TIẾN HÓA VÀ SÁNG TẠO

THIỀN SƯ NI DAEHAENG

Trích: Không Có Sông Nào Để Vượt Qua; Nguyên tác: No River to Cross; Người dịch: Hạnh Huệ; NXB Văn hóa Văn nghệ

Nhìn theo con người, chúng ta có thể nghĩ một số sinh vật dường như nhỏ nhoi và vô nghĩa. Nhưng mọi hiện hữu đang trong quá trình tiến hóa. Vì vậy, chúng là hình dáng quá khứ của chúng ta, những bạn cũ của ta, và chỉ cho ta chỗ mà từ đó ta tiến hóa. Khi chúng ta nhìn bốn loại sanh, chúng ta thấy rằng chúng đã tiến hóa từ những vi khuẩn, và rằng chúng tạo thành một tiến trình từ thấp nhất đến cao nhất. Tuy nhiên, mỗi một sinh vật đều có bốn loại sinh vật này trong thân, và cũng tiến hóa trong mỗi thân. Vậy, làm sao chúng ta có thể nói sinh vật nào là quan trọng nhất hay cái nào nên làm tiêu chuẩn để so sánh. Nhìn vào thế giới, không có điểm bắt đầu và chấm dứt – đó chính là trung đạo. Nhìn theo quá trình tiến hóa, những sinh vật bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh và môi trường, và chúng có thể thích ứng với một mức độ nào đó. Tuy nhiên, những sự vật cơ bản hơn tùy thuộc vào ý thức. Có rất nhiều điều thực sự mầu nhiệm. Nếu chúng ta không bằng lòng về hình dáng hiện tại của mình, và muốn đổi thành mạnh mẽ, thì hình dáng con người sẽ bắt đầu thay đổi. Hình dáng của mọi hiện hữu được hình thành bởi tâm. Năng lực nào có thể làm điều này? Đó là chân tâm, Chủ nhân Không.

Dù những sinh vật hiện hữu ở nhiều tầng bậc khác nhau, tất cả đều có tâm. Tâm là chủ của thân, giống như người lái xe. Thân chỉ làm theo lời tâm. Và tâm mong ngày hôm nay sẽ tốt hơn hôm qua, ngày mai tốt hơn hôm nay, và làm việc để hoàn thành điều này. Những sinh vật tiếp tục tiến hóa qua đức hạnh khởi lên từ nỗ lực đó.

Hoàn tất cuộc tiến hóa là đạt được giải thoát lớn lao và thành Phật với công đức vô tận. Tất cả mọi sinh vật đang trong quá trình tiến hóa này, tất cả họ là anh chị của chúng ta, đang bước về cùng đích đến. Thế thì, mọi cõi đều là trường học lớn, đầy những chúng sinh đang hành đạo.

Tiến hóa và sáng tạo là tất cả những biểu hiện của nhất tâm. Tiến hóa là nâng cao trình độ của tâm. Một khi trình độ của tâm thay đổi, thân cũng thay đổi theo. Tiến hóa là quá trình của tâm trở thành sáng sủa hơn, trong khi sáng tạo là biểu hiện bên ngoài của ý định. Như thế, trong khi quá trình này tiến hóa, nó cũng sáng tạo; và trong khi sáng tạo, nó tiến hóa.

Sáng tạo là biểu hiện của ý định. Tuy nhiên, ngay khi tạo ra một vật, nó luôn luôn thay đổi. Nó không còn như trước, với những ý tưởng cố định và những hành xử bất biến. Như thế, sáng tạo là biểu hiện. Tâm là bản thể của cả hai tiến hóa và sáng tạo; chúng cũng không phải hai. Sự thoái hóa cũng do tâm. Tất cả những điều này là những biểu hiện của tâm. 

Yếu tính của chân lý: Biểu hiện của Không

Chân lý là một luồng trôi chảy không bao giờ ngừng dù một thoáng chốc. Nó trôi chảy, ngấm vào mọi vật, và sống động. Không có gì trên thế giới mà không chuyển động; chỉ có trôi chảy. Vô thủy vô chung, không sanh không tử, chỉ có trôi chảy, đúng như nó là. Sự trôi chảy này luôn luôn tươi mới và sống động. Ngăn vật gì không trôi là giết nó. Chúng ta sống trong chân lý. Như cá sống trong nước, chân lý tràn đầy đời sống thường nhật của ta. Cố gắng tìm chân lý ở xa xôi giống như cá kiếm tìm gì ngoài nước. Chân lý vượt quá thời gian và không gian, và không bao giờ đứng yên dù một giây. Nó hoạt động không ngừng, như người thở ra thở vào liên tục. Có thể gọi là “nhiễu quanh ngôi chùa không ngừng”.

Chân thực tại không phải vốn đã bị che dấu. Nó chỉ hình như thế đối với những con mắt vô minh. Chân thực tại vốn trong suốt như vật dưới ánh mặt trời, nhưng chúng sanh vô minh không thấy nó. Thật ra, bạn có thể nói rằng yếu tính của Phật pháp là thấy chân thực tại của mọi vật một cách đúng đắn. Khi Phật dạy Bát chánh đạo, trước hết ngài nói “chánh kiến”. Nếu bạn thấy đúng, thì bạn đạt được trí tuệ. Nếu bạn có trí tuệ, thì bạn được giải thoát. Như thế nếu chúng sanh còn mờ tối có thể thấy đúng, thì tất cả muộn phiền và đau khổ, phi lý và xung đột mà họ phải đối mặt sẽ biến mất. Đây là vì họ nhận ra rằng những vật đó vốn rỗng không, không căn để, trong khi bản tánh của họ là sáng chói và sâu xa vĩnh viễn.

Thay đổi từng khoảnh khắc là chết từng khoảnh khắc. Nói cách khác, nó cũng có nghĩa là tái sanh từng khoảnh khắc. Người ngu bám vào những khoảnh khắc qua mau và sống đời vô nghĩa, trong khi người trí tuệ hiểu rằng mọi vật thay đổi từng chốc lát. Hãy áp dụng nguyên tắc này vào cuộc sống hằng ngày, và sống tự do.

Không có gì trong vũ trụ còn mãi như cũ, dù trong tích tắc. Chỉ có thay đổi và biểu hiện, vì thế không có gì có thể mang theo mình. Vậy thì khi không có những tư tưởng cố định về “tôi”, đau khổ sẽ không tồn tại. Dù bạn không thể mang theo gì cả, bạn nghĩ rằng mình mang vài gánh nặng, và vì thế bạn tự ràng buộc với ý tưởng cố định này. Nếu bạn biết rằng mọi việc thay đổi trong khoảnh khắc, rằng mọi vật là trống rỗng, thì không có gì để bạn bám víu. Hình hài trống rỗng, tư tưởng trống rỗng, ngôn từ trống rỗng, tên tuổi và địa vị trống rỗng – mọi vật là trống rỗng.

Cái tôi nào là bạn? Khi bạn đứng, ngồi, động, tịnh, cái tôi nào thực sự là bạn? Cái tôi gặp gỡ bạn bè và cái tôi gặp anh em là hai cái khác nhau. Vậy cái nào thực sự là tôi? Cái “tôi” trẻ hay cái “tôi” già? Tôi thực sự là ai? Theo lối này, không có cái tôi bất biến; không thể dán nhãn hiệu lên bất cứ gì khác trong vũ trụ và nói “đây là…”. Như thế, nói rằng mọi vật trống rỗng không phải vì không có gì, nhưng vì nó thay đổi liên tục và chuyển biến.

Không không có nghĩa là không có gì. Không khởi lên vật chất, và không khác vật chất. Không biểu hiện liên tục như vật chất. Trong khi sống, nó chết; trong khi chết, nó sống – nó trôi chảy và thay đổi và không đứng yên chút nào. Không là không chết – nó là sống động. Trở nên Không nghĩa là trở nên đầy. Vì những biểu hiện và hoạt động của không là vô bờ bến, những thiền sư thường chỉ nói “không!” Đôi khi không đủ, vì thế các ngài lại lặp lại “không!” 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CÂU CHUYỆN CỦA PHẬT BẢO LIÊN HOA (HOA SEN QUÝ GIÁ)
  2. SỐ PHẬN VÀ ĐỊNH MỆNH
  3. THỰC HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP