TIẾN TRÌNH PHỔ QUÁT CỦA SỰ SỐNG VÀ CÁI CHẾT

SOGYAL RINPOCHE

Trích Tạng Thư Sống Chết
Nguyên tác “The Tibetan Book of Living and Dying” | Tác giả: Sogyal Rinpoche
Việt dịch: Ni Sư Thích Nữ Trí Hải

Giáo lý Trung Ấm nói với ta rằng, suốt quá trình các Trung Ấm của cuộc đời và của sự chết, mỗi khi ta có thể nhận ra và duy trì một ý thức bền bỉ về tính giác Rigpa hay tự tánh tâm, hoặc khi ta có thể kiểm soát tâm ý được phần nào, thì ta có thể đi qua cái cửa đó để tiến đến giải thoát.
(Trích “Tạng thư sống chết”, tác giả Sogyal Rinpoche)

Nhà vật lý David Bohm đã mô tả thực tại như là “sự toàn vẹn không gián đoạn trong dòng biến dịch”. Những gì được các bậc thầy thấy bằng trực giác toàn vẹn chính là dòng biến dịch ấy, cái toàn vẹn không gián đoạn ấy. Những gì mà trong vô minh chúng ta gọi là “sống”, và trong vô minh ta gọi là “chết”, chỉ là những phương diện khác nhau của cái toàn vẹn ấy. Đây là cái thấy rộng lớn có năng lực chuyển hóa, mà giáo lý Trung Ấm đã mở ra cho chúng ta, và được thể hiện bởi các bậc thầy tối thượng.

Những mặc khải của các Trung Ấm

Như vậy, nhìn sự chết qua con mắt thực chứng, chính là nhìn nó trong bối cảnh của sự toàn vẹn này, như một phần nhỏ của dòng biến dịch vô thủy vô chung. Tính độc nhất vô nhị, năng lực của giáo lý Trung Ấm nằm ở chỗ – qua sự chỉ rõ tiến trình cái chết – nó còn gợi cho ta cả tiến trình sự sống.

Bây giờ ta hãy nhìn vào những gì xảy đến cho một người chết, vào từng mỗi giai đoạn trong 3 giai đoạn cao điểm của cái chết:

  1. Ở cao điểm của tiến trình chết, khi mà tứ đại, cảm giác và tư tưởng đã chấm dứt hoạt động, thì bản chất tối hậu của tâm – Ánh sáng Căn bản được hiển lộ trong giây lát.
  2. Rồi, chỉ một thoáng, tia sáng của bản tâm ấy được trình diễn, chiếu ra dưới dạng âm thanh, màu sắc và ánh sáng.
  3. Kế tiếp, tâm thức người chết tỉnh dậy và đi vào Trung Ấm tái sinh; tâm phàm tình của y trở về, khoác một hình dạng gọi là “thân ý sanh” chịu sự sai khiến của nghiệp và thói quen quá khứ. Những nghiệp này lèo lái tâm phàm tình, bám lấy những kinh nghiệm huyễn hóa trong cõi Trung Ấm, xem như cái gì rất thực và chắc chắn. Vậy, theo giáo lý Trung Ấm chỉ cho chúng ta, chết nghĩa là gì? Không gì khác ngoài 3 giai đoạn của tiến trình tuần tự thể hiện của tâm thức: từ tự tính thuần tịnh của bản tâm, qua ánh sáng và năng lượng (tia tự chiếu của bản tâm), rồi đi vào sự kết tinh càng vững chắc thêm của một hình dạng tâm thức (thân ý sanh). Những gì mở ra một cách rõ rệt trong Trung Ấm chết, Trung Ấm pháp tánh, và Trung Ấm tái sanh là một tiến trình gồm 3 giai đoạn:
  • Đầu tiên, sự chấm dứt hoàn toàn hoạt động tâm vật lý đưa đến sự phô bày tinh chất tâm
  • Thứ hai, tia chiếu tự nhiên của nó.
  • Và: – Thứ ba là kết tinh của thân ý sanh.

Giáo lý còn cho ta biết thêm rằng: 3 giai đoạn ấy không chỉ diễn ra trong tiến trình chết, mà còn diễn ra ngay trong tâm ta vào lúc này, vào mọi lúc – trong những tư tưởng và cảm xúc của ta, và ở mọi tầng lớp kinh nghiệm tâm lý.

Theo tôi, đấy là một tri kiến thực cách mạng, thay đổi cái thấy của ta về mọi sự, nếu ta hiểu được. Một cách khác nữa để hiểu tiến trình này là nhìn vào những gì được hiển bày vào mỗi giai đoạn của sự chết. Giáo lý nói đến 3 mức độ của hiện hữu, từ đó có ra Phạn ngữ kaya (thân). Kaya ở đây nghĩa là chiều hướng, phạm vi hay căn bản. Ta hãy nhìn vào tiến trình 3 giai đoạn đó:

  1. Bản chất tuyệt đối, hiển bày dưới dạng Ánh sáng căn bản hay Điểm linh quang vào lúc chết, và được gọi là Pháp thân (Dharmakaya), chiều “chân không”, chân lý vô điều kiện, trong đó ảo tưởng, vô minh hay bất cứ loại khái niệm nào, đều chưa từng xâm nhập được.
  2. Tia năng lực và ánh sáng nội tại được trưng bày một cách tự nhiên trong Bardo pháp tánh, gọi là Báo thân (Sambhogakaya), chiều phúc lạc toàn vẹn, phạm vi của “pháp hỷ sung mãn” vượt ngoài mọi giới hạn nhị nguyên, ngoài thời – không.
  3. Phạm vi ngưng đọng thành hình dáng được hiển thị trong Bardo tái sanh, gọi là Ứng thân (Nirmanakaya), chiều biến hóa không ngừng. Hãy nhớ bây giờ rằng khi ta nhìn vào bản chất của tâm, ta cũng thấy nó có 3 phương diện ấy: thể của nó là chân không, như bầu trời; tướng hay bản chất của nó là tỏa sáng; và dụng hay năng lực của nó là đại bi vô ngại; cả 3 đều hiện diện đồng thời và hòa nhập làm một trong tính giác Rigpa. Đức Liên Hoa Sanh (Padmasambhava) mô tả nó như sau:

Trong tính giác này, 3 thân không rời nhau và hiện diện viên mãn như một:

  • Vì Nó trống rỗng, vô sanh nên là Pháp thân.
  • Sự sáng suốt của Nó biểu trưng tia chiếu tự nội của chân không ấy, nên là Báo thân.
  • Nó khởi lên không bị chướng ngại, không gián đoạn, nên là Ứng hóa thân.

Ba thân đầy đủ và hoàn toàn hiện diện này, chính là tinh chất của Nó. Như vậy, ba thân ám chỉ ba khía cạnh nội tại của tâm giác ngộ, và dĩ nhiên chúng cũng ám chỉ những khả năng khác nhau của nhận thức chúng ta. Phần đông chúng ta đều bị giới hạn trong cái thấy của mình, và chỉ nhận thức theo chiều Ứng hóa thân gồm những hình sắc và biểu hiện. Đấy là lý do tại sao đối với phần đông chúng ta, giây phút chết là một khoảng trống, một trạng thái quên lãng, vì chúng ta chưa bao giờ gặp, cũng chưa bao giờ phát triển một phương pháp để nhận ra thực tại Pháp thân, khi nó khởi lên dưới dạng Ánh sáng Căn bản hay Điểm linh quang. Chúng ta cũng không hy vọng gì nhận ra lĩnh vực Báo thân khi chúng xuất hiện trong Bardo pháp tánh. Bởi vì toàn thể cuộc đời ta đã được sống trong phạm vi nhận thức bất tịnh của những biểu hiện Ứng hóa thân, nên vào lúc chết ta được chuyển thẳng về lại trong chiều không gian ấy; chúng ta thức dậy, kinh hãi và tán loạn, trong Trung Ấm tái sanh, trong một thân ý sanh, xem những kinh nghiệm huyễn hóa là chắc thực, cũng như trải nhiều đời trước ta đã xem chúng là thực. Bị thúc đẩy bởi nghiệp cũ một cách đáng thương, chúng ta loạng choạng tiến về phía tái sanh.

Tuy nhiên, những vị tu chứng thì đã khởi lên một nhận thức hoàn toàn khác với chúng ta, một nhận thức trong suốt, tiến hóa, thanh tịnh đến nỗi dù họ vẫn còn mang một thân xác con người, họ đã thấy được thực tại dưới hình thức hoàn toàn thanh tịnh, trong suốt, ở trong một chiều không gian vô biên. Và đối với họ, như ta đã thấy, kinh nghiệm về cái chết không đem lại sợ hãi hay bất ngờ; trái lại còn được tóm lấy như một cơ hội để giải thoát rốt ráo.

Tiến trình trong giấc ngủ

Ba giai đoạn của tiến trình mà chúng ta thấy mở ra trong các trạng thái Trung Ấm cũng có thể thấy được trong các mức độ tâm thức trong đời sống. Hãy xét chúng dưới sánh sáng những gì xảy đến trong giấc ngủ:

  1. Khi ta ngủ, các giác quan và tầng thô của tâm thức tan rã, và dần dần bản chất tuyệt đối của tâm, có thể nói là Ánh sáng căn bản, lộ ra trong chốc lát.
  2. Kế tiếp có một chiều tâm thức, có thể so sánh với Bardo pháp tánh, vi tế đến nỗi ta thường hoàn toàn không ý thức ngay cả hiện hữu của nó. Có bao nhiêu người trong chúng ta khi ngủ, ý thức được cái lúc trước khi nằm mộng.
  3. Đối với phần đông chúng ta, tất cả những gì ta biết được chỉ là giai đoạn kế tiếp, khi tâm trở nên hoạt động trở lại, và ta thấy mình trong một thế giới chiêm bao tương tự Trung Ấm tái sanh. Ở đây ta có một thân mộng và kinh nghiệm của ta lúc thức, tất cả ta đều tin là chắc thực, không hề nhận ra mình đang chiêm bao.

Tiến trình trong tư tưởng và cảm xúc

Cũng chính tiến trình ấy có thể nhận thấy trong sự vận hành của tư tưởng và cảm xúc, và cái cách chúng khởi lên:

  1. Ánh sáng Căn bản, bản chất tuyệt đối của tâm, là trạng thái tối sơ của Tính giác Rigpa, hiện hữu trước khi bất cứ ý nghĩ hay cảm xúc nào khởi lên.
  2. Trong không gian vô điều kiện của nó, một năng lực căn để dấy động, tia chiếu tự nhiên của Tính giác bắt đầu khởi lên như nền tảng, khả năng và nhiên liệu cho cảm xúc sống sít.
  3. Năng lực này lúc ấy có thể khoác lấy hình dạng của ý nghĩ và cảm xúc, mà cuối cùng đẩy chúng ta vào hành động để tích lũy nghiệp.

Chỉ khi hành thiền thật quen thuộc, ta mới có thể thấy rõ tiến trình này:

  1. Khi ý tưởng và cảm xúc tuần tự im bặt, tan vào tự tánh tâm, ta có thể thoáng thấy tính giác trong phút chốc: Đó là trạng thái tối sơ.
  2. Rồi ta để ý rằng, từ sự vắng lặng yên tĩnh của tự tánh tâm, mở ra một chuyển động (Chuyển tướng, nói trong kinh Lăng Già – DG) và một năng lực sống sít đơn thuần: Đó là tia tự chiếu của tính giác.
  3. Nếu có một chấp thủ kèm theo sự sinh khởi của năng lực ấy, thì năng lực ấy đương nhiên kết tinh thành ý tưởng, ý tưởng này lại đưa chúng ta trở về hoạt động tâm thức và khái niệm.

Tiến trình trong đời sống hàng ngày

Ta đã thấy cái cách tiến trình này xảy ra trong ngủ và mộng, và trong sự hình thành ý tưởng cảm xúc. Bây giờ ta hãy nhìn nó xảy ra trong kinh nghiệm đời sống hàng ngày.

Điều này dễ thấy nhất khi ta nhìn kỹ một động tác mừng hay giận. Hãy xem xét nó, bạn sẽ thấy luôn luôn có một khe hở trước khi một cảm xúc khởi sinh. Cái giây phút dạt dào trước khi năng lực của cảm xúc có cơ hội khởi lên, là một giây phút của tỉnh thức thuần túy, trong đó ta có thể thoáng thấy Tính giác chân thực. Trong một thoáng chốc, bùa lực của vô minh bị đánh tan, chúng ta hoàn toàn tự do thoát khỏi nhu cầu hay khả năng chấp thủ, và cả đến khái niệm “bám víu” cũng trở thành dư thừa ở đây. Tuy nhiên, thay vì ôm lấy “tánh Không” của khe hở ấy, trong đó ta có thể tìm thấy phúc lạc của sự giải thoát, không vướng bận một ý tưởng, khái niệm nào, chúng ta lại tóm lấy sự bảo đảm khả nghi của cái màn kịch cảm xúc quen thuộc dễ chịu của chúng ta, được điều khiển bởi những khuynh hướng tập quán của ta. Đấy là cái cách mà một năng lực nội tại – vô điều kiện, khởi lên từ tự tánh đã được kết tinh thành một cảm xúc, cái cách mà sự thanh tịnh nguyên thủy bỗng bị nhuốm màu và vặn vẹo bởi cái thấy theo kiểu luân hồi sinh tử của chúng ta, để đem lại một nguồn tương tục cho những vọng tưởng tán loạn hàng ngày. Khi xét mọi khía cạnh của đời sống, ta sẽ thấy rằng chúng ta liên tục trải qua – trong ngủ và mộng, trong ý tưởng và cảm xúc – cũng một tiến trình ấy như trong các cõi Trung Ấm. Và giáo lý Trung Ấm cho ta thấy chính điều này mang lại cho ta vô vàn cơ hội để giải thoát, bây giờ cũng như khi chết. Giáo lý chỉ cho ta thấy chính tính chất, hình dạng và sự độc đáo của tiến trình này đã đem lại hoặc cơ hội giải thoát, hoặc khả năng tiếp tục mê lầm. Vì mỗi khía cạnh của toàn thể tiến trình đều đồng thời trao cho ta cơ hội giải thoát, hoặc cơ hội trầm luân.

Giáo lý Trung Ấm mở ra cho ta một cánh cửa, chỉ cho chúng ta làm thế nào ta có thể bước ra khỏi chu kỳ chết và tái sinh bất tận ngoài tầm kiểm soát. Giáo lý ấy nói với ta rằng, suốt quá trình các Trung Ấm của cuộc đời và của sự chết, mỗi khi ta có thể nhận ra và duy trì một ý thức bền bỉ về tính giác Rigpa hay tự tánh tâm, hoặc khi ta có thể kiểm soát tâm ý được phần nào, thì ta có thể đi qua cái cửa đó để tiến đến giải thoát. Tùy theo giai đoạn của Trung Ấm, tùy theo mức độ quen thuộc của bạn đối với cái Thấy về tự tánh tâm, và tùy theo chiều sâu của sự hiểu biết về tâm, ý nghĩ và cảm xúc bạn, mà sự nhận ra này sẽ sai khác.

Điều mà giáo lý Trung Ấm cũng dạy cho ta là những gì xảy ra trong tâm ta bây giờ trong đời cũng giống hệt như cái gì sẽ xảy đến trong các Trung Ấm sau khi chết vì cốt tủy vốn không có khác nhau; sống và chết là một, ở trong cái “toàn thể không gián đoạn” và “dòng biến dịch”. Chính vì vậy mà một bậc thầy Tây Tạng vào thể kỷ 17, Tsele Natsok Rangdrol giải thích những tu tập căn để cho mỗi giai đoạn Trung Ấm – đời này, chết, pháp tánh và tái sanh theo kiểu tình trạng hiểu biết hiện tại của ta về bản chất của ý nghĩ và cảm xúc, về tâm và nhận thức của nó:

Hãy nhận chân hết thảy tướng xuất hiện đều như mộng.

Chỉ do tâm người chiếu ra, như huyễn, không thật.

Không bám víu gì, an trú tánh Giác vượt ngoài mọi khái niệm.

Đây là tinh yếu tu tập trong bardo đời này.

Ngươi rồi sẽ chết, không gì thực sự hữu ích lúc đó.

Những gì người trải qua lúc chết chỉ do tâm thức biến ra.

Không tạo ý tưởng, để chúng tan biến trong tánh Giác bao la.

Đây là trọng tâm của tu tập trong bardo cái chết.

Bất cứ chấp thủ gì vào sinh hay diệt, thiện hay ác, đều là tâm ngươi.

Và tâm này là tia tự chiếu của Pháp thân, dù bất cứ gì sinh khởi,

Không bám vào các sinh khởi ấy, hay lập khái niệm về chúng, chấp nhận hoặc chối bỏ:

Đây là cốt tủy sự tu tập cho bardo pháp tánh

Sinh tử cũng tâm ngươi, Niết-bàn cũng tâm ngươi.

Mọi lạc khổ, vọng tưởng không ở đâu ngoài tâm.

Vậy hãy đạt đến sự tự chế tâm ngươi.

Đây là trọng tâm của bardo tái sanh.

???

Nguồn: Tạng Thư Sống Chết

Nguyên tác “The Tibetan Book of Living and Dying”

Tác giả: Sogyal Rinpoche

Việt dịch: Ni Sư Thích Nữ Trí Hải

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TÂM VÀ TỰ TÍNH CỦA TÂM
  2. LUYỆN TẬP CHÁNH NIỆM
  3. TÍNH SÁNG TẠO-THIỆN TÂM

Bài viết mới

  1. ĐỨNG DẬY SAU VẤP NGÃ
  2. CHUYỂN HÓA TÂM THỨC, LỜI KHUYẾN TU TỪ NGƯỜI BẠN LÀNH
  3. ĐỘT NHẬP VÀO HỆ ĐIỀU HÀNH CỦA NỀN VĂN MINH NHÂN LOẠI