KOITSU YOKOYAMA
Nhờ những tiến bộ thật đáng kinh ngạc trong khoa học tự nhiên, chúng ta đã biết sự sống trên trái đất này được bắt đầu cách đây gần 3,6 tỉ năm. Chúng ta cũng biết không có sự sống nào khác trong hệ mặt trời, ngoại trừ sự sống trên trái đất này. Chúng ta có thể sẽ không bao giờ khám phá ra được sự sống trên một hệ sao nào đó, giống như sự sống trên trái đất này. Thế giới mà chúng ta đang sống thật sự là hiếm hoi và tràn trề ân phúc!
Tôi có dịp nghỉ hè một tuần trong ngôi nhà của một người bạn ở Tadeshima. Thật thú vị khi đi dạo quanh khu rừng và thung lũng, hít thở bầu không khí trong lành buổi sáng. Cỏ cây mà tôi nhìn thấy trên đường thật tuyệt! Tôi đã học để biết tên chúng, và luôn ngạc nhiên trước những tạo vật xinh đẹp ấy. Hình dạng của chúng phong phú một cách tự nhiên, cả về màu sắc và kiểu dáng. Sức sống của thiên nhiên thật sự kỳ diệu. Và thật đáng kinh ngạc khi biết rằng, còn có các sinh vật đang sống bên dưới độ sâu hàng ngàn mét dưới đáy biển!
Vì sao lại có vô số sự sống trên trái đất này? Lời đáp khả dĩ cho câu hỏi, chính là một quyền năng sáng tạo nào đó đã tạo ra chúng theo một kế hoạch hoàn hảo. Tôi không tin vào điều này. Suy nghĩ của tôi nghiêng nhiều hơn về khoa học, tôi thích nghĩ đã có một sức sống phổ quát nào đó mà mọi sinh vật chia sẻ, và các dạng khác nhau của sự sống đều xuất hiện dựa trên việc được tiếp nhận năng lượng sống cơ bản này. Mọi sinh vật, ngay cả cỏ cây, vi khuẩn và côn trùng đều có ý chí sống – tất cả đều tiếp nhận năng lượng sống.
Tôi cho rằng sự gắn bó vào cái tôi nằm phía sau ý chí sống. Bạn cũng có thể phản đối, vì cây cỏ thì không có tâm trí, chúng không có những trạng thái tinh thần về sự gắn bó. Tuy nhiên, tâm trí có sự gắn bó không nhất thiết như là những trạng thái tinh thần được thấy ở con người, vốn thường rối ren với những lời nói và cảm xúc. Những gì tôi muốn nói ở đây là ý chí sống theo một ý nghĩa tinh tế nào đó, cũng bao gồm sự gắn bó với bản thân, cho dù nó được thể hiện một cách đáng buồn ở con người. “Tâm trí có sự gắn bó” được thể hiện đơn giản chỉ là sự tự bảo vệ, tự sinh sôi nẩy nở, mặc dù vô cùng đa dạng, và tồn tại trong mọi sự sống.
Sức mạnh của sự sống phổ quát mà tôi đề cập, chỉ là các dạng năng lượng. Sức mạnh ấy được ẩn giấu trong mỗi vi khuẩn, mỗi côn trùng, mỗi động vật, và mỗi con người. Tôi muốn định nghĩa sức mạnh phổ quát ấy là “cội nguồn” của sự sống, vì sức mạnh ấy chính là gốc rễ. Đây chính là cội cây qua đó các mầm chồi sẽ trở thành một thân cây, và từ đó thân cây sẽ được phân chia và lan rộng thành nhiều nhánh, mỗi nhánh sẽ xoè rộng thành một tán lá với những chiếc lá đa dạng. Trong ẩn dụ này, mỗi chiếc lá được tượng trưng cho mỗi cá thể chúng sinh. Có một sự khác biệt về kích thước và hình dạng, tuy nhiên tất cả mọi sinh linh đều chia sẻ chung một cội nguồn là ý chí sống.
Ở đây tôi cũng muốn chuyển sang ý tưởng rằng, khi thật sự yêu thương những người khác, chính là khi chúng ta công nhận cội nguồn được chia sẻ chung này và từ đó yêu thương họ. Ý tưởng đã khiến tôi nhớ đến những lời dạy của Thánh Yäjnavalkya:
Được yêu thương không giúp con người trở nên đáng yêu hơn. Chính việc yêu thương tự ngã mới giúp họ trở nên đáng yêu hơn.
Tự ngã ở đây đề cập đến thực tại tâm linh ở mỗi cá nhân, đồng thời cũng là thực tại phổ quát. Thánh Yäjnavalkya đã nói, tình yêu thương dành cho những người khác không chỉ đơn thuần là tình yêu thương các cá thể, mà chính là tình yêu thương thực tại phổ quát bên trong mọi cá thể. Ý tưởng của tôi về sức sống cội nguồn đã chịu ảnh hưởng bởi quan điểm của Thánh Yäjnavalkya về tự ngã. Tình yêu thương dành cho những người khác cũng có nghĩa là tình yêu thương cội nguồn và các hoạt động sống cơ bản bên trong họ.
Tuy nhiên, sẽ là điều khó khăn để duy trì cảm giác yêu thương này. Một cảm giác thật sự mạnh mẽ về sự gắn bó với bản thân đang tác động, và ý thức về bản ngã cá nhân sẽ tạo ra sắc thái cho bất cứ điều gì mà tôi trải nghiệm. Nếu không cẩn thận, ý thức bản ngã có thể làm biến dạng các nhận thức của chúng ta, ngay cả về một điều gì đó thật thuần khiết như là cội nguồn của sự sống mà tất cả chúng ta đều chia sẻ.
Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta hãy tiêu diệt ý thức bản ngã – không chỉ nhằm đảm bảo hạnh phúc cho chính chúng ta, mà còn khiến cho chúng ta có thể thật sự yêu thương những người khác. Trong thế kỷ 21, sự gia tăng dân số toàn cầu và sự cạn kiệt nguồn tài nguyên sẽ không dành chỗ cho những hành vi ích kỷ. Chúng ta cần phải cùng nhau gánh vác trách nhiệm với thế giới. Chúng ta hãy đặt dấu chấm hết cho lối suy nghĩ vị kỷ và tách biệt!
Với lối “suy nghĩ vị kỷ và tách biệt”, chúng ta nhìn nhận thế giới trong phạm vi hai mặt đối lập, lối suy nghĩ đã phân chia tất cả mọi thứ thành “cái này” và “không phải cái này”, “hiện hữu” và “không hiện hữu”, “cái tôi” và “không phải tôi”, “tốt” và “xấu”… và cứ thế.
Lối suy nghĩ phân biệt nằm ở trung tâm đời sống xã hội, kinh tế và chính trị của chúng ta. Việc quá chú trọng vào các phạm trù đối lập đã dẫn đến rất nhiều vấn đề. Điều cơ bản nhất, chúng ta cần phải nghĩ rằng các phạm trù này chỉ tồn tại theo cách chúng được chúng ta nhận thức, với lời nói và khái niệm. Sự đối lập được phóng chiếu vào thế giới quanh ta cho đến khi cả thế giới bị chúng nuốt chửng.
Tuy nhiên, chúng ta cần phải thành thật tự hỏi mình trong thực tế, cái tôi và những thứ không phải tôi có thật sự khác biệt không? Các khái niệm “hiện hữu” và “không hiện hữu” có thật sự biểu hiện phương thức tồn tại của sự vật không? Một khi chúng ta bỏ qua các khái niệm “hiện hữu” và “không hiện hữu” và suy nghĩ một cách sâu sắc hơn về bản chất của thực tại, sự tách biệt lầm lạc sẽ đột nhiên biến mất như là những giọt nước nhanh chóng bốc hơi trong lòng chảo nóng.
Về cơ bản, tất cả các tôn giáo đều nhất trí rằng, mọi vật không thật sự hiện hữu theo cách chúng ta nghĩ chúng hiện hữu. Tôi cho rằng đây chính là điều mà tất cả mọi người phải chấp nhận và là cơ sở để tất cả các tôn giáo có thể tồn tại. Những điều này đã giải thích vì sao chúng ta lại ngưỡng mộ những con người không bị cám dỗ bởi các lạc thú phù phiếm trên thế gian.
Một khi chúng ta bắt đầu tin rằng mọi vật đều không thật sự hiện hữu theo cách chúng ta nghĩ chúng hiện hữu, thế giới sẽ bắt đầu trình hiện với ta một cách trực tiếp và tràn đầy năng lực, trong đó sự “không hiện hữu” cũng có ý nghĩa như là sự “hiện hữu”. Trong khi dưới ảnh hưởng của tư tưởng nhị nguyên, chúng ta đã tuyệt vọng bám víu vào sự hiện hữu và lo sợ về sự không hiện hữu. Vào lúc này, chúng ta đang hiện hữu, tuy nhiên chúng ta lo sợ cái chết bởi nó sẽ đem lại một kết thúc về sự hiện hữu của chúng ta. Một khi các gọng kìm của suy nghĩ nhị nguyên đã được nới lỏng, những điều lo sợ sẽ bắt đầu tan biến dần.
Cái nhìn của ta về các sự vật không dễ dàng thay đổi, nhưng bạn hãy tin rằng nếu suy ngẫm thấu đáo về những vấn đề này, một cuộc sống mới sẽ hiện hữu! Điều đó khá trừu tượng. Chúng ta có thể sử dụng quan điểm này ra sao trong cuộc sống hàng ngày của mình? Chúng ta hãy xem xét ý thức về “cái tôi” khi chấp nhận không mảy may nghi ngờ ý tưởng có một “cái tôi”, một “cái tôi” đang sống và trải nghiệm cuộc sống đầy đau khổ và lo lắng này. Chúng ta không thể kết thúc sự lo lắng vì sự lo lắng đi kèm với việc bám víu vào bản thân. Tương tự, chúng ta sẽ khóc than khi nghĩ “cái tôi” này vào một ngày nào đó sẽ không còn tồn tại. Bị chao đảo giữa các thái cực trong sự hiện hữu và không hiện hữu, chúng ta không tìm thấy được sự thanh thản.
Có rất nhiều người suy nghĩ theo cực đối lập: cái tôi không hiện hữu một cách tuyệt đối. Tuy nhiên bản thân chúng ta, cuộc sống của chúng ta lại không phải là không hiện hữu một cách tuyệt đối.
Chúng ta không hiện hữu theo cách phóng đại quá mức của tâm trí, tuy nhiên cũng không phải chúng ta tuyệt đối không hiện hữu. Thật lý tưởng nếu như chúng ta có thể nhận thức được ngay lập tức thực tế này mà không phải điều chỉnh từng chút một lối suy nghĩ của mình, nhưng chúng ta cần có thời gian để thay đổi các thói quen. Ngay cả khi buông bỏ được ý tưởng “cái tôi”, chúng ta vẫn phải chăm sóc bản thân và có trách nhiệm hơn với những người khác. Cả cái tôi lẫn những người khác đều không hiện hữu như cách chúng ta nghĩ chúng hiện hữu. Chính sự tương thuộc một cách sâu sắc đã khiến chúng hiện hữu. Chúng ta hãy ghi nhớ điều này trong tâm trí khi cố gắng loại bỏ sự ràng buộc với cái tôi.
Những đau khổ và thảm hoạ diễn ra có nguyên nhân cơ bản nằm ở thực tế là chúng ta cho phép chính mình bị dối lừa bởi những gì tâm trí ta đã phóng chiếu vào thế giới này, nghĩ rằng việc đuổi theo những gì tưởng tượng sẽ khiến chúng ta hạnh phúc.
Vì vậy, trách nhiệm của chúng ta là hướng cái nhìn vào bên trong nhằm xem xét vụ nổ Big Bang của tâm trí. Vũ trụ được tạo ra từ vụ nổ Big Bang cách đây khoảng 150 tỷ năm, và ngày nay vũ trụ vẫn đang tiếp tục mở rộng. Tuy nhiên, chúng ta còn biết một vụ nổ Big Bang khác mà tâm trí tạo ra vào mỗi buổi sáng. Có thể nói rằng, vào mỗi buổi sáng, chúng ta thường bắt đầu một “vụ nổ Big Bang”. Giây phút chúng ta thức tỉnh từ trong những tầng sâu của giấc ngủ, bên ngoài không gian và thời gian, toàn bộ thế giới vô tận đã được thiết lập trong không gian và thời gian sẽ tái trình hiện cho chúng ta chỉ trong một lần duy nhất. Đây chính là một thực tại mà chúng ta trải nghiệm vào mỗi sáng.
Thế giới này ngay lập tức sẽ được biến đổi thành một thế giới với những sự vật tách rời, như “cái tôi” và “những điều khác”. Thế rồi sẽ xuất hiện những suy nghĩ “Hôm nay tôi phải làm gì?” “Hôm nay tôi phải hoàn thành việc này, việc kia”. Theo cách đó, ngay khi chúng ta thức tỉnh, “thế giới thô mộc” sẽ được tô điểm một cách phức tạp bằng những lời nói và suy nghĩ, những cảm xúc và lo lắng; sẽ bị biến đổi thành một thế giới nhị nguyên. Chúng ta đã sống mỗi ngày, cùng với vụ nổ Big Bang trong tâm trí mỗi buổi sáng thức dậy khiến chúng ta chao đảo.
Chúng ta dễ bị ảnh hưởng bởi những lời nói, suy nghĩ và cảm xúc. Một khi bị những lời nói và suy nghĩ vùi dập, chúng ta sẽ mất phương hướng sống. Tuy nhiên, nếu như các ý niệm về sự căm ghét không xuất hiện trong tâm trí thì sẽ không có một hình ảnh đáng ghét xuất hiện trước mặt chúng ta. Sẽ chỉ có những hình ảnh không phải là người đáng ghét cũng không phải là người không đáng ghét. Chúng ta đã tạo ra màu sắc đáng ghét cho những người đó bằng suy nghĩ và lời nói của chính mình, đó chính là cách chúng ta nhận thức thế giới khác biệt so với thực tại. Tôi đã tạo ra nó, vì vậy tôi có thể nói rằng, tôi đã khiến cho nó xuất hiện khác biệt so với chính nó.
Thế giới bừng tỉnh trong giây phút chúng ta thức dậy. Lúc ấy, tâm trí ta sẽ tự động chuyển đổi nó thành một thế giới, nơi cái tôi và những thứ không phải tôi là trong trạng thái đối lập, nơi những suy nghĩ và lo lắng về các sự việc thường xuyên dâng trào, dẫn đến giận dữ và đấu tranh. Theo đó, mỗi ngày sẽ đi vào hiện hữu. Năm tháng trôi qua, và cuộc sống đầy những căm ghét, đấu tranh và lo lắng sẽ đi qua cứ như là một khoảnh khắc. Cuộc sống chỉ là sự phù phiếm! Vì thế, chúng ta cần phải quyết định để thoát khỏi bãi lầy này càng nhanh càng tốt.
Cách tốt nhất để thoát khỏi bãi lầy này là gì? Điều trước tiên, từ thế giới về những nhầm lẫn và suy nghĩ nhị nguyên, chúng ta cần phải phát triển được sức mạnh để có thể quay trở lại thế giới thật sự, không bị ô nhiễm bởi cảm xúc. Chúng ta cần phải thực hành thiền định, sao cho các hoạt động trong tâm trí nhường chỗ cho việc quán niệm và tập trung vào trí huệ. “Quán niệm” chính là khả năng “làm rõ và không được quên lãng”. Quán niệm là sức mạnh nhằm thực hành thiền định và tập trung một cách vững vàng vào hơi thở cho đến khi ta cảm nhận được thực tại một cách chắc chắn, sự đối lập nhị nguyên sẽ tan biến, tâm trí ta sẽ tĩnh lặng và thực tại đích thực sẽ xuất hiện. Đó chính là ý nghĩa của việc “tập trung”. Thế giới “như nó hiện hữu thực sự” sẽ xuất hiện trong tâm trí ổn định. Đây chính là hoạt động của “trí huệ”.
Theo cách này, tâm trí sẽ bắt đầu từ việc quán niệm và phát triển theo hướng trí huệ. Thông qua tiến trình thanh lọc, bản thân chúng ta sẽ có khả năng tiếp nhận thực tại đích thực. Tiền bạc, địa vị, danh tiếng và những điều tương tự, chỉ là những hình ảnh sai lạc từ thế giới bên ngoài.
Chúng không thật sự là điều tốt đẹp. Việc nhận thức được đâu là thực tại đích thực và không tách rời khỏi tâm trí chúng ta, mới là điều quan trọng hơn hết.