TRIẾT LÝ NGÀNH Y

Giáp Văn Dương

Tác gi: Nhà giáo Giáp Văn Dương

Trích: Báo Vnexpress ra ngày 25/8/2020

Tôi là một người làm giáo dục. Vì thế, một trong những chủ đề mà tôi quan tâm là triết lý giáo dục. Những suy ngẫm và trải nghiệm thực tế của tôi cho thấy, triết lý giáo dục là cái định hướng mọi hoạt động giáo dục của nhà trường và cả hệ thống giáo dục.

Không có triết lý giáo dục dẫn dắt, mọi hoạt động giáo dục sẽ trở nên mất định hướng. Thầy, trò, nhà trường, cả hệ thống giáo dục sẽ luôn ở thế chông chênh và chạy theo các phản ứng sự vụ.

Nói một cách ngắn gọn thì lý giáo dục cũng tương tự như triết lý sống của mỗi người. Triết lý sống chính là kim chỉ nam, định hướng cho việc tổ chức cuộc sống, đặc biệt là vào những lúc phải đưa ra những quyết định quan trọng, của mỗi cá nhân. Một người thực sự trưởng thành phải là một người có triết lý sống rõ ràng, giống như một nền giáo dục trưởng thành cũng phải có một triết lý giáo dục đúng đắn để dẫn dắt.

Tuy nhiên, dù được bàn thảo nhiều, và có cả đề tài cấp quốc gia nghiên cứu về chủ đề này, nhưng lựa chọn và xác lập một triết lý giáo dục đúng cho nền giáo dục hiện thời vẫn là một câu chuyện chưa có hồi kết.

Trên hành trình suy ngẫm và xác lập triết lý giáo dục cho riêng mình, tôi đã nhiều lần nhìn sang ngành y, xem triết lý giáo dục của ngành y là gì mà các thầy thuốc, bệnh nhân và gia đình, thường luôn đồng thuận và hành động nhất quán mỗi khi phải ra những quyết định lớn.

Rộng hơn, tôi thấy hệ thống y tế vận hành tương đối ổn định. Có thể khó khăn về cơ sở vật chất, về trình độ y bác sĩ, về ứng dụng công nghệ, nhưng về cơ bản, ngành y không bị rối loạn bởi các cải cách liên tục như ngành giáo dục.

Còn nhớ, ngày tôi thi đại học, bố tôi có nói: Cứ học nghề y hay nghề giáo cho chắc, vì thời nào đi nữa thì xã hội cũng vẫn cần hai nghề này.

Về đại thể, ngành y tế và giáo dục có nhiều điểm tương đồng vì đây là hai lĩnh vực an sinh xã hội quan trọng nhất, và đều có đối tượng phục vụ trực tiếp là con người. Thầy thuốc và thầy giáo cũng có nhiều điểm tương tự. Thầy thuốc thì an ủi và cứu chữa con người. Còn thầy giáo thì nâng đỡ và phát triển con người.

Thầy thuốc không thể chữa được mọi loại bệnh, cũng giống như thầy giáo không thể dạy được mọi thứ, nhưng cả hai đều là nơi nương tựa của con người, khi họ cần sự hỗ trợ nhiều nhất. Có lẽ đó là lý do xã hội đã tôn vinh những người làm nghề y và nghề giáo và gọi họ là Thầy.

Tuy nhiên, ngành y có một điều may mắn lớn hơn ngành giáo dục. Đó là, dù không gọi tên một cách tường minh và trang trọng, nhưng ngành y có một triết lý vững vàng để dẫn dắt, được thầy thuốc, bệnh nhân và xã hội đồng thuận. Triết lý đó được diễn giải rất ngắn gọn, và dễ hiểu đến mức bất cứ ai cũng có thể hiểu được và nhất trí: Còn nước còn tát!

Chính nhờ triết lý “Còn nước còn tát” này mà tôi chưa bao giờ thấy các y bác sĩ, bệnh nhân, gia đình bệnh nhân, hay những người có liên quan nao núng mỗi khi ra quyết định. Đối với họ, cứu người là chuyện đương nhiên, dù tán gia bại sản, dù chỉ còn một phần nghìn tia hy vọng. Triết lý của họ, kim chỉ nam cho hành động của họ thật mạch lạc và đơn giản: Còn nước còn tát!

Vì thế, tôi đã cho rằng, triết lý hành động của ngành y thực sự là: Còn nước còn tát! Thật sâu sắc, giản dị và dễ hiểu.

Tôi cũng đã mong đợi ngành giáo dục cũng có một triết lý giản dị, dễ hiểu và được đồng thuận cao như vậy làm định hướng hành động. Nhưng ngày đó, xem ra còn lâu mới đến.

Câu chuyện tìm hiểu về triết lý ngành y của tôi có lẽ chỉ dừng ở mức chiêm nghiệm cá nhân như vậy, nếu không có việc bùng phát dịch Covid-19 những ngày này, gây ra nhiều hệ lụy, không chỉ cho Việt Nam mà còn cả thế giới.

Bản thân chúng tôi cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 này, khi năm học trước, các con tôi phải nghỉ học tránh dịch kéo dài. Còn năm học này, mọi thứ vẫn nằm trong bất định.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến kinh tế-xã hội là rất lớn. Không cần phải phân tích bằng các con số, bảng biểu và lập luận thì mỗi người cũng đều trực tiếp cảm nhận được các ảnh hưởng này, trong sinh hoạt, trong nhịp sống xã hội, và trong thu nhập của gia đình.

Trước những hệ lụy nặng nề đó, ngành y tế và những người chịu trách nhiệm chống dịch sẽ phải ra những quyết định rất khó khăn và quan trọng, liên quan đến việc cứu kinh tế hay chống dịch triệt để.

Nhiều nước đã chọn giải pháp chống dịch vừa phải để cứu kinh tế, nên số người nhiễm dịch và chết tăng vọt. Nước Mỹ có nền y tế mạnh là vậy, mà đến hôm nay (22/8/2020) đã có gần 6 triệu người nhiễm và hơn 180 nghìn người chết. Châu Âu còn tệ hơn khi có hơn 3 triệu người nhiễm và hơn 200 nghìn người chết vì Covid-19.

Việt Nam chúng ta may mắn hơn rất nhiều khi bùng phát dịch Covid-19 đợt 1 chỉ có 328 trường hợp nhiễm và không có người chết trong gần 5 tháng. Nhưng trong đợt bùng phát thứ 2 này, chỉ trong khoảng 2 tháng, số ca nhiễm đã tăng lên gấp ba lần so với đợt 1 và có 27 người chết.

So với thế giới, Việt Nam đã và đang kiểm soát dịch Covid-19 rất tốt. Đó là một thực tế không thể phủ nhận. Người Việt Nam hoàn toàn có quyền tự hào về điều này.

Tuy nhiên, những hệ lụy về kinh tế – xã hội do dịch Covid-19 mang lại đã làm cho nền kinh tế gần như kiệt sức. Mức tăng trưởng kinh tế Quý 2 gần như bằng không, và nhiều khả năng sẽ âm trong Quý 3 nếu dịch tiếp tục kéo dài.

Sinh hoạt gia đình, nhịp sống xã hội và công ăn việc làm của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Không khí xã hội nói chung là ảm đạm.

Trước tình hình đó, nhiều ý kiến cho rằng, có lẽ cần phải nới lỏng kiểm soát dịch bệnh để cứu kinh tế. Rất nhiều ý kiến đã được đưa ra. Rất nhiều mô hình dự báo đã được chạy. Và rất nhiều kịch bản đã được thảo luận. Nhưng lựa chọn thì vẫn rối bời.

Trong hoàn cảnh này, cách tốt nhất là sử dụng triết lý sâu sắc mà giản dị của ngành y mà tôi đã nói ở trên để định hướng hành động: Cứu người là chuyện đương nhiên. Chống dịch là cứu người. Còn nước còn tát!

Vậy thì còn gì phải băn khoăn, còn gì phải nao núng nữa. Các y bác sĩ, những nhà quản lý cứ yên tâm mà chống dịch đến cùng.

Chống dịch là cứu người. Còn nước còn tát. Giản dị vậy thôi.

Bình luận


Bài viết mới

  1. CHINH PHỤC MỤC TIÊU
  2. CHÁNH NIỆM
  3. BỚT SỢ HÃI