TƯ DUY PHẢN BIỆN ĐÃ HẾT THỜI

SHOZO HIBINO

Trích: Tư Duy Đột Phá; Lâm Nguyễn Lan Chi - Nguyễn Thảo Nguyên dịch; NXB Tổng hợp Thành Phố Hồ Chí Minh.

Theo quan điểm của tôi, dù đã hoạt động hiệu quả trong bốn thế kỷ qua nhưng khi đối mặt với tính phức tạp, tốc độ thay đổi, mức độ áp dụng công nghệ cao của thế giới hiện đại, Tư duy Phân tích đã tỏ ra đuối sức. Bản chất của những khó khăn trong kinh doanh và tổ chức ngày nay luôn là phức tạp với nhiều biến số và nhiều bên tham gia, lại liên tục biến đổi theo thời gian. Điều này làm cho việc phân tích những dữ liệu quá khứ và hiện tại để tạo ra giải pháp cho hiện tại không còn phù hợp để vươn đến những giải pháp có chiều rộng và bền vững trong tương lai. Điều đó cũng giải thích lý do vì sao các khó khăn của thời đại này không thể được giải quyết và đôi khi những nỗ lực giải quyết nó lại tạo ra một chuỗi vấn đề nhức đầu hơn về sau.

Tôi liệt kê ra đây mười lý do tổng kết vì sao Tư duy Phân tích không còn hiệu quả cho hầu hết vấn đề con người phải đương đầu trong hiện tại:

  1. Tư duy Phân tích yêu cầu phải có dữ liệu, nhưng thu thập và phân tích dữ liệu về vấn đề là không bao giờ đủ, thường có xu hướng tập trung vào quá khứ hoặc hiện tại, và rất thường xuyên chúng ta tập trung vào sai vấn đề.
  2. Tư duy Phân tích có xu hướng tổng quát hóa giải pháp cho các vấn đề, rồi áp dụng giải pháp đó cho các tình huống khác nhau, trong khi không có vấn đề nào hoàn toàn giống nhau cả.
  3. Chia vấn đề ra thành các phần tử không nhất thiết là việc cần làm để tạo ra giải pháp hiệu quả cho vấn đề tổng thể.
  4. Các vấn đề phức tạp không phải luôn có một giải pháp có thể sử dụng mãi mãi mà không cần có sự thay đổi.
  5. Sự sáng tạo trong Tư duy Phân tích chỉ áp dụng tại giai đoạn tạo ý tưởng và giải pháp chứ không phải áp dụng từ giai đoạn mời gọi những người có liên quan cùng định nghĩa bản chất của vấn đề.
  6. Các giải pháp thường có xu hướng quá nhấn mạnh về vai trò của công nghệ, từ đó phát sinh ra những vấn đề mới.
  7. Các giả định và ngôn ngữ phân tích được mặc nhiên ngầm sử dụng khi định nghĩa vấn đề.
  8. Tư duy Phân tích nói chung thường bắt chúng ta nhìn nhận thế giới theo quan điểm của mình, bỏ qua những đối tượng liên quan khác.
  9. Tư duy Phân tích có xu hướng tạo ra giải pháp dựa trên điều kiện quá khứ và hiện tại, không phải tương lai.
  10. Tư duy Phân tích có xu hướng tạo ra sự chia cắt và tăng tính mâu thuẫn giữa người với người.

Tư duy Phân tích bản thân nó không tự định nghĩa nó là tất cả hay là phương pháp tối thượng cuối cùng về tư duy cho con người, hoặc nói rằng nó có thể được áp dụng cho mọi trường hợp. Phương pháp này được thiết kế để giải quyết những vấn đề khoa học và định hướng cho nghiên cứu khoa học, nhưng chắc chắn không ngụ ý rằng nó phải là mô hình tư duy thống trị mà người ta bắt buộc phải tuân theo. Chỉ là vấn đề của thói quen khi người ta dùng mãi rồi trở nên tôn thờ nó. Kết quả của góc nhìn phiến diện này dẫn đến hậu quả là có quá nhiều lãnh đạo chính trị, nhà điều hành tổ chức, những người quản lý và các cá nhân dành rất nhiều công sức để tạo ra những giải pháp kém hiệu quả, tức là suy nghĩ mệt mỏi hơn chứ không phải thông minh hơn.

Tư duy Phân tích rất hữu ích cho việc tìm ra dữ kiện và sự thật, nhưng thiếu đi chiều sâu của sự sáng tạo, đổi mới, và khả năng thu hút các bên liên quan – đặc điểm mà các vấn đề quy mô phức tạp đòi hỏi. Nó thường để lại hệ quả là, như ý kiến của H. L. Mencken, nhanh chóng tạo ra giải pháp ngắn hạn tức thời để rồi chịu trận vì thiếu đi tầm nhìn dài hạn. Trong đa số các trường hợp, có quá nhiều người nhưng không phải là đúng người được mời tham dự vào phân tích tình huống và xác định phương án giải quyết, làm cho những người thực sự cần thiết bị đẩy ra ngoài và từ đó bất mãn với chính giải pháp đang được tạo ra.

Tôi đồng ý rằng phương pháp Tư duy Phân tích là hữu dụng cho một số vấn đề, và tư duy này đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của thế giới cho đến hiện tại. Tư duy Phân tích đóng vai trò chủ chốt cho việc kiến tạo nên cuộc Cách mạng Khoa học và Cách mạng Công nghiệp. Phương pháp Descartes – khi nhấn mạnh vào việc phân tích và nghiên cứu thực chứng – đã giúp tạo ra những tiến bộ lớn trong các lĩnh vực y dược, kiến trúc, kỹ thuật, thiên văn học, và khoa học đời sống, từ đó đưa chúng ta đến với thế giới hiện đại – mang lại cách sống mà chúng ta đang biết đến ngày nay.

Nhưng đang có những lỗ hổng nghiêm trọng từ cách tiếp cận của phương pháp Tư duy Phân tích. Những lỗ hổng đó cần phải được nhận thấy như là một chướng ngại cho việc giải quyết những vấn đề trong thế kỷ 21 – kỷ nguyên của tốc độ và sự biến động. Một cách nào đó, chúng ta có thể nghi ngờ rằng Tư duy Phân tích không chỉ là đăng cứu thế mà cũng là kẻ tội đồ khi làm cho những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội trong hàng thập kỷ qua càng trầm trọng thêm bằng cách tạo ra những vấn đề mới khi cố gắng giải quyết một vấn đề cũ.

Chúng ta cần có một cách tiếp cận khác cho thời đại này. Chính chúng ta đã góp phần tạo nên một xã hội đầy sự tinh tế và cũng phức tạp không kém, nhưng phương pháp tư duy của chúng ta chưa được thay đổi trong hàng trăm năm qua trong khi thế giới đã thay đổi rất nhiều. Để chuẩn bị một tương lai tốt hơn cho chính mình và cho hành tinh của chúng ta, đã đến lúc cần phải áp dụng Tư duy Đột phá Phi thường.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. THIẾT LẬP HỆ THỐNG MỤC ĐÍCH

Bài viết mới

  1. SỬ DỤNG HIỆU QUẢ SIÊU NĂNG LỰC QUYỀN LỰC & TÁC ĐỘNG
  2. CÂU TRẢ LỜI ĐÃ CÓ SẮN TRONG CÂU HỎI – PHẬT GIÁO TRONG THẾ GIỚI TÂN TIẾN NGÀY NAY
  3. THẦY VÀ ĐỆ TỬ