TÁM CƠN GIÓ ĐỜI – VÀO GIỮA LÒNG ĐỜI

JETSUNMA TENZIN PALMO

Trích: Vào Giữa Lòng Đời Tác Giả: Jetsunma Tenzin Palmo Biên Tập: Nguyễn Thế Vinh NXB Hồng Đức, in năm 2015 Ảnh: Nguồn Internet

—🌼🌸🌼—

Nhìn chung, chúng ta thường không ý thức rõ ràng rằng mình thích khen và sợ chê. Chúng ta cũng không ý thức rằng mình khao khát một tiếng tăm tốt và lo âu khi nghĩ tới tiếng tăm xấu. Chúng ta không ý thức về mình muốn được và sợ mất. Chúng ta không ý thức về việc mình bị thu hút ra sao đến những gì được xem là dễ chịu, và cố gắng tránh né những gì được xem là đau khổ. Nhưng chính tám mối bận tâm đời thường này là những cái giữ chúng ta xoay tròn mãi trong vòng sinh tử, hay samsara, luân hồi.

Tám cơn gió (Khen,chê,vinh,nhục,được,mất,vui,khổ) quy định phần lớn những gì chúng ta làm và những gì chúng ta hoạch định. Thậm chí, chúng còn quy định sự thực hành tâm linh của chúng ta. Cái gì khiến cho chúng ta đi tìm những thứ có vẻ tốt đẹp và dễ chịu, tránh né thứ không tốt đẹp, không dễ chịu? Thật sự chúng ta đang tìm kiếm điều gì? Kiểu an bình nào chúng ta hy vọng có được?

Có thể chúng ta hy vọng đạt được cái gì đó, sau tất cả những nỗ lực nhằm cố gắng giành được và cố gắng tránh né, nhưng chính sự níu bám ẩn dưới những nỗ lực ấy là thứ giữ chặt chúng ta vào vòng sinh tử này. Chúng ta thậm chí xem sự níu bám ấy là dễ chịu. Động lực đằng sau ham muốn, ghét bỏ, hy vọng và sợ hãi cứ thế giữ cho những bận tâm ích kỷ đời thường của chúng ta tiếp diễn. Thậm chí chúng ta không ý thức được điều đó. Chúng ta cho rằng muốn được dễ chịu và không muốn đau khổ là điều tự nhiên. Chúng ta không đặt nghi vấn chính cấu trúc của tâm lý nhị nguyên này, một cấu trúc dựa trên vô minh, không nhận thức về hoàn cảnh thật sự của con người.

Phật giáo đi sâu tìm hiểu sự ngu dốt căn bản về nhân dạng đích thực của chúng ta. Khi đang làm bất cứ điều gì, kể cả ngồi với quyển sách này trong tay, chúng ta vẫn có một cảm giác rất chắc chắn về cái tôi, và phần còn lại của thế giới xoay quanh nó. Một cảm giác đã thành thói quen đến nỗi chúng ta không để ý.
Tôi và của tôi; tôi và cho tôi; gia đình tôi; con cái tôi; bạn đời của tôi; cái gì đó của tôi. Cảm giác cái tôi này rất đặc chắc, rất thật và bền vững. Nó là một thứ được hình thành sâu bên trong chúng ta, và khi xã hội phản chiếu sự chắc chắn ấy, chúng ta không chất vấn nó: Dĩ nhiên tôi tồn tại. Tôi phải tồn tại đúng như biểu hiện về sự tồn tại của tôi. Chúng ta đi tới ý niệm mà quan điểm Phật giáo xem là avidya, “vô minh”, sự u mê ăn sâu. Trong tiếng Phạn, vidya nghĩa là biết; avidya nghĩa là không biết. Đây là một tập khí bắt rễ rất sâu, không thấy sự vật như chúng là, và đây là một thứ mà tất cả chúng ta đều có. Và chúng ta nghĩ cái nhìn của mình phải đúng bởi nó phản ánh cách mọi người nhìn nhận lẫn nhau.
Cảm giác chắc chắn về cái tôi là thứ chúng ta phóng chiếu lên người khác; và là thứ người khác phản chiếu lại chúng ta. Nó là cách chúng ta nhìn nhận bản thân. Nó là sự u mê thâm căn cố đế.

Chúng ta đồng nhất bản thân với quá nhiều thứ. Chúng ta đồng nhất bản thân với cơ thể, với chủng tộc, quốc gia, giới tính, nghề nghiệp, các mối quan hệ. Đây là con người tôi. Và sự đồng nhất không dừng ở đó. Chúng ta còn đồng nhất bản thân với những ký ức. Ký ức của chúng ta củng cố cảm giác về cái tôi.
Chúng ta tin vào những ý kiến của mình, những định kiến của mình. Chúng ta tin vào bản thân như một cá thể đặc chắc và tách biệt: Tôi nghĩ thế này; tôi nghĩ thế kia; theo ý tôi… Chúng ta làm điều đó một cách tự động.

Từ quan điểm Phật giáo, cảm giác về tôi, một cái tôi tách khỏi những thứ khác, là một biểu lộ của vô minh nguyên thủy. Mọi tu tập Phật giáo là nhằm vượt qua những quan niệm như vậy, để có thể khai mở một cấp độ hiện hữu rộng lớn hơn bản ngã nhỏ bé mà chúng ta níu bám một cách tuyệt vọng. Do níu bám vào cảm giác cái tôi, chúng ta tham lam và nắm giữ tất cả những gì mang lại cho bản ngã này sự dễ chịu. Đồng thời, chúng ta cố gắng chối bỏ tất cả những gì mang lại cho nó sự đau khổ. Sự chối bỏ sẽ biểu lộ trong giận dữ, hung hăng, tiêu cực. Chúng ta làm như vậy một cách tự động. Có lẽ nó cũng đang khuấy động trong bạn lúc này.

Bạn ngồi trên nệm thiền, với mục đích thực hiện một thời hành trì tốt đẹp, và lúc đầu nó khá thoải mái. Sau một lúc, đầu gối bắt đầu đau, lưng mỏi, và bạn tự động nhúc nhích để tránh cơn đau, đưa sự dễ chịu và thoải mái trở lại. Sự ham thích và ghét bỏ được đưa vào tu tập tâm linh, nên chúng ta cố tránh những thứ không thoải mái về cơ thể hoặc tinh thần. Dù có vẻ đang ngồi trên nệm thiền, chúng ta cũng bị những cơn sóng luân hồi quăng lên quật xuống.
Bản chất của các con sóng là trồi sụt. Dĩ nhiên, nếu bạn níu bám vào ý tưởng đi lên, bạn cũng phải chấp nhận thực tế rằng mình sẽ đi xuống.

Mọi thứ là vô thường. Từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, sự thay đổi tự hiển bày. Dù cố gắng dàn xếp, dường như một điều gì đó vẫn luôn xảy ra để đập tan bất cứ thứ gì chúng ta bám vào. Chúng ta cố gắng giành lại nó một cách điên cuồng, không ngừng nghỉ. Cuộc đời diễn ra như vậy. Và điều này quá bình thường đến nỗi chúng ta không chất vấn. Nhưng nếu còn chưa chất vấn, chưa bắt đầu ý thức hơn về sự tham dự không ngừng vào cuộc vật lộn, chúng ta còn chưa khai mở sự thư thái buông bỏ bên trong.

Tám cơn gió đời – có lẽ chúng ta nên gọi chúng là tám bứt rứt của đời! Cứ bứt rứt về chúng, tâm trí không thể trở nên tự do. Chúng ta hy vọng mọi thứ sẽ ổn thỏa; và sợ rằng nhiều chuyện sẽ không ổn thỏa. Nhưng kiểu bảo đảm này khó mà có được. Bản chất của luân hồi là không có gì bảo đảm. Chừng nào còn cố làm mọi thứ khớp với ý tưởng của chúng ta về chúng, về cách chúng nên diễn biến, chúng ta còn bị mắc kẹt. Và luôn có chuyện gì đó xảy ra. Thế giới quanh bạn dường như không bao giờ ổn thỏa, hoặc nó chỉ ổn thỏa trong giây lát, thế rồi chuyện sẽ xảy ra. Giá mà…. Thì mọi chuyện sẽ ổn…. nhưng luôn có một chữ giá mà.

Mỗi sáng, tôi thức dậy và tự hỏi: Ngày hôm nay sẽ như thế nào? Chúng ta có thể dành cả đời lo lắng, loay hoay giữa ý muốn khiến mọi thứ xảy ra theo cách mình thích và kháng cự lại cách mà chúng xảy ra. Hoặc chúng ta có thể phát triển một năng lực bên trong để biết rằng quá trình này đang xảy ra: chúng ta trở nên giống như một cái thuyền, chỉ việc lướt trên những con sóng của luân hồi. Chúng ta trở nên thư thái, xả bỏ trước các tình huống. Dù rất muốn được thừa nhận, được dễ chịu, được tán dương, có danh tiếng, sự thật là mọi chuyện đối với chúng ta rất khó khăn. Đôi khi chúng ta chịu khổ ải, bị chỉ trích, rơi vào tình trạng chẳng ai biết tới, gặp sự khó chịu, gặp nỗi đau khổ. Chúng ta mất của cải, mất người thân, mất sức khỏe, và cuối cùng mất đời sống quý giá.

Chúng ta khổ khi cuộc sống chỉ toàn là những điều không diễn ra theo cách chúng ta muốn. Chúng ta khổ khi cố gắng một cách tuyệt vọng để khiến mọi thứ xảy ra đúng như chúng ta hoạch định và rồi chúng không như vậy. Đây chính là mấu chốt. Đức Phật nói có hai loại khổ ải: khổ ải thể xác và khổ ải tinh thần. Khổ ải thể xác thì không thể tránh được. Ngay bản thân Đức Phật cũng có khổ ải thể xác. Nếu sống đủ lâu, bạn sẽ thấy tất cả mọi người đều bị nhức mỏi, đau đớn, tai nạn, và đôi khi gặp trọng bệnh.

Chúng ta có một cơ thể, và cơ thể sẽ thoái hóa. Điều đó không tránh được. Nhưng cái không phải không tránh được là khổ ải tinh thần, và trong chuyện này chúng ta có sự kiểm soát. Chúng ta có thể luyện tâm sao cho khi cơ thể chịu khổ, tinh thần vẫn thư thái. Khi bệnh tật hoặc mọi chuyện bất ổn, thay vì trở nên tuyệt vọng, suy sụp, chúng ta có thể giữ sự bình thản. Điều này rất quan trọng và cần được hiểu rõ. Khi sự việc tốt đẹp, chúng ta thường nghĩ mọi chuyện ổn thỏa và không phải làm gì nhiều. Nhưng nếu sự việc đổ vỡ, chúng ta sẽ làm gì? Ngày hôm nay chúng ta ổn, ngày mai có thể có một tai nạn nghiêm trọng. Ngày hôm nay chúng ta ở bên người mình yêu thương, ngày mai họ đã đi rồi.

Phật giáo cho rằng có nhiều cấp độ tái sinh: hai mươi sáu cấp độ tái sinh cõi trời, nơi mọi thứ diễn ra đúng như chúng ta muốn. Tám pháp thế gian không thật sự tồn tại ở những cấp độ này, bởi lẽ bạn chỉ phải nghĩ về một thứ và nó xuất hiện. Đi tới những cấp độ hiện hữu cao hơn, cuối cùng chỉ có những cấp độ tâm thức, không có cơ thể. Cơ thể lúc đó là ánh sáng, mọi thứ đều phúc lạc. Những tầng trời này là kết quả của thiện nghiệp, nhưng từ một tầm nhìn Phật giáo, chúng có thể là ngõ cụt tâm linh vì không có động lực tu tập. Tuổi thọ ở những cõi ấy rất dài, nên người ta không nghĩ gì tới cái chết hay vô thường; không nghĩ tới khổ; không nghĩ tới bất cứ chuyện gì. Chỉ có sự thụ hưởng kết quả của thiện nghiệp. Những cái đó đều rất tốt đẹp, và trong nhiều truyền thống tâm linh, người ta đặt mục đích tái sinh nơi đó, nhưng tất nhiên từ một tầm nhìn Phật giáo, hai mươi sáu cấp độ tái sinh cõi trời này là vô thường.

Lại có những cõi địa ngục, nơi sự khổ ải là nặng nề và liên miên đến nỗi người ta bị khóa chặt trong nỗi sợ hãi và đau đớn, không thể nghĩ ra ngoài sự khổ não của bản thân. Nhưng các cảnh giới địa ngục cũng vô thường.

Tái sinh làm người là lý tưởng vì chúng ta có thời gian để tu tập. Những điều tốt đẹp thúc đẩy chúng ta đi tới, những khó khăn đóng vai trò động lực. Bởi vậy điều cốt yếu là chúng ta sử dụng cuộc sống đang có – ngay lúc này – và nhìn vào nó, xem chúng ta đang sống cuộc sống ấy như thế nào.

Bạn đang làm gì với cuộc đời quý giá của mình?

Bạn được phú cho rất nhiều điều. Bạn được học hành; bạn có thể nghĩ những gì muốn nghĩ; có thể làm những gì muốn làm. Nếu muốn đọc sách nào đó, bạn không chỉ có thể đọc, mà còn có thể hiểu chúng. Có quá nhiều cơ hội để bạn tiến lên phía trước. Bạn đang sống trong một hoàn cảnh được ban phúc.
Bạn có cơ hội rèn luyện tâm trí. Bạn không phải quá vất vả kiếm bữa ăn tiếp theo. Bạn có thì giờ rảnh rỗi, có cơ hội suy tư. Không có thời gian nào tốt hơn ngay lúc này để bạn sử dụng cuộc sống một cách ý nghĩa. Tám cơn gió đời – khen/chê, vinh/nhục, được/mất, vui/khổ – cho chúng ta những câu hỏi sâu xa để tự mình khám phá. Chúng ta có thể dành cả đời để hợp nhất những điều chúng ta khám phá.

Cuộc sống hiện đại cũng đầy căng thẳng. Nhưng chúng ta liên tục đổ thêm dầu vào ngọn lửa. Hầu hết mọi người bị vắt kiệt bởi những lo âu, nhưng đa phần những lo âu này thật sự không cần thiết. Chúng ta lo âu về tương lai, nhưng tương lai chưa tới. Vậy còn ngay lúc này? Ngay lúc này, chúng ta có thể không thoải mái lắm, nhưng ít nhất không ai đe dọa chúng ta! Có gì để mà lo? 90% những gì chúng ta lo nghĩ sẽ không xảy ra.

Điều này không có nghĩa là chúng ta không lập kế hoạch, nhưng một khi đã lập kế hoạch về một thứ gì đó, sự khôn ngoan là ở chỗ cứ để mặc nó. Và hãy cởi mở, chấp nhận bất cứ điều gì xảy ra, bởi đơn giản đó là những gì đang xảy ra trong khoảnh khắc. Chúng ta suy nghĩ rằng nếu sự việc diễn ra theo cách mình muốn, nếu chúng dễ chịu, tốt đẹp thì đó là điều tốt và chứng tỏ chúng ta thành công. Nếu sự việc diễn biến không đúng, đau khổ hoặc khó khăn, chúng ta hình dung nó như một dấu hiệu thất bại. Chúng ta nghĩ cuộc sống này phải là thỏa mãn. Nhưng Đức Phật nói rằng nó hàm chứa sự không thỏa mãn.

Mấu chốt không phải ở sự mất mát, đau khổ hay bị chê bai. Mấu chốt là ở chỗ chúng ta ghét bỏ những thứ ấy. Chúng ta nghĩ không ai nên trải qua mất mát; chúng ta nghĩ không ai nên trải qua khổ đau; chúng ta nghĩ không ai nên chịu sự chê bai. Nhưng mất mát, khổ đau, chê bai là chuyện bình thường. Vấn đề là chúng ta ác cảm, cưỡng lại bất cứ điều gì bản ngã cho là không dễ chịu. Và chúng ta níu bám vào những thứ đem lại sự dễ chịu cho cái tôi. Nhưng nếu rộng mở chấp nhận mọi chuyện xảy ra như nó đang xảy ra trong từng khoảnh khắc, sẽ chẳng có vấn đề gì. Những lo âu của chúng ta sẽ tan biến.

Chúng ta mang tám cơn gió đời đi mọi nơi. Chúng được đan xen một cách tinh tế vào cấu trúc tâm lý của chúng ta. Chúng ta bắt gặp chúng trong đời sống hàng ngày, ở nơi làm việc, trong những mối quan hệ. Chúng còn đi theo ta vào buổi tu tập, và điều này rất thường xảy ra. Đây là những gì Chogyam Trungpa Rinpoche đã gọi là chủ nghĩa duy vật tâm linh.

Sự chấp ngã dễ dàng ảnh hưởng đến tu tập tâm linh. Chúng ta có thể nghiên cứu giáo pháp, thực hiện hành trì, tới những buổi thuyết giảng và tham gia những đợt ẩn cư, nhưng tất cả có thể trở thành phương tiện để củng cố cảm giác về cái tôi: tôi là một người tâm linh; tôi đã đọc rất nhiều sách Phật giáo; tôi đã gặp những lạt ma giỏi nhất; tôi đã nhận mọi quán đảnh; tôi làm nhiều việc quan trọng ở trung tâm truyền pháp; tôi là người đặc biệt. Có chất vấn và thành thực nhìn vào tâm trí mình hay không, điều đó tùy thuộc vào chúng ta. Một linh mục Thiên Chúa giáo nói rằng chúng ta giống như những mẫu gỗ thô. Nếu dùng lụa hay nhung để chà xát bản thân, chúng ta không trở nên nhẵn mịn được. Muốn trở nên nhẵn mịn phải cần giấy nhám. Cái gọi là những khó khăn và vấn đề gặp phải trong đời sống hàng ngày giống như giấy nhám, khiến chúng ta trở nên nhẵn mịn. Đó là cách chúng ta học hỏi. Đó là cách chúng ta thật sự đánh giá bản thân và trưởng thành.

Chúng ta có thể thấy mình rất thiếu khoan dung với bản thân. Kẹt trong những phán xét và định kiến về bản thân, chúng ta hình dung ra bức tranh con người mình nên như thế nào. Nhưng khi sự việc không ăn khớp, nó tạo ra rất nhiều đau khổ, lo âu và căng thẳng, rất nhiều ham thích và ghét bỏ, hy vọng và sợ hãi.

Thay vì bị tám cơn gió đời cuốn đi, chúng ta có thể rèn luyện năng lực hiện diện và tỉnh thức. Chúng ta có thể học cách bước lùi lại, trở nên nhận biết các ý nghĩ và cảm xúc của mình khi chúng nổi lên, thấy rõ rằng chúng chỉ là các ý nghĩ và cảm xúc – chúng không phải tôi và của tôi. Chúng ta có thể trở nên rộng mở và thích ứng hơn. Thay vì tự đồng nhất với những hy vọng và sợ hãi, với những tư tưởng và suy nghĩ của mình, chúng ta có thể thấy chúng chỉ là những hiện tượng trống rỗng, khởi lên trong giây lát rồi biến mất.

Với năng lực hiện hữu, đứng lùi khỏi các ý nghĩ của mình và thấy chúng chỉ như các ý nghĩ, thấy cảm xúc chỉ như cảm xúc, chúng ta sẽ trở thành chủ nhân của tâm mình thay vì là nô lệ cho nó. Nếu thật sự kiểm soát sự việc như mình muốn, đáng ra bạn đã có khả năng tự nói với mình vào mỗi sáng, “Được rồi, hôm nay mình sẽ hạnh phúc, bình an, nhân từ, trắc ẩn, yêu thương tất cả mọi người”. Và chuyện phải diễn ra như vậy.

Khi ấy, điểm đầu tiên trong hành thiền là nhận ra rằng thực ra tâm trí chúng ta bị mất kiểm soát. Đức Phật mô tả một tâm trí bình thường giống như một con khỉ hoang hoặc một con voi say. Nếu từng thấy khỉ hoang và voi say, bạn biết rằng chúng hoàn toàn trở nên mất kiểm soát. Tâm trí của hầu hết mọi người cũng giống như vậy: nhảy nhót loạn động khắp nơi. Đây là nhận xét của Đức Phật về tâm trí bình thường – trước khi có sự xuất hiện của ma trận truyền thông như ngày nay.

Chúng ta có một tâm trí, và chúng ta mang nó theo khắp nơi. Chúng ta có thể tới những nơi xa xôi nhất trên thế giới, thậm chí có thể tới mặt trăng hoặc sao Hỏa, nhưng không bao giờ chạy trốn được tâm trí của mình. Kể cả trong lúc ngủ, tâm trí cũng ở bên chúng ta, hoạt động thông qua những giấc mơ. Tâm trí liên tục trò chuyện với chúng ta. Nó có thể là người bạn thân thiết hoặc kẻ thù. Đương nhiên, nó là bạn đồng hành thường xuyên của chúng ta. Nhưng ngay cả như vậy, nhìn chung nó cũng nằm ngoài kiểm soát. Và điều này thật đáng buồn.

Chúng ta quan tâm quá nhiều đến sự thoải mái và tiện nghi bên ngoài, nhưng ngay cả khi sống trong một cung điện vàng son, nếu tâm trí bạn nằm ngoài sự kiểm soát, bạn cũng khốn khổ. Bạn có thể sống trong một túp lều tranh, nhưng với tâm an bình, tập trung, bạn là người hạnh phúc. Khi sống ẩn cư trong hang, mọi thứ bề ngoài khá lạnh lẽo, nhưng bên trong tôi rất hạnh phúc. Đó là thời gian hạnh phúc nhất trong đời tôi cho đến nay.

Một lần, tôi đến thăm mẹ tôi khi bà đang sống ở Knightsbridge và làm quản gia cho một gia đình giàu có. Họ sống ở một khu vực rất đẹp ở London, với công viên Hyde nằm ngay cuối đường. Vậy là chúng tôi ở đó, trong căn hộ đẹp ở khu vực tốt nhất của London, với rất nhiều thứ tốt đẹp. Có lẽ mọi thứ bạn muốn đều có ở đó. Nhưng tôi cảm thấy thật sự nhàm chán, trong lòng không thoải mái, và đó là vấn đề của tôi. Rồi tôi nghĩ, “Hãy nhớ lấy điều này mỗi khi mình nghĩ sự thoải mái vật chất bên ngoài có liên quan đến việc làm cho tâm trí hạnh phúc”.
Trạng thái tinh thần là nơi chúng ta trú ngụ. Và chúng ta cần quan tâm nuôi dưỡng một tinh thần an bình, tập trung, xả bỏ hơn. Xả bỏ có nghĩa là dù chuyện gì xảy ra, chúng ta đều thư thái và xử trí một cách an nhiên. Chúng ta không cần điều khiển mọi chuyện để khiến mình hài lòng.

Vài năm trước, tại một hội thảo liên tôn giáo, tôi gặp một ca sĩ theo đạo Sufi từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ông hát một bài hát Sufi rất hay về những điều bất như ý trong đời, và phần điệp khúc có câu, “Thì sao chứ?”

Chúng tôi cùng nhau trở lại phi trường New York để sau đó mỗi người đi mỗi nơi. Ông sẽ trở lại Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, khi tới phi trường, chúng tôi phát hiện ra hành lý của ông vẫn chưa tới. Nhưng ông chỉ cười, nhún vai và nói, “Thì sao chứ?” Và chúng tôi cùng cười! Toàn bộ tình huống chỉ là một sự việc.

Ông nói, “Thú vị đấy! Tôi không còn phải ôm cả đống hành lý nữa. Tôi được tự do. Bây giờ cứ việc đi thôi.”

Tôi vô cùng ngưỡng mộ ông vì quả thật ông đang đưa lời nói vào thực hành. Bởi vậy, khi sự việc bất ổn, chúng ta cũng có thể tự nói với mình, “Thì sao chứ?”
Người ta thường nghĩ Đức Phật bi quan, bởi đầu tiên Ngài nói về tính chất không thỏa mãn của đời sống. Nhưng Ngài không dừng ở đó. Ngài không chỉ nói, “Đời là khổ”. Ngài nói tại sao nó là khổ. Cuộc sống hàng ngày của chúng ta là khổ vì chúng ta nắm giữ quá chặt, trong khi mọi thứ là vô thường. Đến cuối cùng, những gì chúng ta giữ quá chặt vẫn sẽ thay đổi. Vấn đề không phải ở sự vật hay sự việc, mà là tâm trí chúng ta.

Chúng ta cần làm cuộc sống trở nên có ý nghĩa. Cụ thể hơn, chúng ta cần đưa tâm trí và cuộc sống trở lại với nhau. Bằng cách ấy, chúng ta sẽ mang lại lợi ích cho mọi người cũng như bản thân. Ngoài những thảm họa thiên nhiên, mọi vấn đề xảy ra trên thế giới này là do con người gây ra. Chúng ta gây ra vô số vấn đề từ tâm trí thiếu kiểm soát của mình. Trí huệ và từ bi vô cùng cần thiết, nhưng chúng lại trú ngụ trong tâm trí. Chúng không phải là thứ có thể mua được.
Chúng ta cần những thách thức. Và chúng ta phải tu dưỡng những phẩm chất mà tự chúng không thể được tu dưỡng trừ khi đối mặt với thách thức. Thay vì là những trở ngại đối với con đường tâm linh, thách thức chính là con đường tâm linh. Chúng ta phải phát triển một thái độ cởi mở, đón nhận mọi thứ mình gặp và sử dụng chúng. Nếu sự việc bất ổn, nếu con người gây khó khăn, chúng ta tu dưỡng sự kiên nhẫn và trắc ẩn. Nếu mọi người thiếu thốn, chúng ta tu dưỡng sự bố thí.

Đức Phật nói tu tập Phật pháp giống như bơi ngược dòng. Bơi ngược dòng là một hành trình rất cô độc. Bạn có thể tự hỏi: bơi ngược dòng liệu có bỏ thời gian và công sức không trong khi mọi người khác đều đang xuôi dòng? Nhưng chính những người bơi ngược dòng là những người tới được nguồn. Nếu chúng ta muốn làm điều gì đó có ý nghĩa với kiếp sống này, nơi khởi đầu chính là từ hoàn cảnh hiện tại. Và thời gian duy nhất để khởi đầu là ngay lúc này, trong khoảnh khắc này. Nó là thời gian duy nhất chúng ta có. Tương lai chỉ là một ý tưởng. Quá khứ đã qua rồi. Và khoảnh khắc này đang trôi đi – như vậy đấy!

Thứ đáng giá nhất chúng ta có trong đời là tâm thức này. Chúng ta có thể tu dưỡng. Chúng ta có thể học cách dụng tâm sao cho khéo léo. Viên ngọc quý giá gọi là tâm bị che phủ bởi một lớp bùn dày của tám cơn gió đời, và chúng ta phải gột sạch bùn để viên ngọc lại sáng lấp lánh. Không thể nói, “Tôi không có thời gian,” trong khi từng hơi thở – nếu chúng ta ý thức – đều là một biểu lộ của quá trình tu tập.

Hỏi: Câu hỏi của tôi là đối xử thế nào với những người khiến mình thấy dễ chịu. Tôi đang nghĩ tới những người khiến tôi cảm thấy mình tốt đẹp. Họ nói những điều hay về tôi, và chuyện đó tốt đẹp.

JTP: Chuyện đó tốt đẹp chừng nào bạn hạnh phúc và bạn cũng nói những điều tốt đẹp lại với họ, và bạn yêu họ. Thị giả của Đức Phật là Ananda có lần nói ông nghĩ về tình bạn, và ông cảm thấy nó là một nửa của con đường tâm linh. Đức Phật nói, “Không phải đâu, Ananda, bạn tốt là toàn bộ con đường tâm linh.”
Có những người bạn tốt là điều quan trọng. Nhưng những người bạn này tốt vì có những giá trị tốt đẹp – nó không có nghĩa là chúng ta cứ giao du với những người nuôi dưỡng bản ngã của chúng ta. Còn nếu họ có những giá trị tốt đẹp, điều đó nghĩa là họ khuyến khích chúng ta hướng tới thiện ý trong chính chúng ta. Khi ấy, sự trân trọng, yêu thương họ là đúng và nên làm. Lưu ý là những người không tử tế với chúng ta, hạ thấp hoặc tạo ra các vấn đề cho chúng ta cũng đáng có được tình yêu, sự trân trọng và thiện ý của chúng ta. Bằng cách ấy, chúng ta không trở nên quá phân biệt. Lẽ tự nhiên là bạn sẽ thích những người thích bạn, và đó là phần cộng thêm. Nhưng điều quan trọng là học cách thích những người không thích bạn. Đó là một thực hành tu tập.

—🌼🌸🌼—

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CHÁNH NIỆM
  2. MỞ RỘNG TÂM LƯỢNG TRƯỚC CÁI ĐẸP CỦA CÔNG PHU
  3. CĂN BẢN TRÍ TRONG ĐẠO PHẬT

Bài viết mới

  1. TIẾT LỘ BÍ QUYẾT VỀ CÁCH RÈN LUYỆN CỦA TÔI
  2. SUY NGHĨ LÀ VẬT CHẤT
  3. CHUYỂN HÓA UNG THƯ