TỰ TỬ CÓ PHẢI LÀ DO CHƯA XÁC ĐỊNH ĐƯỢC MỤC ĐÍCH VÀ Ý NGHĨA SỐNG ĐÚNG ĐẮN?

CSAVNhân diễn đàn thảo luận về thanh niên với lý tưởng sống đang được tổ chức trên Cùng Sống An Vui, BBT xin được gởi đến quý độc giả ý kiến tham luận của một bạn đọc về một vấn đề đang nhận được sự quan tâm của nhiều người trong xã hội hiện nay. Đó là vấn nạn tự tử trong giới trẻ, đặc biệt là ở các bạn thanh thiếu niên. Kính mời quý vị cùng theo dõi.

Nhân sự việc sản phẩm âm nhạc mới nhất của một nam ca sĩ trẻ vừa dừng phát hành tại Việt Nam, khá nhiều ý kiến bình luận trên các trang mạng đề cập đến vấn nạn tự tử trong các thanh thiếu niên xảy ra với tần suất ngày càng nhiều và độ tuổi ngày càng trẻ mà báo chí vẫn đăng tải trong thời gian gần đây. Không bàn đến những tác động tiêu cực hay tích cực của video ca nhạc này đối với mọi người nhất là với giới trẻ, ở đây tôi chỉ nêu ra ý kiến của mình, dưới góc độ của một phụ huynh cũng có con trong độ tuổi teen, về việc lựa chọn giải pháp tự tử để giải quyết những vấn đề khó khăn, rắc rối trong cuộc sống.

Đã là con người, tôi nghĩ ai cũng đã ít nhất một lần ước mơ, đặt ra mục tiêu phấn đấu để sở hữu cái gì đó hoặc để trở thành con người mà mình mong muốn. Tuy nhiên, khi chiêm nghiệm lại chính bản thân và quan sát những người xung quanh, một điều rất dễ dàng nhận thấy là phần lớn mọi người đều không bằng lòng với những gì đang có ngay cả khi đã đạt được mục tiêu mà họ tự đặt ra.

Chẳng hạn, một người luôn trong tình trạng dạ dày trống rỗng chỉ mong muốn có đủ thức ăn dầu chỉ là một bữa cơm đạm bạc. Tuy nhiên, đến khi có đủ ăn ngày ba bữa rồi lại mong muốn thức ăn ấy phải đa dạng, tươi ngon và được bày trí bắt mắt, rồi tiến đến phải là sơn hào hải vị quý hiếm và đắt tiền, được ăn ở những nơi sang trọng và được phục vụ bởi các đầu bếp nổi tiếng, v.v…

Trường hợp khác, một bạn trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường có thể đặt ra mục tiêu phải học giỏi, đạt điểm cao, có được việc làm với mức lương mong muốn sau khi tốt nghiệp, rồi tiến tới mua nhà, lập gia đình và có con với người mình yêu. Thế nhưng, khi đã có công việc như mơ ước thì lại tiếp tục phấn đấu để thăng tiến lên những vị trí và mức lương cao hơn. Có một căn nhà rồi thì lại muốn tích trữ thêm để phòng hờ khi ốm đau, bệnh tật.

Luôn luôn, con người sẽ tìm ra được đủ mọi lý do để ngụy biện cho những hành động đuổi bắt, tìm kiếm cái mà người ta cho là thành công và hạnh phúc. Cũng chính từ sự không bằng lòng với những gì đang có mà phát sinh ra bao hệ lụy tạo ra bởi những cảm xúc và hành động thiếu kiềm chế, gây khổ đau cho chính mình và những người xung quanh. Một trong số đó là vấn nạn tự tử ở những bạn thanh thiếu niên như đã đề cập ở đầu bài viết. Lý giải cho việc này, theo quan điểm cá nhân, xuất phát từ một số nguyên nhân chính sau:

1. Cha mẹ cho rằng vì nghĩ đến tương lai tốt đẹp hơn của con cái nên vô tình hay hữu ý đặt ra những áp lực lên con mình. Hoặc trong đó ẩn chứa cả lý do vì bản thân không đạt được mục tiêu nên chuyển mong muốn, khát khao của mình sang cho những đứa con.

2. Nhà trường, vì để đạt được thành tích thi đua báo cáo với cấp trên hoặc công bố với xã hội, đặt ra mục tiêu cho các thầy cô giáo. Và đến lượt thầy cô, vì để đảm bảo thành tích cá nhân, lại tạo thêm chỉ tiêu giao xuống cho các học trò của mình. Có một điều buồn cười mà cháu nhỏ nhà tôi, đang học cấp hai tại một trường làng ở tp.HCM, than thở khi bước vào giai đoạn ôn tập kiểm tra giữa và cuối kỳ: “Dường như thầy cô nào cũng nghĩ môn mình dạy là quan trọng và cho là tụi con chỉ học có mỗi môn của thầy/cô hay sao mà ai cũng phát tập đề cương ôn dài loằng ngoằng à mẹ.”. Đi kèm theo đề cương ôn tập là lịch khảo bài dày đặc trước kỳ thi chính thức qua hình thức kiểm tra miệng hoặc viết ra giấy trong 15’, có khi 3 – 4 môn được kiểm tra trong cùng một ngày. Cách học này thực tế đang làm lãng phí rất lớn năng lượng của một đứa trẻ, khi phần lớn chỉ dành cho việc sao y bản chính các ghi nhớ được thầy/cô đọc chép, không còn thời gian và năng lượng cho những hoạt động tư duy và sáng tạo.

3. Công nghệ kỹ thuật phát triển và môi trường Internet ngày nay cho phép ai cũng có thể là người tạo, đưa tin và lan truyền với tốc độ chóng mặt. Chính những thông tin phát tán không được kiểm soát và khó được kiểm chứng này đã khiến những đứa trẻ, vốn chưa có được nhận thức đầy đủ về hành vi đạo đức, đúng sai đã dễ dàng bắt chước theo những cái xấu ác và có những phản ứng tiêu cực trước mọi vấn đề khó khăn trong cuộc sống.

4. Điều cuối cùng và cũng là quan trọng hơn cả, chính là việc giáo dục hiện nay trong cả nhà trường, gia đình và xã hội đang thiếu hẳn mảng chăm lo về đời sống tinh thần cho những đứa trẻ, giúp các em xác định được đâu là mục đích, ý nghĩa sống đúng đắn và xây dựng được cho mình một bảng các giá trị sống để lấy đó làm kim chỉ nam dẫn lái cả cuộc đời mình.

Khi nhìn lại chính mình – những người thuộc thế hệ trung niên – và thậm chí cả những bậc cao niên, dường như rất ít người khi được hỏi, có một nhận thức rõ ràng về mục đích và ý nghĩa cho cuộc đời mình. Nếu chịu khó quan sát, chúng ta sẽ nhận ra cuộc sống của số đông mọi người đều chịu sự chi phối gần như hoàn toàn của thói quen chỉ quan tâm, chăm lo cho bản thân và những gì thuộc về sở hữu của mình như gia đình, bạn bè, tài sản, công việc, danh tiếng, v.v… Họ xem việc chăm lo đó như là mục đích của cuộc đời mình. Chính thói quen luôn bám chấp vào cái tôi và những cái của tôi này, là nguyên nhân chính làm nảy sinh ra bao vấn đề, mà trong Phật giáo gọi là các độc: tham lam, sân hận, si mê, kiêu mạn, nghi ngờ, đố kỵ. Những độc này đã ngăn che, không cho chúng ta nhìn thấy được đâu là bản tánh chân thật của những đối tượng, sự vật, hiện tượng mà ta tiếp xúc qua sáu giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Và vì không nhìn thấy được đúng sự thật mà chúng ta có những hành động tiêu cực gây khổ đau cho mình và người khác.

Đức Dalai Lama 14, vị lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Tây Tạng, người được trao tặng giải Nobel hòa bình năm 1989, bằng trí tuệ có được từ những kinh nghiệm tâm linh thực chứng trong quá trình làm việc với tâm trí của chính mình và với những người khác, đã đưa ra một chân lý giản đơn: Mục đích của đời sống chúng ta là để hạnh phúc.

Đối với tôi, lời khẳng định này thật sự có sức mạnh. Tôi, bạn và tất cả mọi người, chúng ta đến cuộc đời này với cùng một nhu cầu như nhau là để sống hạnh phúc. Nếu chúng ta luôn suy niệm và thiền định về điều này thì chúng ta sẽ rất dễ dàng đi qua mọi vấn đề rắc rối trong cuộc sống, vì khi đó chúng ta biết mọi khó khăn chỉ là tạm thời, rồi cũng sẽ qua. Chúng ta sẽ dần trở nên có ý thức hơn trong mọi hoạt động hàng ngày, để chỉ làm những gì mang đến hạnh phúc và loại bỏ những gì đem lại khổ đau cho cả mình và muôn người, muôn loài xung quanh.

Đức Dalai Lama 14 tại trú xứ của Ngài ở Dharamsala, Ấn Độ vào ngày 19/12/2020. (Ảnh: Tenzin Jamphel)

Để kết thúc bài viết, tôi xin được phép trích dẫn lời nói của Đức Dalai Lama 14 mà chúng ta có thể dùng làm đề mục để thiền định. Đoạn trích dưới đây được đề cập trong tác phẩm “Sống Hạnh Phúc, Cẩm Nang Cho Cuộc Sống” (nguyên tác: The Art of Happiness), được trích đăng trên trang Cùng Sống An Vui với tựa bài Phục Hồi Tình Trạng Hạnh Phúc Bẩm Sinh:

“Đôi khi, gặp lại những người bạn cũ, nó nhắc nhở cho tôi thời gian qua nhanh đến nhường nào. Và điều này cũng làm cho tôi băn khoăn tự hỏi liệu chúng ta đã sử dụng thời gian của mình hợp lý hay chưa. Việc sử dụng thời gian hợp lý rất quan trọng. Tuy chúng ta có được thân xác này, và đặc biệt là bộ óc kỳ diệu này của con người, tôi nghĩ mỗi phút giây đều là cái gì vô cùng quý giá. Cuộc hiện tồn từng ngày của chúng ta luôn tràn đầy hy vọng, mặc dù chẳng có gì bảo đảm được cho tương lai cả. Không có gì bảo đảm rằng ngày mai vào giờ này chúng ta sẽ ở đây. Nhưng chúng ta vẫn làm việc cho điều đó, chỉ thuần túy trên niềm hy vọng. Vì thế, chúng ta cần phải sử dụng tốt nhất thời gian của mình. Tôi tin rằng việc sử dụng hợp lý thời gian của mình là như thế này: nếu có thể, ta hãy phục vụ người khác, phục vụ những loài có ý thức khác. Nếu không, ít nhất hãy kiềm chế đừng làm hại họ. Tôi nghĩ đó là toàn bộ cơ sở triết lý của tôi.”

“Vì thế, hãy suy ngẫm về điều gì thực sự có giá trị trong đời sống, điều gì mang lại ý nghĩa cho đời sống chúng ta, và đặt ra những ưu tiên trên cơ sở đó. Mục đích đời ta cần phải có tính tích cực. Chúng ta không sinh ra với mục đích gây rắc rối, làm hại người khác. Để đời sống chúng ta có giá trị, tôi nghĩ chúng ta phải phát triển những phẩm tính tốt đẹp cơ bản của con người – nồng hậu, tử tế và yêu thương. Khi ấy, đời sống của chúng ta sẽ trở nên có ý nghĩa và an lạc hơn – hạnh phúc hơn.”

Đồng Quy

???

Bạn có ý kiến muốn chia sẻ về vấn đề đã nêu trong bài viết, hoặc về mục đích và ý nghĩa sống cho cuộc đời mình? Kính mời quý độc giả tiếp tục cùng tham gia thảo luận với chúng tôi về chủ đề “Sống một đời sống có ý nghĩa, theo bạn là như thế nào?”, hiện đang được tổ chức tại: https://diendan.cungsonganvui.org.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CHÚNG TA MUỐN GÌ, TÌM GÌ?
  2. THANH NIÊN TRƯỚC Ý NGHĨA VÀ MỤC ĐÍCH CUỘC ĐỜI
  3. CUỘC SỐNG CÓ Ý NGHĨA GÌ VÀ VÌ SAO TÔI LẠI Ở ĐÂY?

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH