THIỀN SƯ VÀ NHÀ LÃNH ĐẠO KINH DOANH

MARC LESSER

Trích: Điềm Tĩnh Trong Bận Rộn - ít hơn hiệu quả hơn; dịch giả: Thu Hương; NXB Thanh Niên

Cũng như hầu hết mọi người, trí não tôi quay cuồng mỗi ngày với các hoạt động, những thành tựu cần đạt được. Tôi không hề xa lạ với chúng hay nỗi thất vọng chúng gây ra. Tôi sẽ chia sẻ một chút về bản thân để bạn có thể hiểu hơn về góc nhìn của tôi, cũng như tôi đã phát triển niềm tin vững chắc vào sức mạnh của việc làm ít hơn mà vẫn đạt được nhiều thành tựu hơn như thế nào. Lí lịch cá nhân khác thường của tôi bao gồm các vai trò Thiền sư, chủ doanh nghiệp và CEO, tôi nhận thấy rằng chìa khóa để thành công là kết hợp và cân bằng những nguyên tắc đôi khi bất đồng của hai lĩnh vực này.

Như đã nhắc tới trước đó, tôi sắp học năm cuối tại đại học Rutgers trước khi quyết định bảo lưu một năm. Tôi rời New Jersey và thẳng tiến tới phía Bắc California. Một ngày, trên đường tới nơi tôi làm việc với vị trí quản lí văn phòng ở trung tâm San Francisco, tôi xuống xe bus Masonic số 6, bước vào trung tâm Thiền San Francisco, và quyết định rằng đây là nơi mình cần ở lại tiếp theo. Trung tâm này có một chương trình rèn luyện nghiêm ngặt về thể chất bao gồm Thiền và làm việc mỗi ngày – một truyền thống lâu đời đã được điều chỉnh cho phù hợp với thế giới hiện đại của chúng ta, một hệ thống triết lí và giá trị của sự cởi mở và chấp nhận hoàn toàn, và một cộng đồng những con người tươi vui và chân thành. Tôi lắng nghe một giọng nói nhỏ nhẹ nhưng rõ ràng từ thâm tâm, nói rằng đây là nơi xứng đáng dành mười năm tiếp theo trong cuộc đời. Thay vì tốt nghiệp trường Rutgers niên khóa 1974, tôi tốt nghiệp vào năm 1984.

Trong mười năm đó, tôi ngồi Thiền mỗi ngày, dành năm năm sống trong Trung tâm Thiền Núi Tassajara (một Thiền viện), và làm việc với rất nhiều giáo viên Thiền. Tôi cũng có cơ hội học hỏi rất nhiều về thế giới công việc và dần trở nên hết sức ngưỡng mộ nó. Tại Trung tâm Thiền San Francisco, công việc được coi là một phần thiết yếu trong chương trình rèn luyện tinh thần mỗi ngày, và mọi người thường được giao nhiệm vụ không dựa trên kĩ năng hay kinh nghiệm có sẵn, mà dựa vào những gì sẽ thách thức và giúp họ phát triển. Trong suốt thời gian tại Trung tâm Thiền, tôi rửa bát, phụ việc trong bếp, làm đầu bếp chính, nướng bánh mì và chăn nuôi ngựa kéo. Tôi điều hành một văn phòng đặt chỗ nghỉ dưỡng, và trong suốt năm thứ mười, tôi là giám đốc của Tassajara. Chính trong vai trò này, lần đầu tiên tôi được trải nghiệm sức mạnh của việc kết hợp những trí tuệ cổ xưa với tư duy cấp tiến trong nghệ thuật lãnh đạo và chiến lược kinh doanh.

Sau đó, sau khi cuối cùng cũng tốt nghiệp trường Rutgers, tôi tìm kiếm một trường cao học phù hợp và theo học chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh của Đại học New York. Tại đây, tôi đã dành hai năm học về kinh doanh tại phố Wall, tập trung vào quản trị và khởi nghiệp.

Một trong những công việc đầu tiên của tôi sau khi có bằng Thạc sĩ là làm việc cho Conservatree, một công ty phân phối giấy tái chế. Năm 1989, sau vài năm làm ở vị trí này, tôi thành lập Brush Dance, một công ty xuất bản lịch và bưu thiếp, đạt được những thành công và đổi mới. Trong suốt 15 năm tôi giữ cương vị CEO, Brush Dance đã kết hợp những câu nói của Đạt Lai Lạt Ma, Thích Nhất Hạnh, Rumi và những nhân vật khác với những thiết kế hình họa và chữ nghệ thuật tuyệt vời. Khách hàng của chúng tôi bao gồm những nhà bán lẻ lớn tại Mĩ cũng như quốc tế như Target, Barnes & Noble, và Bed Bath & Beyond. Trong năm năm đầu tiên, chúng tôi phát triển từ một ý tưởng trong ga-ra thành một công ty với doanh thu hằng năm hơn một triệu đô-la.

Trở thành CEO của một công ty phát triển nhanh trong ngành bán lẻ vốn thay đổi bất thường là cơ hội tuyệt vời để học hỏi về những thách thức trong kinh doanh và kỉ luật của việc lãnh đạo. Đồng thời, tôi duy trì thực hành Thiền mỗi ngày, bao gồm ngôi Thiền trong vòng 20-30 phút mỗi sáng cũng như luôn luôn cố gắng kết hợp khía cạnh nâng cao sức khỏe và tính chữa lành của Thiền vào công việc và cuộc sống hằng ngày. Tôi trở thành một giáo viên dạy Thiền, và vào năm 2003, tôi được phong làm Thiền sư.

Năm 2004, tôi trực tiếp kết hợp kinh doanh và thực hành Thiền khi thành lập ZBA Associates, một công ty đào tạo kĩ năng quản lí điều hành và tư vấn về kĩ năng lãnh đạo. Năm 2005, tôi viết cuốn sách đầu tiên của mình, Z.B.A. Zen of Business Administration – How Zen Practice Can Transform Your Work and Your Life. ZBA Associates (Thiền trong Quản trị Kinh doanh. – Thực hành Thiên cứ thể chuyển hóa công việc và cuộc sống của bạn như thế nào.) hỗ trợ tổ chức các kì nghỉ dưỡng cho doanh nghiệp và điều phối các hội thảo về sáng tạo và đổi mới. Khách hàng của chúng tôi bao gồm những tập đoàn lớn, các doanh nghiệp nhỏ, các CEO và tổ chức phi lợi nhuận. Sự nghiệp của tôi giờ hoàn toàn dành trọn cho niềm đam mê trong hơn 20 năm qua: kết hợp thực hành Thiền với những thực hành trong kinh doanh.

Khi giảm bớt sự bận rộn và những nỗ lực không cần thiết, lòng tốt và tình yêu có cơ hội xuất hiện nhiều hơn, dẫn đến hiệu quả làm việc cao hơn, nhiều năng lượng hơn và sự tập trung lớn hơn.

ĐIỀM TĨNH GIỮA NHỮNG THỬ THÁCH GIAN KHÓ

Tôi tự hào về những thành công trong cũng như ngoài công việc của mình. Đồng thời, tôi cũng đã trải qua những thử thách khắc nghiệt trong kinh doanh và học hỏi rất nhiều từ những khó khăn và thất bại. Phát triển công ty trong bối cảnh kinh doanh luôn biến động đồng nghĩa với việc trải rất nhiều thăng trầm. Tôi từng có những đêm thức trắng nghĩ cách trả đủ lương cho nhân viên vào ngày hôm sau hoặc làm thế nào để gọi vốn trong những thời điểm khó khăn. Tôi từng phải đưa ra những quyết định đau đớn – cho nhân viên thôi việc. Tôi cũng từng thành lập một công ty Internet mà sau này đã phá sản.

Một trong những điều quan trọng nhất mà tôi học được là sự hài lòng và cả những kết quả phi thường luôn nằm trong tầm với, nếu chúng ta có thể giữ được sự điềm tĩnh giữa cuộc sống bận rộn và căng thẳng của mình.

Một cách quan trọng để được như vậy là tiếp cận – hay đơn giản là lắng nghe – những giọng nói khác nhau trong mỗi chúng ta. Cái “tôi” đơn giản mà thông thường chúng ta hay nhắc đến khi suy nghĩ hoặc nói về mình, thực ra lại là một tập hợp những giọng nói thú vị và sắc thái rõ ràng hơn. Ví dụ, để trả lời câu hỏi phổ biến “Dạo này bạn thế nào?”, tôi thỉnh thoảng lại nghĩ, “Mình nên trả lời theo giọng nào nhỉ?” Tôi có thể trả lời với giọng thành công, giọng tiếp tục vật lộn, hoặc giọng thất bại nặng nề. Tôi có thể trả lời với giọng của những kế hoạch và khát vọng, của sự bận rộn, hoặc của sự điềm tĩnh và hài lòng. Tôi có thể đáp lại với giọng của một thành viên trong gia đình, một người bạn, một người có đức tin hoặc một đồng nghiệp. Tất cả những vai trò, những cảm xúc và giọng nói bên trong tôi đều thực sự tồn tại và đều góp phần xác định trạng thái tâm trí của tôi tại bất kì thời điểm nào. Đồng thời, không giọng nói nào hoàn toàn định nghĩa được tôi.

Làm quen với những giọng nói khác nhau của bản thân (và nhận ra giọng nói của những người khác) giúp chúng ta nhận thức và hiểu bản thân sâu sắc hơn. Từ đó, chúng ta có nhiều lựa chọn hơn trong cách phản ứng và linh hoạt hơn khi tự khắc họa bản thân. Tôi tin rằng sự linh hoạt này sẽ giúp chúng ta hạnh phúc hơn. Bên dưới, hay có lẽ ở trung tâm của những giọng nói này là một giọng nói dứt khoát hơn, dịu dàng và nhỏ nhẹ hơn; một giọng nói bình tĩnh và rõ ràng đến từ một nơi có đủ mọi điều, có rất nhiều khả năng. Đây chính là sự điềm tĩnh của sự hiệu quả và năng suất.

Mặc dù tôi sẽ đào sâu thêm một số khái niệm ở những phần sau, dưới đây là vài hình ảnh trực quan hoặc ẩn dụ của sự hiệu quả. Những hình ảnh này có thể được sử dụng trong thời điểm ta cần nhắc bản thân tập trung, bỏ qua câu chuyện phiếm của những giọng nói nhỏ trong đầu và tiếp cận giọng nói trung tâm điềm tĩnh, giọng nói hướng ta tới những lựa chọn tốt nhất. Sử dụng một hoặc một vài hình ảnh này có thể đem đến nhiều chánh niệm hơn cho cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

  • Một đòn bẩy hoặc một điểm tựa chỉ cần vận dụng ít nỗ lực mà vẫn tạo ra nhiều kết quả hơn. Trong một tình huống cụ thể, điều gì là đòn bẩy giúp tăng sức mạnh hoặc sự hiệu quả của bạn? Có phải đó là việc hiện diện trong thời điểm hiện tại và tập trung cư xử như một lãnh đạo thông minh và biết quan tâm, hay một cộng sự đáng tôn trọng và dễ mến trong đội ngũ? Hoặc trở thành một người biết kiên nhẫn lắng nghe hơn?
  • Một người thợ mộc xẻ gỗ với một lưỡi cưa sắc chứ không phải một lưỡi cưa cùn. Với một công cụ sắc bén, một nỗ lực tương đương sẽ đem lại nhiều hiệu quả hơn. (Gợi ý: Bạn chính là lưỡi cưa!)
  • Cuộc sống, cũng giống như kim loại, trông có vẻ cứng nhắc và không thể thay đổi, nhưng tới nhiệt độ đủ nóng, cả hai đều sẽ trở nên mềm và linh hoạt. Bạn có thể áp dụng nhiệt lượng của chánh niệm vào đâu để giảm bớt những khó khăn và những cố gắng không cần thiết trong cuộc sống?
  • Giống như một vận động viên quần vợt, hãy hít thở và giảm nhịp tim của mình giữa các điểm (giao bóng). Làm việc tập trung cao độ, thư giãn giữa các khoảng thời gian hoạt động căng thẳng.
  • Giống như cầu thủ đập bóng trong môn bóng chày trước một cú bóng nhanh với tốc độ 145km/giờ, hãy thu hẹp sự chú ý khi mọi thứ chuyển động nhanh. Như vậy, bạn có thể chuẩn bị để vung gậy và đánh bóng chính xác. Sử dụng sức mạnh của sự tập trung để cuộc sống xung quanh chậm lại trong khi bản thân bạn không hề chậm lại.
  • Tưởng tượng bản thân như Đức Phật của sự thông thái: một tay chạm Đất, tay còn lại cầm một thanh kiếm có thể chém đứt sự mơ hồ và hỗn độn.

Hãy thử sử dụng một trong những hình ảnh trên trong cuộc sống hằng ngày của bạn. Ví dụ, hãy phản ứng như một vận động viên quần vợt chuyên nghiệp; tập trung đối phó với mỗi thách thức khi nó xuất hiện và tạm ngừng để năng lượng, duy trì sự tỉnh táo và bình thản cho thử thách tiếp theo. Điều này có thể tác động đến chất lượng của những nỗ lực của bạn.

Những hình ảnh này (hoặc bất kì hình ảnh nào khác mà bạn nghĩ đến) có hiệu quả tốt hơn bất kì lời phàn nàn nào tôi thường nghe từ bạn bè hoặc đồng nghiệp: “Tôi sắp có một ngày kinh khủng” hoặc “Tôi không giỏi làm việc này!” Những suy nghĩ căng thẳng có thể trở thành lời tiên tri tự ứng nghiệm. Suy nghĩ và từ ngữ chúng ta sử dụng có thể tác động đến trải nghiệm của chúng ta và trở thành hiện thực.

Ghi chú:
– Lúc sinh ra, Đức Phật sau khi đi bảy bước thì một tay chỉ trời, một tay chỉ đất mà nói: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” (Trên trời dưới trời, ta là bậc tôn quý hơn cả).

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. BÍ MẬT CỦA HẠNH PHÚC: THÓI QUEN
  2. QUY TRÌNH BỐN BƯỚC CHO SỰ SÁNG TẠO TRUYỀN CẢM HỨNG
  3. SỨC MẠNH CỦA PHƯƠNG PHÁP MỒI TÍCH CỰC

Bài viết mới

  1. NGUỒN GỐC CỦA MA TRẬN THẦN THÁNH
  2. TRUNG ĐẠO
  3. SỬ DỤNG HIỆU QUẢ SIÊU NĂNG LỰC QUYỀN LỰC & TÁC ĐỘNG