SUY NGẪM, QUÁN CHIẾU VỀ CUỘC SỐNG CỦA CHÍNH BẠN LÀ CÁCH TU TẬP PHẬT PHÁP CĂN BẢN VÀ CHÂN THỰC NHẤT

GYALWANG DRUKPA XII

Trích: “Chìa Khoá Dẫn Đến Giác Ngộ” Tác giả: Pháp Vương Gyalwang Drukpa Người dịch: Trung Tâm Drukpa Việt Nam Nhà Xuất Bản Hồng Đức, 2014 Ảnh: Nguồn internet

PHÁP VƯƠNG GYALWANG DRUKPA – CHÌA KHOÁ DẪN ĐẾN GIÁC NGỘ

—🌺🌺🌺—

Sự tu tập trong đạo Phật phải được thực hiện thông qua quá trình tư duy, quán chiếu về cuộc sống hàng ngày. Bạn đã làm gì và thường hành động như thế nào trong cuộc sống? Bạn giải quyết những việc đang diễn ra trong cuộc sống của mình như thế nào, và sẽ làm gì nếu một điều nào đó xảy ra với bạn? Những câu hỏi và sự quán chiếu tương tự như vậy, chính là Phật pháp và tu tập Phật pháp. Đây là sự thực hành đạo Phật chân chính.

Việc thiền quán về đời sống hàng ngày là phần thực hành chủ yếu, có thể được thực hành dựa theo kinh nghiệm. Song nếu bạn chưa có được những kinh nghiệm cần thiết và sâu sắc cũng không sao, bạn có thể chỉ cần thực hành và tư duy trong đầu”. Khả năng tư duy sâu sắc trong tâm” lại là một vấn đề khác.

Nếu bạn không thể đào sâu phần thực hành này “trong tâm” thì cũng chưa thành vấn đề. Chỉ cần tư duy “trong đầu” thôi cũng đã rất hữu ích rồi. “Trong đầu” ở đây hàm chỉ khía cạnh tri thức, “sâu trong tâm” hàm chỉ khía cạnh trải nghiệm.

Nhiều Phật tử hoặc một số bậc Thầy cho rằng tri thức là vô nghĩa, tri thức không bao giờ hữu ích cả mà phải là kinh nghiệm. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi thì tri thức cũng rất hữu ích nếu bạn biết phương pháp kiểm soát tri thức đó. Làm thế nào để kiểm soát tri thức? Có nghĩa là biết phương pháp vận dụng tri thức một cách đơn giản trong cuộc sống hàng ngày, chứ không để tri thức ấy kéo bạn rời xa khỏi tự tính chân thật của tâm.

Chẳng hạn, nếu bạn gặp một người đang có vấn đề về sức khoẻ, như bị đột qụy, ung thư, bệnh ngoài da, bệnh mắt, hoặc bất cứ căn bệnh nào khác, thì thông thường, khi đi ngang qua những người đó, hầu hết chúng ta đều không tìm hiểu xem điều gì đang xảy đến với họ. Chúng ta không quan tâm và thậm chí còn không nhìn đến họ. Đôi khi nhìn thấy họ nhưng phần lớn chúng ta không buồn quan tâm.

Một vài người trong số chúng ta, tự cho mình là có chút lòng nhân hậu, sẽ nghĩ: “Ôi, anh ta mới tội nghiệp làm sao?” Như vậy, bạn có thể cảm nhận một chút về lòng nhân hậu, song thế là chưa đủ. Trong thực hành Phật pháp, khi đi ngang qua và chứng kiến những người như vậy, bạn cần tiếp nhận điều đó như một bài pháp về lòng bi mẫn.

Bạn cần quán chiếu và suy nghĩ về điều này, về khả năng nếu một ngày kia bạn cũng gặp phải hoàn cảnh tương tự, bạn sẽ tiếp nhận chuyện đó như thế nào? Bạn sẽ tồn tại như thế nào? Hãy tự đặt cho mình những câu hỏi như vậy và suy nghĩ xem nên trả lời như thế nào. Phương pháp thực hành này vô cùng cần thiết và sẽ giúp bạn có sự hiểu biết chân chính. Dù bạn là một trong những người ngốc nghếch nhất thì vẫn có thể hiểu được rằng mình không thể tiếp nhận những hoàn cảnh đau khổ đó một cách dễ dàng. Không ai có thể bảo vệ bạn hay bảo đảm rằng khổ đau, bệnh hoạn sẽ không bao giờ xảy đến với bạn.

Ngày mai, bạn có thể gặp hoàn cảnh tồi tệ hơn những gì những người khốn khổ trên phố đang trải qua – ai biết trước được tương lai? Trong trường hợp đó, bạn sẽ làm gì? Đó là câu hỏi cần được đặt ra. Đây chính là một bài pháp trọn vẹn – bạn không nhất thiết phải gặp một bậc Thầy mới nhận được lời giảng về Bồ đề tâm. Con người khốn khổ trên phố, có thể gián tiếp dạy bạn một bài pháp trọn vẹn về Bồ đề tâm.

Nhiều người, thậm chí một số Phật tử không có lòng nhân hậu và không được giảng dạy về lòng bi mẫn và tình yêu thương (hay nói cách khác, những người không có may mắn được tu tập lòng bi mẫn và tình yêu thương) thường nói: “À, đó là nghiệp, đó là nghiệp chướng của anh ta, nghiệp chướng nặng nề mà anh ta đã tích luỹ. Bây giờ thì anh ta phải trả quả, phải trải qua cuộc sống tồi tệ, bệnh tật và tất cả mọi chuyện này. Song đừng lo anh ta sẽ phải tự chăm sóc cho bản thân. Bạn có lo lắng cũng không ích gì”. Họ sử dụng từ “nghiệp” rồi bỏ đi và thậm chí còn không nghĩ về điều đó. Tuy nhiên, là người Phật tử chân chính chúng ta không nên nghĩ theo cách này.

—🌺🌺🌺—

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CHUYỂN HÓA SÂN GIẬN THÀNH YÊU THƯƠNG
  2. LIỀU THUỐC TRỊ BỆNH
  3. BỒ ĐỀ TÂM NGUYỆN

Bài viết mới

  1. TRỊ LIỆU CÁC MỐI QUAN HỆ TRONG GIA ĐÌNH
  2. NỀ NẾP VĂN HÓA GIA ĐÌNH
  3. PHẬT PHÁP VÀ GIÁO DỤC