THÀNH THẬT VỚI BẢN THÂN

SPENCER JOHNSON

Trích: Những Quyết Định Thay Đổi Cuộc Sống; Nguyên tác: Yes or No; NXB. Tổng Hợp TPHCM

-Tin vào ảo tưởng sẽ khiến cho bạn có những quyết định sai lầm. để có những quyết định sáng suốt, bạn cần phải biết nhận ra sự thật càng sớm nhận ra sự thật, bạn càng sớm có quyết định đúng đắn. Và để có thể nhận ra sự thật, hãy thật sự tìm kiếm nó. Để tìm ra sự thật, bạn hãy biết nhìn thẳng vào những ảo tưởng của mình: Sự thật chính là sự đối lập của ảo tưởng.

-Chúng ta ai cũng nhận ra khuyết điểm của người khác dễ dàng hơn nhận ra những khuyết điểm của bản thân.

-Chính vì thế, hãy cố gắng quên đi “cái tôi” của mình và thường xuyên hỏi ý kiến của những người tin cậy.

-Từ những ý kiến của họ, bạn có thể rút ra được những bài học quý giá cho mình.

-Những điều bạn cần tự hỏi

-Bạn có thể học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ không?

-Bạn có ý thức được những gì đang thật sự diễn ra xung quanh không và cả những gì đang diễn ra bên trong chính bản thân bạn không?

-Bạn có dám nhìn thẳng vào sự thật hay không?

-Hãy để trái tim bạn trả lời những câu nói này:

-Khi quyết định, bạn có thành thật với bản thân không?

-Bạn có tin vào trực giác của mình không?

-Và liệu bạn có tin là sẽ nhận những kết quả tốt hơn không?

-Tin vào trực giác của bản thân

Vào bữa ăn trưa, chàng trai lại có một cuộc nói chuyện khá thú vị với một thành viên khác trong đoàn, anh Peter Golder.

Tuy còn khá trẻ nhưng Peter lại là một nhà xây dựng chiến lược quảng cáo tài ba. Qua vẻ ngoài chững chạc và trầm tĩnh ai cũng có thể đoán được anh là một người sâu sắc.

Khi nhìn thấy chàng trai đang tiến về phía mình, Peter nở một nụ cười chào đón:

-Chắc cậu cũng như mọi người ở đây, tham gia chuyến đi này để khám phá về những quyết định của bản thân. Cậu đã dùng đến Sơ đồ chưa vậy?

-Rồi, mình đang sử dụng nó. Và mình đã biết qua câu hỏi dàng cho lý trí và phần đầu của câu hỏi dành cho bản thân.

Im lặng một chút, Peter lại hỏi anh:

-Vậy còn câu hỏi “Mình có đang lắng nghe và tin vào những gì trực giác mình đang mách bảo không?” cậu có thấy nó có tác dụng gì không?

Chàng trai liền nghĩ về những quyết định của mình và cảm giác của anh với những quyết định đó. Peter khuyên anh:

-Có thể cậu sẽ hiểu được cảm giác của mình hơn khi biết hỏi bản thân rằng “Mình cảm thấy thế nào về cách mình quyết định vấn đề?”.

Chàng trai chưa từng nghĩ nhiều đến khía cạnh mà Peter vừa đề cập đến. Mình nghĩ gì về cách suy nghĩ và quyết định của mình ư? Và cả về những quyết định mà mình đã thực hiện nữa? Cảm giác như thế nào nhỉ? Chàng trai không khỏi phân vân nên anh hỏi lại Peter:

-Ý cậu là sao? Cảm giác của mình về cách suy nghĩ và quyết định của mình à? Cảm giác như thế nào chứ?

-Lúc phải quyết định một điều gì đó, cậu cảm thấy ra sao? Bình thản? Lo lắng? Tự tin hay không biết phải làm gì? Mệt mỏi hay rất hào hứng?

Trong bất cứ trường hợp nào, khi quyết định làm một việc gì đó mà cậu lại thấy không ổn thì đó chính là dấu hiệu bảo cậu phải đi tìm một hướng giải quyết khác tốt hơn hướng đi hiện tại.

Hãy thử hỏi lại bản thân mình, do đâu mà cậu lại quyết định làm như vậy? Theo ý kiến của người khác hay theo cảm nhận trực giác của cậu? Mà như thế cũng chưa đủ, cậu còn phải tự hỏi rằng liệu có cách giải quyết nào giúp cậu có được sự tĩnh lặng trong tâm hồn hay không?

-Mình không chắc là mình hiểu khái niệm “Trực giác”, chưa kể đến cái khái niệm “tĩnh lặng” kia.

-Thôi, cứ bắt đầu với “cảm nhận trực giác” trước đã. Rồi qua đó cậu sẽ hiểu được cái gọi là “Tĩnh lặng”.

Cảm nhận trực giác của mỗi người chính là những kiến thức nằm sâu trong tiềm thức của họ. Nó được xây dựng dựa vào những kinh nghiệm cá nhân. Chính nó sẽ lên tiếng mách bảo điều này là đúng với cậu, điều nào cậu chấp nhận được, điều nào không. Nó cũng điều khiển cả cách cảm nhận của cậu trước một vấn đề nữa.

-Theo cậu thì thế nào là một cảm nhận trực giác đúng?

-Khi cậu phải đi đến một quyết định cụ thể nào đó, chẳng hạn với quyết định cậu đang có bây giờ, thì cậu cảm thấy như thế nào? Cậu có cảm thấy căng thẳng với quyết định đó không? Hay là hoàn toàn thấy yên tâm? Ý chí của cậu có muốn nỗ lực thực hiện cho bằng được quyết định đó hay là cậu muốn bỏ quách nó qua một bên?

Nói cho ngắn gọn, cậu cảm thấy thế nào khi phải thực hiện quyết định đó? Và cái cảm giác đó nói cho cậu điều gì và kết quả mà cậu có thể đạt được nếu thực hiện quyết định đó.

-Chà, mình sợ rằng trực giác của mình về những khía cạnh đó không tốt cho lắm đâu. Nhất là trong việc dự đoán trước kết quả của sự việc thì mình chào thua.

-Nhiều lúc khả năng của cậu tốt hơn thế nhiều đấy chứ! Chỉ có điều cậu chưa nhận ra đó thôi. Vì thế, cậu nên chú ý đến việc phát triển khả năng cảm nhận qua trực giác của mình. Rất hữu ích đấy. Lúc đầu thì hơi mất thời gian để rèn luyện, nhưng về sau thì cậu sẽ không cảm thấy phí công đâu.

-Nhưng bằng cách nào cơ chứ?

-Cậu có thể bắt đầu bằng việc nhìn lại những quyết định trong quá khứ của mình – Peter đưa ra ý kiến – Cậu có nhớ cảm giác của cậu như thế nào với những quyết định đó không? Rồi sự việc đã như thế nào sau khi cậu thực hiện được những quyết định đó?

-Sau khi đã biết rõ mình quyết định là gì và hiểu rõ cảm giác của mình lúc đó rồi, cậu hãy xem lại mối quan hệ giữa chúng với nhau. Chúng có liên quan và ảnh hưởng đến nhau như thế nào? Chỉ bằng sự phân tích, cậu mới rút ra được bài học cho mình – về việc dùng trực giác để hình dung cũng như dự đoán trước kết quả của sự việc. Giả sử như có lần nào đó cậu cảm thấy là mình đang phải chịu đựng với quyết định của mình thì kết cục của quyết định đó như thế nào? Có tốt không?

-Thường thì chẳng mấy tốt đẹp – Chàng trai vừa trả lời vừa nhớ lại những lần như thế.

-Tôi cũng vậy đấy! Cứ khi nào tôi cảm thấy không an tâm với nhưng quyết định của mình thì y như rằng sự việc sau đó sẽ trở nên tồi tệ.

Thế cho nên điểm mấu chốt của việc sử dụng trực giác vào quá trình quyết định của cậu là phải biết được cảm giác của cậu ra sao với quyết định đó. Nếu như cậu có cảm giác mình sẽ có đi đến cùng với quyết định này thì tự nhiên cậu sẽ cố gắng thực hiện nó. Còn không, khi đã quyết định rồi mà cứ cảm thấy bất an hay bực mình thì … cuối cùng người khổ sở nhất chính là cậu đấy.

Tuy nhiêu, cũng có những lúc cậu chưa biết phải làm gì, và cậu vẫn đang tự hỏi mình nhưng lòng cậu lại thấy hết sức thoải mái thì có nghĩa là cậu đang đi đúng hướng đấy! Và mình tin rằng kết quả của những quyết định như thế sẽ không làm cậu thất vọng.

Lắng nghe những gì Peter nói, chàng trai nhìn lại những quyết định trước đây của mình. Quả thật những điều đó có phần nào đúng với anh.

-Cậu nói không sai. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, làm sao chúng ta tránh được những cảm giác lo lắng bất an trong mỗi lần quyết định?

-Ừ, đó cũng là một vấn đề. Trước đây, mình cũng từng là người rất hay lo lắng về những quyết định của mình, vì không biết chúng sẽ đưa mình đi tới đâu. Còn với những quyết định không được suôn sẻ. Chỉ đến khi mình học được cách phát triển trực giác của mình và tin vào nó.

-Cậu làm thế nào vậy?

-Đầu tiên, phải biết tin vào mình cái đã. Chúng ta phải biết xem những cảm giác của bản thân như là một người thầy và luôn tôn trọng chúng. Vì nhờ chúng mà chúng ta sẽ tiếp được với sự khôn ngoan ẩn chứa bên trong chúng ta. Người ta có nhiều cách đối xử với những cảm giác của mình. Người thì lơ đi, nghiều người thì cố gắng điều chỉnh nó. Còn mình, mình chọn cách lắng nghe và tin vào những cảm giác đó.

-Giống như Einstein cũng đã từng nói: “Trực giác là một phần rất quan trọng trong con người”, phải không?

-Đúng thế! Và trực giác không chỉ là những cảm nhận của cậu về những suy nghĩ và quyết định của cậu không đâu. Nó còn bao gồm cả những cảm nhận của cậu về cách để đi đến quyết định của cậu nữa.

-Nhưng thường thì mình hay cảm thấy lo lắng…Vì những vấn đề mà mình gặp phải rất rắc rối.

-Hay là cậu tự dựng lên rắc rối. Cũng có thể là cậu đã quá tự đề cao mình. Một lòng tự trọng đúng mức sẽ giúp chúng ta trở nên tự tin vào bản thân. Nhưng khi lòng tự trọng quá lớn nó sẽ bị coi là tự cao đấy! Rồi chính vì thế mà ta có khuynh hướng quá cẩn trọng và luôn đặt bản thân mình vào vị trí trọng tâm trong mỗi lần quyết định. Thậm chí trái đất của chúng ta cũng không phải là trọng tâm trong dãy ngân hà kia mà! Và quyết định của cậu cũng vậy, nó không chỉ tập trung vào mỗi mình cậu.

Vậy đấy, một khi chúng ta nhìn vấn đề theo chủ ý cá nhân và chỉ để ý đến cái tôi của mình thì chúng ta đang làm cho vấn đề trở nên rắc rối. Bản thân vấn đề có thể là rất phức tạp, nhưng người làm cho nó trở nên rắc rối lại là chính chúng ta.

-Có gì khác nhau ở đây? Thế nào là rắc rối, phức tạp?

-Một vấn đề phức tạp là một vấn đề có nhiều khía cạnh cần phải được quan tân đến. Thậm chí những khía cạnh đó có thể chồng chéo lên nhau. Nhưng còn rắc rối, đó là tình trạng mà cậu không thể phân biệt được các khía cạnh khác nhau của cùng một vấn đề.

Cho nên, nếu cậu cứ nhìn vào vấn đề của mình và kêu lên là nó rắc rối quá thì cậu rất dễ dàng bị mất phương hướng. Cách tốt nhấu là cậu hãy đánh giá đó chỉ là một vấn đề phức tạp mà thôi, vì thế cậu sẽ có kiên nhẫn và bình tĩnh ngồi lại để phân tích các khía cạnh của vấn đề đó. Cậu sẽ dần tìm ra được một vài hướng giải quyết cho từng khía cạnh, cũng khá đơn giản thôi, vì sự việc đã được chia nhỏ ra rồi. Kết hợp các giải pháp lại với nhau sẽ có được một giải phát đúng cho sự việc phức tạp của mình.

Ngưng một chút, Peter tiếp tục:

-Thử đi sâu vào cảm giác lo lắng và sự sợ hãi của chúng ta xem sao. Nó cũng là một kiểu cảm giác rắc rối đấy, Cậu cứ thử chia cảm giác đó ra thành nhiều phần khác nhau, dĩ nhiên là chỉ tương đối thôi, ví dụ như…cậu thử nêu ra vài điều làm cậu sợ xem?

-À, mình rất sợ đi máy bay.

-Ừ, bây giờ thử chia nó ra xem sao nhé. Cậu sợ đi máy bay hay cậu sợ máy bay gặp tai nạn?

Chàng trai bật cười:

-Ha ha, chắc là sợ máy bay đâm sầm vào núi khi đay bay chẳng hạn.

-Dĩ nhiên rồi! Và nỗi sợ hãi đó, có phải là do chúng ta quá lo lắng cho chuyện sẽ xảy ra trong tương lai không? Chúng ta không sợ phải đứng trên những vách đá chông chênh mà thật ra chúng lo mình sẽ bị trượt chân té và rơi xuống vách núi.

Ví dụ này làm cả hai chàng trai đều bật cười. Peter nói:

-Lúc mà chúng ta có can đảm nhìn thẳng vào nỗi sợ của mình rồi tự cười mình, chính là lúc chúng đang trở nên mạnh mẽ.

Bây giờ, cậu hãy nhìn lại những quyết định xuất phát từ nỗi sợ hay lo lắng của mình xem sao? Cả những quyết định xuất phát từ sự bất an, giận dữ… Có phải là tất cả chúng đều xuất phát từ nỗi sợ của chúng ta hay không?

Để cho bạn của mình có thời gian suy nghĩ, Peter im lặng và đưa mắt ngắm nhìn phong cảnh xung quanh. Chàng trai một lần nữa lại suy nghĩ về những quyết định của mình. đã có không ít lần anh có những quyết định đựa trên nỗi sợ.

Giọng Peter lại vang lên:

-Vậy những quyết định do sợ hãi của cậu đã dẫn cậu đi đến đâu?

Chàng trai lắc đầu thất vọng, ý bảo rằng những quyết định đó chẳng dẫn anh đi tới đâu cả.

-Cậu không phải là người duy nhất gặp phải vấn đề này đâu. Nhìn đâu đó ở nơi làm việc hoặc xung quanh cuộc sống của cậu thử xem, mình tin là cậu cũng sẽ thấy được là có những người cũng đang vò đầu khổ sở vì những quyết định dựa trên sự sợ hãi của mình. Và hầu như sau đó, ai cũng phải hối hận cả.

-Ừ! Cũng như anh bạn thân nhất của mình – chàng trai nói – cậu ấy cưới vợ nhưng lại không dám chắc là mình có yêu vợ hay không. Lý do bạn mình lấy vợ chỉ là vì cậu ấy sợ nếu không làm thế thì sẽ mất cô bạn gái, rồi có thể là cậu ấy sẽ không gặp được ai khác tốt hơn cô bạn này nữa.

-Kết quả của cuộc hôn nhân đó như thế nào?

-Cuối cùng thì hai người phải chia tay nhau.

-Nghe buồn quá nhỉ! Nhưng đó là những kết quả có thể đoán trước được, xuất phát từ những quyết định sai lầm của chúng ta. Dĩ nhiên là chúng ta không thể nào loại bỏ được nỗi sợ rồi, thế nhưng có một hướng giải quyết tốt hơn, đó là đừng bao giờ hành động dựa trên nỗi lo lắng và sợ hãi.

Chúng ta có thể hạn chế được những sai lầm của mình khi biết dừng lại và tự hỏi “Mình sẽ phản ứng như thế nào nếu như không có nỗi sợ này?” và hãy hành động theo đúng như thế. Trong chuyện của bạn cậu, sẽ như thế nào nếu cậu ta không hành động dựa trên nỗi sợ là sẽ không tìm được người nào tốt như cô bạn của cậu ta để cưới?

-Chắc là cậu ấy cũng phải chia tay với cô bạn gái và tìm được người khác hợp với mình hơn. Nhìn vào kết quả của cuộc hôn nhân vội vàng này, mình nghĩ rằng giá mà cậu ấy cứ hành động như không có gì phải sợ cả thì cậu ấy sẽ sáng suốt hơn trong việc quyết định. Vấn đề là cậu ấy đã không nghĩ đế việc bỏ qua nỗi sợ của mình và hành động khác đi.

-Cậu ta không nghĩ đến đâu – Peter tán thành. Chàng trai trẻ tự hỏi mình: “Mình đang có vài quyết định xuất phát từ nỗi sợ. Phải thay đổi thôi. Mình sẽ làm như thế nào nhỉ, nếu như không có những nỗi sợ đó?”. Những câu trả lời dần hiện rõ trong anh. Anh đã có được những quyết định rõ ràng và tốt thơn các quyết định cũ.

Peter lại đưa ra một đề nghị với anh:

-Bây giờ cậu thử nghĩ đến những quyết định mà cậu cho là đúng đắn của mình trước kia xem?

Chàng trai nghĩ về những quyết định đã giúp mình thành công trong quá khứ. Anh không giấu được sự hài lòng khi nghĩ đến chúng.

-Cậu có cảm thấy bất an hay hối hận gì không?

-Không. Lúc đó cũng như bây giờ mình cũng không cảm thấy hối hận gì cả.

-Vậy rõ ràng là cảm giác của chúng ta lúc đó có ảnh hưởng đến những kết quả sau này, đúng không?

-Ừ, mình bắt đầu nhận ra điều đó rồi.

Nói đến đây, anh liền lấy quyển sổ của mình ra và ghi vào đó:

 Hãy tin vào trực giác của bạn

Nó có thể mách bảo cho bạn được rất ngay cả cách thức để bạn đạt được điều bạn muốn.

Cậu có thể nói cho mình biết thêm về trực giác được không?

-Trực giác, có nghĩa là được chỉ dẫn. Từ gốc La-tinh của nó có nghĩa là “bảo vệ”.

-Vậy là trực giác của chúng ta bảo vệ chúng ta bằng cách hướng dẫn cho chúng ta, dựa vào những kinh nghiệm trong quá khứ của chính chúng ta? Ý nghĩa thật đấy! Vậy còn về “Sự tĩnh lặng”?

Peter nhặt lấy một hòn đá dưới chân rồi đứng dậy lấy đá ném nó ra xa, vượt qua cả mấy bờ đá liền. Anh hỏi chàng trai:

-Khi quyết định, cậu dựa vào bản thân hay dựa vào một lời chỉ bảo thông thái nào đó?

-Thử đoán xem? – chàng trai trẻ nháy mắt đùa. Cả hai đều bật cười vì họ đã biết quá rõ câu trả lời.

-Thật ra thì có một cách giúp chúng ta ra quyết định hiệu quả hơn là chỉ biết dựa vào bản thân đấy. Và cứ theo cách nào thì chúng ta không còn phải đối mặt với những mâu thuẫn. Chúng ta sẽ cảm thấy rất an tâm, và nhờ thế, các quyết định của chúng ta trở nên có hiệu quả hơn.

Khái niệm về sự tĩnh lặng chính là sự tự điều chỉnh bản thân của mỗi người – dựa vào Sơ đồ. Rất ít khi con người tìm đến sự tĩnh lặng trong tâm hồn – nếu có thì chỉ là khi họ dối diện với những quyết định thật quan trọng.

Tĩnh lặng là một kiểu trực giác khác so với trực giác thông thường. Và có thể nó chỉ có ý nghĩa riêng với bản thân mỗi người thôi. Mình thường tìm được câu trả lời cho vấn đề của mình khi mình bắt đầu im lặng và chờ đợi tiếng nói từ Người-Thầy-khôn-ngoan-bên-trong-mình. Và mình biết chắc là mình luôn có thể tin vào Người thầy đó – một “Người” mà mình biết có một trí tuệ vượt ra ngoài những hiểu biết và kinh nghiệm của bản thân mình.

Chàng trai trẻ thích thú với khái niệm mới mẻ này, anh liền hỏi:

-Chà vậy làm cách nào mà một người có thể nhận diện được người thầy đó nhỉ?

-Tuỳ! Mỗi người sẽ có một cách riêng. Cách của mình có khi không hợp với cậu. Và mình tin là không sớm thì muộn, cậu cũng sẽ có được một cách cho mình.

Nếu như nhận thức có nghĩa là sự chỉ dẫn, tức là những gì chúng ta học được từ chính bản thân mình – qua kinh nghiệm và kiến thức – thì sự tĩnh lặng sẽ hướng chúng ta tới những cái khác, vượt xa và nằm ngoài bản thân chúng ta.

Cách của mình là đặt câu hỏi với người Người- thầy-khôn-ngoan-trong-mình rồi sau đó im lặng và thật tĩnh tâm, để có thể nghe và cảm nhận được điều gì đang đến với mình, bên trong mình. Chuyện này cũng giống như việc một người đang cầu nguyện hay thiền vậy – Chàng trai tự nhủ – Cũng có nhiều người không làm vậy mà họ lại tìm đến thiên nhiên và hoà mình vào chúng, để cho tâm hồn trở nên tĩnh lặng.

– Cách mà cậu suy nghĩ và tìm ra hướng đi cho mình có một ảnh hưởng rất lớn đến quyến định của cậu. Những lần phải quyết định một điều gì đó, mình cũng hay tự hỏi rằng: “Mình đang quyết định dựa trên nỗi sợ hãi hay sự trầm tĩnh?”.  Nghĩ đến sự trầm tĩnh, mình lại nghĩ đến ý nghĩa sâu xa của nó, xuất phát từ gốc Hy Lạp, nghĩa là sức mạnh từ bên trong.

-Cũng giống như câu “Tất cả nỗi sợ đều xuất phát từ sự từ bỏ sức mạnh bên trong”, phải không?

– Hay lắm! đúng như vậy đấy! Có rất nhiều người hay thắc mắc, rằng làm sao tôi luôn có thể giữ được sự trầm tĩnh, nhất là khi phải làm việc trong một môi trường khá căng thẳng và nhiều áp lực như vậy. đó là bởi vì mỗi lần quyết định điều gì đó, tôi luôn biết lắng nghe trực giác của mình và làm theo những gì mà nó chỉ bảo. Trong những vấn đề quan trọng cũng thế. Tôi làm theo “Người thầy” của mình.

Vậy, cuối cùng cậu định sẽ làm gì? Cậu có định sử dụng trực giác và “Người thầy khôn ngoan của mình” trong mỗi lần quyết định không?

Nhưng mà thôi, cậu cứ làm theo cách của mình. Tuỳ vào cậu hết mà.

Peter xoay câu chuyện sang hướng khác:

-Thế cậu đã quen với cái gọi là Tác động kép có trong con người của cậu chưa? Và cả cách mà chúng giúp cho cậu làm rõ vấn đề nữa?

-Thật ra thì chưa đâu. Mình cũng chưa hiểu là nó hoạt động như thế nào nữa mà.

Peter vui vẻ giải thích:

-Chúng ta suy nghĩ bằng cái đầu nhưng lại cảm giác bằng cơ thể. Trong đầu chúng ta có thể đang chứa đựng rất nhiều ý nghĩa mâu thuẫn, lẫn lộn. Nhưng cơ thể cậu chỉ có thể cảm nhận được, hoặc là ổn, hoặc là không ổn mà thôi. Thế cho nên mỗi khi cậu đang có rất nhiều ý nghĩ trái ngược nhau, và dù cậu có cố gắng dùng lý trí và dùng cả câu hỏi để làm sáng tỏ vấn đề, nhưng cậu vẫn chưa quyết định được gì – cậu vẫn phải nói “Có lẽ là …” – thì cách tốt nhất lúc ấy là dùng đến cảm giác – bên cạnh những suy nghĩ.

Peter không nói gì thêm nữa. Hai người chìm trong im lặng. Chàng trai cố gắng xác định lại những cảm giác đã có về cách ra quyết định của mình.

Một hồi sau, anh đứng dậy chào Peter. Anh không quên cảm ơn người bạn của mình, vì Peter đã chia sẻ vói anh những kinh nghiệm quý báu. Anh cũng không vội quay về chỗ những người khác đang rôm rả dùng bữa mà thả bộ một mình theo con đường mòn nhỏ, nối tiếp suy nghĩ kia. Rồi anh đưa mắt nhìn ra phía bờ thung lũng bên kia. Hình như ở đó cây cối có vẻ rậm rạp hơn. Anh cố gắng phóng xa tầm mắt của mình hơn nữa để nhìn rõ phong cảnh ở phía đó. Những loại cây ở đó, trông rất lạ và rất đẹp. Màu xanh sậm của cây cối khiến anh trầm tĩnh lại. Anh hít một hơi thật đầy khí trời và quyết định tạm gác những câu hỏi của mình qua một bên, để có thể hoàn toàn hoà mình vào thiên nhiên và cảm nhận vẻ đẹp của nó.

Sau bữa ăn trưa, anh lại đồng hành cùng Peter tiếp tục cuộc khám phá thiên nhiên và khám phá những quyết định của mình. Họ đã đi một chặng khá dài trong im lặng… đến xế trưa thì chàng trai tách ra đi một mình. Anh mỉm cười khi nhớ lại cái vẫy tay chào tạm biệt và câu chúc của Peter. Cậu ta quả là người sâu sắc.

Đi thêm một đoạn nữa thì anh thấy thấm mệt. Tìm một thân cây đổ, anh leo lên đó nghỉ chân. Dĩ nhiên là anh cũng không quên lặp lại một thói quen của mình, trong mỗi chặng nghỉ ngơi, là ghi lại những điều mình học được:

Trực giác có thể giúp bạn đưa ra nhữngquyết định đúng đắn. Chính trực giác sẽ mách bảo cho bạn biết là bạn đúng hay sai trong quyết định của mình. Đừng bao giờ quyết định một việc gì khi chính bản thân bạn còn băn khoăn hay lo sợ, bởi những quyết định như vậy thường không mang lại kết quả tốt cho bạn.

Trực giác không phải là tiếng nói bên trong duy nhất giúp bạn ra quyết định. Để sáng suốt và tự tin hơn hãy lắng nghi tiếng nói từ sự tĩnh lặng của tâm hồn bạn. Điều bạn cần tự hỏi khi quyết định:

 Bạn đang cảm thấy thế nào? Căng thẳng hay thanh thản? Bối rối hay sáng suốt? Mệt mỏi hay sôi nổi? Định kiến hay khiêm tốn, sẵn sàng học hỏi?

 Bạn cảm thấy tâm trạnh mình có ổn không với quyết định này? Cảm giác như thế nào? Có giống với cảm giác mà bạn có được khi ngắm nhìn một đồ vật mà bạn yêu thích, khi được ở bên người bạn thân, hay giống với tâm trạng bình yên của bạn mỗi khi đi dạo một mình?

 Và nếu bạn cảm thấy lo lắng hoài nghi, nghĩa là quyết định đó chưa phải là tốt nhất của bạn. Bạn cần phải tìm một quyết định khác tốt hơn.

—–???—–

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. QUAN TÂM BẢN THÂN VÀ NGƯỜI KHÁC
  2. VÌ MỘT CUỘC SỐNG TỐT ĐẸP HƠN – PHÚT NHÌN LẠI CHÍNH MÌNH

Bài viết mới

  1. CHINH PHỤC MỤC TIÊU
  2. CHÁNH NIỆM
  3. BỚT SỢ HÃI