THẮP LÊN NGỌN LỬA HY VỌNG CHO NGƯỜI KHÁC CŨNG CHÍNH LÀ SOI SÁNG CON ĐƯỜNG PHÍA TRƯỚC CỦA MÌNH

TAKETOSHI OZAWA

Trích: Tôi chọn hôm nay tôi chọn hạnh phúc; TAKETOSHI OZAWA/ Lê Minh và Thảo My Dịch; NXB. Thế giới - 2017

lắng nghe- chia sẻ

Thật lòng lắng nghe câu chuyện của người khác nghe có vẻ đơn giản nhưng cũng có lúc lại vô cùng khó khăn.

Mặc dù ban đầu, tôi chỉ muốn lắng nghe câu chuyện của họ, nhưng rồi lại cứ thao thao bất tuyệt và nhận ra là mình đã lỡ nói ra những lời khuyên và trải nghiệm của bản thân mình mất rồi. Bản thân tôi tự mường tượng ra những điều mà bệnh nhân không hề nói, như thể mình thấu hiểu đối phương hoàn toàn. Tôi đã làm điều đó mà không hề hay biết.

Đặc biệt, ngay khi nghĩ rằng ta đã hiểu được người khác ít nhiều rồi, thì con người có xu hướng không còn muốn nghe câu chuyện của người đó nữa. Trong khi đang nghe người thân, bạn bè… chia sẻ, dù họ vẫn đang nói dở câu chuyện, có ai đó đã lỡ dừng câu chuyện lại bằng cách nói “Không cần nghe nữa nhưng mình vẫn hiểu” chưa?

Ngay cả trong ngành y tế, có những bác sĩ chỉ dựa vào thư giới thiệu để nắm bắt tình trạng của bệnh nhân, không hỏi chuyện xem họ đang chống chọi với bệnh tật như thế nào mà vẫn tiếp tục thăm khám. Bằng cách lắng nghe, cùng nếm trải nỗi đau của người bệnh, ta có thể làm nguôi ngoai đi nỗi đau của họ. Vậy mà thật đáng tiếc, khá nhiều y bác sĩ không hề để tâm tới điều đó.

Khi lắng nghe tâm sự ta cần phải thừa nhận rằng “Họ và ta là hai người khác nhau”, ta cần phải vứt bỏ những định kiến và những điều trước kia ta cho rằng như vậy.

Nhân tiện, mỗi dịp được nghe tâm sự của bệnh nhân, tôi đều để ý tới nhịp điệu của câu chuyện. Tôi luôn chú ý đáp lại bằng những lời đồng tình một cách phù hợp, thi thoảng lại thăm dò biểu hiện của họ. Cho dù thế nào đi nữa, tôi muốn bệnh nhân an tâm nói ra câu chuyện của mình.

Thêm vào đó, nếu chẳng may bệnh nhân thấy được bộ dạng có vẻ bận bịu, tôi sẽ cố lấy lại dáng vẻ bình tĩnh và chú ý đến họ. Đối với những người đang đau khổ, không phải với ai họ cũng giãi bày nỗi khổ tâm trong long. Họ sẽ lựa người có thể hiểu cho những nỗi đau của mình, hay nói cách khác, một người trông có vẻ đang rảnh. Chính vì vậy, nếu có ai đó đang mang trong mình nỗi đau buồn, hãy cố gắng tạo một bầu không khí để họ nghĩ rằng mình là người mà họ có thể chia sẻ. “Người này trông có vẻ rảnh rỗi nhỉ, hay ta thử bắt chuyện với họ xem sao”.

Ngoài ra, khi thật lòng lắng nghe câu chuyện của người khác, nếu có thể nắm bắt được điều mà họ muốn truyền tải, thì mình hãy đáp lại. Nếu như mình nói đúng vào một nội dung mà họ muốn thể hiện, họ sẽ gật đầu đồng tình.

Giả dụ, nếu ai đó kể với tôi rằng: “Trước đây, tôi từng mắc sai lầm trong công việc”, tôi sẽ đáp lại: ”À thì ra anh từng mắc sai sót trong công việc”. Không khẳng định hay cũng không phủ định, không nói những điều như: “Chán thật đấy”, không hỏi thăm kiểu “Sai sót như thế nào ạ?”, cũng không cần khuyến khích họ “Chỉ cần làm tốt những việc khác là được mà”. Bạn chỉ cần thật lòng đáp lại từng câu chữ của đối phương, chỉ vậy mà thôi. Ngay lập tức, người đó sẽ kể chi tiết hơn câu chuyện của mình: “Tôi mà gọi một cuộc điện thoại xác nhận thì mọi thứ đã khác”. Lúc ấy hãy cũng thừa nhận cảm xúc của họ: “Vậy à, anh nghĩ rằng mình đã sai khi đã không xác nhận lại phải không?”

Chẳng mấy chốc, họ sẽ bắt nhịp được với cuộc trò chuyện và chia sẻ với chúng ta nhiều hơn. Đó chính là dấu hiệu họ thừa nhận ta là người cảm thông. Khi một người đang buồn, những lời hay ý đẹp hay lời khuyên răng sẽ không giúp được gì nhiều. Họ cần một người hiểu cho nỗi đau của mình, để có thể cảm thấy bình tâm lại. Thật lòng lắng nghe tâm sự của người khác, rồi đáp lại, cùng họ nếm trải nỗi đau, điều đó đáng quý hơn tất thảy mọi thứ.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. SỰ ĐỒNG CẢM
  2. LẮNG NGHE YÊU THƯƠNG
  3. HÃY LẮNG NGHE BẰNG MẮT

Bài viết khác của tác giả

  1. ĐIỀU QUAN TRỌNG THỰC SỰ Ở NGAY CẠNH BẠN MÀ THÔI

Bài viết mới

  1. SỬ DỤNG HIỆU QUẢ SIÊU NĂNG LỰC QUYỀN LỰC & TÁC ĐỘNG
  2. CÂU TRẢ LỜI ĐÃ CÓ SẮN TRONG CÂU HỎI – PHẬT GIÁO TRONG THẾ GIỚI TÂN TIẾN NGÀY NAY
  3. THẦY VÀ ĐỆ TỬ