TRAU DỒI HIỂU BIẾT VÀ THỰC HÀNH PHÁP THÂM SÂU

HH. DALAI LAMA XIV

Trích: Trung Đạo, Đức Tin Trên Nền Tảng Lý Lẽ; Nguyên tác: The Middle Way; Người dịch: Thái An; NXB. Hồng Đức; Công ty CP VH Văn Lang, 2021

TRAU DỒI HIỂU BIẾT

Nếu bạn nghiêm túc về tu tập Phật pháp, điều quan trọng là trau dồi một hiểu biết tốt về giáo pháp. Trên hết, hãy đọc các bản văn. Càng đọc nhiều – càng mở rộng phạm vi học và đọc – bạn sẽ càng tìm được nhiều nguồn cho sự hiểu biết và thực hành của bản thân. Từ kết quả của nghiên cứu sâu và suy ngẫm về những gì đã học, sẽ đến lúc ở mỗi chủ đề, bạn đều có sự tin chắc rằng nó là như thế. Khi ấy, bạn đã thành tựu cái gọi là tư huệ, sự hiểu biết đến từ quán chiếu hoặc suy ngẫm. Trước đó, mọi hiểu biết của bạn chỉ là văn huệ, sự hiểu biết lý trí thuần túy, nhưng ở điểm đó nó chuyển biến. Sau đó bạn phải huân tập, biến nó thành một phần của thói quen hàng ngày. Càng huân tập, nó càng gắn liền với trải nghiệm.

Dĩ nhiên, liên quan đến đạo, có hai khía cạnh: phương pháp và trí huệ. Nói chung, hiểu khía cạnh phương pháp của đạo thì dễ hơn, và cũng dễ phát sinh sự tin sâu vào nó hơn. Nó gây ra những cảm xúc mạnh và tác động lớn. Nhưng ngay cả với khía cạnh trí huệ của đạo, dù các giai đoạn ban đầu như trau dồi hiểu biết và tin sâu là khó, một khi bạn đã có sự tin sâu rồi thì cũng có thể trải nghiệm những cảm giác và cảm xúc mạnh.

Tuy nhiên, bạn không nên có kỳ vọng ngắn hạn rằng một thứ như thế này tất yếu sẽ được thành tựu trong vòng vài năm. Liên quan đến độ dài thời gian thực hành, điều quan trọng là tìm cảm hứng từ những câu trong kinh điển. Kinh điển giải thích rằng, phải mất nhiều a tăng kỳ kiếp mới đạt giác ngộ viên mãn. Tịch Thiên (Shantideva), trong tác phẩm Nhập bồ đề hành luận (Bodhicharyavatara) có viết: Hãy cầu nguyện rằng chừng nào hư không còn và chúng sinh còn, cầu mong con vẫn còn để xua tan khổ ải của chúng sinh. Việc suy ngẫm về những cảm nghĩ này sẽ cho bạn sức mạnh và nguồn động lực. Nếu bạn luyện tâm theo cách ấy, dù cơ thể bạn có thể vẫn như cũ, tâm bạn sẽ thay đổi và chuyển hóa. Kết quả là hạnh phúc. Thành quả có mang lại lợi ích cho người khác hay không còn tùy thuộc nhiều yếu tố và điều kiện bên ngoài. Nhưng liên quan đến kinh nghiệm của chính chúng ta, lợi ích dứt khoát là có.

THỰC HÀNH PHÁP THÂM SÂU

Mỗi buổi sáng, sau khi thức dậy, trước khi bắt đầu ngày mới, hãy cố gắng định hình tư duy của bạn theo những hướng có ích. Ví dụ, bạn có thể nghĩ, “Cầu mong thân, khẩu, ý của tôi được sử dụng một cách trắc ẩn hơn để chúng trở thành sự phụng sự đối với người khác.” Đây là điều tôi thường làm. Nó khiến cuộc sống có ý nghĩa hơn. Tương tự, hãy khảo sát tâm bạn vào buổi tối trước khi đi ngủ. Hãy xem lại bạn đã sử dụng ngày hôm ấy như thế nào, nó có đáng giá không. Kể cả đối với người không theo tôn giáo, tôi tin rằng đây là một phương pháp có giá trị để tạo ra một cuộc sống ý nghĩa hơn, để cho khi tới cái kết của cuộc đời, bạn không cảm thấy ân hận hay hối tiếc. Bạn có thể buồn vì sắp lìa xa thế giới này, nhưng đồng thời, bạn có chút hài lòng vì đã sống cuộc đời mình một cách có ý nghĩa.

Một thói quen đặc biệt hữu ích mà bạn nên rèn luyện là quan sát các quá trình tư duy của chính mình, theo dõi điều xảy ra trong tâm để không hoàn toàn bị hấp thu trong đó. Chẳng hạn, khi chúng ta nảy sinh cơn giận, toàn bộ tâm trí hoặc cái tôi có vẻ trở thành cơn giận. Nhưng đó chỉ là bề ngoài. Với một chút kinh nghiệm, bạn có thể học cách đứng lùi lại khi cơn giận nảy sinh. Sẽ rất hữu ích nếu bạn có khả năng nhận ra tính chất hủy hoại của một cảm xúc tiêu cực ngay từ khoảnh khắc nó phát sinh. Điều này dĩ nhiên rất khó, nhưng bằng sự rèn luyện bạn có thể làm được. Khi đã quan sát được cơn giận của chính mình, bạn nhìn vào cơn giận và lập tức cường độ của nó bị giảm đi. Với sự dính mắc, buồn phiền, kiêu mạn… cũng tương tự. Thông qua rèn luyện và huân tập, trau dồi một thói quen hàng ngày, việc này trở nên khả thi.

Cũng có những cách để mở rộng giá trị con người ra bên ngoài, từ một cá nhân tới các thành viên gia đình, từ mỗi thành viên gia đình tới bạn bè của họ. Đó là phương thức để chuyển hóa gia đình, cộng đồng, cuối cùng là quốc gia và nhân loại. Nếu mỗi người tu dưỡng tâm mình, hiệu quả sẽ lan rộng và dẫn tới một thế giới tốt đẹp hơn. Sau khi tôi qua đời, sau bốn mươi hoặc năm mươi năm, có lẽ một thế giới tốt đẹp hơn sẽ đến, nhưng nếu muốn điều đó, bạn phải bắt đầu từ hôm nay, từ ngay lúc này.

Đó là điều tôi muốn chia sẻ với bạn.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG CÂU NÓI CỦA DALAI LAMA 14TH
  2. TÂM TỪ BI: CON NGƯỜI MÀ CHÚNG TA MUỐN TRỞ THÀNH
  3. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ