THEO ĐUỔI KHẢ NĂNG VÔ HẠN CỦA CON NGƯỜI

INAMORI KAZUO

Trích: Nghĩ Thiện Để Cuộc Đời và Công Việc Viên Mãn; Việt dịch: Nguyễn Đỗ An Nhiên; NXB. Trẻ, 2019

Tôi sinh năm 1932, tại thành phố Kagoshima, là con trai thứ trong một gia đình có 7 anh chị em. Tuy là một gia đình làm nghề in ấn, tương đối khá giả nhưng vào năm 1944, khi Thế chiến thứ II đang diễn ra, số phận tôi thay đổi hoàn toàn. Năm ấy, tôi thi vào một trường trung học cơ sở thuộc hàng khó ở địa phương nhưng rớt, năm sau đó thì mắc bệnh lao, như đứng bên bờ vực của cái chết. Chưa kể, nhà chúng tôi bị bom Mỹ thiêu rụi hoàn toàn.

Sau chiến tranh, tuy đói nghèo cùng cực nhưng nhờ sự động viên hết lòng của giáo viên chủ nhiệm và sự hỗ trợ của gia đình, tôi cũng vào được trường trung học phổ thông, thậm chí còn may mắn có cơ hội thi vào đại học. Nhưng tôi không đậu vào trường Y như mong muốn nên đành vào học khoa Kỹ thuật của một trường đại học mới thành lập ở địa phương.

Ở trường đại học, tôi đã cố gắng chăm chỉ học tập nhưng không may là năm tôi tốt nghiệp, 1955, nước Nhật bước vào giai đoạn khó tìm việc làm sau khi kết thúc chiến tranh Triều Tiên, nên một người tốt nghiệp trường đại học mới ở địa phương, lại không có mối quan hệ cá nhân nào như tôi không tìm được nơi nào chịu tiếp nhận mình.

Thầy giáo đáng kính đã giới thiệu tôi đến một công ty ở Kyoto sản xuất chất cách điện dùng cho đường dây điện, nhờ vậy tôi mới được tuyển dụng. Lĩnh vực này khác hoàn toàn với chuyên ngành hóa học hữu cơ thời đại học và thật lòng mà nói, không phải là nguyện vọng thật sự của tôi.

Lúc ấy, tốt nghiệp đại học với thành tích xuất sắc nên tôi có phần ngỗ ngược. Ngoài ra, khi vào làm rồi mới biết đây là một công ty thua lỗ, thường xuyên chậm trả lương cho nhân viên, không chỉ nhà xưởng, mà cả ký túc xá của công ty cũng xuống cấp, nói chung môi trường làm việc rất tồi tệ. Cũng vì vậy mà ngay từ khi bước chân vào công ty, tôi đã cảm thấy bất mãn với mọi chuyện.

Sau đó, các đồng nghiệp vào công ty cùng lúc với tôi đều lần lượt nghỉ việc, tôi cũng lên kế hoạch gia nhập đội tự vệ (1) nhưng bị gia đình phản đối, đành ở lại. Cuối cùng chỉ còn mình tôi ở lại công ty thua lỗ đó.

Đứa em gái nhỏ hơn tôi 2 tuổi trở thành người trợ giúp tôi lúc ấy. Không đành lòng nhìn tôi tự lo bữa ăn trong ký túc xá tồi tàn, em đã từ bỏ công việc tại cửa hàng bách hóa ở Kagoshima, lặn lội lên tận Kyoto để “giúp anh”. Gần ký túc xá tôi ở có xưởng bánh kẹo Meiji làm kẹo sữa. Em đã xin vào làm công việc đóng gói ở đó Và ở ký túc xá chăm sóc tôi.

Khoảng một năm rưỡi, em làm cơm sáng và cơm tối cho tôi. Nhờ vậy, tôi có thể thức đến khuya để nghiên cứu. Hai anh em chúng tôi nương tựa vào nhau. Mỗi lần nghe bài enka(2) Jinsei no namiki michi (Con đường rợp bóng cây của cuộc đời)(3) bắt đầu bằng những ca từ “Đừng khóc, em tôi ơi! Em tôi ơi, đừng khóc! Nếu khóc thì việc hai đứa trẻ thơ dại rời bỏ quê hương còn gì ý nghĩa”, tôi luôn nhớ lại quãng thời gian này của hai anh em.

Trong hoàn cảnh đó, tôi quyết định thay đổi tâm trạng mình 180°. “Có ngồi thở vắn than dài cũng chẳng ích gì. Thay vì tuôn lời bất bình bất mãn, ta chuyên tâm nghiên cứu gốm có sẵn đây thôi” – tôi quyết tâm.

Cũng phải mất nửa năm cho đến khi tôi chuẩn bị được tâm trạng tốt nhất, nhưng trong khoảnh khắc đưa ra quyết định, tôi cảm thấy mọi bất mãn và đắn đo trong lòng lâu nay vụt tan biến. Kể từ lúc ấy, tôi đem cả nồi niêu xoong chảo vào tận phòng nghiên cứu để có thể ăn, ngủ tại đó, vùi đầu làm thí nghiệm hoặc tìm đọc các luận văn nghiên cứu mới nhất trong thư viện. Tôi chú tâm nghiên cứu quy trình, kỹ thuật phát triển gốm mới, từ khâu thiết kế cho đến sản xuất.

Quả thật, trong khoảng thời gian than vãn, chê bai này nọ, tôi làm gì cũng chẳng suôn sẻ, nhưng khi vùi đầu vào nghiên cứu, tôi bắt đầu có được những kết quả nghiên cứu tuyệt vời. Thế rồi, tôi được cấp trên khen ngợi, lãnh đạo công ty cũng bắt chuyện với một nhân viên trẻ như tôi, công việc trở nên thú vị hơn.

Được động viên, tôi tiếp tục nỗ lực, lại được đánh giá cao, cứ như vậy, kể từ lúc này, vòng tuần hoàn tốt đẹp của cuộc đời tôi bắt đầu.

Khoảng một năm rưỡi sau khi bắt đầu nghiên cứu, tôi thành công trong việc nghiên cứu công nghệ vật liệu cách nhiệt tần số cao gọi là forsterite (vật liệu chịu lửa). Trong môi trường nghiên cứu nghèo nàn nhưng đây là nghiên cứu thứ 2 trên thế giới thành công sau GE (công ty General Electric của Mỹ).

Các hãng sản xuất điện máy lớn của Nhật đã đồng ý sử dụng sản phẩm vật liệu gốm kỹ thuật mới đó làm linh kiện tivi vốn đang phát triển nhanh chóng thời bấy giờ. Thành công này không đơn thuần là quả ngọt sau bao ngày nghiên cứu vất vả của tôi mà còn là những đơn hàng giúp công ty đang thua lỗ cải tử hoàn sinh. Tôi được công ty kỳ vọng, cất nhắc làm người đứng đầu xưởng dù tuổi còn trẻ.

Thế nhưng, sau đó vì bất đồng với trưởng phòng kỹ thuật mới nhậm chức, tôi nghỉ việc ở công ty. Ở tuổi 27, với nền tảng kỹ thuật của chính mình, tôi cùng những người ủng hộ mình quyết định thành lập hãng sản xuất linh kiện gốm kỹ thuật Kyocera.

Cứ mỗi lần nghĩ về đời mình như thế này, tôi nhận ra chính nhờ không gục ngã trước khó khăn, hướng về phía trước, làm việc hết mình mà mới có tôi ngày hôm nay. Tôi cảm nhận sâu sắc tầm quan trọng của việc lao động hết mình.

Dù có bị dồn đến bước đường cùng, nhưng nếu dũng cảm đối mặt bằng thái độ chân thành thì con người có thể phát huy sức mạnh mà bình thường không thể nghĩ đến, và ở đầu bên kia của những nỗ lực ấy, một tương lai rạng ngời chính bạn cũng không thể tưởng tượng được đang rộng mở.

Chú thích

  1. Tức lực lượng thuộc Cục phòng vệ Nhật Bản, năm 2007 Cục Phòng vệ được nâng cấp lên thành Bộ Quốc phòng Nhật Bản (BTV).
  2. Thể loại nhạc trữ tình truyền thống của Nhật.
  3. Lời: Sato Sonosuke; Nhạc: Koga Masao.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. ĐÁNH THỨC NHỮNG NĂNG LỰC VÔ BIÊN
  2. KHẢ NĂNG VÔ HẠN CỦA TÂM THỨC
  3. NĂNG LƯỢNG VÔ HẠN

Bài viết khác của tác giả

  1. PHẢI THÀNH THẬT: THEO ĐUỔI NHỮNG GÌ ĐÚNG ĐẮN MỘT CÁCH ĐÚNG ĐẮN
  2. QUY LUẬT CUỘC ĐỜI – CHỈ CÓ TRONG ĐỜI NHỮNG THỨ MÌNH MUỐN CÓ
  3. NỀN VĂN MINH VỊ THA SẼ NỞ HOA KHI LOÀI NGƯỜI TỈNH NGỘ

Bài viết mới

  1. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG
  2. BẢN TÁNH TỐI HẬU CỦA TÂM
  3. BA CON ĐƯỜNG