SƯU TẦM
Trích : Buddhist stories ; Người dịch: Lâm Hạnh Nhiên; Nguồn: Văn Hóa Phật Giáo; Xuất bản: Ngày 15/6/2019
——
Lời dẫn: Những mẩu chuyện đạo sau đây được trích dịch từ phần Buddhist Stories trên trang blog có tên buddhistvision.wordpress.com. Đây là một trang blog trình bày một cái nhìn về Phật giáo theo khuynh hướng tổng hợp và hiện đại. Bên cạnh những mẩu chuyện đạo dựa trên kinh điển Pali, cũng có những câu chuyện đậm màu sắc Đại thừa. Ngoài ra, trang này còn sưu tầm nhiều bài pháp thoại của một số tu sĩ Phật giáo nổi tiếng đương đại thuộc nhiều trường phái khác nhau. Chúng tôi trích dịch một số bài viết lấy từ trang mạng này để giới thiệu cùng chư độc giả một trong những cách nhận thức đa dạng về giáo pháp của bậc Chánh Đẳng Giác.
1. Điều Phạm thiên không biết
Trong thời Phật còn tại thế, có một vị tu sĩ rất tinh cần trong việc phát triển tâm thức, đến nỗi ngài có thể đến được các cõi trời. Bằng sự nỗ lực, ngài đã thành công trong việc chuyển hóa thân vào tầng trời thứ nhất, tầng trời của Tứ Đại Thiên vương. Ngài muốn gặp được các vị trời là để hỏi một câu hỏi sâu sắc, rằng “Nơi nào tứ đại dừng bặt mà không có dư tàn?”. Thế nhưng, trên cõi trời này, chẳng vị trời nào trả lời được câu hỏi của ngài. Họ đề nghị ngài đến gặp thẳng bốn vị Đại Thiên vương. Thế là vị Tỳ-kheo tìm gặp Tứ Đại Thiên vương, nhưng cả bốn vị này cũng chẳng thể nào trả lời câu hỏi ấy. Cả bốn vị đề nghị ngài tìm đến tầng trời cao hơn, tầng Tam thập tam thiên.
Vị tu sĩ trở về cõi ta-bà tiếp tục thiền định. Với tất cả cố gắng, ngài lại chuyển hóa thân ngài lên đến tầng trời Đao-lợi để tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi của mình. Cư dân ở cõi trời Đao-lợi cũng chẳng ai trả lời được câu hỏi của ngài. Họ đề nghị ngài gặp thẳng trời Đế-thích, người cai quản cõi trời Đao-lợi. Tất nhiên là vị tu sĩ tìm yết kiến thiên chủ Đế-thích, nhưng rất tiếc, thiên chủ Đế-thích cũng chẳng thể trả lời câu hỏi ấy. Thiên chủ Đế-thích đề nghị vị tu sĩ lên đến tầng trời Dạ-ma, một tầng cao hơn.
Vị tu-sĩ lại trở về cõi ta-bà tiếp tục thiền định cho đến khi ngài có thể có mặt ở cõi Dạ-ma. Tại đây, ngài cũng không tìm ai trả lời được câu hỏi của ngài. Và cứ thế, ngài lần lượt tìm đến những cõi trời cao hơn. Cuối cùng, người ta đề nghị ngài tìm đến cõi trời Đại Phạm thiên.
Ngay khi danh hiệu Đại Phạm thiên được nhắc đến, vị chúa tể này lập tức hiện ra với tất cả vinh quang của một bậc đại thiên chủ, và lập tức lên tiếng, “Ta chính là Đại Phạm thiên, là đấng Sáng tạo, là đấng Hóa sanh, là bậc Toàn tri…”. Hết sức xúc động trước sự xuất hiện của Đại Phạm thiên, vị tu sĩ vội vàng trình câu hỏi sâu sắc của mình, “Xin Đại Phạm thiên cho biết tại đâu thì tứ đại dừng bặt mà không có dư tàn?”. Không trả lời thẳng vào câu hỏi, Đại Phạm thiên lại nói, “Ta chính là Đại Phạm thiên, là đấng Sáng tạo, là đấng Hóa sanh, là bậc Toàn tri…”. Vị tu sĩ cảm thấy có phần thất vọng, “Vâng, thưa ngài, tôi biết ngài là Đại Phạm thiên, nhưng tôi đến đây để mong ngài cho tôi một câu trả lời. Tôi xin hỏi, tại đâu thì tứ đại dừng bặt mà không có dư tàn?”. Một lần nữa, Đại Phạm thiên không trả lời mà vẫn chỉ nói, “Ta chính là Đại Phạm thiên, là đấng Sáng tạo, là đấng Hóa sanh, là bậc Toàn tri…”. Lần này vị tu sĩ thật sự thất vọng, ngài hỏi lại lần thứ ba, “Vâng, thưa ngài, tôi vẫn biết ngài là Đại Phạm thiên, là bậc Toàn tri… nhưng tôi đến đây với câu hỏi, tại đâu thì tứ đại dừng bặt không có dư tàn. Xin ngài cho tôi một câu trả lời”.
Đến đây thì Đại Phạm thiên chẳng nói gì cả. Bậc thiên chủ vĩ đại nhất này lấy tay xách vị tu sĩ lên, lôi ông ấy đến một nơi thật xa, rồi mới lên tiếng, “Ông thầy tu kia! Ông thấy tất cả những cư dân trong các cõi trời này chứ? Tất cả bọn chúng luôn luôn nghĩ rằng ta là bậc Toàn tri, rằng ta biết hết mọi thứ. Phải chăng ông cố quấy rầy ta trước mặt các vị trời ấy?”. Vị tu sĩ hỏi lại, “Thưa bậc đại tôn quý, nếu ngài không trả lời được câu hỏi đó thì tôi phải tìm câu trả lời ở đâu?”. Bấy giờ Đại Phạm thiên quát lên, “Ông thật là ngốc nghếch. Đức Phật Thích-ca đang ở cõi Ta-bà. Tại sao ông không đến xin Ngài giải thích và đừng quấy rầy ta nữa?”.
Vậy là vị tu sĩ quay trở về mặt đất rồi đến xin yết kiến Đức Phật Thích-ca. Sau khi nghe vị tu sĩ thuật lại hành trình của mình, Đức Phật cười và kể một câu chuyện vui, “Này ông Tỳ-kheo kia, ở thời xa xưa, những người đi biển phải trông chờ vào những con chim để biết tàu đã vào đến gần đất liền hay chưa. Họ thả chim ra, nếu chim quay trở lại tàu thì họ biết rằng đất liền còn ở xa. Ông Tỳ-kheo kia, ông cũng giống hệt như những con chim ấy. Bay khỏi con tàu, không nhìn thấy đất liền, đành quay trở về đây gặp ta”. Vị tu sĩ rất thú vị với câu so sánh của Đức Phật đến nỗi ngài cười to lên. Tại lúc đó, Đức Phật ban cho ông câu trả lời, “Trạng thái Niết-bàn là khi tứ đại dừng bặt mà không có dư tàn”. Vị tu sĩ nghe được câu trả lời ấy, ngài hoan hỷ tin nhận lời Đức Phật.
2. Tôn giả Upali quy y Tam bảo
Tôn giả Upali vốn là một vị thượng thủ trong số những tín đồ của giáo chủ Kỳ-na giáo, ngài Mahavira. Do sự thông minh, Tôn giả thường xuất hiện trong những cuộc tranh luận công khai về giáo pháp, đại diện cho giáo phái Kỳ-na.
Đã có một sự kiện lớn xảy ra khi Tôn giả Upali có một cuộc tranh biện với Đức Phật Thích-ca. Vào cuối cuộc tranh luận, Upali quá ấn tượng với giáo pháp của Đức Phật đến nỗi Tôn giả xin được trở thành tín đồ của Đức Phật, bậc Chánh Đẳng Giác. “Bạch Thế Tôn, xin Ngài nhận con vào Tăng đoàn của Ngài”.
Trước yêu cầu đó, Đức Phật trả lời, “Này ông Upali, ông đang trong tình trạng phấn khích cao độ bởi cảm xúc của mình. Hãy về nhà và xem xét kỹ điều ông vừa nói trước khi ông yêu cầu Ta thêm một lần nữa”.
Upali hết sức có ấn tượng, “Nếu là một vị thầy khác, vị ấy sẽ cho rước một tấm biểu ngữ ghi rõ, ‘Người đệ tử cư sĩ thượng thủ của Mahavira nay đã theo ta”, nhưng Ngài, bạch Thế Tôn, Ngài lại bảo con cứ về nhà suy nghĩ lại. Cho nên, bạch Thế Tôn, con càng khao khát được trở thành đệ tử của Ngài nhiều hơn nữa. Con sẽ không đứng dậy trước khi Ngài chấp nhận con vào giáo đoàn”.
Cuối cùng, Đức Phật Thích-ca đồng ý chấp nhận Tôn giả Upali vào Tăng đoàn với một điều kiện: “Này Upali, khi là một cư sĩ Kỳ-na giáo, ông luôn luôn cúng dường các vị tu sĩ Kỳ-na. Khi ông trở thành đệ tử của Ta, ông hãy tiếp tục cúng dường các vị tu sĩ Kỳ-na. Đó là điều kiện của Ta”.
Tôn giả Upali tuân giữ điều kiện đó. Về sau, Tôn giả Upali trở thành người đệ tử giữ giới bậc nhất của Đức Phật. Tôn giả Upali được biết là một trong những vị đại đệ tử của Đức Phật đã biên soạn Luật tạng, bộ luật quy định các quy tắc sinh hoạt cho mọi tu sĩ Phật giáo.
3. Sự chứng ngộ của Tôn giả Ananda
Tôn giả Ananda là vị thị giả của Đức Phật trong suốt 20 năm cuối đời của bậc Chánh Đẳng Giác. Bên cạnh việc phục thị những nhu cầu cá nhân của Đức Phật, những nhiệm vụ khác của Tôn giả Ananda bao gồm việc đại diện cho Đức Phật trong một số trường hợp, ghi nhớ nằm lòng những lời giảng của Đức Phật, lặp lại những lời giảng của Đức Phật trong lúc Ngài vắng mặt, và là một người liên lạc của Đức Phật. Cho nên, ngài có một công việc hết sức bận rộn! Ngài bận rộn quá mức đến nỗi ngài không có đủ thời gian thực hành cho chính mình. Ngay cả không có một sự tu dưỡng tâm linh nào thì Tôn giả Ananda cũng vẫn được coi là vị đại đệ tử ân cần nhất và đáng mến nhất trong số tất cả các vị đệ tử của Đức Phật. Người ta còn nghĩ rằng ngài không có thời giờ cho chính ngài một phần bởi vì ngài đã sử dụng thời giờ riêng của mình vào việc giúp đỡ những người khác nữa. Cho nên, vào lúc Đức Phật Thích-ca nhập Niết-bàn, Tôn giả Ananda vẫn chưa đạt được sự chứng ngộ. Khi Đức Phật chuẩn bị cho việc nhập diệt, ngài Ananda đã khóc. Ngược lại, các vị Tỳ-kheo đã chứng ngộ chấp nhận sự kiện nhập diệt của Đức Phật trong sự bình tĩnh.
Dù sao chăng nữa, chỉ sau khi Đức Phật nhập diệt, Tôn giả Ananda mới có được thời giờ cho sự thực hành của chính mình. Vào lúc bấy giờ, vị A-la-hán Maha Kassapa, một đại đệ tử khác của Đức Phật, đang tổ chức Hội nghị Kết tập lần đầu tiên của Tăng đoàn, một cuộc tập hợp của tất cả các vị Tỳ-kheo Phật giáo đã chứng ngộ để tổ chức và củng cố giáo pháp của Đức Thế Tôn. Tôn giả Ananda đã được thúc đẩy là cần phải đạt được sự chứng ngộ trước lúc Hội nghị Kết tập khai mạc. Thế là hàng ngày ngài miên mật thiền tập. Trong lúc ngày khai mạc Hội nghị Kết tập càng lúc càng đến gần, có vẻ như ngài Ananda vẫn chưa đến gần sự chứng ngộ thêm chút nào.
Đêm trước cuộc Hội nghị Kết tập, Ananda đã hết sức cố gắng, thế nhưng ngài chẳng đến được đâu cả. Cuối cùng, ngài quyết định, “Tốt hơn ta nên thư giãn một chút và sẽ thực hành để đạt tới chứng ngộ sau kỳ Hội nghị vậy. Vội vàng vào lúc này là điều không cần thiết nữa rồi”. Nghĩ vậy, ngài nằm xuống để nghỉ ngơi.
Được nghe nói rằng ngay lúc đầu ngài chạm vào chiếc gối, ngài chợt bừng ngộ.
4. Câu chuyện của Bahiya
Nếu đã từng có bất kỳ một công ty sản xuất bia nào ghi nhận được những kỷ lục suốt từ năm 600 trước Tây lịch đến giờ, hẳn là Tôn giả Bahiya Daruciriya sẽ giữ kỷ lục toàn thế giới về người chỉ cần ít thời gian nhất để đạt tới Niết-bàn.
Câu chuyện về Tôn giả Bahiya thật là thú vị. Ngài đã khởi đầu sự nghiệp của mình với tính cách là một kẻ lừa đảo. Dân chúng nghĩ rằng ngài là một vị thánh và sẵn lòng cúng dường ngài. Câu chuyện về việc làm thế nào mà Bahiya bị nhận lầm là một vị thánh lại còn thú vị hơn nữa: Bahiya đã có mặt trên một chiếc tàu. Khi con tàu bị đắm, ngài được sóng biển đẩy dạt vào bờ trong trạng thái hoàn toàn trần truồng. Ngài cũng đã dùng một mảnh vỏ cây để che thân và bắt đầu đi xin ăn. Và chính vì ngài đi xin ăn trong tình trạng hầu như trần truồng ấy, dân chúng nghĩ rằng ngài là một vị thánh!
Bahiya sống sót nhờ vào những khoản cúng dường như thế của dân chúng và có một cuộc sống hầu như hạnh phúc. Sau một thời gian, đến mức ngài bắt đầu thực sự nghĩ mình là một bậc thánh. Chuyện ấy diễn ra một cách suôn sẻ cho đến khi vào một buổi chiều nọ, Bahiya tiếp nhận một cuộc viếng thăm của Đại Phạm thiên. Vị thiên chủ này mắng cho Bahiya một trận về những hành vi hiện tại của Bahiya. Quả thật, vị Đại Phạm thiên và Bahiya từng là bạn thân của nhau trong nhiều tiền kiếp và vị Thiên chủ cảm thấy khó chịu khi thấy người bạn thân của mình sống cuộc sống của một kẻ lừa đảo.
Sau vụ bị cạo sát da như vậy, Bahiya quyết định rằng ngài phải tìm được một giáo pháp chân thực. Do những đề nghị của Đại Phạm thiên, Bahiya đã tìm đến Savatthi để cầu Đức Phật ban cho một lời khuyên. Kinh điển kể rằng Đức Phật đọc được tâm thức của Bahiya, biết rằng người này đã từng tu dưỡng đến mức thượng thừa trong các tiền kiếp và đương sự đã gần đạt được trạng thái Niết-bàn. Vì thế Đức Phật chỉ thuyết cho Bahiya một bài kệ ngắn, nội dung đại khái như sau: “Trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy chứ không hề có người thấy. Trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe chứ không hề có người nghe. Trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng chứ không hề có người thọ tưởng…”. Đây là một bài kệ có ý nghĩa thâm sâu. Thế nhưng sau khi nghe bài kệ, Bahiya phá vỡ được rào cản cuối cùng và ngay lập tức nhập Niết-bàn! Thật không may, câu chuyện về Tôn giả Bahiya chấm dứt ở đây. Rời khỏi trú xứ của Đức Phật ở Savatthi, Tôn giả Bahiya bị một con bò đang lên cơn húc chết.
5. Chú chó con khập khiễng
Chủ một cửa hàng đang dán một tấm biển quảng cáo bên trên cánh cửa ra vào với hàng chữ “Chó con bán”. Những tấm biển như vậy dễ dàng thu hút đám trẻ con; và quả thật, vừa dán xong tấm biển, ông đã có khách hàng là một cậu bé.
Cậu bé hỏi “Bác định bán chó con của bác với giá bao nhiêu?”.
Chủ cửa hàng trả lời: “Cũng còn tuỳ, từ 30 đô tới 50 đô một con”.
Cậu bé moi hết tiền lẻ trong túi ra và đếm được 2,37 đô. Cậu lúng túng, “Cháu chỉ có 2,37 đô…”, cậu bé ngập ngừng nói tiếp, “… thế bác có thể cho cháu xem mấy con chó con của bác một chút được không?”.
Người chủ cửa hàng mỉm cười rồi huýt lên một tiếng sáo miệng, thế là một con chó mẹ rời khỏi cũi dẫn một bầy chó con trông cứ như năm quả bóng lông nhỏ xíu theo lối hông chạy lên phía trước. Có một con chó con bị tụt lại phía sau một khoảng cách rõ rệt. Ngay lập tức, cậu bé để ý tới con chó con tụt lại phía sau đang đi khập khiễng. Cậu hỏi: “Con chó con đi sau cùng kia bị sao vậy?”. Người chủ cửa hàng giải thích rằng vị bác sĩ thú y đã khám cho con chó ấy và cho biết rằng nó bị thiếu khớp háng. Nó là con chó con bị tật bẩm sinh. Nó sẽ luôn luôn đi khập khiễng như thế.
“Thưa bác, con chó khập khiễng ấy chính là con mà cháu muốn mua!”.
Người chủ cửa hàng trả lời: “Không, cháu không muốn mua con chó con ấy đâu. Nếu thực sự cháu thích nó, bác tặng cháu đấy!”.
Cậu bé có vẻ không bằng lòng. Cậu nhìn thẳng vào mắt người chủ cửa hàng, lấy tay chỉ con chó đi khập khiễng và nói, “Cháu không muốn bác cho cháu con chó con ấy. Con chó nhỏ này đáng giá không thua bất kỳ con chó nào khác và cháu sẽ trả bác đúng với giá của nó. Trước mắt, cháu trả ngay 2,37 đô đang có và mỗi tháng cháu sẽ trả thêm 50 xu cho đến khi cháu thanh toán hết số tiền”.
Người chủ cửa hàng phản bác, “Bác nghĩ cháu thực sự không muốn mua con chó con này đâu. Nó sẽ không bao giờ có thể chạy nhảy hay đùa bỡn với cháu như những con chó con khác”.
Đến đấy, cậu bé cúi xuống vén ống quần bên trái lên để lộ ra cẳng chân bên trái của cậu cũng bị vẹo, được đỡ bằng một cái nẹp bằng kim loại. Cậu nhìn thẳng vào người chủ cửa hàng và nói: “Thế đấy, cháu cũng có chạy nhảy được đâu, và con chó nhỏ này cũng cần có người thông cảm được với nó chứ!”.
6. Tạo nên một sự khác biệt
Một người bạn của tôi đi bộ xuống một bãi biển vắng vẻ ở Mexico vào lúc chiều xuống. Trong lúc đi dọc bờ biển, anh nhận thấy một người đàn ông khác ở xa. Khi đến gần hơn, anh nhận thấy người đàn ông địa phương ấy cứ cúi xuống nhặt lên một cái gì đó rồi lại ném nó xuống nước. Hết lần này đến lần khác, có vẻ như anh ta liên tục ném mọi thứ ra biển.
Khi đến gần hơn nữa, người bạn tôi thấy người đàn ông địa phương đang nhặt những con sao biển đã bị dạt vào bờ lên và lần lượt ném từng con một xuống nước.
Người bạn tôi ngạc nhiên. Anh đến gần người đàn ông, chào và hỏi, “Chào ông. Tôi tự hỏi không biết ông đang làm gì vậy?”.
“Tôi đang ném những con sao biển này trở về với biển cả. Ông thấy đấy, thủy triều đang xuống và những con sao biển này đã bị dạt vào bờ. Nếu tôi không ném chúng trở về với biển cả thì chắc chắn chúng sẽ chết khô ở đây vì thiếu dưỡng khí”.
“Tôi hiểu”, bạn tôi trả lời, “nhưng ngay trên bãi biển này cũng có cả hàng ngàn con sao biển. Ông chẳng thể nào nhặt hết chúng được. Chỉ vì chúng quá nhiều. Với lại, ông không thấy rằng điều đó có thể xảy ra với cả hàng trăm bãi biển ở suốt dọc bờ biển này à? Chẳng lẽ ông không thấy rằng ông chẳng thể nào tạo ra một sự khác biệt hay sao?”.
Người đàn ông bản địa mỉm cười, tiếp tục cúi xuống nhặt một con sao biển khác, và trong lúc ném nó xuống biển, ông ta trả lời, “Đấy! Tôi đã tạo được sự khác biệt cho con sao biển này!”.
7. Ông lão và con bò cạp
Một buổi sáng, sau khi chấm dứt thời thiền định, ông lão mở mắt và thấy một con bò cạp đang chới với trên mặt nước. Khi con bò cạp trôi dạt gần hơn vào một thân cây, ông lão vội vàng vươn mình ra bám lấy một chùm rễ dài phân nhánh ra tận giữa sông rồi giơ tay ra để cứu con vật đang sắp chết đuối. Ngay khi được ông lão chạm vào, con bò cạp lập tức cong đuôi lên chích vào tay ông. Bằng trực giác, ông cụ vội rụt tay về. Chỉ một phút sau, khi vừa lấy lại thăng bằng, ông lão lại giơ tay ra đến sát chùm rễ cây để cứu con vật. Một lần nữa, con vật lại cong đuôi lên chích thật mạnh vào tay ông lão khiến tay ông sưng lên và ứa máu ra; ông nhăn mặt vì đau đớn.
Ngay lúc ấy, một người qua đường thấy ông lão vươn mình trên những chùm rễ cổ thụ đang vật lộn với con bò cạp. Anh ta hét lên: “Này cụ ơi, cụ dại dột quá. Chỉ có những kẻ dại dột mới mạo hiểm mạng sống của mình vì một sinh vật xấu xí, độc ác như vậy. Cụ không biết rằng ông có thể tự giết mình trong lúc cố gắng cứu con vật vô ơn này à?”.
Ông lão quay đầu lại. Nhìn vào cặp mắt của kẻ lạ qua đường ấy, ông nhỏ nhẹ trả lời, “Này ông bạn, chẳng phải vì bản chất chích nọc độc của loài bò cạp mà có thể làm thay đổi bản chất cứu giúp của tôi!”.
——