SHAMAR RINPOCHE
Trích “Nhận diện bản tâm”
Tác giả: Shamar Rinpoche
Ban dịch thuật: TTT, 2021
Ảnh: nguồn internet
Đối với những người có khả năng nhắm thẳng đến giác ngộ hoàn toàn, đức Phật dạy sự thật toàn vẹn và thế giới của tâm thức và vật chất.
Ngài giảng giải rằng chính sự không thấu suốt của tâm về bản tánh chân thật của nó làm sinh khởi các thế giới đa thù và những chúng sanh dị biệt trú ngụ trong đó. Vì vô minh như vậy, tâm thức nhận thức một thế giới bên ngoài cách biệt với chính nó, trong khi thế giới thật sự là sự phóng ảnh của chính tâm thức. Thế giới do vậy không phải là cái gì hiện hữu như bộ phận của cái tạo ra nó; cũng không phải ngoài cái tạo ra nó; không phải do một sự kết hợp của hai yếu tố trên; cũng không phải hoàn toàn không có nguyên nhân.
Nếu nó là bộ phận của cái tạo ra nó, nó phải đã hiện hữu và không cần phải làm cho nó hiện hữu một lần thứ hai nữa. Nếu nó là ở ngoài cái tạo ra nó, nó đã phải hiện hữu để nói được rằng là ‘ở ngoài’ một cái sáng tạo vốn đã hiện hữu: làm sao có thể có một ‘anh’ nếu không trước hết có một ‘tôi’? Nói rằng thế giới tạo thành qua một sự kết hợp của cả hai yếu tố này là tạo ra cả hai sai lầm đã nói trên. Còn nếu không nguyên nhân, chúng ta đã nhận định rõ ràng rằng không cần phải bàn đến, bởi vì chúng ta có thể thấy bằng mắt tác động của cha mẹ làm nguyên nhân cho con được sinh ra, lúa mì phát triển từ hạt giống là nguyên nhân như thế nào…
Thế thì thế giới là gì? Đức Phật dạy rằng nó được tạo thành từ những tương quan duyên khởi. Một vật đặt căn cứ trên vật khác, cái này lại là tùy thuộc vào một cái khác nữa. Không có cái gì có thể nói được rằng thực sự hiện hữu, bởi vì cái gì hiện hữu phải là một hiện tượng tự đầy đủ và độc lập. Thế thì không có vấn đề tìm kiếm nguyên nhân của thế giới, vì nó không có hiện hữu với tự nó. Chúng ta hãy lấy ví dụ một ngôi nhà: không có ‘cái nhà’ độc lập với tường, trần, mái… ; ngay cả những cái này cũng không hiện hữu độc lập với những phần kết hợp tạo thành chúng. Ngay cả một phần tử nhỏ nhất có thể có cũng không hiện hữu độc lập với các phần khác, và điều này cũng thế đối với nguyên tử vật chất hay nguyên tử tâm thức. Không có thân thể nào hiện hữu độc lập với các bộ phận của nó, không có tâm thức nào hiện hữu độc lập với các khoảnh khắc niệm tưởng của nó. Nói một cách tương đối, cái nhà, bức tường, nguyên tử, tâm thức, có một ít thực tạo nào đó, nhưng một khảo sát cặn kẽ rốt ráo phát hiện rằng không cái nào là độc lập với các bộ phận của nó, chúng là trống không, tự chúng không có thực tại chân thực nào.
Bởi thế, chúng ta có hai loại thực tại: sự thật tương đối là cái xuất hiện ở đấy, và sự thật tuyệt đối là cái thực sự hiện hữu ở đó. Hai sự thực hay hai thực tại ấy không phải là một và như nhau, nếu không thì khi thấy một cái bèn tự động thấy cái kia, nhưng không phải vậy vì chúng ta vẫn không biết về thực tại tối hậu khi biết về thực tại tương đối của một đối tượng. Cả hai cái cũng không hoàn toàn khác nhau và biệt lập, chúng không thể cách biệt nhau, đơn giản vì thực tại tuyệt đối của một đối tượng chính là bản tánh chân thật của thực tại tương đối của nó. Không xác đáng để nói rằng thực tại tương đối là sai, bởi vì sự xuất hiện của nó là hoàn toàn đích thật, như một sự phản chiếu trong tấm gương hay một ảo ảnh do một nhà ảo thuật làm xuất hiện là thật sự ở đó. Tuy nhiên, trong nghĩa nó không có tự tánh thật sự – nó ‘trống không’ ý nghĩa, đứng từ quan điểm của thực tại tối hậu – cũng sẽ là sai lầm khi nói rằng thực tại tương đối là thật.
Sự thấu hiểu thế giới sanh khởi từ tâm như thế nào có thể đến từ hai phía. Người ta có thể có một hiểu biết trực tiếp đạt được từ thiền định và các thực hành khác chúng có hiệu quả giảm trừ vô minh đủ để cho phép tâm thức trở nên thấu hiểu bản tính và hoạt động của nó. Đây không phải là một cái gì được ban cho bởi một Lạt ma, mà hoàn toàn tùy thuộc vào những nỗ lực của đệ tử. Phía kia, loại hiểu biết thấp hơn – tuy nhiên là cái chính yếu đối với những ai mà vô minh của họ còn che phủ sự hiểu biết trực tiếp – thì khởi từ diễn dịch luận lý và suy luận vững chắc. Qua việc nghe các giảng giải và biện luận và rồi tư duy cẩn thận chúng, người ta có thể suy ra rằng thế giới là từ tâm sanh. Loại tiến trình này giống như nhìn vào khuôn mặt mình trong một tấm gương và có thể nói nó xấu hay đẹp. Chúng ta không thực sự nhìn vào khuôn mặt thật, chỉ nhìn vào phản chiếu của nó, nhưng chúng ta vẫn có thể đi đến một kết luận. Lấy một ví dụ khác, chúng ta có thể suy diễn sự hiện diện của lửa qua ánh sáng lập lòe hay qua khói, dầu không thấy ngọn lửa thật. Loại hiểu biết gián tiếp này đủ để tiến bộ, vì nó cung cấp một nền tảng cho thiền định mà sau đó sẽ dẫn đến sự hiểu biết trực tiếp vững chắc hơn.