật thận trọng, bởi vì tôi chưa từng cho anh ta cũng như bất kỳ ai khác xem chỉ tay của mình. Toàn bộ sức mạnh của sự hoài nghi nằm ở chỗ ta không muốn hỏi nhà tiên tri, bởi vì khi ta đã hỏi, tức là ta đã phải tin một chút. Vậy nên sự cáo chung của những nhà tiên tri, dấu vết của cuộc cách mạng Ki-tô giáo, không hề là một sự kiện nhỏ.

Thalès, Bias, Démocrite và những vị bô lão nổi danh khác của thời Cổ đại chắc chắn đều mắc bệnh huyết áp vào lúc họ bắt đầu rụng tóc, nhưng họ không hề biết gì về chuyện ấy. Đó là một lợi thế không nhỏ. Những con người cô độc ở Thébaїde lại còn có một lợi thế lớn hơn nữa: nhờ biết trông mong cái chết chứ không hề e sợ nó, họ lại sống rất lâu.

Nếu nghiên cứu sự lo lắng và nỗi sợ hãi một cách thật cặn kẽ, cả về khía cạnh sinh lý học, ta sẽ thấy rằng lo lắng và sợ hãi là những căn bệnh làm cho các căn bệnh khác trầm trọng hơn, tiến triển nhanh hơn, thành thử ra người nào biết mình bị ốm mà lại biết được điều ấy qua lời sấm của bác sĩ, anh ta sẽ bị ốm đến hai lần.

Tôi thấy rất rõ rằng nỗi sợ khiến chúng ta chiến đấu chống lại bệnh tật bằng các chế độ ăn uống và các phương thuốc, nhưng chế độ ăn uống nào và phương thuốc nào có thể chữa cho chúng ta thoát khỏi nỗi sợ hãi? Cơn chóng mặt có khi chúng ta đứng ở trên cao là một căn bệnh thật, nó bắt nguồn từ việc chúng ta hình dung ra cú rơi và những động tác tuyệt vọng của một người đang rơi. Cú ngã này hoàn toàn nằm trong tưởng tượng. Cơn quặn ruột của một thí sinh cũng thế. Hãy thử căn cứ vào đó mà đoán định những hậu quả của một nỗi sợ liên tục. Nhưng, để biết thận trọng đối với sự thận trọng thì còn cần nhận ra điều này nữa: cơn sợ hãi sẽ tự nhiên làm trầm trọng thêm nỗi đau. Ai sợ mất ngủ thì sẽ thao thức trằn trọc, và ai sợ đau dạ dày thì sẽ có vấn đề về tiêu hóa.

Vậy nên cần bắt chước người khỏe chứ đừng có bắt chước người ốm. Môn thể dục này chưa được nghiên cứu một cách chi tiết, nhưng ta có thể cược rằng những cử chỉ lịch sự và thiện tâm đều là biểu hiện của sức khỏe, theo như cái định luật khẳng định rằng các dấu hiệu của sức khỏe không là gì khác ngoài chính những cử động phù hợp với sức khỏe.

Bác sĩ tồi chính là người mà ta quý mến và làm cho họ quan tâm đến bệnh tật của ta. Ngược lại, bác sĩ giỏi là người sẽ hỏi bạn: “Anh có khỏe không?” nhưng sau đó thì chẳng buồn để ý đến câu trả lời.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. KÍCH ỨNG

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP