SỐNG ĐỜI MÃN NGUYỆN – MARSHALL GOLDSMITH

MARSHALL GOLDSMITH

Trích: Sống Đời Mãn Nguyện - The Earned Life; dịch giả Chi Lan; NXB Tổng Hợp TP.HCM

Khi phải cân đo đong đếm sự mãn nguyện bên trong mình, Gunther – CEO của hãng máy bay thương mại Boeing – thấy rằng việc bản thân xuất sắc dù được đặt trên bất kỳ thang đo sự thành công thông thường nào cũng không thể khiến anh chống lại được cảm giác thất bại – với tư cách là một người cha và một người chồng. Thất bại đó lấn át thành công của anh ấy, như thể anh ấy đã lãng phí cả đời chỉ để đạt được những phần thưởng sai lầm.

Câu chuyện tương tự diễn ra với một khách hàng được tôi huấn luyện, Aarin. Tôi nhận định cô ấy là một người thành công vang dội — do đó, tôi nghĩ cô là một người phụ nữ luôn hài lòng với bản thân và ít sự tiếc nuối. Aarin di cư từ Nigeria đến Hoa Kỳ vào năm 11 tuổi. Với bằng cấp cao về kỹ thuật dân dụng và phát triển về một lĩnh vực chuyên biệt, cô trở thành một nhà tư vấn được săn đón trong các công trình xây dựng nhà chọc trời, cầu, đường hầm, và các công trình kiến trúc lớn khác. Mới ngoài 50 tuổi, cô có một cuộc hôn nhân hạnh phúc với hai đứa con đang tuổi học đại học. Cô là một trong số ít hiếm hoi những người nhập cư châu Phi thành công trong lĩnh vực của mình, cũng có thể là người duy nhất, điều đó có nghĩa cô ấy căn bản đã tạo dựng được sự nghiệp của chính mình. Tôi ngưỡng mộ cô vì điều đó. Tôi huấn luyện cho cô ấy trong sáu năm với suy nghĩ rằng mình biết hết về giấc mơ và cả những buồn phiền của cô ấy. Chính vì vậy, khi nhận được phản hồi quan của cô, tôi đã rất ngạc nhiên.

Tại sao trong tất cả mọi người, một người như cô ấy lại cảm thấy tiếc nuối nhiều hơn là mãn nguyện? Cô ấy nói rằng mình “nhìn chung là hài lòng” với cuộc sống của bản thân. “Tôi không có lý do gì để phàn nàn.” Tuy nhiên, cô ấy vẫn bị ngập trong cảm giác tiếc nuối. Sự tiếc nuối của cô ấy không phải là về vấn đề cô đã phát triển được đến đâu, mà là vì cô thấy mình đã làm được quá ít so với những gì cô tin mình có thể làm được. Dù làm gì đi chăng nữa, cô vẫn không thể rũ bỏ được suy nghĩ bản thân chưa phát huy hết khả năng của mình. Cô tiếc nuối vì mỗi khi bản thân nhận được một dự án tốt thì cô lại không tập trung chuyên tâm vào nó mà lại tính chuyện “Sao mình không thuê người xử lý nhiều dự án cùng một thời điểm, còn mình chỉ cần suy nghĩ làm cách nào để tăng doanh thu?” “Mọi người đều nghĩ tôi là một người giàu năng lượng, làm việc không ngừng nghỉ,” cô ấy nói. “Nhưng thực ra tôi chỉ là một con cừu khoác lên người bộ lông hạng A mà thôi. Phần lớn thời gian tôi cảm thấy mình như một kẻ mạo danh, không xứng đáng với thù lao mà tôi đưa ra và những lời khen tôi được nhận, tôi luôn lo sợ khoảnh khắc mình bị phát hiện ra.” Rõ ràng là, chúng ta có thêm vấn đề cần huấn luyện.

Tôi rất ngạc nhiên khi thấy mọi phản hồi trong cuộc khảo sát tùy tiện, không mang ý nghĩa về mặt khoa học của mình hầu như khá giống với câu trả lời của Gunther và Aarin. Những người được xem là chuẩn mực của sự viên mãn hóa ra lại là những người luôn bị dằn vặt bởi những tiếc nuối dai dẳng. Tôi mong chờ tất cả bọn họ sẽ giống với Leonard, một nhà giao dịch ở phố Wall bị buộc phải nghỉ hưu ở tuổi bốn mươi sáu khi cách kinh doanh sử dụng đòn bẩy tài chính cao của ông trở thành nạn nhân của cuộc cải cách tài chính Dod-Frank năm 2009. Dưới đây là phản hồi của ông:

Tôi đã cá rằng Leonard sẽ cảm thấy cay đắng trước việc sự nghiệp kết thúc sớm – và cay đắng ấy sẽ biến thành một sự tiếc nuối lớn. Nhưng rõ ràng là không. Tôi hỏi làm sao ông ấy có thể cảm thấy như vậy được dù lúc ấy ông còn rất trẻ và đáng ra có thể đạt được nhiều thứ hơn nữa.

Và ông ta trả lời rằng, “Tôi là một người may mắn. Một giáo sư nghiên cứu xác suất thống kê nói với tôi rằng tôi được phú cho khả năng có thể nhìn thấy tốc độ thay đổi của lợi suất (yield) và lãi suất trong đầu mình. Vì vậy, tôi tham gia vào giao dịch trái phiếu, lĩnh vực duy nhất mà tôi có thể được trả tiền cho khả năng này. Cuối cùng, tôi chọn làm việc tại một công ty với chế độ trả lương hoàn toàn là tiền trao cháo múc

Nếu tôi tạo ra lợi nhuận, phần đóng góp của tôi sẽ được tính tiền tương xứng theo hợp đồng. Nếu tôi không tạo ra lợi nhuận, thì tôi không có tiền. Tôi kiếm ra tiền hằng năm và chưa bao giờ cảm thấy mình bị trả lương thấp hay bị lừa cả. Tôi được nhận chính xác những gì mình đóng góp, vì vậy tôi cảm thấy mình đã có đủ. Điều đó không chỉ khiến tôi thỏa mãn khi nhìn lại, mà còn khiến tôi cảm thấy hài lòng vì sau tất cả những thay đổi đó mình vẫn còn tiền.” Ông ấy cười khi nói ra điều này, rõ ràng là ông đã bị vận may của mình làm cho ngạc nhiên và đồng thời cũng rất vui mừng.

Lý lẽ của ông ấy khiến tôi phải khuất phục. Tôi đã giữ cho mình một định kiến về những người trên phố Wall trong suốt nhiều năm, rằng họ đều là những người thông minh lao vào lĩnh vực tài chính một cách miễn cưỡng, không phải là vì họ bị mê hoặc bởi thị trường mà là vì đó là một cách dễ dàng để có thu nhập cao, sau đó họ sẽ sớm thoát ra, và dành phần đời còn lại để làm điều họ thực sự muốn. Họ sẵn sàng hy sinh khoảng thời gian tốt đẹp nhất để làm một việc béo bở mà họ không nhất thiết phải yêu thích để rồi cuối cùng họ có thể đạt được sự tự chủ và thoải mái. Leonard chứng minh rằng tôi đã sai. Ông yêu thích những giao dịch chứng khoán. Nó đến với ông một cách dễ dàng, làm tăng cơ hội giúp ông trở thành một người xuất sắc trong lĩnh vực đó. Việc ông làm việc trong một lĩnh vực trả lương cao cho thành tích xuất sắc không phải là một thành tựu như mọi người nghĩ, mà nó là một phương tiện dẫn đến điểm cuối cùng. Cảm giác mãn nguyện của ông đến từ sự công nhận rằng ông chính là một ngôi sao trong nghề nghiệp của mình, và từ đó, ông trở thành một người có thể chu cấp tốt cho gia đình. Giống như một bác sĩ đang tiến hành khám sức khỏe định kỳ hằng năm, tôi đề xuất ông tự đánh giá bản thân dựa trên 6 nhân tố khiến cho ông cảm thấy thỏa mãn. Theo Leonard, mỗi hạng mục đều đang nằm trong sự kiểm soát của ông ấy. Ông luôn đảm bảo an toàn về tài chính để có thể chu cấp cho gia đình nhỏ cũng như là cả đại gia đình của mình tương ứng với các nhân tố mục đích, thành tựu, và ý nghĩa. Sự đam mê công việc của ông là hoàn toàn, “có lẽ là hơi quá mức” mà ông ấy cho phép. Ông ấy yêu việc giao dịch nhưng vẫn giữ mối quan hệ khăng khít với vợ con. “Tôi thấy vui khi mà các con tôi vẫn muốn dành thời gian cho tôi,” ông nói. Mười năm sau khi rời khỏi bàn giao dịch, ông đã cho đi một phần tài sản và sử dụng chuyên môn của mình để tư vấn tài chính chuyên nghiệp. Tôi chẳng cần hỏi rằng liệu ông có đang hạnh phúc hay không. Câu trả lời đã hiện rõ trên gương mặt ông.

Red Hayes, tác giả bài nhạc đồng quê kinh điển “Satisfied Mind” (Tâm trí thỏa mãn) hồi thập niên 1950, giải thích rằng ý tưởng bài hát đến từ cha vợ của ông ấy. Một ngày nọ ông ấy hỏi Red nghĩ ai là người giàu có nhất trên thế giới. Red thử đưa ra vài cái tên. Ông ta bèn nói “Con sai rồi; đó chính là người biết thỏa mãn.”

Ở Leonard, tôi nhận ra, tôi đã tìm thấy một người đàn ông giàu có với một tâm trí hài lòng – người đạt đến mức cao nhất của cảm giác thỏa mãn, và ít tiếc nuối nhất. Chuyện này diễn ra như thế nào nhỉ?

ĐÂY LÀ ĐỊNH NGHĨA của chúng tôi về một cuộc sống mãn nguyện:

Chúng ta đang sống một cuộc đời trọn vẹn khi những lựa chọn, liều lĩnh, và nỗ lực chúng ta bỏ ra trong từng khoảnh khắc song hành với mục đích bao trùm cuộc sống của chúng ta, cho dù kết quả cuối cùng có ra sao chăng nữa.

Phần gây tranh cãi trong định nghĩa trên chính là phần cuối cùng, “cho dù kết quả cuối cùng có ra sao chăng nữa. Nó đi ngược lại với phần lớn những gì chúng ta được huấn luyện về việc đạt được mục tiêu trong xã hội hiện đại: thiết lập mục tiêu làm việc chăm chỉ, và nhận được phần thưởng cho mình.

Sâu thẳm trong tim mỗi chúng ta đều biết rằng thành công nào là thành công đích thực, dù lớn hay nhỏ; và đâu là sản phẩm của lòng thương xót mà vũ trụ nhân từ dành cho ta trong giây lát. Chúng ta cũng biết dù là thế nào thì mỗi thành tựu đạt được đều mang đến một cảm xúc khác nhau.

Thành công đích thực mang lại cảm giác thỏa đáng, an tâm đến phút cuối không bị “lật bàn.”

Thành công giả tạo là tất cả cảm giác nhẹ nhõm và sung sướng ban đầu, sau đó là cảm giác tội lỗi khi bản thân trở thành kẻ hưởng lợi từ một sự may mắn bất chợt. Đó là một cảm giác u ám, không hoàn toàn hài lòng – giống một tiếng thở dài ngượng ngùng hơn là một niềm vui chiến thắng. Điều này giải thích vì sao qua thời gian, chúng ta thường hay phủ nhận rằng những thành công có được không phải vì may mắn mà nhờ biết vận dụng kỹ năng và làm việc chăm chỉ. Thật ra chúng ta được đặt ở vạch đích với đầy đủ ưu thế nhưng lại khăng khăng mình là người tạo nên tất cả, trong khi sự thật là mọi thứ đã được dựng sẵn. Chúng ta chơi trò chơi thay đổi sự thật này để che đậy cho “thành công” ảo tưởng của chúng ta, minh họa cho lời nhận xét sâu sắc của E. B. White “may mắn không phải là thứ bạn có thể nhắc đến khi nói về một con người tự lập.”

Ngược lại, những thứ mà bạn thực sự đạt được đều tạo nên ba tiêu chí cơ bản:

  • Chúng ta đưa ra lựa chọn tốt nhất dựa trên thực tế và sự rõ ràng trong mục tiêu. Nói cách khác, chúng ta biết mình muốn gì và cần bao nhiêu tâm sức để theo đuổi.
  • Chúng ta chấp nhận những rủi ro đi kèm.
  • Chúng ta nỗ lực hết sức.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TÔI MUỐN TRỞ NÊN TỐT HƠN VÀ TÔI CẦN SỰ GIÚP ĐỠ
  2. MÔ THỨC TRONG TỪNG HƠI THỞ
  3. Ở TUỔI 95 BẠN SẼ NÓI VỚI THẾ GIỚI ĐIỀU GÌ ?

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ