THƯƠNG LƯỢNG, NGHỆ THUẬT ĐẮC NHÂN TÂM – SỨC MẠNH CỦA TRÍ TUỆ XÃ HỘI

TONY BUZAN

Trích: Sức Mạnh Của Trí Tuệ Xã Hội Tác Giả: Tony Buzan Biên Dịch: TriBookers NXB: Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, in năm 2013 Ảnh: Nguồn Internet

🌺🌺🌺

“Nếu ai đó không đồng ý với tôi, việc của tôi là thay đổi suy nghĩ của anh ta? Không! Việc của tôi là cứ để anh ta làm vậy.”
– Andrew Matthews
Con người ai cũng có mục tiêu là đắc nhân tâm ( biết đối cách đối nhân xử thế và thu phục lòng người), được biết đến, thực hiện những cuộc thương lượng thành công và xây dựng mối quan hệ xã hội tốt đẹp.
Thương lượng là một kỹ năng Trí tuệ Xã hội quan trọng. Nhắc đến hai từ này, hầu hết mọi người thường liên tưởng ngay đến kinh doanh và công việc, nhưng thương lượng cũng rất quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Mục tiêu của mọi cuộc thương lượng là kết thúc với một thỏa thuận chung giữa những bên có liên quan, tất cả mọi người đều vui vẻ ra về với kết quả đạt được. Không dừng ở đó, cách làm này cũng có thể áp dụng trong việc giải quyết vướng mắc giữa cha mẹ và con trẻ vị thành niên (như được phép đi dự tiệc và về trễ đến mấy giờ), cũng như trong các cuộc đàm phán về tiền lương, điều kiện làm việc giữa công đoàn và nhà quản lý. Trí tuệ Xã hội đều được cần đến trong những tình huống như thế này.

Sau đây là một câu chuyện khó tin về thương lượng và hợp tác từ thế giới loài vật.
Một câu chuyện đáng ngạc nhiên về loài vật
Một đoàn làm phim về lịch sử tự nhiên Canada quyết định quay một bộ phim chưa từng được quay trước đó – một năm về cuộc sống của một bầy sói. Họ sử dụng cả máy bay trực thăng để có thể ghi hình từ trên không cuộc di trú hằng năm của bầy sói cùng với “nguồn thực phẩm” chính của chúng, những con hươu.
Ngạc nhiên lớn đầu tiên khi đoàn làm phim quan sát mối quan hệ giữa bầy hươu và bầy sói là hành vi mang tính xã hội của chúng.
Có giả định rằng trong cuộc di trú, bầy hươu phải tự quản lý và bảo vệ bầy đàn; còn đàn sói “lẽo đẽo” theo sau, thường tấn công một cách “lén lút”, “hèn nhát” vào những lúc bầy hươu đuối sức nhất.
Tuy nhiên, thật ra là bầy hươu và bầy sói… cùng nhau di trú! Không chỉ vậy, chúng thực sự là… những người bạn! Suốt nhiều ngày liên tục, chúng chạy cùng nhau, vờn nhau và cùng nghỉ ngơi.

Chỉ đến khi đám sói bắt đầu đói bụng thì mối quan hệ mới thay đổi, thậm chí đây cũng là một thỏa thuận ngầm giữa đôi bên. Con sói đầu đàn, một con sói cái, sẽ bất ngờ dừng lại, ra dấu cho những “gã thợ săn” của nó rằng cuộc săn đuổi bắt đầu. Đám hươu bình tĩnh gom đàn lại, và chờ đàn sói ra hiệu – “Chạy”. Ngay khi có tín hiệu, mọi sự liền diễn ra theo mô thức mang tính xã hội đã được thỏa thuận. Đàn sói chỉ chọn một con hươu làm mục tiêu săn đuổi – thường là con yếu hơn cả, nhưng thỉnh thoảng sẽ là một con bình thường nào đó trong bầy.
Cuộc săn đuổi thường kéo dài tối đa là 10 phút, và hầu như lúc nào đàn sói cũng thành công. Một khi mục tiêu đã được chọn, những con hươu còn lại cứ nhởn nha như bình thường.
Tuy nhiên, cứ khoảng năm lần thì có một lần con hươu khỏe mạnh, kiên cường chạy thoát được và quay trở về đàn. Liệu đàn sói có tiếp tục đuổi bắt và chọn một con hươu ít kiên cường hơn? Không! Chúng tuân thủ “thỏa thuận” và chấp nhận nhịn đói trong một hay hai ngày tới.
Cho đến khi đàn sói sẵn sàng kiếm ăn lần nữa, không thì trước đó bầy hươu và bầy sói vẫn sống hòa bình bên nhau như bạn đồng hành – đàn sói bảo vệ bầy hươu trước những kẻ săn mồi khác, và bầy hươu cung cấp… nguồn thực phẩm tươi sống, bổ dưỡng cho đàn sói.
Khám phá này thật đáng kinh ngạc, nhưng sẽ còn nhiều điều kỳ thú khác đang chờ phía trước!

Một ngày nọ, máy bay trực thăng dẫn đầu đoàn làm phim thông báo rằng đàn sói đang tiến đến hướng xác của một con hươu sừng tấm. Điều đặc biệt khiến viên phi công thấy thú vị là hai con thú khác – gấu xám và chồn Bắc Mỹ – cũng đánh hơi thấy thịt của con hươu này, và đang tiến đến từ hai hướng khác nhau. Mặc dù tương đối nhỏ con nhưng chồn Bắc Mỹ được xem là một trong những loài hiếu chiến nhất thế giới, sẵn sàng chiến đấu giành giật từng miếng mồi. Với móng vuốt và rằng của mình, chúng có thể dễ dàng xé nát túp lều, và chỉ một cú đớp thôi cũng có thể xơi gọn hai lon thực phẩm.
Con sói đầu đàn tách khỏi bầy để điều tra mùi hương trêu ngươi kia, và viên phi công trực thăng hăm hở dự đoán thế nào cũng nổ ra một trận “thư hùng” giữa các loài với nhau – một cảnh tượng chưa từng được ghi hình.
Bạn nghĩ điều gì sẽ xảy ra?
Những gì mà bộ phim trình chiếu thật khác thường và hoàn toàn không dự đoán trước được. Ba loài hiếu chiến tề tựu ở vạt rừng trống đó gần như cùng lúc, mỗi bên cũng đã bắt đầu nhận thức được sự có mặt của đối thủ. Nhưng thay vì tỏ ra hung hăn và ngay lập tức xông trận, mỗi bên vẫn bình tĩnh quan sát lẫn nhau. Chúng chờ đợi và quan sát…
Con sói cái, trong tư thế như một con mèo đang rình rập một chú chim, nhẹ nhàng bước một chân về phía trước, dừng lại, ngó chừng hai con thú kia. Nhận thấy mọi chuyện đều ổn, nó bước thêm một bước nữa. Nó cứ từ từ di chuyển như thế, trông chậm chạp đến là khổ sở, cho đến khi tiến đến xác con hươu.

Tại đó, “ả” tiếp tục quan sát động thái của đối thủ để đảm bảo mọi thứ vẫn ổn, rồi mới hết sức từ tốn táp một miếng thịt lớn. Và cũng không cho phép mình bất cẩn một giây phút nào, nó từ từ quay trở lại vị trí ban đầu.
Ngay khi con sói cái vừa trở về vị trí cũ, “gã” gấu cũng thực hiện chính xác những bước như vậy, và sau đó đến lượt “tên” chồn Bắc Mỹ!
Chúng lặp lại quy trình ấy nhiều lần. Mỗi con liên tục ngó chừng động tĩnh của những con còn lại và lần lượt hưởng phần – mỗi lượt chỉ được lấy “phần chia công bằng” của mình mà thôi!
Đó là một điệu vũ giao hòa chậm, đẹp đến hoàn hảo giữa trời đông tuyết giá!
Nhưng tại sao ba “chiến binh” dũng mãnh nhất trong vương quốc loài vật lại bỏ qua cơ hội “tranh hùng xưng bá”? Bởi vì, không giống như những kẻ hiếu thắng sẵn sàng lao vào cuộc chiến, chúng “thông minh” – về mặt xã hội – hơn! Qua kinh nghiệm và khả năng đọc ngôn ngữ cơ thể tinh tế, từng con đã nhận thức được nhu cầu và lượng biết được sức mạnh của đối phương.
Tự thân chúng biết mình có thể mạnh và kỹ năng chiến đấu để giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Bên cạnh đó, chúng cũng nhận thấy trong cuộc chiến ấy, ngay cả khi chiến thắng thì chắc chắn chúng sẽ bị thương nặng, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng.
Do vậy tất cả đều đưa ra một quyết định sáng suốt: nhận biết nhu cầu của đối phương, chia sẻ nguồn thức ăn, giữ sức và bảo toàn nguyên vẹn tính mạng của mình hơn là hứng chịu những vết thương nghiêm trọng.
Khi từng con đã thỏa mãn nhu cầu, bạn gần như có thể cảm nhận chúng gật đầu ra hiệu cho nhau, sau đó chầm chậm quay đi và trở về với nơi chúng đã đến. Sau khi chứng kiến những điều tuyệt vời ngoài mong đợi, viên phi công trực thăng đã sững sờ nín lặng.

☀️ Giải pháp “cùng có lợi”

Trong cuộc “thương lượng”, những con vật trên đã trọn giải pháp “cùng có lợi” – giải pháp mà những người ra về đều cảm thấy hài lòng với kết quả đạt được.
Một cuộc thương lượng đúng nghĩa diễn ra khi có sự tôn trọng giữa các bên, tôn trọng quan điểm của nhau và tham gia thảo luận với tinh thần tích cực. Nếu bạn quả quyết rằng giải pháp của bạn là đúng hoặc bạn chịu thua thiệt, đề mình bị áp đặt thì đó không phải là thương lượng, đó là sự độc tài.
Nếu bạn có đủ quyền uy để gây ảnh hưởng trong trường hợp này, bạn sẽ có khả năng áp đặt giải pháp của bạn. Nhưng chắc chắn đối phương không cảm thấy hài lòng và sẽ làm tất cả những gì có thể để phá hỏng kế hoạch tương lai của bạn. Gieo thù chuốc oán không phải là cách làm thông minh!
“Nhu” hay là “cương”
Sự khác biệt giữa cuộc thương lượng có tính Trí tuệ Xã hội và tất cả những cách giải quyết mâu thuẫn, bất đồng quen thuộc lâu nay có thể thấy rõ qua sự khác biệt giữa võ Karate và Aikido.
Trong Karate, nếu ai đó đấm vào mặt bạn, bạn nỗ lực dùng tay “cắt” đòn, đồng thời cũng gây tổn thương cho cỗ tay của đối thủ. Để xoay chuyển tình huống, khi thấy đối phương sơ hở để lộ phần ngực trống trải, bạn sẽ đấm vào đó. Tuy nhiên, anh ta sẽ tìm ngay vùng bụng, háng hay chân hiện không được bảo vệ của bạn để trả đòn. Nhiệm vụ của bạn tất nhiên là ngăn chặn những kiểu tấn công như thế, dùng cùi chỏ để đánh ngã đối phương.

Và quá trình này tiếp tục diễn ra cho đến khi một trong hai đổ vật xuống, còn bản thân người chiến thắng cũng lĩnh đầy thương tích! Chuyện này có gợi nhắc bạn về cuộc “đấu trí” giữa con gấu, con sói và con chồn Bắc Mỹ không?!
Tổ sư sáng lập ra môn võ Aikido, Morihei Ueshiba, là một trong những võ sư Karate hàng đầu của Nhật. Với kinh nghiệm tập luyện nhiều năm, mặc dù thường xuyên chiến thắng nhưng ông cũng không tránh khỏi những thương tích, ngày càng bị chấn thương nghiêm trọng. Ông nhận thấy đây không phải cách để trải nghiệm phần đời còn lại! Vì thế ông quyết định tìm một loại võ thuật hài hòa, nhân bản và sâu sắc hơn ở góc độ tâm linh, cũng như xã hội.
Trong Aikido là con đường dẫn đến sự hòa hợp (còn được gọi là Hiệp khí đạo ai: hiệp, hòa hợp; ki: khí, tinh thần; do: đạo, con đường) dựa trên khả năng hiểu suy nghĩ, cảm nhận và ngôn ngữ cơ thể của người khác. Aikido là một môn võ lấy nhu khắc cương, dùng chính sức mạnh của đối phương để bảo vệ bản thân. Tinh thần Aikido cho phép bạn được là chính mình, song vẫn tương giao hòa hợp với mọi người và uyển chuyển “đi theo dòng chảy”.
Mỗi khi ai đó cố “đánh” bạn bằng bất kỳ chiêu thức nào, bạn chỉ cần di chuyển nhẹ nhàng sang một bên, tiến về giữa người đối thủ và “nhìn thế giới” từ viễn cảnh của họ. Nếu bạn cân bằng trong khi đối thủ không như vậy, với ý định sống trong hòa bình và hòa hợp, xác xuất gây tổn thương cho cả hai sẽ là tối thiểu.
Sau đây là câu chuyện về Terry Dobson, một trong những người phương Tây đầu tiên nghiên cứu môn võ thuật tuyệt vời này tại Nhật vào những năm 1950.
☀️ Câu chuyện về Terry

Một buổi chiều nọ, trên chuyến tàu trở về nhà ở ngoại ô Tokyo, tôi đã chứng kiến một sự việc hi hữu diễn ra. Một người công nhân say khướt, cao to sần sổ bước lên. Anh ta bắt đầu quấy rầy hành khánh: la hét, chửi rủa, bước đi lảo đảo và vào một người phụ nữ đang bế con làm cho cô ta ngã nhào xuống một cặp lớn tuổi – quá sợ hãi, họ đứng bật dậy và rút chạy về cuối toa tàu. Say khướt, chân nọ đá chân kia, anh ta quơ quàng nắm lấy thanh trụ kim loại ở giữa toa tàu, gầm rú và cố gắng nhổ bật nó lên.
Lúc đó, tôi cảm thấy cần phải gọi người đến can thiệp, nếu không thì sẽ có người bị thương. Nhưng tôi chợt nhớ lại lời thầy tôi dạy:
“Aikido là nghệ thuật hòa giải. Bất kỳ ai có tư tưởng chiến đấu đều phá vỡ sự kết nối giữa anh ta với thế giới. Nếu con cố gắng thống trị người khác, chắc chắn con sẽ gặp thất bại. Chúng ta học cách giải quyết mâu thuẫn, chứ không phải học cách tạo ra mâu thuẫn”.
Thực sự, tôi đồng ý với bài học đầu tiên của thầy tôi, không bao giờ gây chiến và chỉ dùng kỹ năng võ thuật để tự vệ. Ngay lúc này, tôi đang có cơ hội kiểm tra khả năng của mình trong thực tế, trong một tình huống rõ ràng là chính đáng. Trong khi những hành khách khác ngồi co cứng tại chỗ, tôi đứng dậy, chầm chậm bước tới sự thận trọng.
Nhìn thấy tôi, gã say kia gầm lên: “A ha! Một tên ngoại quốc! Chắc anh cần một bài học về cách cư xử của người Nhật đây!”, và bắt đầu gồng mình lên thách thức tôi.
Nhưng ngay khi gã ta sắp sấn tới, chợt có ai đó la lên với giọng vui vẻ lạ thường: “Hê!”.
Tiếng kêu có âm điệu vui vẻ, thân ái như tiếng gọi bạn. Gã say rượu ngạc nhiên nhìn xung quanh thì thấy một người đàn ông Nhật nhỏ bé, chắc khoảng bảy mươi tuổi, đang tươi cười nhìn và khẽ vẫy tay ra hiệu với gã.
Gã lảo đảo lao tới với tinh thần hiếu chiến: “Mắc mớ gì tôi phải nói chuyện với ông?”. Trong lúc đó, tôi đã chuẩn bị tư thế sẵn sàng hạ gục gã say ấy ngay nếu hắn ra đòn tấn công, dù chỉ là một cử động nhỏ nhất.
Nhìn vào gã công nhân say khướt kia, ông cụ hỏi thăm hắn với ánh mắt biết cười: “Anh bạn đã uống gì đó?”. “Tôi uống rượu sake, mà đây đâu phải là việc của ông!”, gã say gầm lên.
“Ồ, thật là tuyệt, rất tuyệt!”, ông cụ đáp lại với giọng ấm áp. “Anh biết không, tôi cũng thích rượu sake lắm. Mỗi tối, tôi và vợ tôi – anh biết không, bà ấy bảy mươi sáu tuổi rồi đấy – làm ấm một chai rượu sake và đem nó ra vườn, ngồi cạnh nhau trên một băng ghế dài…”. Ông cụ lại chuyển sang câu chuyện về cây hồng trong sân nhà ông, về những hoa trái phong phú nơi vườn nhà, về khoảnh khắc thưởng thức rượu sake vào buổi tối.
Khuôn mặt gã say dần giãn ra và nắm tay của anh cũng được thả lỏng khi anh trôi theo mạch chuyện của ông cụ. “Vâng… tôi cũng thích cây hồng lắm…”, anh ta nói, giọng kéo dài.
“Vâng”, ông cụ đáp lời với giọng vui vẻ, “và tôi tin là anh cũng có một người vợ tuyệt vời!”.
“Không”, người công nhân trả lời, “Vợ tôi đã mất…”. Anh ta thổn thức kể lại chuyện mất đi người vợ, mất cả ngôi nhà, mất luôn công việc và cảm thấy xấu hổ về bản thân.
Ngay lúc đó thì tàu dừng lại ở trạm tôi cần xuống. Đang lúc chuẩn bị xuống, tôi nghe ông cụ mời gã say kia cùng ngồi với ông và kể cho ông nghe tất cả mọi chuyện. Tôi nhìn thấy anh ta nằm dài trên ghế, đầu tựa trên đùi ông cụ.
Câu chuyện xúc động trên nhắn gửi đến chúng ta bức thông điệp qua trọng rằng cách tốt nhất để thu phục lòng người, thương lượng và giải quyết mâu thuẫn là hãy luôn giữ mình mạnh mẽ nhưng vẫn hiểu thấu lòng người khác.
Tinh thần Aikido, môn võ của tình thương, đã được minh họa rõ nét qua những gì mà ông cụ trong câu chuyện trên thể hiện.

Trở lại với những mối quan hệ xã hội, những cuộc thương lượng và nỗ lực giải quyết mâu thuẫn, tôi nhận thấy cách xử lý tình huống của chúng ta lâu nay khá giống với cách tiếp cận theo kiểu Karate. Chúng ta cố gắng chứng tỏ quan điểm, cãi lý, giành chiến thắng, thay đổi người khác theo ý mình và phủ tầm ảnh hưởng lên mối quan hệ. Điều này chắc chắn sẽ tạo ra sự chống đối và khơi mào cuộc chiến – thường là hoàn toàn bất lợi cho cả mối quan hệ cá nhân lẫn mục tiêu của đôi bên.
Trong khi đó, cách tiếp cận hài hòa mang lại nhiều thành công, mạnh mẽ hơn, ít gây tổn hại và thú vị hơn.
🌺🌺🌺

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. THƯƠNG LƯỢNG – NGHỆ THUẬT ĐẮC NHÂN TÂM
  2. MỘT NHÂN VẬT ĐIỂN HÌNH VỚI TRÍ THÔNG MINH TỘT BẬC
  3. PHONG THÁI XÃ HỘI

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH