TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU TRỐN CHẠY Ở MỘT MỨC ĐỘ NÀO ĐÓ

TS DAVID J. LIEBERMAN

Trích: Đọc Vị Tâm Trí - Khám Phá Xem Người Ta Nghĩ Gì, Muốn Gì Và Thực Sự Là Ai; Quế Chi dịch; NXB Dân Trí, Sách Thiện Tri Thức.

Bất cứ nơi nào bạn từng ghé đều có những thứ thoải mái tiện lợi để bạn rơi vào xao lãng. Những thứ giải trí tức thì bày ra cho bạn một con đường trốn thoát vào trong những thế giới khác, một mê hồn trận vô tận những trò chơi điện tử, những bộ phim, chương trình truyền hình, các blog và những diễn đàn, nơi chúng ta có thể thoát khỏi những nặng nề của cuộc sống. Hễ cứ thoát ra khỏi thứ âm nhạc ẩn dụ ấy thay vì đối mặt với nó thì bản lĩnh kiên cường của chúng ta lại bị tổn hại.

Khi tiếng thì thầm liên tục phát ra trong tâm trí chúng ta, những lo âu, sợ hãi và thấp thỏm không thể dập tắt thì chúng ta lại càng tìm cách thoát khỏi nó. Chúng ta lờ đi những âm thanh khó chịu của những suy tư về bản thân ấy và vặn lớn âm lượng của những ảo ảnh. Lướt qua hàng triệu triệu dòng tin Twitter, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng người dùng nào mà bị trầm cảm thì thường viết về những thứ gây xao lãng và chạy trốn thực tại. Trong số những từ xuất hiện thường xuyên nhất có: xem, thời gian, xem phim, tập, đọc, mùa, toàn bộ, sách, vở kịch ưa thích, nhân vật, tuyệt vời, cảnh, ngôi sao, các thứ, tuyệt, kinh dị và bắt đầu.

Nhà tâm lý và cũng là chuyên gia lão làng trong marketing Ernerst Dichter, nổi danh là “cha đẻ của nghiên cứu về động cơ”, đã giải thích rằng khi cảm thấy sợ hãi, hầu hết mọi người đều rút mình vào những hành vi có tính xoa dịu hoặc thậm chí những hành vi rất trẻ con và những động cơ hết sức bản năng để lái bản thân họ ra khỏi nỗi lo âu và chuyển hướng nỗi lo âu ấy đi nơi khác. Đây chính là cơ chế tâm lý đằng sau những “thức ăn xoa dịu” nhiều đường, nhiều chất béo bão hòa hoặc nhiều muối mà người ta hay dùng. Chúng đem tới cảm giác no đủ thay vì trống rỗng và thường nâng cao tinh thần của chúng ta lên (mặc dù rất thoáng qua). Chúng tạo ra một cảm giác thoáng qua về niềm hạnh phúc, bằng cách kích thích hệ thống tưởng thưởng trong não bộ, hệ thống này tạm thời khỏa lấp đi những khó chịu cảm xúc.

Nhận xét này đặc biệt hữu ích vì nó tiết lộ cách con người xử lý căng thẳng trong cuộc sống nói chung của họ. Thuyết xử lý sợ hãi giải thích rằng chúng ta đối phó với nỗi lo âu bằng một trong hai cách. Khi chúng ta sống một cuộc sống đủ đầy và sôi nổi, chúng ta thường gắn bó với những giá trị chuẩn và niềm tin của chúng ta – chúng đem ý nghĩa tới cho cuộc sống của chúng ta. Đây được gọi là giả thuyết cái chết tất định và cổ xúy sự tự điều chỉnh bản thân. Nhưng nếu chúng ta sống một cuộc đời không ý nghĩa, chúng ta xoa dịu sợ hãi của mình bằng những thứ xả stress – từ sô cô la đến những chuyến nghỉ mát. Đây được gọi là giả thuyết xoa dịu lo âu. Bạn đã bao giờ băn khoăn tại sao những quảng cáo trong các bản tin buổi tối thường dành cho những sản phẩm đem đến sự trốn thoát thực tại hay chưa? Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tin tức về thảm họa và cái chết khiến người xem chuyển sang một não trạng kiểu “Hãy để chúng ta ăn uống no say vì ngày mai đằng nào cũng chết.” Nói cách khác, những tin xấu khiến bạn muốn xoa dịu bản thân – và tìm kiếm sự thỏa mãn tức thì. Gót chân Achilles trong kiểm soát thôi thúc nằm ở cách chúng ta kiểm soát nỗi sợ hãi. Đây là một điều đáng phải tìm hiểu vì trong bất kỳ hoàn cảnh nào – như một cuộc hẹn hò, một cuộc thương lượng hay phỏng vấn – cách người ta thường phản ứng với những tình huống khơi gợi lo âu cũng sẽ phản ánh sức khỏe tinh thần của họ. Họ nhìn nhận, chấp nhận và phản hồi; họ phản ứng và rồi hối tiếc; hay chỉ chúi đầu lẩn trốn? Khi chúng ta gặp một điều gì đó gây căng thẳng, chúng ta đánh giá tình huống, rồi quyết định phản hồi thế nào. Ví dụ, đang làm việc, bạn nghỉ giải lao. Đó là một việc tốt. Tuy nhiên, nếu bạn lo lắng về công việc thì trong những phút nghỉ giải lao này bạn hẳn sẽ sốt ruột xử lý nỗi lo âu chứ không phải lảng tránh nó. Nếu bạn đóng laptop lại và bỏ đi trong suốt thời gian diễn ra một đợt sóng lo âu thì bạn đang củng cố một thói quen chạy trốn. Chạy trốn, và rồi bạn tạm thời giảm được nỗi lo âu nhưng lại củng cố lối mòn thần kinh cho rằng lảng tránh đem lại bình tĩnh và thoải mái. Sự bình tĩnh này chỉ là tạm thời và nó sẽ sớm bị thay thế bởi nỗi dằn vặt, vốn dĩ là cơn giận dữ với chính mình.

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào – như một cuộc hẹn hò, một cuộc thương lượng hay phỏng vấn – cách người ta thường phản ứng với những tính huống gây lo âu sẽ phản ánh sức khỏe tinh thần của họ.

Cái vòng luẩn quẩn, giận dữ và lo âu tiếp tục củng cố chính nó. Trong số những yếu tố kích thích quan trọng nhất khiến người ta thất bại trong việc tự điều chỉnh bản thân thứ khiến chúng ta mất kiểm soát bản thân và đầu hàng những thôi thúc của mình – có nỗi tức giận. Dễ đoán là, nỗi tức giận sẽ mở đường cho rất nhiều hành vi và thói quen tự hại bản thân, như rượu chè, bài bạc và nghiện ma túy.

Bạn có để ý khi bạn tức giận với chính mình, bạn thường hay va vấp vào cái gì đó? Đó chính là sự thể hiện ra ngoài của tâm trạng bối rối cảm xúc – tức giận với chính mình. Có thể bạn đỏ mặt tía tai và không để ý nhưng quả thật bạn không nhìn thấy cái bàn đó. Nhưng cũng có thể đây là hành vi tâm lý, tức là trong vô thức bạn đang cố trừng phạt mình vì bạn đã đưa ra một quyết định mà bạn biết là không đúng đắn, cho dù lúc đó bạn không nhận thức được điều ấy. Nói đơn giản hơn thì là: Dằn vặt là một lực tiêu cực trì kéo chúng ta xuống, khiến cho chúng ta vô thức vướng vào hành vi tự hại bản thân. Theo một nghiên cứu trên hơn 2.500 bệnh nhân, những người bị thương nghiêm trọng và đang được chăm sóc tích cực trong phòng cấp cứu, các nghiên cứu viên đã phát hiện ra 31,7% trong đó đó nói rằng họ cáu bẳn ở mức độ nào đó ngay trước khi bị thương, 18,1% nói rằng họ cảm thấy tức giận và 13,2% nói rằng họ cảm thấy khó chịu, hằn học.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. THẾ GIAN CHỈ LÀ MỘT VỞ DIỄN

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP