SỰ VÔ THƯỜNG CỦA THẾ GIỚI BÊN NGOÀI

JIGME LINGPA

Trích: Kho Báu Thiện Đức Tác giả: Jigme Lingpa Nhóm Padmapani Chuyển Việt Ngữ Ảnh: nguồn Internet

—🍀💝🍀—

1. Trong Kinh Tinh Yếu Bát Nhã Ba-la-mật-đa có viết rằng:

Gió sinh ra từ không gian.
Trong đó nước lớn ngưng tụ lại,
Và phía trên là trái đất, nơi ở của hữu tình chúng sinh.

Các hiện tượng hiện hữu xuất hiện do nhận thức mê lầm bao gồm có Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới. Đó là nền tảng hay bình chứa vô tình cho những chúng sinh hữu tình mà nó dung chứa. Thế giới này sẽ trải qua các giai đoạn Thành, Trụ, Hoại và Không. Mỗi giai đoạn này kéo dài hai mươi trung kiếp, và như vậy tổng cộng tám mươi trung kiếp tạo thành một đại kiếp. Một tiểu thế giới là môi trường sống bất định của hữu tình chúng sinh, bao gồm bốn lục địa nằm xung quanh một ngọn núi Tu Di, nơi trú ngụ của chư thiên cõi Dục Giới và Sắc Giới. Một ngàn thế giới như vậy tạo thành một Tiểu thiên thế giới. Một ngàn Tiểu thiên thế giới tạo thành một Trung thiên thế giới, và tiếp tục nhân lên một ngàn tạo thành “Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới. Trong tiếng Tây Tạng, từ thế giới (jig rten) là một từ mang nghĩa tiêu cực, nó có nghĩa là “nền tảng của suy tàn”. Gọi như vậy bởi vì ngay khi thế giới hình thành, nó đã mang bản chất của suy tàn và diệt vong. Người ta có thể nói rằng, thế giới này và những chúng sinh trong đó phải chịu khổ đau và bị trừng phạt bởi bốn thời kỳ của Thành, Trụ, Hoại và Không. Thực tế là câu kệ gốc nói rõ rằng thế giới sẽ bị huỷ diệt bởi bảy nạn lửa và một nạn nước. Như trong Anityartha-parikatha có nói:

Sau đó trái đất bị huỷ diệt
Núi non sụp đổ thành tro bụi
Nước trong đại dương bị cạn khô
Nói chi số phận chúng hữu tình.

☀☀ SỰ VÔ THƯỜNG CỦA CHÚNG SINH HỮU TÌNH

2. Chúng sinh bình phàm chìm trong tà kiến, cho rằng những gì hợp tạo, phù du là thường hằng, chắc thật. Chư Phật Thế Tôn, Bậc Thầy của Trời – Người, đã thấy biết như vậy nên các Ngài thị hiện nhập Niết bàn với tâm hoan hỷ. Mặc dù các Ngài sở hữu Pháp Thân, Thân Kim Cương bất hoại tối thượng, nhưng các Ngài từ bỏ khả năng thường trụ vĩnh viễn, không bị ảnh hưởng hay huỷ hoại bởi thời gian. Vậy nên, nếu chư Phật còn vô thường thì hỏi chi đến sự tạm thời của chúng sinh bình phàm với cuộc đời mong manh như bọt nước?

3. Có những chúng sinh thành tựu bốn tầng thiền thế tục và những cấp độ định khác nhau. Kết quả là họ có thể kéo dài tuổi thọ từ một trung kiếp trên cõi trời Phạm Chúng cho tới 80 ngàn đại kiếp trên cõi trời Vô Sắc (Trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ). Tuy nhiên, ngay cả điều này cũng trở nên ngắn ngủi so với mục tiêu đạt hạnh phúc vĩnh hằng. Những chúng sinh như vậy vẫn phải đi theo kết quả của nghiệp trắng và đen mà họ đã tạo tác và không nghi ngờ gì sẽ tiến tới cái chết. Brahma, Ishvara, Shiva, Vishnu và chư thiên khác là những vị sở hữu kiến thức siêu nhiên và năng lực thần thông, cùng với tất cả những vị Chuyển Luân Vương – ngay cả họ cũng thất vọng trong sự hỉ lạc của chính mình, bởi họ không biết con đường nào giúp họ thoát khỏi Thần Chết. Vậy có cần kể đến những người như chúng ta?

4. Mải mê hưởng thụ hạnh phúc và khoái lạc hoàn hảo nơi những cõi cao của luân hồi cũng giống như chú hươu đang tung tăng bay nhảy tự do trong ba tháng hè trên sườn đồi ngập tràn cỏ cây, hoa lá. Nhưng chúng không biết rằng kẻ thợ săn đang nằm rình rập, ẩn mình trong khe suối bên sườn đồi, chỉ chờ thời cơ để giết chúng. Cũng vậy, kẻ cướp Thần Chết với lưỡi hái tử thần trong tay chỉ nghĩ tới duy nhất một điều là làm sao để lôi kéo chúng sinh vào cạm bẫy của cái chết và cướp đi mạng sống của họ. Như Ngài Ashvaghosha (Mã Minh) có viết:

Bạn đã từng nghe thấy hay nghi ngờ
Có ai đó từng sống trên thế gian
Hoặc sinh ra trong các cõi cao hơn
Mà không phải trải qua cái chết?

5. Người ta phải khổ sở bởi cái nóng đầu hè và không muốn bước ra ngoài dưới trời nắng gắt. Họ chỉ mong chờ sự mát mẻ của ánh trăng thu. Nhưng họ không cảm thấy lo lắng, mà thực tế là họ chẳng hề có ý nghĩ rằng khi mùa thu đến thì đồng thời cuộc đời họ sẽ trôi qua thêm 100 ngày nữa, và như vậy họ đang tiến gần hơn tới cái chết.

Con người vẫn than khóc tiếc thương trước cái chết của người khác mà không quán chiếu rằng Thần Chết cũng đang tiến gần hơn tới họ. Họ để thời gian trôi qua chìm đắm trong những hy vọng và sợ hãi của cuộc đời này, như thể họ cứ sống mãi. Thật khờ khạo làm sao! Trong Anityartha-parikatha có nói rằng:

Đã bước đi trên con đường đời
Chẳng thể kéo dài thêm mỗi ngày,
Và cái chết là điều không tránh khỏi
Vậy tại sao bạn lại buồn vì điều đó đến như vậy?

6. Hãy tưởng tượng rằng có bốn chàng trai vô cùng lực lưỡng và khoẻ mạnh đứng tựa lưng vào nhau và bắn ra một mũi tên thẳng trước mắt của họ. Phải là một người vô cùng nhanh nhẹn mới có thể chạy quanh và bắt được cả bốn mũi tên trước khi chúng rơi xuống đất. Nhưng còn nhanh hơn thế là loài ngạ quỷ di chuyển trên mặt đất, được đưa đẩy bởi năng lực phi thường là kết quả nghiệp của chúng. Nhanh hơn cả ngạ quỷ mặt đất là loài ngạ quỷ di chuyển trong không trung, và thậm chí nhanh hơn nữa là cỗ xe của mặt trời và mặt trăng. Trong tất cả thì nhanh nhất vẫn là chúng sinh cõi trời, những người có khả năng di chuyển thần tốc nhờ sức mạnh công đức của họ. Nhưng nhanh hơn tất cả những điều này là sự trôi qua của kiếp người!

7. Thân thể của một người nam hay người nữ còn đang phát triển trong thời niên thiếu thì rất tráng lệ và mạnh mẽ. Nhưng theo thời gian, thể trạng của họ bắt đầu suy yếu dần, và như thể họ bị trừng phạt bởi cây roi của tuổi già. Khi tứ đại cân bằng thì mọi sự đều tốt đẹp, nhưng rồi bệnh tật tấn công làm giày vò cả thể xác lẫn tinh thần. Có thể tại thời điểm nào đó, những thiện nghiệp đã gieo trong quá khứ gặp phải thuận duyên nên trở thành quả báo tốt lành, mang lại cho người ta niềm hạnh phúc và vui sướng lớn lao của bạn bè, giàu sang, danh tiếng hay tương tự. Nhưng vì “mọi thứ gặp gỡ đều phải chia lìa, mọi sự tích tập đều sẽ tiêu tan”, nên tất cả những điều này rồi cũng sớm lụi tàn. Khi cuộc đời này đến hồi chấm dứt, hay khi những hoàn cảnh bất định xuất hiện, cái chết và sự khiếp sợ đi kèm với nó sẽ chôn vùi họ không chút trì hoãn. Điều này được miêu tả bằng nhiều ví dụ trong Kinh Rajavavadaka (Kinh Giáo Thị Thắng Quân Đại Vương).

8. Khi cái chết xảy đến, thân thể mà chúng ta hằng yêu thương bị sụp đổ trong cuộc đấu tranh với Thần Chết. Ngay cả Đức Kim Cương Thủ cũng không thể bảo hộ cho ta, và ta bị rớt xuống vực sâu của khổ đau vô vọng. Vào lúc đó, mọi của cải trong đời này trở nên vô nghĩa, ánh hào của tuổi trẻ cũng lụi tàn như cánh hoa tàn phai dưới trời sương giá. Năm giác quan bị hư hỏng và ngừng hoạt động như ngọn lửa tắt lịm trong gió. Không thứ thuốc nào có thể làm vơi bớt nỗi đau khi sợi chỉ cuộc đời bị cắt đứt. Thậm chí có được phương thuốc trị bách bệnh trong tay cũng chẳng ích lợi gì. Và ngay cả những y sĩ thiện xảo như Jivakakumara cũng đành ngoảnh mặt với những bệnh nhân như vậy, người đang nhìn họ với đôi mắt mở to trợn trừng đầy sợ hãi. Không còn cứu vãn được gì nữa.

9. Khi nguồn sinh lực tuôn chảy trong cơ thể bắt đầu đi xuống thì sự kiệt quệ hoàn toàn và tê liệt sẽ xảy ra. Rồi khi sinh lực bắt đầu chảy bất thường sẽ khiến cho tứ chi bị rung lên và co giật. Hơi thở trở nên khó nhọc và tiếng thở gấp gáp, mỏng manh. Cha mẹ, bạn bè, họ hàng vây quanh người hấp hối. Họ nức nở khóc than, nài nỉ người thân đừng rời xa họ.

10. Nhưng lưỡi móc câu của những lời cầu nguyện của họ không tìm được chỗ bám. Người hấp hối bắt đầu thở hổn hển với hơi thở ngày càng nông hơn, mỏng manh như một sợi lông ngựa. Lúc này, kẻ vô tâm Thần Chết liền cắt đứt nó với lưỡi hái sắc lạnh của hắn. Ngay khoảnh khắc đó, sự rực rỡ và tươi đẹp của cuộc đời liền tan biến. Khuôn mặt người chết trở nên tái nhợt, đôi mắt đẫm lệ và da mặt chùng xuống phía sau hộp sọ khiến cái miệng mở toang làm lộ ra những chiếc răng với nụ cười nhăn nhó của cái chết. Bóng tối dày đặc của Bardo Hình Thành xuất hiện với người chết và họ bị đẩy đi từ đằng sau bởi cơn lốc xoáy của gió nghiệp. Họ phải trải qua rất nhiều những ảo ảnh đáng sợ. Sáu sự bất định sẽ tới bao gồm: nơi chốn, nơi nghỉ ngơi, hành vi, thức ăn, bạn bè và tâm trạng. Sau đó xuất hiện ba vực sâu rùng rợn của sân hận, tham ái và vô minh có màu trắng tro, đỏ sậm và màu đen. Tiếp theo, thần thức nghe thấy bốn âm thanh vô cùng kinh sợ. Khi năng lượng của Địa đại tái xuất hiện, một tiếng gầm vang lên như tiếng núi lở. Khi năng lượng của Hoả đại tái xuất hiện, sẽ có một âm thanh như tiếng rực cháy của những cánh rừng. Khi năng lượng của Thuỷ đại tái xuất hiện, người ta nghe thấy âm thanh ổn ào va đập của các đại dương. Rồi khi năng lượng của Phong đại tái xuất hiện, tiếng gió rít vang lên như cơn lốc xoáy của ngày tận thế.

Kể từ giây phút này trở đi, nguyện ý niệm về sự vô thường của bản thân luôn thôi thúc trong ta!

—🍀💝🍀—

Bình luận


Bài viết mới

  1. HIỂU BIẾT VÀ TRÍ TUỆ
  2. Ý THỨC VÀ TIỀM THỨC
  3. MA TRẬN THẦN THÁNH