VÀI ĐIỀU VỀ ĐỨC HẠNH

BBT Cùng Sống An Vui

Một lần tôi về thăm nhà, chị tôi mua hai cái bánh cho tôi và con của chị ấy. Trước khi ăn tôi mời hết mọi người, còn đứa cháu hỏi: “Mẹ ơi! Bánh này ăn chay dùng được không?” Sau khi nghe lời đáp “Được” từ chị tôi thì thằng nhỏ rủ chị hai của nó chạy xe đến mảnh vườn nhỏ mà cha nó đang làm ở đó để đưa một cái bánh cho cha của nó ăn. Trước khi muốn ăn cái bánh thì tâm của nó nghĩ đến người khác và hành động là nhường phần ăn ưa thích cho người khác. Đó là biểu hiện của người có đức hạnh.

Người đức hạnh là người có ý nghĩ trong sáng thiện lành và có những việc làm ích lợi cho tất cả. Đức là những phẩm tính cao quý có sẵn nơi mọi người. Đó là lòng tốt, tình thương yêu, thiện ý, tinh thần không sát hại, tâm bình đẳng, tâm vị tha, lòng trắc ẩn, trung thực, khiêm tốn, rộng lượng, nhẫn nại, siêng năng… tất cả đều nằm ngay nơi tâm của mỗi người. Một điều đặc biệt là tất cả những phẩm tính này càng dùng nhiều thì nó càng tăng thêm. Chẳng hạn nếu chúng ta gặp ai, giao tiếp với ai bằng thiện ý thì những ý nghĩ thiện lành càng lan tỏa ra với mọi người và mọi vật. Tất cả những phẩm tính cao quý này giúp chúng ta có hạnh phúc tạm thời và là nền tảng vững chắc đưa chúng ta đến con đường của hạnh phúc tối thượng. Nói như tác giả Nguyễn Thế Đăng trong Con người toàn diện và tự do:“Có một thứ mà khi càng cho đi thì càng có thêm nhiều, đó là lòng tốt. Có một loại năng lượng nào càng sử dụng, thậm chí càng xài phí thì càng có nhiều thêm, đó là lòng tốt. Một năng lượng có thể biến cải tâm hồn con người – điều mà tất cả những năng lượng vật chất khác không thể nào làm được – biến thế giới này thành một thế giới đáng sống, biến con người thành những nhân cách muốn được sống cùng, đó là lòng tốt. Đây là một cuộc cách mạng không đòi hỏi gì (vũ khí, nguồn vốn tư bản, nguồn vốn tri thức…), nó chỉ nằm nơi quyết định và hành động của mỗi chúng ta.” 

Bên cạnh những phẩm tính cao quý, tâm chúng ta còn có những tính cách bất thiện như: tham lam, tức giận, không phân biệt đúng sai, tự cao, đố kỵ, ích kỷ, giả dối… Cái tâm bất thiện này là nguyên nhân gây cho chúng ta không hạnh phúc, đưa chúng ta xa con đường thoát khỏi đau khổ, che chướng chân tâm có ở mỗi người. Từ khi chào đời những hạt giống thiện và bất thiện theo mỗi chúng ta. Theo thời gian những hạt giống đó sẽ nảy nở. Vấn đề là làm sao để hạt giống thiện lành trong tâm được nảy nở, còn hạt giống hay chủng tử bất thiện tan biến không còn dấu vết?

Có nhiều cách để trưởng dưỡng đức hạnh. Nếu từ nhỏ chúng ta được nuôi dạy bằng sự hiểu biết và tình thương yêu của gia đình thì những đức tính quý báu có điều kiện nảy sinh. Ngược lại, nếu người nào đó không may mắn sinh ra trong gia đình ít được quan tâm về việc dạy bảo đạo đức, người lớn không nêu gương tốt thì hạt giống bất thiện sẽ nảy nở nhiều. Từ khi sinh ta đến tuổi thanh niên thì cần chú trọng phát triển đức hạnh vì nó là nền tảng vững chắc để đời sống giảm bớt những khó khăn thất bại, được nhiều thành công và được nhiều người quý mến.

Các nhà giáo dục và các bậc phụ huynh cần lưu tâm điều này, rất cần nuôi dưỡng những phẩm tính cơ bản của một con người. Đặc biệt là tâm vị tha, lòng trắc ẩn. Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 có nói: “Phẩm tính cao quý nhất là lòng vị tha”. Tuổi trẻ học các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội là quan trọng nhưng trau dồi đức hạnh thì quan trọng hơn nhiều. J. Krishnamurti có nói: “Người biết cách đập vỡ nguyên tử mà trong tâm anh ta không có tình yêu thương trở thành là quái vật, kẻ tàn bạo mất hết nhân tính”.

Để những đức hạnh một người phát huy một cách tối đa, tròn đầy thì chúng ta phải thân cận và được sự dạy bảo bởi vị thầy có nhiều phẩm tính cao quý, có trí huệ và tâm từ bi. Thân cận vị thầy thì chúng ta học trực tiếp từ thân khẩu ý của vị ấy; đồng thời tâm chúng ta được hấp thụ từ trường năng lượng an lành trong sáng, phẩm tính cao quý của vị ấy… Thân cận vị thầy là cách tốt nhất để trưởng dưỡng đức hạnh. 

Thực tế có rất ít người tìm được vị thầy lý tưởng như vậy. Do đó chúng ta cần phải nỗ lực tự học, tìm tòi học hỏi, tự kiểm điểm, tự hàm dưỡng chính mình qua từng ngày và chia sẻ những điều học được với mọi người. Chính sự chia sẻ đó làm cho đức hạnh và tri thức được tăng trưởng. Thế giới xung quanh cho ta vô vàng bài học, chỉ cần định tâm quan sát thì chúng ta sẽ thấy. Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây, mỗi khoảnh khắc luôn chứa đựng toàn bộ những phẩm tính tốt đẹp. Sống được với từng khoảnh khắc là sống đầy đủ những đức hạnh. Tại sao chúng ta không sống được trong từng khoảnh khắc? Tâm chúng ta luôn sanh khởi những ý nghĩ và cảm xúc; đồng thời sự bám chấp vào những gì xuất hiện làm che đi khoảnh khắc hiện tại. Tâm trí chúng ta lại hay đặt ra những vấn đề và tìm câu trả lời cho nó. Tâm trí nói đại loại như: “Tôi phải đi kiếm tiền để giúp được nhiều người”, chúng ta sẽ đi kiếm tiền và rồi những rắc rối nảy sinh. Có thật sự đi kiếm tiền sẽ làm cho đức hạnh biểu lộ càng nhiều không? Hay là cơ hội để hạt giống bất thiện như tham lam phát sinh. Chúng ta cần định tâm quán chiếu thật kỹ để mỗi ý nghĩ, hành động đều thấy biết rõ ràng. Vấn đề xuất hiện ngay bây giờ thì cách duy nhất giải quyết nó cũng phải ngay bây giờ.

Khi tâm có thiện ý thì nhìn mọi người xung quanh thấy ai cũng có thiện ý. Nếu tâm vị tha nảy sinh thì chúng ta luôn muốn chia sẻ bất cứ điều gì để người khác được lợi ích. Tâm ích kỷ nảy sinh thì sau đó là hàng loạt sự dò xét, đánh giá người khác gây ra sự chia rẽ tách biệt, gây tổn thương cho chính mình và người khác. Như vậy, tâm chúng ta thế nào thì chúng ta sẽ thấy người khác thế ấy.

Đức hạnh là nền tảng căn bản mà Phật giáo gọi là giới. Có càng nhiều đức hạnh thì cái tôi càng bị bóp chặt. Cái tâm bớt lăng xăng, bám chấp vào tư tưởng, cảm xúc. Từ đó trí huệ phát sanh, thấy biết cội nguồn mọi sự. 

Lòng tốt, tình yêu thương, thiện ý,… tất cả đều cùng một nền tảng. Chỉ cần nuôi dưỡng, phát huy một đức tính thì có tất cả các đức tính còn lại. Trong Phật giáo có danh hiệu Thiện Ý Phật là vị Phật thành tựu bằng việc trưởng dưỡng thiện ý trong vô lượng vô biên số kiếp.

Như vậy, đức hạnh không thể thiếu nơi một con người, không có đức hạnh thì không thể làm người. Nói theo Kinh Pháp Hoa, để thành Phật thì phải tích tập phước đức và trí huệ trong hằng hà sa số kiếp sống; đồng thời vô số kiếp sống đó nằm trọn vẹn trong một khoảnh khắc.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. KQ Thảo Luận: Nên Làm Gì Để Tăng Cường Hệ Miễn Dịch Lúc Này ?

Bài viết mới

  1. CHINH PHỤC MỤC TIÊU
  2. CHÁNH NIỆM
  3. BỚT SỢ HÃI