TÂM NGUYỆN VỊ THA

HE. GARCHEN RINPOCHE VIII

Trích: Bình giảng 37 pháp tu của Bồ tát; Nguồn: Thư viện Lưu trữ Giáo huấn của Đại sư Garchen Triptrul Rinpoche; Anh dịch: Ina Bieler; Việt dịch: Tiểu nhỏ và Trần Lan Anh; NXB. Gyaltsen Publications Pte Ltd; 2017

11. Tất cả các đau khổ [không trừ một ngoại lệ nào] đều xuất phát từ việc mong cầu hạnh phúc cho riêng mình. Chư Phật toàn giác bắt nguồn từ tâm vị tha. Bởi vậy hãy hoán đổi hạnh phúc của bản thân lấy sự khổ đau của chúng sinh. Đó là pháp tu của Bồ tát.

✍️ Vì sao chúng ta lại cần Bồ đề tâm? Bởi vì tất cả chư Phật của ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai đều phát khởi từ Bồ đề tâm. Trong một tiền kiếp, đức Phật là con trai của một vị Bà La Môn nghèo khó. Vào thời đó, có đức Phật Mahamuni nhập thế. Người con trai của vị Bà La Môn nghèo khó rất thông minh và phát khởi Bồ đề tâm. Chàng trai này chẳng có gì để cúng dường nên trải tóc xuống đất và khấn nguyện đức Phật Mahamuni: ‘Con chẳng có gì để cúng dường nhưng nếu ngài là một vị Phật thì xin đặt chân trên tóc con và đức Phật đã nghe được câu nguyện này với Phật lực thần thông. Nhà vua vĩ đại cho rải gấm lụa trên đường để đức Phật bước qua nhưng khi đức Phật đến, ngài bước trên mái tóc của chàng trai và hỏi: ‘Con có ước nguyện gì không?’. Chàng trai trả lời: ‘Nguyện cho thân con trở thành giống như thân Như Lai. Nguyện cho hội chúng, cuộc đời và tịnh độ của con giống như của ngài. Nguyện cho con có được các hảo tướng chính và phụ giống như của ngài’. Chúng ta cũng ước nguyện để trở thành giống như đức Phật.

Đức Phật đã tích luỹ công đức trong ba a tăng kỳ kiếp bất tận. Cái mà chúng ta gọi là công đức chính là tình yêu thương, lòng bi mẫn và Bồ đề tâm. Trưởng dưỡng tâm thức đi tìm lợi lạc cho chúng sinh là đường tu của chư Phật. Đây là đạo lộ của tất cả chư Phật trong quá khứ, là đạo lộ của tất cả chư Phật trong tương lai và đây là đạo lộ của tất cả chư Phật trong hiện tại. Chư Phật cũng giống như các vị đại vương chiến thắng. Các ngài đã được giải thoát khỏi khổ não và do đó, có thể chỉ cho chúng ta con đường dẫn đến giải thoát. Chúng ta là con cái của chư Phật vì Phật tính tiềm ẩn trong tâm thức chúng ta là Phật. Do đó, chúng ta giống như các đứa con của Phật. Có thể nói rằng tất cả các chúng sinh đều là Phật vì bản thân tâm thức là nguyên nhân dẫn đến Phật quả nhưng nếu chúng ta muốn đạt được Phật quả thì chúng ta phải hiểu biết về đường tu. Chúng ta phải tu tập Bồ tát hạnh bởi vì, cũng giống như con của vị vua đang trị vì thiên hạ, đầu tiên chúng ta phải có được một số phẩm tánh.

Người có Bồ đề tâm sẽ đánh đổi hạnh phúc của chính mình để lấy khổ đau của người khác. Một số người có lòng đại bi trong tâm một cách tự nhiên; đó là bởi vì họ đã tích luỹ công đức trong những đời trước. Chẳng có điều gì mang lại công đức nhiều hơn việc phát khởi lòng từ ái và bi mẫn trong tâm. Cái mà chúng ta gọi là công đức thực ra là tình yêu thương.

Ví dụ như có chiến tranh ở đâu đó, chúng ta xem truyền hình và thấy lòng bi mẫn khởi lên một cách tự nhiên; sự khổ đau sẽ đến với tâm thức chúng ta và chúng ta sẽ cảm thấy rất bứt rứt và buồn bã. Lúc đó, sự khổ đau sẽ thực sự khởi lên trong chúng ta. Rồi từ đó, lòng bi mẫn lại khởi lên. Vì sao vậy? Vì chúng ta yêu thương. Nếu chúng ta không yêu thương thì lòng bi mẫn sẽ không khởi lên. Rồi chúng ta sẽ nghĩ đến việc gây chiến, thắng trận và xem chiến tranh như trò chơi. Người có tâm yêu thương sẽ hiểu được việc gì đang xảy ra và biết rằng nguồn gốc của khổ đau này phát khởi từ nghiệp đã tạo trong các đời trước do có sự chấp ngã và các cảm xúc phiền não. Do nghiệp, tất cả những người đó tập trung lại một chỗ rồi chiến đấu. Các trận đánh đó là hậu quả của sân hận, bám chấp, vô minh và đố kỵ. Cái mà chúng ta bám luyến vào chủ yếu là cái ngã; bám luyến chủ yếu là ý nghĩ ‘tôi thích’. Nếu chúng ta không có được cái mà chúng ta muốn thì chúng ta sẽ nổi giận. Khi tâm sân hận khởi lên thì tâm đố kỵ cũng khởi lên theo. Rồi, bởi ba yếu tố này, chúng ta tạo nghiệp và hậu quả là chúng ta tập hợp lại một chỗ và bắn giết lẫn nhau. Gốc rễ của tất cả điều này là sự chấp ngã. Những người đó cần gì? Họ cần tình yêu thương, lòng từ ái và bi mẫn. Họ cần lòng bi mẫn. Với lòng bi mẫn, nghiệp báo của họ có thể sẽ nhẹ đi; một khi đã khởi tâm bi mẫn thì con sẽ ổn thôi. Ngay cả khi một nước đang tham chiến, nếu tất cả công dân của nước này đều khởi tâm yêu thương thì nghiệp báo của sân hận sẽ được tịnh hóa và sự chấp ngã của họ sẽ sụp đổ. Dĩ nhiên là điều này không xảy ra ngay tức thì nhưng sẽ giảm từ từ. Cũng giống như băng tuyết dưới ánh nắng từ từ tan chảy; con sẽ không thấy được sự giảm thiểu trong từng giây, từng phút mà chỉ thấy được về lâu dài. Khi con hiểu được nỗi đau phát sinh từ sự chấp ngã, con sẽ có thể chuyển hóa mọi thứ trong tâm của mình. Con sẽ thực hành sáu pháp Ba la mật với thân và khẩu của mình và trong việc thực hành hoán chuyển ngã – tha thực sự, sẽ trải rộng lòng bi mẫn và tiếp nhận khổ đau của người khác. Khi con có lòng bi mẫn, con sẽ có ước nguyện tự nhiên là đánh đổi hạnh phúc của chính mình để nhận lấy sự khổ đau của người khác và khi con thấy sự hoán đổi này diễn ra tự nhiên như thế nào thì con sẽ đặt niềm tin vững chắc vào sức mạnh của tình yêu thương. Một khi con phát khởi Bồ đề tâm thì con sẽ thực sự thực hành Pháp.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. BUÔNG BỎ BÁM CHẶT VÀO CUỘC ĐỜI NÀY
  2. KHAI THỊ SỐ 13: CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT
  3. SÂN GIẬN

Bài viết mới

  1. PHẬT TỬ CÓ HIẾU THUẬN VỚI CHA MẸ KHÔNG ?
  2. LÒNG BIẾT ƠN – TRÍCH SÁCH TRÍ HUỆ, NHỮNG HIỂU BIẾT THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI
  3. RÈN LUYỆN ĐỂ CÓ ĐƯỢC HẠNH PHÚC