THIỀN ĐỊNH – HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ CHÍNH MÌNH

ERICA BREALEY

Trích: Thiền định – Hành trình khám phá chính mình; Thế Anh chuyển ngữ; NXB. Từ Điển Bách Khoa; 2012

Ăn khi đói, ngủ khi mệt. Thiền là như thế, nhưng việc thực hiện những hành động đơn giản diễn ra hàng ngày này một cách thích hợp và toàn tâm toàn ý thì không phải là chuyện đơn giản.

Thiền là một dạng của Phật giáo quen thuộc nhất đối với chúng ta. Suốt thế kỷ vừa qua, dạng Phật giáo này đã bám rễ ở phương Tây, nhất là ở Hoa Kỳ, và đã xây dựng được một lượng tín đồ khổng lồ, chẳng kém Trung Hoa nhiều thế kỷ trước, nơi Thiền Phái được gọt giũa bởi các tác động mạnh mẽ của văn hóa, nhất là từ Lão giáo, và sau đó là ở Nhật Bản. Thiền đã tác động mạnh mẽ đến nền văn hóa Nhật Bản – nếu không có Thiền thì Nhật Bản sẽ không xuất hiện thể thơ hài cú (haiku: loại thơ 3 hàng 17 vần đặc trưng của Nhật Bản) hoặc trà đạo – và hiện nay ảnh hưởng của Thiền trên hội họa và thiết kế của phương Tây cũng đã trở nên hiển nhiên. Ở phương Đông lẫn phương Tây, thiền là nguồn cảm hứng cho việc sáng tạo nghệ thuật, từ thơ, họa, cho đến kiến trúc và nghệ thuật thiết kế vườn. Phong cách Thiền có một phẩm chất bộc trực, linh động, hài hòa nhưng cũng đầy bất ngờ. Phẩm chất này được thể hiện trong các bức thiền họa thủy mặc, tính giản dị ở bề ngoài của chúng xuất phát từ kỹ năng bậc thầy không chỉ ở nét cọ mà còn từ hình dạng và không gian. Khoảng trống là một đặc điểm nổi bật của thiền họa, thiền viên, và nghệ thuật kiến trúc mang phong cách thiền, nhưng sự trống vắng này là một khía cạnh không thể thiếu của tổng thể, cũng như bản chất nguyên thủy của chúng ta trống rỗng không có các suy nghĩ về kỷ (ta) và tha (người khác):

Chỉ khi tâm trí ngươi chẳng chứa chấp điều gì…
…Và không có gì làm vướng bận tâm trí của ngươi
Thì ngươi mới không vướng mắc và có tinh thần sáng suốt,
…Không vướng bận và trở nên phi thường
Te Shan

Ngoài lĩnh vực tinh thần, ảnh hưởng của Thiền trên nền văn hóa phương Tây còn thể hiện ở những môn nghệ thuật như trang trí nội thất và cắm hoa. Ít nhất thì từ ngữ Thiền, với đôi chút biến dạng về ý nghĩa, cũng đã thâm nhập vào ngôn ngữ của chúng ta để mô tả một số khẩu vị và thị hiếu thẩm mỹ. Tuy nhiên, cho dù chúng ta có thể dễ dàng quen thuộc với ngôn ngữ của Thiền, và cách chúng ta sử dụng từ này không phải là hoàn toàn không thích đáng vì Thiền nằm ngoài mọi lễ nghi hoặc tín điều tôn giáo, và tập trung vào cốt lõi của sự việc – thì đường lối của Thiền vẫn khó nắm bắt.

Trong ao xưa
Một con ếch nhảy vào
Tõm!!!
Matsuo Basho (Bậc thầy của thể thơ hài cú)

Zen, cách phiên âm La Tinh của người Nhật từ âm phiên âm ch’an (Thiền) của Trung Hoa, và ch’an bắt nguồn từ chữ Phạn dhyana, theo nghĩa đen có nghĩa là thiền định. Như đã thảo luận, thiền định là điều cốt yếu của mọi nhánh Phật giáo, nhưng điều thật sự làm cho Thiền khác với các phái khác là những phương pháp trực tiếp chỉ ra chân lý của Thiền, nhất là cách sử dụng độc đáo của Thiền đối với các công án (koans: những vấn nạn nghịch lý được đưa ra cho môn đồ suy nghĩ). Đây thường là những giai thoại hoặc những châm ngôn của các Thiền sư, và có hình thức là những vấn đề không thể giải quyết qua luận lý thông thường. Một trong những công án nổi tiếng nhất là do vị Thiền sư Hakuin sáng tác. Ông vỗ tay, sau đó đưa một bàn tay lên rồi hỏi “Đâu là âm thanh của một bàn tay?” Bằng cách khơi gợi các quy trình suy nghĩ dựa trên lý trí gây ra sự lầm lạc, các công án kích hoạt một sự đột phá trong ý thức được gọi là satori (sự giác ngộ), trạng thái đột nhiên được khai sáng về tinh thần mở ra một cách nhìn mới về thế giới.

Truyền thống cho rằng Thiền xuất hiện vào thế kỷ thứ 6 Công nguyên khi Bồ Đề Đạt Ma, một nhà sư Ấn Độ, đến Trung Hoa. Một cuộc trao đổi đã trở thành truyền thuyết giữa nhà Sư này và Vũ Đế – một phật tử nhiệt thành đã xây dựng nhiều ngôi chùa, thực hiện vô số việc thiện với hi vọng truyền bá chân lý của Phật giáo và bảo đảm cho mình một kiếp sau tốt đẹp nhất – là một câu chuyện đặc biệt về Thiền. Khi vị hoàng đế này hỏi Bồ Đề Đạt Ma rằng đâu là công đức của ông qua các việc thiện mà ông đã thực hiện, nhà Sư ngắt lời “Chẳng có công đức gì đâu cho dù ngài có làm gì chăng nữa” (hành thiện để mong được nhận được phần thưởng trong tương lai là điều trái với đạo Thiền). Khi được hỏi về ý nghĩa tối thượng của chân lý thiêng liêng Phật giáo, Bồ Đề Đạt Ma trả lời, “Tất cả đều là hư không, chẳng có gì là thiêng liêng cả”. Sau đó Hoàng đế hỏi “Ai đang đứng trước mặt ta đây?” ( ý hỏi là Đạt Ma là ai). Bồ Đề Đạt Ma trả lời “Tôi không biết”.

Nhà vua không lĩnh hội được ý nghĩa mà Bồ Đề Đạt Ma truyền đạt nên không mấy quý mến ông, và nhà sư từ giã triều đình đến ẩn cư tại chùa Thiếu Lâm nước Ngụy, nơi ông bỏ ra 9 năm trong một gian phòng nhỏ thiền định trước một bức tường cho đến khi một môn đồ thích hợp hơn xuất hiện.

Bồ Đề Đạt Ma được công nhận là người sáng lập Thiền phái ở Trung Hoa, nhưng các phật tự Thiền phái xem truyền thống của họ là được kế tục không gián đoạn từ Đức Phật, bắt đầu từ Ma Ha Ca Diếp (Mahakashyapa), tổ đầu tiên của dòng Thiền Ấn Độ. Sự giác ngộ của vị tổ này được xem như được truyền trực tiếp từ Đức Phật vào ngày mà thay vì thuyết pháp cho các đệ tử, Đức Phật chỉ đưa lên một cành hoa sen và hoàn toàn im lặng. Với cử chỉ này của Đức Phật, chân lý đã đột ngột đánh động Ma Ha Ca Diếp, người đã bình thản tươi cười. Một nụ cười đáp lại từ Đức Phật biểu lộ sự truyền Pháp đã diễn ra. Câu chuyện này được cho là nguồn gốc của Thiền, nói lên rằng thông điệp thật sự luôn không thể nói thành lời, nhưng có thể được chuyển tải bằng cách truyền tâm ấn.

Hai dòng Thiền chính ngày nay là Tào Động Tông (Soto) và Lâm Tế Tông (Rinzai), cả hai đều chú trọng đặc biệt đến zazen (tọa thiền), mà nền tảng là tư thế, nhịp thở, và thái độ. Không giống như phần lớn các dạng thiền định của Yoga – bao hàm việc tập trung vào một ý tưởng hoặc một vật thể đã được chọn như một câu thần chú hoặc một ngọn nến. Việc thực hành tọa thiền, như tên gọi gợi ý, chỉ đơn giản là ngồi trong trạng thái tĩnh tại của ý thức mà không làm gì khác cũng không nhắm đến bất cứ mục đích gì. Các suy nghĩ và các hình ảnh được cho phép đến và đi, để chúng bập bềnh trôi qua tâm trí như những đám mây lang thang trên bầu trời, không nắm bắt mà cũng không xua đuổi. Tuy nhiên, những người mới nhập môn thường được khuyên là tập trung vào hơi thở. Đếm hơi thở liên tục từ 1 đến 10 rồi đếm lại từ đầu. Tư thế tọa thiền được cho là lý tưởng nhất là kiết già (liên hoa tọa), hoặc nếu thấy khó thì có thể ngồi theo thế bán già (bán liên hoa tọa), giữ cho thân thẳng và cằm thu vào sao cho chóp mũi nằm ngay trên rốn. Mắt hơi hé mở, nhìn xuống phía trước khoảng 1 mét, nhưng không nhìn chăm chú. Hai bàn tay đặt trên vạt áo với lòng bàn tay hướng lên trên, bàn tay trái nằm trên bàn tay phải. Thở đúng cách – sâu, bình thản, và theo nhịp – một cách tự nhiên sau khi đã ngồi đúng tư thế. Theo sau hai điều kiện trên là đến việc để cho dòng tâm trí trôi đúng cách – tâm trí mở ra và cảm nhận những gì đang xảy ra bên trong và bên ngoài, và chỉ đơn giản là cứ để chúng diễn ra không phê phán mà cũng không can thiệp.

Ngồi yên lặng và đừng làm gì cả
Khi mùa xuân đến thì cỏ tự mọc.

(Trích từ Zenrin Kushu, tuyển tập thiền luận)

Trong Thiền phái Tào Động Tông (Soto), tọa thiền (zazen) là việc luyện tập chính. Các công án (koans) cũng được sử dụng, nhưng không phải là một kỹ thuật để thiền định. Trái lại, việc luyện tập theo Thiền phái Lâm Tế Tông (Rinai Zen) xoay quanh việc sử dụng các công án, do Thầy đưa ra cho môn đồ, tác động một cách có phương pháp trong khi thiền định. Suy ngẫm về một công án là một cách tập luyện hoàn toàn không dựa vào trí tuệ. Thay vì cố gắng tìm một đáp án hợp lý cho công án môn đồ phải trở nên hòa nhập thành một với nó, ghi sâu nó vào ý thức. Với việc tìm ra giải đáp cho công án – có thể xảy ra hoặc không trong tiến trình thiền định – satori (sự giác ngộ) xuất hiện, đây là mục tiêu của việc đào tạo Thiền theo phái này.

Chỉ có thể thực sự lĩnh hội được Thiền qua việc trải nghiệm và đào tạo thực tế. Nhưng bản chất thiết yếu của Thiền được bao hàm trong 4 câu sau đây của tổ sư sáng lập Bồ Đề Đạt Ma:

Sự truyền đạt đặc biệt nằm ngoài các kinh sách.
Đừng lệ thuộc vào các bản văn thiêng liêng.
Nhắm trực tiếp vào tâm con người.
Nhìn vào bản chất của mình để thành Phật.

—– ☘️☘️☘️ —–

Về tác giả

Erica Brealey là một giáo viên đã luyện tập Yoga và Thiền hơn 30 năm, và là Giám đốc Yogabase Islington. Sau khi hoàn thành chương trình Triết học từ Đại học University, London, bà học triết học Ấn Độ. Cô có bằng cấp xuất bản, làm Giám đốc – Biên tập tại Random House và sau đó là HarperCollins.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CÁC DẤU HIỆU CỦA SỰ TIẾN BỘ
  2. CÁC DẤU HIỆU CỦA SỰ TIẾN BỘ

Bài viết mới

  1. KHỔ ĐAU VÀ HẠNH PHÚC CHỈ LÀ CẢM NHẬN CHỦ QUAN
  2. VƯỢT QUA SỢ HÃI
  3. TÍNH NÔN NÓNG