TÍNH LIÊN TỤC CỦA Ý THỨC

JAMGON KONGTRUL RINPOCHE

Trích: Kinh Vua Của Định; Khenchen Thrangu Rinpoche bình giảng, Hoàng Lan dịch; NXB Tôn Giáo, Sách Thiện Tri Thức.

HỌC TRÒ: Thưa Rinpoche, Ngài có thể làm sáng tỏ câu nói rằng mọi hiện tướng xuất hiện do duyên sinh tương thuộc không ạ?

RINPOCHE: “Duyên sinh tương thuộc” có nghĩa là một vật xuất hiện tùy thuộc vào một vật khác, không có bất kỳ sự hiện hữu cứng chắc nào của chính nó. Như là chúng ta đã giải thích trước đây, một hiện tướng của một cái gì đó là “dài” tùy thuộc vào ý tưởng “ngắn”. Hiện tướng của một cái gì đó “ngắn” tùy thuộc vào ý tưởng “dài”. Nó cũng tương tự với những phương diện khác – “tốt” tùy thuộc vào “xấu”, trong khi “xấu” tùy thuộc vào “tốt”. Mọi thứ đều giống như thế. Bản chất của các sự vật trống không và không sở hữu bất kỳ đặc tính nào trong số này. Nhưng, do sự tùy thuộc, có phải là thật không khi các sự vật trong kinh nghiệm của chúng ta có vẻ như có những đặc tính này? Điều này là ý nghĩa của câu nói “mọi hiện tướng sinh khởi trong sự tùy thuộc.”

HỌC TRÒ: Chúng ta nên hiểu theo đúng nghĩa đen như thế nào về chuyện Đức Phật có những đời sống trước đây? Có phải là những ví dụ về cái gọi là “những đời sống trước đây” chỉ là những chứng minh có tính tượng trưng mà Ngài đã đưa ra để giúp chúng ta hiểu những giáo lý của Ngài?

RINPOCHE: Đức Phật thật sự đã sống những đời sống trước đây. (Cười to) Vậy, các bạn sẽ nói gì về điều này? (Cười to).

HỌC TRÒ: Vài ngày trước, Rinpoche đã thảo luận về tinh túy của Như Lai Tạng (Phật tánh). Ngài dùng ẩn dụ về chuyện người ăn xin không biết có vàng chôn ở dưới nhà, mặc dù vàng luôn ở đó. Nó không thay đổi, mặc dù bị che phủ. Nếu chúng ta hiểu điều này theo nghĩa đen và nói rằng Như Lai Tạng là không thay đổi, liệu đấy có phải rằng chúng ta cho là có một cái gì đó tồn tại một cách tối hậu? Liệu có tốt hơn không khi nói rằng nó không thay đổi, nhưng nó cũng không như cũ? Rằng nó thoát khỏi sự thay đổi và không thay đổi. Nếu không, nó giống như là một thực thể có thật hiện hữu.

RINPOCHE: Đúng là bản chất, hay tinh túy của Như Lai Tạng là không thay đổi. Nhưng tại sao điều ấy lại được khẳng định. Bởi vì bản chất hay tinh túy này là tánh Không trong bản tánh, nó không được tạo lập bởi bất kỳ sự hiện hữu có bản chất nào, nó được nói rằng tinh túy của Như Lai Tạng là không thay đổi. Bất cứ điều gì là có hiện hữu vật chất cụ thể không thể nào không thay đổi. Điều đó là không thể.

Nó là sự vắng mặt của bản chất cứng chắc mà Đức Phật đã mô tả trong các bản Kinh Bát Nhã, khi nói về mười sáu loại tánh Không. Phật tánh không có bản chất cứng chắc. Nhưng liệu điều này có nghĩa là Phật tánh giống như không gian không? Không. Như tôi đã nói trước đây, không gian và Phật tánh, hoặc bản tánh của tâm là không giống nhau. Không gian là “tánh Không chết” hoặc “tánh Không vật lý”. Một người có tâm được gọi là “người đang sống” trong khi cũng thân ấy không có tâm thì được gọi là “xác chết” hoặc “người chết”. Tương tự, bản tánh của tâm không được gọi là “tánh Không chết” như là trong trường hợp của không gian, cái hoàn toàn không có bất kỳ phẩm tính nhận biết nào. Phật tánh không có bản chất nhưng không chết như là một cái xác, nó có thể biết hoặc kinh nghiệm bất cứ cái gì diễn ra. Bạn có thể tự mình khám phá, nó không quá phức tạp. Hãy cố gắng nhìn vào tâm của chính mình, vào cái đang tri giác. Bạn có tìm thấy bất cứ cái gì không? Không. Nhưng cùng lúc, điều này có phải là trong một khoảnh khắc, thân của bạn biến thành một xác chết? Không. Tại sao? Bởi vì vẫn có tính biết, khả năng biết hoặc lĩnh hội. Đó là cái mà đôi khi được gọi là “quang minh” hoặc “trí huệ”. Đây là sự khác biệt giữa không gian và Phật tánh. Phật tánh vừa trống không vừa rõ biết, và bởi vì sự nhận biết trống không này, Phật tánh được nói là không thay đổi.

RINPOCHE: Bây giờ, tôi có một câu hỏi dành cho người đã hỏi về những đời sống trước đây của Đức Phật là thật sự hay chỉ là tượng trưng. Câu hỏi của tôi là “Tại sao bạn lại hỏi câu này? Có phải là bởi vì bạn cân nhắc rằng Đức Phật an trụ trong trạng thái giác ngộ bổn nguyên? Hay là bởi vì bạn không tin vào những đời sống trước của một vị Phật?”

HỌC TRÒ: Tôi có khó khăn khi hiểu về sự tái sinh.

RINPOCHE: Không chỉ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni) có những đời sống trước, mà tất cả chúng sinh đều có những kiếp sống trước đời hiện tại này. Họ cũng sẽ kinh nghiệm một đời sống tiếp theo. Chúng ta không chỉ có một hoặc hai đời sống; chúng ta đã kinh nghiệm vô số đời sống trong sinh tử, được xem là không có điểm khởi đầu. Đức Phật nói rằng chúng ta sẽ tiếp tục tái sinh hết đời này sang đời khác, trừ khi chúng ta đạt giải thoát và giác ngộ. Chúng ta chấp nhận điều này vì là những Phật tử.

Bây giờ, chúng ta có thân thể, lời nói và tâm. Để phương diện âm thanh sang bên cạnh bởi vì tự thân nó không có nhiều tính liên tục, hãy thảo luận về những phương diện của thân và tâm. Khi các nhà khoa học giải thích về nguồn gốc của các sự vật, ví dụ như là một hòn sỏi, họ sẽ nói nhiều. Hòn sỏi đến từ đâu? Nó có phải là một mảnh vỡ từ một ngọn núi, lăn xuống đồi, được đánh bóng và bây giờ, có thể được gọi là một “hòn sỏi”. Nhưng bản chất thật sự của nó đến từ đâu? Họ có thể thảo luận nguồn gốc của đá và cách nó hình thành, có một lượng thông tin khổng lồ. Cũng tương tự như vậy khi xem xét cơ thể con người. Nó không xuất hiện một cách ngẫu nhiên. Một thân người sinh khởi từ những nguồn gốc như là gen của cha mẹ và vân vân. Có nhiều thứ để nói khi truy tìm về nguồn gốc của các sự vật.

Khi thảo luận về tâm, khoảnh khắc của thức, khả năng chủ tâm và lĩnh hội đến từ đâu? Nó đến từ khoảnh khắc của thức trước đó. Mỗi giây phút tạo nên hoàn cảnh cho một khoảnh khắc mới của thức hiện hữu. Không có những cấu phần vật chất của thân thể có thể tạo ra khả năng này của thức. Do đó, chúng ta có thể hiểu một cách dễ dàng rằng ý thức không xuất hiện một cách đột ngột trong khi chúng ta đang trải qua những giai đoạn khác nhau của đời sống phôi thai trong bụng mẹ. Thức chỉ xuất hiện từ một cái gì đó có thể tạo ra nó, đó là khoảnh khắc trước đó của ý thức. Nó rất rõ ràng rằng ý thức phải tồn tại trước khi khái niệm xảy ra trong dạ con. Do đó, phải có những đời sống trước đây so với đời sống này.

Hãy nhìn vào thực tại rằng ngày hôm nay, chúng ta có thể tri giác và có ý thức. Liệu điều này có nghĩa là có thể ngày mai, tâm sẽ không còn hiện hữu, rằng bạn sẽ sống không có tâm? Không. Nó không xảy ra như thế. Có một sự tiếp nối của thức bất kể là mối liên hệ giữa thân và tâm có bị đứt đoạn hay không. Dựa trên lý luận này, chúng ta có thể cảm thấy chắc chắn rằng sẽ có những đời sống tương lai, Không có gì có thể làm đứt đoạn tính liên tục của ý thức. Sẽ có những kinh nghiệm thêm nữa để trải qua trong tương lai. Đây là những gì Đức Phật dạy, và nó được chấp nhận bởi tất cả các trường phái Phật giáo.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. BỔN TÔN – SUỐI NGUỒN CỦA NHỮNG THÀNH TỰU

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ