TÙY THUẬN TÁNH VIÊN GIÁC

KINH VIÊN GIÁC

Trích: Kinh Viên Giác lược giảng - Chương Bồ Tát Thanh Tịnh Huệ; Hán ngữ: Đại Phương Quảng Viên Giác Liễu Nghĩa Kinh Đời Đường, nước Kế Tần, Sa Môn Phật Đà Đa La; Việt ngữ: Đương Đạo dịch và giảng giải; NXB. Thiện Tri Thức; 2015

? BỒ TÁT THANH TỊNH HUỆ THƯA HỎI VỀ SỰ KHÁC BIỆT GIỮA CHỖ CHỨNG ĐẮC CỦA CHÚNG SANH, CHƯ BỒ TÁT VÀ CHƯ PHẬT

Bấy giờ Bồ tát Thanh Tịnh Huệ ở trong đại chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu quanh bên phải ba vòng, quỳ thẳng chấp tay mà bạch Phật rằng:

Thế Tôn đại bi, Ngài đã rộng nói cho chúng con sự thể không thể nghĩ bàn, chưa từng thấy chưa từng nghe như thế, chúng con nay đây nhờ Phật khéo léo chỉ dạy, thân tâm an nhiên thư thái, được lợi ích lớn.

Xin Phật vì tất cả chúng đến nghe pháp trong hội này tuyên nói lại tánh Giác viên mãn của Pháp vương, chỗ chứng đắc của chúng sanh, chư Bồ tát và chư Phật khác nhau như thế nào, để cho chúng sanh đời sau rốt sau nghe thánh giáo này tùy thuận khai ngộ, thứ lớp thể nhập.

Nói xong năm vóc làm lễ sát đất. Cầu thỉnh như vậy lập lại ba lần.

? ĐỨC PHẬT KHEN NGỢI

Bấy giờ Thế Tôn bảo cùng Bồ tát Thanh Tịnh Huệ:

Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử! Các ông có thể vì chúng sanh đời rốt sau mà thưa hỏi Như Lai về thứ lớp sai biệt. Nay các ông lắng nghe, ta sẽ nói rõ.

Khi ấy, Bồ tát Thanh Tịnh Huệ hoan hỷ vâng lời dạy, cùng cả đại chúng yên lặng lắng nghe.

? Thiện nam tử! Tự tánh Viên Giác không có tánh mà có tất cả tánh, tùy thuận tất cả từ tánh khởi mà không thủ không chứng. Ở trong thật tướng, thật sự không có Bồ tát và chúng sanh. Vì sao thế? Vì Bồ tát, chúng sanh đều là huyễn hóa. Huyễn hóa diệt mất thì không có thủ, không có chứng. Ví như con mắt thấy tất cả mà không tự thấy mình. Tánh vốn tự bình đẳng như vậy mà không có cái gì để gọi là bình đẳng.

Chúng sanh mê lầm điên đảo, chưa có thể trừ diệt tất cả huyễn hóa. Ở nơi vọng tưởng công dụng trừ diệt, có tướng huyễn hóa đã diệt và chưa diệt bèn thấy có thứ lớp chứng đắc sai khác. Nếu được tùy thuận tịch diệt của Như Lai thì thật không có sự tịch diệt và người tịch diệt.

? Thiện nam tử! Hết thảy chúng sanh từ vô thủy đến nay do vọng tưởng ra cái ta và yêu cái ta, chẳng hề tự biết niệm niệm sanh diệt nên khởi ra yêu ghét đam mê năm dục.

Nếu thiện hữu tri thức chỉ dạy khiến khai ngộ tánh Viên Giác thanh tịnh, phát minh sự khởi diệt, bèn biết đời này tánh tự nhọc mệt lo buồn.

Lại nếu có người đoạn trừ lâu dài nhọc mệt lo buồn, bèn hiểu được pháp giới thanh tịnh, nhưng còn cái hiểu thanh tịnh kia tự làm chướng ngại nên đối với tánh Viên Giác chẳng được tự tại. Đó gọi là phàm phu tùy thuận tánh Viên Giác.

? Thiện nam tử! Tất cả các Bồ tát thấy rằng hiểu là chướng ngại, tuy đoạn trừ được chướng ngại của hiểu, nhưng vẫn còn trụ nơi thấy giác, bị cái chướng ngại ‘giác’ làm chướng ngại nên không tự tại. Những vị này gọi là Bồ tát chưa nhập địa tùy thuận tánh Giác.

? Thiện nam tử! Có chiếu có giác đều gọi là chướng ngại. Thế nên Bồ tát thường giác mà chẳng trụ, năng chiếu và sở chiếu đồng thời tịch diệt. Thí như có người tự chặt đầu mình, đầu đã đứt rồi thì không có người chặt. Lấy cái tâm chướng ngại tự diệt các chướng ngại thì cũng như thế, chướng ngại đã diệt bèn không có người diệt chướng ngại.

Kinh giáo như ngón tay chỉ mặt trăng, nếu thấy mặt trăng thì rõ biết ngón tay chỉ hoàn toàn không phải là mặt trăng. Tất cả lời dạy của Như Lai khai thị cho các Bồ tát cũng là như vậy.

Đây gọi là Bồ tát đã nhập địa tùy thuận tánh Giác.

? Thiện nam tử! Tất cả chướng ngại tức là cứu cánh giác, chánh niệm mất niệm không gì chẳng phải là giải thoát; thành pháp phá pháp đều là Niết bàn; trí huệ ngu si cùng là Bát nhã; chỗ thành tựu của Bồ tát hay ngoại đạo đồng là Bồ đề; vô minh Chân Như không khác cảnh giới; giới định huệ cùng dâm nộ si thảy là phạm hạnh; chúng sanh quốc độ đồng một pháp tánh; địa ngục thiên cung đều là Tịnh độ; hữu tình vô tình đều thành Phật đạo; hết thảy phiền não là giải thoát rốt ráo. Biển huệ pháp giới chiếu suốt các tướng cũng như hư không.
Đây gọi là Như Lai tùy thuận tánh Giác.

? Thiện nam tử! Các Bồ tát và chúng sanh đời rốt sau chỉ trong mọi thời không khởi vọng niệm, với các vọng tâm cũng chẳng dừng diệt, ở cảnh vọng tưởng chẳng gia thêm hiểu biết phân biệt, nơi chỗ không hiểu biết chẳng phân biện chân thật. Các chúng sanh ấy nghe pháp môn này tin hiểu thọ trì, không sanh kinh sợ, đây gọi là tùy thuận tánh Giác.

Thiện nam tử! Các ông nên biết, những chúng sanh như thế đã từng cúng dường trăm ngàn vạn ức hằng hà sa chư Phật cùng các đại Bồ tát và trồng nhiều gốc đức. Phật nói người ấy sẽ thành tựu Nhất thiết chủng trí.

? BÀI KỆ TRÙNG TUYÊN

Bấy giờ Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa này nên nói kệ rằng:

Thanh Tịnh Huệ nên biết
Tánh Bồ đề viên mãn
Không thủ cũng không chứng
Không Bồ tát chúng sanh.
Giác cùng khi chưa giác
Thứ lớp có khác biệt:
Chúng sanh bị hiểu ngại,
Bồ tát chưa lìa giác,
Vào địa hằng tịch diệt,
Chẳng trụ tất cả tướng
Đại Giác tròn viên mãn
Gọi là tùy thuận khắp.
Các chúng sanh đời sau
Tâm chẳng nhiễm hư vọng
Phật nói người như thế
Đời này là Bồ tát
Cúng dường vô số Phật
Công đức đã viên mãn
Tuy có nhiều phương tiện
Đều gọi Trí tùy thuận.

Bình luận

[…] thuốc, trở về bạch rằng: “Không có cái gì mà chẳng phải là thuốc” Ngài Văn Thù nói: “Cái gì là thuốc hái mang về đây.” Thiện Tài bèn ngay trên mặt đất […]


Bài viết khác của tác giả

  1. BỒ TÁT PHỔ HIỀN THƯA HỎI LÀM SAO TU HÀNH
  2. ĐẠI QUANG MINH TẠNG

Bài viết mới

  1. BIỂU LỘ CHÍNH MÌNH MỘT CÁCH TRỌN VẸN
  2. CHÂN LÝ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC BẰNG LAO ĐỘNG QUÊN MÌNH
  3. CẢM GIÁC TỰ DO, ĐƯỢC GIẢI PHÓNG BẢN THÂN