QUY TRÌNH BỐN BƯỚC CHO SỰ SÁNG TẠO TRUYỀN CẢM HỨNG

MARC LESSER

Trích: Điềm Tĩnh Trong Bận Rộn - ít hơn hiệu quả hơn; dịch giả: Thu Hương; NXB Thanh Niên

 

Càng ít giữ chặt lấy những gì đã biết, chúng ta càng cởi mở hơn với sự sáng tạo. Ngược lại, càng huấn luyện bản thân trở nên sáng tạo, chúng ta càng bớt chống lại những thay đổi.

Jules Henri Poincaré, một nhà toán học thế kỉ XIX, đã định nghĩa quy trình bốn bước cho sự sáng tạo như sau.

1. Chuẩn bị: định nghĩa vấn đề, nắm được những điều đã được thử nghiệm, thực hiện bất kì hành động nào cần thiết để bắt đầu quá trình sáng tạo.

2. Ấp ủ: suy ngẫm và mơ mộng: để vấn đề bén rễ trong tâm trí và cuộc sống của bạn.

3. Khai sáng: khoảnh khắc “aha” của sự khám phá, trong đó một ý tưởng hoặc cách làm mới xuất hiện.

4. Thực thi: đưa sự khám phá sáng tạo vào thực tế, điều này thường yêu cầu lòng kiên trì và nhiều lần thử sai. Trong thế giới cực kì bận rộn và áp lực cao này, chúng ta thường muốn đi trực tiếp tới bước 3, khoảnh khắc “aha”, mà không dành thời gian cho giai đoạn chuẩn bị và ấp ủ. Và quá thường xuyên, sự quan trọng của việc thực thi bị đánh giá thấp. Việc này không chỉ đòi hỏi sự kiên trì và nhẫn nại, mà còn cần đến khả năng kêu gọi sự giúp đỡ và hỗ trợ chuyên môn từ những người khác.

Ngoài bốn bước đã được đưa ra bởi nhà toán học Poincaré, sự sáng tạo cũng được hỗ trợ và truyền cảm hứng bởi bốn cách tiếp cận quan trọng được đề xuất bởi Michael Ray, cựu giáo sư Trường Cao học Kinh doanh Standford. Ông đã phát triển và giảng dạy một trong những khóa cao học kinh doanh phổ biến nhất mọi thời đại tại Stanford. Dưới đây là bốn cách tiếp cận của ông:

1. Tin tưởng vào sự sáng tạo của bản thân: Tự tin vào khả năng sáng tạo của bạn. Nếu bạn thiếu tự tin, hãy bắt đầu bằng cách nêu ba trong số những ý tưởng sáng tạo nhất mà bạn từng khởi xướng hoặc tham gia. Sáng tạo đem lại cho bạn cảm giác gì? Bạn sáng tạo theo những cách khác thường nào? Có lẽ bạn thích nướng bánh, hát karaoke, hoặc tự làm album ảnh của riêng mình. Hãy khuyến khích sự sáng tạo của bản thân bằng việc vẽ tranh, làm thơ hoặc viết nhật kí.

2. Bớt đánh giá bản thân: Tất cả những người tôi biết đều tự đánh giá bản thân. Nhưng tôi cũng nhận thấy rằng hầu hết mọi người đều tin rằng tiếng nói tự đánh giá của mình to hơn và dai dẳng hơn những người khác. Có thể sẽ khó khăn để chấp nhận rằng tự đánh giá là một phần trong bản chất con người. Hãy hiểu rõ điều này, thử nghiệm với việc thư giãn và cho bản thân nghỉ ngơi. Dù tự đánh giá mình như thế nào, bạn cũng có khả năng sáng tạo. Mọi người đều có.

Hãy chú ý tới giọng nói tự đánh giá của mình. Làm bạn với chúng. Thay vì đẩy chúng ra xa, hãy mời chúng lại gần và chơi với chúng. Bạn càng cố gắng đẩy sự tự đánh giá ra xa, chúng có thể càng trở nên to lớn và dai dẳng hơn. Nếu bạn thư giãn, lắng nghe và học hỏi từ giọng nói đó, chúng có thể sẽ bớt ồn ào hơn và thỉnh thoảng sẽ im lặng.

3. Chú ý vào các chi tiết: Thông qua quá trình sáng tạo, chúng ta nhìn mọi thứ xung quanh theo những cách mới mẻ mà hầu hết mọi người có thể không nhìn như vậy. Chú ý vào những gì rõ ràng nhất, ngay trước mắt bạn.

Một thử nghiệm vui là đặt tên mới cho các đồ vật. Ví dụ, một cái kẹp giấy. Bạn hãy xem xét nó thật kĩ càng, như thể bạn vừa phát minh ra nó – bạn sẽ gọi nó là gì? Hãy thử với điện thoại, áo phông, quả dâu tây, hoặc một vật dụng trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta thường coi những vật dụng quen thuộc là hiển nhiên và không chú ý tới hình thức và những chi tiết tinh vi của chúng. Đặt tên mới là một cách để quan sát chúng với cái nhìn mới mẻ hơn.

4. Không có câu hỏi nào là ngớ ngẩn: Mong muốn trông mình tuyệt vời và thông minh có thể cản đường sự sáng tạo. Thay vào đó, hãy đặt câu hỏi cho mọi thứ. Nhận lấy rủi ro là bản thân trông thật ngớ ngẩn. Biến việc nhìn sâu xuống dưới bề mặt của mọi thứ thành một thực hành, để tự hỏi tại sao bạn làm mọi việc theo cách mình thường làm.

Tôi nhớ đến một câu hỏi mà vài năm trước con trai tôi, khi đó 19 tuổi, đặt ra khi chúng tôi đang lái xe. Lúc đó tôi vẫn còn là CEO của Brush Dance. Con trai tôi giơ bộ lịch chủ đề golf mà Brush Dance mới xuất bản lên và hỏi với giọng thách thức: “Tại sao bố lại xuất bản bộ lịch này? Bố đã nghĩ gì vậy? Bao nhiêu người sẽ mua một bộ lịch với chủ đề là golf chứ?” Đầu tiên, tôi ngạc nhiên với câu hỏi của con trai, giọng điệu đánh giá thấp và nghi ngờ của nó đối với những quyết định tôi đưa ra. Tôi thừa nhận rằng bộ lịch đó không thành công lắm, và nhận ra con trai tôi đang thực sự đặt ra một câu hỏi quan trọng, xứng đáng được hỏi – Chúng tôi đưa ra quyết định lựa chọn bộ lịch để sản xuất như thế nào? Sau đó, con trai tôi buột miệng nói rằng nó có thể, trong khoảng năm phút, nghĩ ra một ý tưởng tên bộ lịch hay hơn bất kì bộ lịch nào chúng tôi đã từng làm. Tôi quay sang nói, “Được thôi, con có năm phút. Bắt đầu.” Thằng bé nhắm mắt lại và ngôi yên lặng, rõ ràng đang suy nghĩ. Sau đó vài phút, nó mở mắt và nói, “Con nghĩ ra rồi. Bố nên tạo ra một bộ lịch với hình ảnh nụ cười của mọi người”. Tôi phải thừa nhận, đó là một ý tưởng tuyệt vời.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. BÍ MẬT CỦA HẠNH PHÚC: THÓI QUEN
  2. THIỀN SƯ VÀ NHÀ LÃNH ĐẠO KINH DOANH
  3. SỨC MẠNH CỦA PHƯƠNG PHÁP MỒI TÍCH CỰC

Bài viết mới

  1. NGUỒN GỐC CỦA MA TRẬN THẦN THÁNH
  2. TRUNG ĐẠO
  3. SỬ DỤNG HIỆU QUẢ SIÊU NĂNG LỰC QUYỀN LỰC & TÁC ĐỘNG