TỐI GIẢN, ĐẠO ĐỨC VÀ TÔN GIÁO

DOMINIQUE LOREAU

Trích: Nghệ Thuật Tối Giản - Có Ít Đi, Sống Nhiều Hơn; Alex Tu Dịch; Nhà Xuất Bản Hồng Đức

—–???—–

Nơi sa mạc trống rỗng, khắc nghiệt lại chính là nhà của người du mục, vốn là những người chỉ sở hữu những gì họ thật sự cần – đó không phải là “sở hữu”, mà là nhu cầu thiết yếu. Hãy cẩn thận với đạo đức và tôn giáo, đặc biệt là khi hai thứ này quá xa rời cuộc sống thực tế. Chúng ta không cần phải sống trong một cộng đồng nào đó để có lòng trắc ẩn và sự khiêm tốn. Chúng ta cũng không nhất thiết phải sống tối giản bằng cách từ bỏ kiến thức và sống cuộc đời của một kẻ chăn chiên mù chữ. Ngược lại, tối giản có thể đạt được thông qua việc mở rộng nhận thức của chúng ta về thế giới và đàm luận về sự mênh mông của nó.

Con đường dẫn đến sự khiêm tốn, trung thực, thẳng thắn và trắc ẩn bắt đầu từ cách chúng ta sống cuộc sống của mình. Tại sao chúng ta luôn phấn đấu để trở thành người giỏi nhất, giàu nhất, thông minh nhất? Tại sao chúng ta lại không ngừng tìm cách để hạ thấp người khác bằng kiến thức, quyền lực và đồng tiền? Bằng cách sống đơn giản, với thật ít đồ đạc, chúng ta sẽ bãi bỏ mọi bất công, thói tiêu dùng vô tội vạ và sự kém cỏi về thẩm mỹ, cùng với định kiến và những quy ước xã hội.

Chúng ta có thể sống thoải mái hơn nếu thực hành sự khổ hạnh hợp lý trong khi xung quanh chúng ta là thói ăn tiêu xa xỉ bất công và thừa thãi. Ở nước Nhật thời xưa, các bậc chân tu sống một đời đơn giản và nghèo khó nhưng lại được ca ngợi trong các tác phẩm nghệ thuật. Họ sống trong một ngôi nhà nhỏ nhắn, ăn ít, sở hữu ít và hiếm khi ra ngoài giao du với ai.

Tích lũy đồ vật chỉ vì chúng quý giá hoàn toàn vô nghĩa. Chúng ta không nên coi trọng những đồ vật như thế hơn cuộc sống, thời gian và năng lượng của bản thân.

Cuộc sống đơn giản không chỉ là thử thách bản thân bằng những bữa ăn đạm bạc. Cuộc sống đơn giản còn có nghĩa là khát khao vươn tới một đẳng cấp tư duy cao hơn, một cách sống phi thường. Là tôn trọng mọi thứ, khám phá niềm vui ẩn chứa trong từng sự việc đơn giản mỗi ngày. Là tận dụng tất cả mọi thứ xuất hiện trên hành trình của chúng ta.

Người lãng phí không có khả năng biết ơn vì những gì họ có. Họ có thể sở hữu đến ba chiếc xe hơi nhưng vẫn không thấy thỏa mãn. Có rất nhiều niềm vui có thể đến với chúng ta mà không đòi hỏi chúng ta phải bỏ ra thứ gì, nhưng nhiều người lại không biết cách tận hưởng: đó là thư viện với hàng chục nghìn cuốn sách, là những khu rừng để đi dã ngoại, là những chương trình radio bổ ích… Định nghĩa đúng nhất về sự lãng phí đó là sở hữu những thứ mà chúng ta không thích hoặc không sử dụng. Khi có quá nhiều, chúng ta sẽ bỏ qua rất nhiều cơ hội.

Tối giản đòi hỏi sự cân bằng. Cân bằng có nghĩa là biết chúng ta coi trọng thế giới vật chất bao nhiêu và biết sử dụng hiệu quả những lợi thế của niềm hạnh phúc có sẵn quanh ta như thế nào. Cân bằng còn có nghĩa là sử dụng tiền bạc, thời gian và vật sở hữu một cách thông minh.

Sống tốt không có nghĩa là sống mà liên tục tự phủ nhận bản thân. Để sống tốt, chúng ta cần áp dụng một thái độ tích cực ngay cả khi phải đối mặt với cảnh thiếu thốn, và không phải đếm những đồ vật mình đang sở hữu để cảm thấy hạnh phúc. Có rất nhiều sự giàu có mà chúng ta chưa thể khám phá hết bên trong mỗi người.

—–???—–

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CHÚNG TA LÀ NHỮNG GÌ CHÚNG TA NGHĨ
  2. LÀM GIÀU CUỘC SỐNG BẰNG CÁC NGHI THỨC
  3. SẠCH SẼ LÀ ĐẠO ĐỨC

Bài viết mới

  1. HÀO PHÓNG – VẼ LẠI NHỮNG LẰN RANH
  2. NHỮNG KẺ ĐỊCH THÂN CẬN
  3. KHẢ NĂNG TRUYỀN CẢM HỨNG