SỐNG VỚI LÒNG VỊ THA

INAMORI KAZUO

Trích: Cách Sống, Từ Bình Thường Trở Nên Phi Thường; Việt dịch: Phạm Hữu Lợi; NXB. Lao động – Xã hội; 2017

 

Nếu bạn hỏi tôi về lý do tại sao tôi thành công thì có lẽ chỉ có duy nhất một điều đó là cách sống. Mặc dù có thể trong con người tôi vẫn thiếu tài năng nào đó nhưng tôi luôn có một định hướng là tìm kiếm giá trị nhân văn.“ – Inamori Kazuo.

Lòng vị tha - Inamori KazuoSinh năm 1932 tại tỉnh Kagoshima, Nhật Bản. Ông tốt nghiệp Khoa Kỹ thuật Công nghiệp Đại học Kagoshima. Năm 1959, ông thành lập công ty cổ phần Kyoto Ceramic (hiện nay là Kyocera).

Năm 1984, ông thành lập công ty DDI (hiện nay là KDDI) với cương vị Chủ tịch. Từ năm 2001, ông trở thành cố vấn tối cao. Năm 1984, ông trích 200 tỷ Yên (khoảng 200 triệu USD) từ tài sản riêng để thành lập Quỹ Inamori và Giải thưởng Quốc tế Kyoto. Giải thưởng Quốc tế Kyoto được đánh giá không thua kém Giải thưởng Nobel, hàng năm tổ chức khen thưởng những người có thành tích cống hiến cho sự phát triển và tiến bộ xã hội. Năm 1989, ông lập trường tư thục Seiwa để đào tạo các nhà quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời ông giữ chức Hiệu trưởng.

Năm 2003, ông là người Nhật Bản đầu tiên được trao giải thưởng lòng bác ái của Quỹ Canergie (Mỹ).

—– ??? —–

TẤM LÒNG VÀNG

Tháng 9 năm 1997, tôi vào chùa Enpuku (Viên Phúc Tự) ở Kyoto và nhận được pháp danh Daiwa (Đại Hòa).

Thật ra tôi có ý định đi tu từ tháng 6, nhưng do phát hiện bị ung thư dạ dày trong lần khám bệnh trước đó nên tôi phải phẫu thuật gấp. Hơn hai tháng sau khi mổ, vào ngày 7 tháng 9, tôi đã quy y cửa Phật mặc dù sức khỏe vẫn chưa hồi phục hoàn toàn và tôi vẫn sống đời sống thế tục.

Hơn hai tháng sau, vào tháng 11 năm 1997, tôi bắt đầu cuộc sống tu hành. Cuộc sống mới trong chùa lúc đó đối với tôi là rất khắc nghiệt, một phần cũng do tôi mới khỏi bệnh. Nhưng đây cũng là thời kỳ tôi đã có được trải nghiệm mà suốt đời cũng không thể nào quên.

Vào một ngày đầu đông lạnh giá, đầu cạo trọc, đội nón nan, mặc áo cà sa, xỏ đôi dép rơm, tôi đi khất thực từng nhà.

Do chưa quen nên việc đi khất thực vô cùng cực nhọc. Ngón chân lòi ra khỏi dép miết xuống đường nhựa toạc máu. Tôi cố chịu đựng đau đớn nhưng cũng chỉ nửa ngày là cơ thể đã rã rời như cái giẻ lau nhà cũ rách bươm. Tôi vẫn gắng chịu đựng, tiếp tục khất thực cùng cả đoàn suốt mấy tiếng đồng hồ.

Đến xẩm tối, thân xác mệt rũ, lê đôi chân nặng trịch, chúng tôi trở về chùa. Khi đi ngang qua một công viên thì có một người phụ nữ lớn tuổi – trong bộ quần áo bảo hộ lao động, đang dọn vệ sinh – chợt nhìn thấy đoàn khất thực chúng tôi. Tay vẫn cầm chổi, chị bước thoăn thoắt đến chỗ tôi và bỏ đồng xu 500 Yên vào cái túi tôi đeo trước ngực, hành động rất đỗi tự nhiên.

Trong khoảnh khắc đó, nỗi xúc động mà tôi chưa từng cảm nhận bỗng lan khắp cơ thể. Một cảm giác hạnh phúc ngập tràn trong tôi.

Bời vì người phụ nữ ấy chắc hẳn chẳng giàu có gì. Hành động tự nhiên, không một chút lưỡng lự cũng như hoàn toàn không có thái độ ban ơn của chị khiến tôi cảm động.

Nỗi xúc động – tôi chưa từng một lần được cảm nhận trong suốt 65 năm cuộc đời – mới thuần khiết và tươi mới làm sao!

Tôi thật sự nhận được tấm lòng từ bi của Đức Phật qua hành động nhân ái của người phụ nữ đó. Hành động ấy tuy nhỏ bé, nhưng tôi nghĩ rằng chỉ cần như thế cũng đủ phản ánh cái tâm hướng thiện trong suy nghĩ và hành động của con người. Hành động ấy cũng đã cho tôi thấy cốt tủy của lòng vị tha là thế nào.

Lòng vị tha, theo đạo Phật, là tâm từ bi khi nghĩ tới người khác và mang điều tốt lành đến cho người khác. Nó cũng tương tự lời dạy nhân ái của Chúa Jesus trong đạo Thiên Chúa. Theo tôi, lòng vị tha, nói một cách dể hiểu nhất là cống hiến hết mình cho xã hội, cho nhân loại. Tôi cho rằng lòng vị tha là từ khóa (keyword) quan trọng không thể thiếu trong nội dung sống của mỗi con người trên suốt nẻo đường đời, cũng như đối với những doanh nhân trên con đường kinh doanh.

Khái niệm “vị tha” có thể khiến nhiều người có cảm giác xa lạ, nhưng “suy nghĩ cho người khác” chính là việc làm hoàn toàn hợp đạo làm người.

Lòng vị tha chẳng phải là điều gì xa vời. Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc để tâm một chút đến những người thân thiết xung quanh ta: Muốn vợ con sung sướng, no đủ, muốn đem lại sự an nhàn cho cha mẹ đã vất vả cả đời vì chúng ta. Từ những suy nghĩ vị tha nhỏ bé, bình dị như làm việc vì gia đình, giúp đỡ bạn bè, hiếu thảo với cha mẹ, sẽ mở rộng thành lòng vị tha ở phạm vi lớn hơn như xã hội, cộng đồng, nhân loại…

Với ý nghĩa đó thì hành động của người phụ nữ cho tôi 500 Yên và hành động của Mẹ Teresa là hoàn toàn giống nhau về bản chất. Bởi bản chất con người vốn mang trong lòng tình cảm vị tha, muốn làm điều thiện cho người khác.

Mỗi khi tôi nghe những câu chuyện cảm động, như chỉ mới đây thôi, những người tình nguyện xông vào nơi bị thảm họa thực hiện các hoạt động nhân đạo thì ý nghĩ “lòng vị tha là phẩm chất tự nhiên của con người” càng được khẳng định trong tôi.

Chỉ khi nào sống hết lòng vì người khác thì bản thân ta mới cảm thấy hạnh phúc, tâm hồn ta mới trở nên sâu xa và rộng lớn. Ngược lại, ta sẽ không có được tâm trạng đó nếu lúc nào cũng chỉ nghĩ riêng cho mình.

Hơn nữa, chỉ cần thông minh một chút cũng có thể nhận ra rằng giúp người khác cũng là giúp chính mình.

Điều này có lẽ có nhiều người đồng tình với tôi.

XUỐNG ĐỊA NGỤC HAY LÊN NIẾT BÀN TÙY THUỘC Ở TÂM

Câu chuyện này đã xa xưa lắm rồi, cách đây hơn 40 năm, thời công ty Kyocera vẫn còn trứng nước. Tôi đã từng nói với các nhân viên mới, vừa tốt nghiệp đại học, trong buổi lễ gia nhập công ty: “Từ trước tới nay, các bạn sống trong sự nuôi nấng đùm bọc của cha mẹ, nhà trường và xã hội. Từ giờ phút này, các bạn đã thực sự trưởng thành và đến lượt mình làm việc cho xã hội. Kể từ nay, các bạn không được phép mang theo ý nghĩ chờ đợi mọi người phải làm điều gì đó cho mình nữa. Các bạn phải thay đổi 1800 vị trí của mình, từ “được nhận” chuyển sang “làm cho”…”.

Sở dĩ tôi muốn kể lại câu chuyện này là vì khi Kyocera còn nhỏ bé, các chế độ phúc lợi trong công ty chưa đầy đủ, những nhân viên mới tốt nghiệp đại học, vào làm ở công ty chưa được bao lâu thường hay kêu ca phàn nàn: “Tưởng công ty này lớn, hóa ra đồng lương thì thấp, chế độ phúc lợi cũng chẳng ra sao.”

Nghe như vậy, tôi rất bực: “Đúng là công ty vẫn còn nhỏ. Thiết bị sản xuất cũng như các chế độ đãi ngộ còn thiếu thốn. Nhưng để làm cho công ty lớn hơn, phúc lợi đầy đủ hơn thì không ai khác mà chính là các bạn. Các bạn đừng chờ đợi những gì có sẵn mà chính các bạn phải tạo ra chúng. Những người chỉ muốn “được nhận”, chỉ muốn hưởng thụ những điều người khác làm cho mình chính là những người hay để ý đến sự thiếu thốn, hay than vãn kêu ca. Nhưng đã là người trưởng thành thì phải nhìn nhận ở góc độ ngược lại, tức là phải “làm cho” người khác. Để trở thành người như vậy, các bạn phải thay đổi 1800 nhân sinh quan, thế giới quan của mình”.

Thời đó, tuy tinh thần vị tha chưa phải là tư tưởng, quan điểm vững chắc trong tôi, nhưng tôi cũng thường nói chuyện với nhân viên về tầm quan trọng của cách sống vì người khác, mong muốn làm một chút gì đó cho người khác, làm điều tốt cho người khác trước khi làm cho mình, đôi khi vì người khác chịu thiệt một chút cũng được.

Khả năng quan tâm đến người khác, hay lòng vị tha, quan trọng đến mức nào? Vị sư già nơi tôi tu hành thuyết giảng bằng câu chuyện dưới đây:

Ở chùa nọ, có một thầy tu trẻ tuổi tên là Vân Thủy. Một hôm, Vân Thủy hỏi vị sư già trụ trì chùa: “Thưa thầy, con nghe nói có Niết bàn và Địa ngục. Điều đó có thật không ạ? Và những nơi đó là như thế nào?”

Vị sư già đáp: “Tất cả đều có thật, con ạ. Chỉ có điều hai nơi đó không xa như con tưởng. Niết bàn và cõi địa ngục là hai cõi hoàn toàn giống nhau. Điểm khác nhau là cái tâm của những người sống ở hai nơi đó. Những người sống ở cõi địa ngục là những người ích kỉ, chỉ biết nghĩ đến bản thân. Còn ở niết bàn là những người có tấm lòng vị tha, luôn sống vì người khác.”

Vân Thủy thắc mắc: “Vì sao chỉ khác nhau ở cái tâm mà cũng phải chia thành hai cõi, thưa thầy?”

Để giải đáp, vị sư già kể cho Vân Thủy câu chuyện ngụ ngôn:

Có một nồi mì mạch – Udon – để giữa nhà. Bát nước chấm để bên cạnh. Mì mạch là  món ăn thịnh soạn với người khổ tu như Vân Thủy. Bên cạnh nồi mì để sẵn đôi đũa dài tới một thước. Quy định của nhà bếp là chỉ được ăn bằng loại đũa đó và phải dùng đầu đũa để gắp mì rồi chấm vào bát nước chấm. Đến đoạn này thì cả địa ngục và niết bàn đều giống nhau. Kích cỡ nồi mì, số người ăn vẫn vậy. Chỉ có cái tâm của những người ăn là khác nhau.

“Nào, con thử tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy ra?”

Mọi người đang đói, lại có nồi mì trước mặt, chuyện gì sẽ xảy ra khi họ được phép bắt đầu bữa ăn?

Những người ở địa ngục lập tức tranh nhau gắp mì, tranh nhau chấm mì vào bát nước chấm. Khổ nổi, đũa dài quá nên không sao đưa mì vào miệng mình được. Người này sợ người kia ăn hết nên giành giật để gắp. Một cảnh thê thảm diễn ra. Kết cục là không ai ăn được  miếng nào, mì rơi vương vãi xung quanh và  những người ấy trở thành quỷ đói da bọc xương.

Trong khi đó, những người đầy lòng vị tha sống ở niết bàn, tiếng mời mọc vang lên: “Nào, chúng ta ăn chung nhé!”, “Xin mời, xin mời!”. Mọi người nhường nhau, lần lượt gắp mì, chấm nước chấm và đưa vào miệng người đối diện. Người đối diện ăn xong, nói: “Cám ơn. Tôi đủ rồi. Đến lượt tôi giúp bác ăn.” Cứ như thế, mọi người hợp sức, nhường nhịn lẫn nhau, ai cũng được ăn và không sợi mì nào rơi ra ngoài.

“Khung cảnh niết bàn là như thế đấy. Nhưng nếu chỉ nhìn bề ngoài thôi thì khó phân biệt được đâu là địa ngục và đâu là niết bàn.” Vị sư già giảng giải cho Vân Thủy.

Tôi cũng thường giảng cho các nhân viên về tấm lòng vị tha, nhấn mạnh nhiều lần rằng để điều hành kinh doanh tốt thì trong tâm khảm không thể thiếu những ý tưởng cao cả, sống vì xã hội, vì con người.

LÒNG VỊ THA KHIẾN CHO TẦM NHÌN MỞ RỘNG

Mưu cầu lợi ích là nguồn động lực trong mọi hoạt động của con người. Vì thế, với bất kỳ ai, việc theo đuổi lợi ích cũng là điều bình thường. Nhưng vấn đề là cái lợi đó không thể chỉ cho riêng mình mà chúng ta phải đem cái lợi đó đến cho người khác, cho toàn xã hội. Chính tinh thần vị tha sẽ mang lại kết quả “lợi mình, lợi người, lợi toàn xã hội”.

Ví dụ, việc lập công ty kinh doanh cũng đã bao gồm hành động vị tha, mang lại lợi ích cho mình, cho người khác và cho xã hội. Hiện nay, chế độ tuyển dụng nhân viên suốt đời đang mất dần ở Nhật Bản. Việc tuyển dụng một nhân viên suốt đời cũng có nghĩa là công ty phải có nghĩa vụ chăm sóc suốt đời nhân viên đó. Vì thế, dù chỉ tuyển 5 người hay 10  người thì bản thân việc tuyển dụng nhân viên như thế cũng đã là hành động ‘‘vì người khác”.

Điều này cũng đúng cho mỗi cá nhân. Khi còn độc thân thì ưu tiên hàng đầu là làm sao để cuộc sống của mình ngày một tốt hơn. Đến khi kết hôn, xây dựng gia đình thì làm việc vì gia đình. Hành vi đó của con người, dù vô ý thức, đã bao hàm lòng vị tha.

Tuy nhiên, cần lưu ý đến mối quan hệ hai mặt giữa ích kỷ và vị tha. Khi nghĩ ‘‘vì gia đình’’ ‘‘vì công ty’’ thì có thể lòng vị tha đã bao hàm trong đó. Nhưng nếu nghĩ rằng ‘‘miễn gia đình mình tốt là được’’ hoặc ‘‘miễn công ty mình có lợi là được’’ thì điều đó lại trở thành ích kỷ. Nói cách khác, nếu nhìn từ tầm thấp thì một hành động nào đó có thể coi là vị tha, nhưng nếu đứng ở tầm cao hơn để nhìn nhận thì những hành động ấy lại trở thành ích kỉ.

Cho rằng mình hành động vị tha, “vì công ty”, và chỉ nghĩ đến mỗi công ty của mình thôi thì khi đứng ở tầm cao xã hội nhìn nhận sẽ thấy sự ích kỷ.

Còn khi cho rằng mình vị tha ở phạm vi hẹp, “vì gia đình”, và chỉ nhìn thấy mỗi gia đình mình thì khi đứng ở góc độ khác nhìn nhận sẽ thấy sự ích kỷ.

Theo lẽ đó, cần phải có con mắt nhìn nhận sự vật và nhìn nhận hành động của chính mình trong mối tương quan ở tầm cao mà không chỉ dừng lại ở ý tưởng “vị tha” mức độ thấp.

Ví dụ, khi kinh doanh thì không chỉ suy nghĩ “công ty có lãi” mà phải suy nghĩ sao cho bạn hàng của mình cũng có lãi, người tiêu dùng, người nắm giữ cổ phiếu công ty cũng phải có lợi. Và qua đó, góp phần phát triển xã hội.

Ngoài ra, phải luôn nâng cao và mở rộng tầm nhìn của lòng vị tha. Lợi ích gia đình lớn hơn lợi ích cá nhân. Lợi ích cộng đồng lớn hơn lợi ích gia đình. Lợi ích xã hội lớn hơn lợi ích cộng đồng. Và cao hơn nữa là lợi ích của cả thế giới, của vũ trụ…

Một khi chúng ta đã có tầm nhìn rộng thì sẽ thấy vô vàn hiện tượng xung quanh giúp ta có được những quyết sách đúng đắn và khách quan, tránh được sai sót và thất bại.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. ĐỂ TẠO RA MỘT CUỘC ĐỜI TUYỆT VỜI
  2. MỘT TẤM LÒNG RỘNG MỞ
  3. LỢI THA

Bài viết khác của tác giả

  1. MƯỜI HAI QUAN NIỆM KINH DOANH TUỔI 20 NÊN BIẾT
  2. CHÍNH VÌ SỐNG MỘT CÁCH ĐÚNG ĐẮN, CON NGƯỜI MỚI GẶP PHẢI GIAN NAN
  3. GẶP GỠ “NGƯỜI THẦY CỦA VẬN MỆNH”

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP