SỨC MẠNH KHÔNG NGỜ CỦA LÒNG BIẾT ƠN

SƯU TẦM

Nguồn: phatgiao.org; Chuyên mục: Góc nhìn Phật tử

Chúng ta phải sống nương tựa lẫn nhau, sự tồn vong của xã hội đều phụ thuộc vào đạo đức con người – lòng biết ơn tạo nên sức mạnh cho con người trong cuộc sống ngày hôm nay mà chính chúng ta không thể ngờ tới.

Lòng biết ơn, hay nói một cách khác là sự tri ân của con người dành cho người và vạn loài. Chúng ta sinh ra trên cõi đời này, ai cũng mang lấy những ân tình. Đó là công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, vất vả bao năm để nuôi con khôn lớn từng ngày. Ngay cả những thành quả hôm nay ta có được là sự hy sinh của lớp lớp thế hệ cha ông. Truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, bao đời này là truyền thống rất quý báu, là lẽ sống của tất cả chúng ta.

Ta biết ơn bạn bè giúp đỡ, xóm giềng tối lửa tắt đèn cưu mang, thậm chí là khi ta chết đi có người đến phúng viếng – điều này nói rõ rằng, cuộc sống này ta không độc lập một thân mình tự tạo mà sống được.

Những sức mạnh không ngờ của lòng biết ơn

  1. Không ai trên cõi đời này có thể sống độc lập

Theo học thuyết nhân duyên của nhà Phật, không có gì là đơn độc, chúng ta sinh ra giữa cộng đồng người và xung quanh là vô vàn những nhân tố. Một cá thể lớn lên là nhờ sự nương tựa vào một cộng đồng lớn trong xã hội này. Dẫu cho ai đó bất hạnh khi sinh ra trên đời không còn cha mẹ, không có anh em thì họ vẫn không thể sống mà không có bạn hữu, những người quen biết ngoài xã hội.

Một cách đơn giản, chúng ta có thể sống mà không có nhà, nhưng phải có ăn, uống, dẫu cái ăn đó cơ hàn, giản tiện đến mức nào. Bởi vậy, có thể nói, dù trong hoàn cảnh nghèo khổ, chúng ta cũng vẫn nên biết ơn điều đó. Vì nó chính là động lực thúc đẩy ta vươn lên. Thêm nữa, ta biết ơn bạn bè giúp đỡ, xóm giềng tối lửa tắt đèn cưu mang, thậm chí là khi ta chết đi có người đến phúng viếng – điều này nói rõ rằng, cuộc sống này ta không độc lập một thân mình tự tạo mà sống được.

Cha mẹ nên cho con tham gia các khóa tu hè, nghe các buổi nghe pháp, đó là điều rất tốt để định hình tư tưởng đạo đức cho con đặc biệt là nuôi dưỡng lòng biết ơn, biết tri ân cuộc sống, Chăm sóc, giáo dưỡng thế hệ sau cũng là một cách chúng ta trả ơn đời trước

  1. Hạnh phúc và thành công đều tạo dựng từ sự mang ơn

Hạnh phúc là lẽ sống mà tất cả chúng ta ai cũng mong ước có được. Một gia đình đầm ấm khi biết nâng niu những khoảnh khắc bên nhau, tôn trọng và cùng nhau chia ngọt sẻ bùi; hạnh phúc khi những đứa con chăm chỉ học hành, ngoan ngoãn lễ phép. Thậm chí, những bậc làm cha mẹ còn phải cảm ơn ngay những đứa con bởi chúng đem lại niềm vui, động lực để họ phấn đấu làm việc và cả những khi chúng ngỗ nghịch, ương bướng, để họ uốn chúng đi theo con đường thiện đạo. Hạnh phúc và thành công trong cuộc sống là hai lẽ luôn đi cùng nhau, có thành công chúng ta mới hạnh phúc, biết giá trị hạnh phúc mới cố gắng làm việc đi đến thành công.

Sự thành công của mỗi người, bên cạnh sự cố gắng nỗ lực không ngừng của bản thân còn là nhờ sự giúp đỡ rất nhiều của bạn bè đồng nghiệp tốt. Họ sẵn sàng hy sinh bản thân mình vì bạn, để bạn đạt được điều gì đó. Bởi vậy, mỗi người phải luôn nhắc nhớ rằng phải luôn biết ơn những người đã hỗ trợ để chúng ta có được thành công.

Hạnh phúc và thành công trong cuộc sống là hai lẽ luôn đi cùng nhau, có thành công chúng ta mới hạnh phúc, biết giá trị hạnh phúc mới cố gắng làm việc đi đến thành công.

  1. Vượt qua được sự khổ khi ta biết mang ơn

Đã là con người thì luôn đối diện với rất nhiều khổ đau như khổ vì nghèo đói, bệnh tật, cầu mà không được, yêu mà không thành… Dẫu trong hoàn cảnh nào, cho dù bạn sinh ra với gia cảnh cơ hàn, bạn cũng hãy biết ơn điều đó. Vì nó cho bạn ý chí, sức mạnh để vượt qua những khó khăn, chông gai để thành công. Điều mà nhiều người được sinh ra trong nhung lụa chưa chắc có được. Và đến một ngày, khi bạn có chén cơm, có một mái nhà che nắng che mưa, hãy trân trọng nhựng thành quả mà mình có được đồng thời chia sớt cho những người còn nghèo khó. Chẳng vui vẻ gì khi một ai đó trong cuộc đời bạn đi xa hay chết đi, nhưng bạn cũng nên biết ơn họ đã sống với bạn một đoạn đường đời.

Đến một ngày họ rời xa bạn, dẫu cho bạn đau khổ tột cùng thì sau đó bạn cũng sẽ học được cách vượt qua để mạnh mẽ hơn, bản lĩnh hơn“. Hãy biết ơn cả những thiên tai, thảm họa để cho thấy cuộc sống này quý giá”.

  1. Xây dựng nền tảng đạo đức cho thế hệ sau

Ngày nay, đạo đức xã hội đang ngày càng bị xói mòn. Trên mặt báo và xung quanh ta, bạn hay thấy những câu chuyện đau lòng như con giết cha, hại mẹ, bỏ nhà đi, đánh đuổi cha mẹ. Giới trẻ hôm nay đang bị lu mờ sự biết ơn trong tâm khảm mình. Họ nghĩ rằng tình yêu mà cha mẹ giành cho mình là sự giám sát, gò bó, rồi trở nên kiêu ngạo, dùng dằn và coi thường tình yêu mà cha mẹ dành cho mình. Môi trường bên ngoài quá hấp dẫn, thế giới ảo, bạn bè không biết mặt trên các trang mạng xã hội và cả những trò chơi online đều rất thu hút. Tất cả là hệ quả của một thời đại – sự du nhập văn hóa đa chiều. Cộng thêm đó là nhận thức sai lệch về văn minh thời đại, giới trẻ họ không được giáo dục và định hướng một cách đúng đắn về các vấn đề xã hội, dần họ quên hai từ “cảm ơn”.

Vì cơm áo gạo tiền, cha mẹ không có thời gian giáo dục con, họ bỏ ngỏ con mình cho xã hội tự phát triển, điều này thất sự rất đáng ngại. Thay vì như vậy cha mẹ hãy hướng con em mình đến thăm viếng chùa – không phải đề cầu xin đạo đức lối sống. Cha mẹ nên cho con tham gia các khóa tu hè, nghe các buổi nghe pháp, đó là điều rất tốt để định hình tư tưởng đạo đức cho con đặc biệt là nuôi dưỡng lòng biết ơn, biết tri ân cuộc sống, Chăm sóc, giáo dưỡng thế hệ sau cũng là một cách chúng ta trả ơn đời trước. Đạo đức không tạo ra tiền, nhưng có tiền phải có đạo đức, đồng tiền được làm ra mà không có đạo đức là đồng tiền tội lỗi.

Mỗi người cần biết quý giá, trân trọng những gì chúng ta đang được thừa hưởng ngày hôm nay dù vô hình trong tâm linh hay hữu hình là những vật thể chỉ còn là truyền thuyết chưng cất trong bảo tàng.

  1. Giữ ổn định lâu dài cho xã hội

Con người không có nền tảng đạo đức căn bản, trật tự xã hội sẽ bị phá vỡ, những lối sống tạp nhạp, lai căn làm cho xã hội bất ổn. Việc giáo dục đạo đức con người không thuộc trách nhiệm của bất kỳ cá nhân đoàn thể nào, trách nhiệm này không riêng của người làm giáo dục, của nhà tâm lý, hay của nhà tu mà là trách nhiệm của mọi người.

Từ những di sản, những giá trị vượt thời gian mà ông cha, tổ tiên để lại, những xương máu bao anh hùng ngã xuống để chúng ta có ngày hôm nay sống trong hòa bình, chúng ta hãy nhìn về những giá trị đó mà học hỏi và cảm ơn tất cả. Chúng ta chấp nhận sự du nhập văn hóa đa chiều, nhưng không phụ thuộc một cách thoái quá, xa đọa mà là sự tiếp thu có chọn lọc để tạo ra những thành quả xứng đáng với bản thân mình, góp phần xây dựng xã ổn định, phát triển lâu dài.

Tạo dựng tri thức trí tuệ mới biết ơn.

Mỗi người cần biết quý giá, trân trọng những gì chúng ta đang được thừa hưởng ngày hôm nay dù vô hình trong tâm linh hay hữu hình là những vật thể chỉ còn là truyền thuyết chưng cất trong bảo tàng. Tạo dựng tri thức trí tuệ mới biết ơn. Làm người quả rất khó. Không thể cô độc sống một mình mà phát triển, tạo dựng thành công hạnh phúc được – chúng ta phải sống nương tựa lẫn nhau, sự tồn vong của xã hội đều phụ thuộc vào đạo đức con người – lòng biết ơn tạo nên sức mạnh cho con người trong cuộc sống ngày hôm nay mà chính chúng ta không thể ngờ tới.

Bài viết này đã đóng bình luận.


Bài viết liên quan

  1. ĐẦU TƯ NHIỀU HƠN CHO LÒNG TỪ VÀ LÒNG BI
  2. SỰ CẦN THIẾT CÓ LÒNG TỐT
  3. BIẾT ƠN SỰ KHIẾM KHUYẾT

Bài viết khác của tác giả

  1. SỨC MẠNH CỦA NHÂN LÀNH – SỨC MẠNH CỦA THIỆN PHÁP – SỨC MẠNH CỦA BỐ THÍ
  2. CON CHỒN CỦA HÒA THƯỢNG HƯ VÂN
  3. 5 CÁCH NUÔI DƯỠNG TÌNH YÊU THIÊN NHIÊN Ở CON TRẺ

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ