VẼ NÊN ƯỚC VỌNG BẰNG CÁI TÂM TRONG SẠCH

INAMORI KAZUO

Trích “Triết Lý Kinh Doanh Của Kyocera” Tác giả: Inamori Kazuo Người dịch: Thanh Huyền Nhà Xuất Bản Công Thương – Nhà Xuất Bản Thaihabooks.

TRIẾT LÝ KINH DOANH CỦA KYOCERA – INAMORI KAZUO

Bằng cách sống với cái tâm đầy yêu thương, cuộc đời và sự nghiệp kinh doanh sẽ mở rộng

Ý chí chảy trong vũ trụ mong muốn sự nhân từ, tình yêu và sự tốt đẹp đến với vạn vật, hoàn toàn ngược lại với ý chí chỉ mong muốn bản thân mình tốt đẹp hơn. Và ta cần phải sở hữu trong mình một cái tâm đồng điệu và hòa hợp với dòng chảy của tình yêu mong muốn đem lại sự đẹp đẽ cho vạn vật trong tự nhiên mà không cần nhận lại.

Nhiều doanh nhân mong muốn kiếm được thật nhiều tiền dù phải đạp đổ hay ngáng chân kẻ khác. Nhưng cái tâm như vậy không hòa hợp với ý chí của vũ trụ, và công việc kinh doanh của họ sẽ không còn suôn sẻ nữa.

Mặt khác, nếu tâm của người doanh nhân tràn đầy yêu thương, đồng điệu với ý chí của vũ trụ, thì công việc kinh doanh sẽ thuận buồm xuôi gió. Hơn nữa, chỉ cần có cái tâm như vậy thì dù nghĩ rằng: “Công ty mình cũng không cần phát triển thêm nữa, không cần tiến xa hơn nữa,” nó vẫn cứ phát triển vì thế giới này được tạo tác như vậy. Để có được trái tim tràn đầy yêu thương, ta cần nuôi dưỡng cái tâm như tôi đã nói đến ở đoạn trên.

Có thể bạn sẽ nghĩ: Nếu không nghĩ tới bản thân mình mà chỉ nghĩ làm sao để mọi người trở nên tốt đẹp hơn thì liệu công ty mình có thể phát triển suôn sẻ được không? Tất nhiên không phải cứ làm tất cả vì người khác là sẽ thành công.

Tôi đã nói vạn vật tự nhiên tồn tại trong vũ trụ (bao gồm cả vật vô tri vô giác) đều không bao giờ ngừng phát triển và tiến hóa. Ngay cả vật vô tri vô giác như hạt cơ bản, ngay cả những động vật và thực vật rất nhỏ bé đều không ngừng sinh sôi biến chuyển, đều sống hết sức mình. Tương tự như vậy, một doanh nhân muốn xây dựng một công ty thành đạt phải cố gắng hết sức mình không ngừng nghỉ và không thua kém ai. Làm việc cần cù với suy nghĩ sẽ không có ai giúp được ngoài chính mình.

Làm việc không phải để đánh bại đối phương, không phải vì thắng thua. Làm việc hết mình là để bản thân mình được sống, để công ty của mình trở nên hùng mạnh. Và nếu khả năng cho phép, ta có thể mong muốn công ty của người khác cũng trở nên hùng mạnh, giúp đỡ họ thực hiện điều đó giống như ta tạo dựng công ty của chính mình. Việc này thực sự rất tuyệt vời nhưng trước hết, điều quan trọng là làm việc hết mình để xây dựng một công ty hùng mạnh của chính mình.

Không ngừng nỗ lực và tự phê bình để nuôi dưỡng cái tâm

Đến đây, điều khó khăn nằm ở chỗ “làm thế nào để sở hữu cái tâm đầy yêu thương”. Thực tế, ngay bản thân tôi cũng không hề có. Dù ta có thể không sở hữu nó, nhưng điều quan trọng là ta luôn cố gắng để đạt được cái tâm đầy yêu thương đó.

Phần lớn mọi người không nhận ra tầm quan trọng của cái tâm, không quan tâm tới việc cố gắng để khiến cái tâm trở nên tốt đẹp. Nhưng trước hết, ta vẫn cần phải nghĩ về việc nuôi dưỡng cái tâm hay làm đẹp cái tâm của mình. Mặc dù vậy, nhưng nhân gian này đầy rẫy phiền não, cạm bẫy và nhục dục, nên đâu dễ đạt được điều ta muốn. Nhưng hãy luôn nghĩ rằng “ta phải nuôi dưỡng cái tâm” và có ý thức tự phê bình. Sự phê bình này chính là lý do khiến ta có ý thức nỗ lực và cố gắng. Đây chính là điều quan trọng trong cuộc đời chúng ta.

Từ khi Đức Phật Thích Ca giác ngộ cách đây 2.500 năm cho tới nay, không có mấy người mở được cánh cửa giác ngộ. Chính vì thế, tôi muốn là người luôn nỗ lực tìm hiểu về con đường đó dù chỉ chút ít. Như vậy, người tự mình cố gắng nuôi dưỡng cái tâm, làm tĩnh lặng cái tâm cũng giống như những người đang tu hành. Và đối với người đó, cuộc đời chính là nơi nuôi dưỡng cái tâm tốt đẹp.

Bản thân tôi nói nhiều điều đao to búa lớn như vậy nhưng thật ra bằng cách chia sẻ hết mình, tôi đang nỗ lực làm thanh tịnh cái tâm của mình. Nếu tôi được hỏi: “Ông đã nuôi dưỡng cái tâm của mình tới đâu rồi?” thì câu trả lời của tôi có lẽ là “một mức rất nhỏ khiến chính bản thân phải thấy xấu hổ”. Nhưng chính vì thế mà tôi nói chuyện này với các bạn. Khi chia sẻ, chắc chắn tôi sẽ nhìn vào bản thân mình và tự vấn: “Thế còn chính mình thì sao?” Khi tự chiến đấu với bản thân như vậy, tôi tự nâng cao chính mình, và tôi nghĩ cuộc sống chính là sự lặp đi lặp lại của việc này.

Trong số những học viên nghe câu chuyện của tôi, có người nghĩ: “Nếu doanh nghiệp không vượt ra khỏi tầm vóc của người lãnh đạo, thì tôi sẽ cố gắng để mở rộng tầm vóc của chính mình.” Tất nhiên, tầm vóc ở đây không phải là vóc dáng thân thể. Đó là cái tâm, nhân cách và tính tình. Hay nói cách khác, mở rộng tầm vóc của một con người có nghĩa là làm thanh tịnh cái tâm, khiến cho nó trở nên tốt đẹp, tức là nuôi
dưỡng cái tâm con người.

Như Đức Phật Thích Ca giảng giải: “Đời chính là cái tâm của con,” một doanh nghiệp sẽ không vượt ra khỏi tầm vóc của cái tâm mà người doanh nhân đã khổ luyện và tiếp thu được trên đường đời.

Lấy cái tâm yêu thương, chân thành và hòa hợp làm gốc

Để đạt được thành quả tốt đẹp trong cuộc đời cũng như trong sự nghiệp, yếu tố đóng vai trò quyết định là cách tư duy và cái tâm.

Thứ dẫn dắt con người tới thành công chính là cái tâm, được diễn đạt bằng ba từ: yêu thương, chân thành và hòa hợp. Cái tâm đó là thứ vốn có trong linh hồn mỗi người từ lúc sinh ra. Yêu thương là trái tim biết vui với niềm vui của người khác. Chân thành là trái tim biết vì người khác, biết vì thế gian. Và hòa hợp là trái tim nguyện cầu mọi người xung quanh luôn luôn hạnh phúc chứ không phải vì riêng bản thân mình. Những suy nghĩ xuất phát từ cái tâm yêu thương, chân thành và hòa hợp chính là nền móng dẫn con người đi tới thành công.

Tôi cho rằng cái tâm phải luôn được đặt trong trạng thái tràn đầy yêu thương, chân thành và hòa hợp. Đó là ba điều căn bản tôi nghĩ con người chúng ta vốn có.

Sự tồn tại của bạn không chỉ được biểu hiện bằng thể xác mà chắc chắn còn bằng cả cái tâm. Bằng cái tâm bạn suy nghĩ về nhiều thứ, nhiều tư tưởng xoay quanh trí óc bạn. Vậy khi được hỏi đâu là nguồn gốc của những suy nghĩ, tư tưởng đó, chắc hẳn sẽ có nhiều câu trả lời liên quan tới tâm linh, đó là linh hồn.

Hay nói cách khác, khi được hỏi: “Bản thân bạn là gì?” bạn phải đi tìm kiếm bản chất của con người. Trong Yoga của Ấn Độ, người ta đi tìm cội nguồn bản thân mình thông qua thiền. Người ta nói rằng khi vừa nhắm mắt lại vừa hát Mantra thì tinh thần cũng hội tụ, thống nhất lại, ý thức sẽ trở nên rõ ràng, và cuối cùng con người sẽ tìm thấy bản ngã thực sự của mình. Có người nói rằng đó là cảm giác “đạt tới bản ngã”, có người lại nói: “Tôi cảm nhận được ý thức rằng mình tồn tại, tất cả những ý thức khác đều tan biến mất, tôi chỉ có thể nói rằng tôi đạt đến cảm giác ‘mình tồn tại’ và chỉ thế thôi.”

Trong Phật giáo, có câu: “Núi sông cỏ cây, tất cả là Phật,” mọi thứ đều là Phật. Như vậy, bản chất của con người có thể được diễn đạt bằng nhiều cách khác nhau nhưng tựu trung lại, nó có thể được miêu tả bằng ba từ yêu thương, chân thành và hòa hợp. Các bạn có thể chưa nhận ra điều này nhưng sự tồn tại của các bạn là sự hiện thân đầy yêu thương, chân thành và hòa hợp. Hay nói cách khác, “chính bản thân bạn là Phật.”

Nhưng, song song với linh hồn tràn đầy yêu thương, chân thành và hòa hợp, ta còn sở hữu cả thể xác. Để duy trì thể xác, chúng ta phải lấy chất dinh dưỡng qua thực phẩm. Ngoài ra, chúng ta còn có dục vọng mong muốn bảo vệ thể xác của chính mình dù phải đi cướp bóc của người khác.

Vốn dĩ bản chất của con người là một thứ tràn đầy yêu thương, chân thành và hòa hợp. Nhưng linh hồn khoác trên mình thể xác nên những dục vọng, ham muốn của thể xác sẽ phát tín hiệu đầu tiên.

Ta phải dũng cảm kiềm chế những ham muốn, dục vọng bên ngoài để phần linh hồn tràn đầy yêu thương, chân thành và hòa hợp được bước ra. Bằng cách đó, ta nuôi dưỡng chính bản thân mình; giữ cái tâm luôn ở trạng thái tràn đầy yêu thương, chân thành và hòa hợp; ta tạo ra sự đồng điệu với trái tim của vũ trụ, với ý chí của vũ trụ là làm cho vạn vật hồi sinh.

Vẽ nên ước vọng bằng cái tâm trong sạch

Nếu ước vọng của bạn không xuất phát từ cái tâm tốt, trong sạch thì cũng đừng mong có một thành công rực rỡ. Dù cho ước vọng có mạnh mẽ tới đâu mà bắt nguồn từ tư lợi cá nhân thì ngay cả khi ước vọng đó có thể trở thành hiện thực, nó sẽ không tồn tại dài lâu.

Những ước vọng xuất phát từ mục đích đầu cơ, đi ngược lại với đạo lý con người nếu như càng mạnh mẽ sẽ càng tạo ra mâu thuẫn với xã hội, và kết cục sẽ dẫn đến thất bại to lớn.
Để thành công dài lâu, những ước vọng và nhiệt huyết đều phải tốt đẹp. Hay nói cách khác, bản chất của ước vọng ngấm sâu trong tiềm thức chính là điểm mấu chốt. Với những ước vọng thuần khiết, chỉ cần ta không ngừng cố gắng và nỗ lực thì chắc chắn ước vọng đó sẽ thành hiện thực.

Trong Kinh điển Phật giáo mà tôi đã nhắc đến, Đức Phật Thích Ca có nói: “Tâm vẽ ra điều gì, điều đó thành hiện thực.” Tôi cũng tin lời dạy này là đúng, nhưng quả thật không có gì khó chứng minh hơn. Ai cũng nghĩ rằng làm gì có chuyện chỉ ước nguyện bằng tâm trong sáng mà công việc kinh doanh lại có thể suôn sẻ được. Trên thực tế, hiếm khi mọi thứ trơn tru như ta mong muốn, có khi các bạn còn thấy nhiều doanh
nhân làm ăn khá tốt trong khi tâm lại không hề trong sáng chút nào.

Do đó, trong công việc kinh doanh, các bạn khó có thể hiểu được câu: “Kết quả được cái tâm vẽ ra sẽ trở thành hiện thực.” Nếu kết quả lúc nào cũng là thiện tương ứng với thiện, ác tương ứng với ác thì có lẽ cái ác sẽ không thể hoành hành. Nhưng, ranh giới đó lại rất mơ hồ nên các bạn thấy rằng có những người dù cần cù, nghiêm túc nhưng cuộc đời và công việc kinh doanh vẫn không hề suôn sẻ; và ngược lại, có những kẻ rất ác bá mà vẫn thành công. Do đó, mọi người mới nhận định: “Thế gian này thật phi lý, bất công,” và không ai muốn học theo cách sống nghiêm túc tôi chia sẻ cả.

Tuy nhiên như câu “nhân quả báo ứng”, trên thực tế cuộc đời và công việc kinh doanh sẽ không khác mấy so với những gì cái tâm từng nghĩ. Chỉ cần một khoảng thời gian khá dài để điều đó xảy ra. Trung bình khoảng 30 năm, các bạn sẽ thấy sự tương ứng giữa kết quả thực tế và những gì cái tâm của mỗi người từng vẽ ra.

Nếu kết quả của những gì tâm phác họa ra trở thành hiện thực chỉ trong một tuần, một tháng hay cùng lắm là một năm thì mọi người chắc đều sẽ coi trọng cái tâm và cách tư duy. Nhưng bởi phải mất tới 30 năm hay thậm chí cả đời mới thấy được kết quả đó, nên khó mà khiến mọi người đều coi trọng cái tâm và cách tư duy được.

Năm 1920 tại một con phố nhỏ ở London, nước Anh, có một số người tin vào sự tồn tại của linh hồn. Họ tập trung nhau lại vào cuối tuần và tổ chức những buổi tiếp xúc với thế giới bên kia. Ở đó, có một linh hồn người thổ dân Mỹ tên là Silver Birch lúc nào cũng xuất hiện và kể chuyện bằng cách nhập vào cơ thể của người có sự thống nhất trong tinh thần. Những câu chuyện đó được tổng hợp lại trong khoảng chục tập sách mang tên Những câu chuyện của Silver Birch. Tôi đã thực sự rất bất ngờ khi đọc câu chuyện này.

Linh hồn thổ dân Mỹ Silver Birch nói về nhân quả báo ứng như sau:

“Chắc mọi người không tin rằng những gì ta nghĩ, mong muốn hay làm khi ta còn sống sẽ có kết quả tương ứng với nó: điều thiện sẽ nhận lại điều thiện, cái ác sẽ nhận về cái ác. Lý do là vì kết quả đó mất quá nhiều thời gian để xuất hiện trước mắt chúng ta. Nhưng ngay cả bây giờ khi đang ở thế giới bên kia, tôi thấy rằng bất cứ điều gì cũng sẽ nhận lại kết quả tương ứng với nó.”

Hay nói cách khác, không chỉ ở thế giới này nơi ta còn sở hữu xác thịt mà ngay cả ở thế giới bên kia, quả thật mọi thứ đều dựa trên quy luật nhân quả báo ứng.

Kể cả ước nguyện không trong sạch cũng sẽ thành hiện thực. Nếu như các bạn mong muốn xây dựng một công ty hùng mạnh tới mức có thể vùi dập người khác, ngáng chân các doanh nghiệp cùng ngành nghề; và cố gắng không thua kém bất cứ ai thì công ty của các bạn cũng sẽ phát triển hơn. Nhưng thành công đó chắc chắn sẽ không tồn tại lâu dài.
Không chịu cố gắng lại là chuyện khác, nhưng hãy sở hữu trái tim trong sạch và luôn hết mình vì người khác giống như Phật vậy. Tôi cho rằng sẽ rất tuyệt vời nếu một người nghĩ từ sâu trong đáy lòng rằng bản thân không cần trở thành người giàu có và dành cả đời để cống hiến cho người khác.

Nhưng như tôi đã nói trước đó, các bạn muốn làm cho công ty phát triển hơn mà chỉ nghĩ về người khác thì công ty bạn sẽ không thể lớn lên được. Có người đã khiển trách tôi: “Không phải chính thầy đã nói rằng nếu cống hiến cho người khác thì công ty cũng sẽ phát triển hay sao?” Đó là do họ không hiểu ý nghĩa của việc phải cố gắng và nỗ lực hơn bất cứ ai để có thể giúp công ty phát triển. Khi đó, các bạn cần phải cố gắng bằng cái tâm thiện mỹ. Nếu cố gắng bằng cách đạp đổ người khác, chỉ nghĩ đến bản thân mình, thì chắc chắn viễn cảnh một con tàu đắm đang chờ các bạn ở phía trước.

Sau khi bong bóng kinh tế vỡ, có rất nhiều hành vi sai trái bị phát hiện và rất nhiều người đã phải chịu sự trừng phạt. Trong thời kỳ bong bóng kinh tế, nhiều người đã liên tiếp xây nên những tòa nhà hoành tráng và uy phong ở Osaka hay Ginza hoặc hùng dũng đi giữa khu phố vui chơi, sẵn sàng tiêu vài chục triệu yên chỉ trong một đêm – vậy mà chỉ trong có chục năm, đã không còn thấy bóng dáng của họ nữa.

Chỉ cần nhìn vào ví dụ đó thôi, những doanh nhân như chúng ta cũng tự hiểu rằng không nên chỉ thỏa mãn dục vọng của cá nhân mình. Chúng ta phải nghĩ về hạnh phúc của toàn bộ nhân viên. Nếu tình hình công ty không ổn định, thì những nhân viên đang cố gắng hết mình vì công ty cũng sẽ cảm thấy mất phương hướng. Chủ doanh nghiệp phải là người đứng nơi đầu sóng ngọn gió, cố gắng hết mình để ngăn không cho chuyện đó xảy ra. Tôi tin rằng ước nguyện “xây dựng một công ty hùng mạnh” của những người như thế bắt nguồn từ cái tâm đầy thiện mỹ, và trong tương lai xa, ước nguyện này sẽ được đền đáp xứng đáng.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CHÂN LÝ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC BẰNG LAO ĐỘNG QUÊN MÌNH
  2. MƯỜI HAI QUAN NIỆM KINH DOANH TUỔI 20 NÊN BIẾT
  3. CHÍNH VÌ SỐNG MỘT CÁCH ĐÚNG ĐẮN, CON NGƯỜI MỚI GẶP PHẢI GIAN NAN

Bài viết mới

  1. BIỂU LỘ CHÍNH MÌNH MỘT CÁCH TRỌN VẸN
  2. CHÂN LÝ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC BẰNG LAO ĐỘNG QUÊN MÌNH
  3. CẢM GIÁC TỰ DO, ĐƯỢC GIẢI PHÓNG BẢN THÂN