VIỆC LÀM THIỆN

NINA VANGORKOM

Trích: Đạo Phật Trong Đời Sống Hàng Ngày; Dịch Việt: Dương Ngọc Hiệp, Hiệu đính: TKN: Thích Tuệ Bổn; NXB Hồng Đức, Sách ấn tống.

Đức Phật giúp con người có chánh kiến về cái thiện và cái ác, Ngài giúp con người bằng cách dạy Pháp cho họ. Phật pháp vượt trội hơn các quà tặng khác, quà tặng ích lợi nhất mà ta cho người khác là giúp đỡ họ phát triển chánh kiến để họ có thể đi theo con đường thiện nhiều hơn. Theo con đường nầy, họ sẽ thấy an lạc hơn.

Trong kinh Tăng Chi Bộ (Quyển hai, Chương IV, tiểu mục 2), chúng ta thấy rằng thật không dễ để đền đáp cha mẹ tất cả những gì mà cha mẹ đã làm cho ta:

Này các Thầy Tỳ-kheo! Thật không dễ gì đền đáp công ơn của hai người. Ta bảo rằng: ai là hai? Đó là mẹ và cha ta. Cho dù ta cũng mẹ trên vai, vai kia cõng cha sinh sống hằng năm, đến trăm năm, và nếu ta cấp dưỡng cha mẹ, xức dầu thơm cho cha mẹ…nếu ta làm cho cha mẹ ta có quyền lực cao nhất theo luật tuyệt đối trên đời, giàu châu báu – cũng chưa đền đáp công ơn cha mẹ. Vì sao vậy? Nầy các Thầy! Cha mẹ lo cho con cái rất nhiều: cha mẹ dạy dỗ, cha mẹ nuôi dưỡng, cha mẹ tập cho con vào cõi đời nầy.

Nầy các Thầy! Ngoài ra, những ai mà khuyến khích cha mẹ không tín ngưỡng mà có lòng tin; những ai mà khuyến khích cha mẹ trái đạo đức mà sống theo đạo đức; những ai mà khuyến khích cha mẹ keo kiệt mà sống rộng rãi; những ai khuyến khích cha mẹ ít hiểu biết mà sống có trí tuệ – người như thế, làm như thế, đền đáp như vậy, thì đền đáp nhiều hơn những gì đã mang ơn cha mẹ.

Trong kinh này, đức Phật chỉ ra tầm quan trọng của việc giúp đỡ người khác để có được chánh kiến về sự phát triển thiện lành. Ngài giải thích rằng đây là cách báo đáp công ơn cha mẹ. Trước hết, Ngài nói phải làm cho cha mẹ có “lòng tin” (faith) vào đạo. Tuy thế, chữ “faith” không được dùng với nghĩa tin vào một người. Phật không muốn ta làm việc thiện do vâng lời Ngài hay tuân thủ theo luật lệ. Faith có nghĩa là tin vào điều thiện, tin rằng tu dưỡng điều thiện sẽ đem lại lợi ích. Do đó, lúc nào có điều thiện, chúng ta phải có lòng tin. Sau lòng tin, kinh nói trên còn nói đến “đạo đức” và bố thí. Trí huệ hay chánh kiến được nói sau cùng.

Các nghiệp thiện khác nhau được giải thích trong kinh, bố thí (dãna) thường được nói đến trước hết, tiếp đến là giới (sīla) hay đạo đức và sau là quán chiếu (bhāvanã) hay phát triển tâm thức. Có nhiều cách để phát triển thiện nghiệp, và sự hiểu biết về các cách này là điều kiện để thực hiện chúng. Trí huệ tức sự hiểu biết là yếu tố then chốt để loại trừ bất thiện và phát triển thiện. Có thể có bố thí và giữ giới mà không có trí huệ, nhưng khi có trí huệ thì bố thí và giữ giới sẽ làm cho việc thiện ở cấp độ cao hơn. Không có trí huệ sẽ không có quán chiếu hay phát triển tâm thức. Trí huệ là yếu tố cần thiết đối với quán chiếu (bhāvanã), và mặt khác, trí huệ được phát triển thông qua quán chiếu.

Nhờ có trí huệ ta hiểu được sự thật của mọi thứ, nó giúp ta có đời sống thiện lành hơn. Có nhiều cấp độ trí huệ. Trí huệ phát triển thì phiền não sẽ được loại trừ, do đó, tâm an lạc. Phát triển chánh kiến về bất thiện (akusala) và thiện (kusala) là rất có lợi, và ta phải giúp người khác cùng phát triển hiểu biết nầy.

Vô minh hay si tạo ra mọi tâm xấu ác. Có nhiều loại tâm xấu ác khác nhau. Một số tâm xấu ác bắt rễ từ si đơn độc. Cũng có những tâm xấu ác bắt nguồn từ sân (dosa) và tham (lobha). Tham là chấp trước, ích kỷ hay là tham lam. Mặt khác, có những tâm xấu ác bắt nguồn từ si và sân giận (dosa). Sân giận là giận dữ, là phẫn nộ. Những việc làm bất thiện là do tâm xấu ác thúc đẩy.

Khi có tâm thiện thì sẽ không có tâm tham, sân, si. Việc làm thiện là do có tâm thiện lành. Khi chúng ta thực hành bố thí, trì giới hay quán chiếu sẽ không có tham sân si, vì tâm thiện sẽ thúc đẩy các việc làm thiện nầy. Hiểu biết nhiều về bố thí, trì giới và quán chiếu sẽ có lợi ích, nó dẫn dắt ta sống thiện lành hơn. Bố thí là cách phát triển tính thiện. Bố thí là cho người khác những thứ có ích, ví dụ, cho thực phẩm, áo quần hoặc tiền bạc cho những ai cần đến chúng. Bố thí thật sự là cách để giảm bớt phiền não: vào lúc đó, chúng ta chỉ nghĩ về người khác, chúng ta không có những suy nghĩ ích kỷ. Khi bố thí, sẽ không có tham, sân hay si.

Cho bằng chánh kiến, tức bố thí lành mạnh thì tốt hơn là cho mà không có sự hiểu biết nầy (chánh kiến). Người cho bằng sự hiểu biết tức cho mà không ích kỷ, họ sẽ phát triển được nhiều thiện nghiệp. Tuy vậy, đó không phải là thái độ ích kỷ. Khi chúng ta có chánh kiến về các cách phát triển thiện nghiệp thì đó là điều kiện để cho tâm thiện nảy sinh thường xuyên hơn, và điều này có lợi cho mọi người. Khi tham sân si được loại trừ, thì ai cũng được lợi ích. Sống với người không ích kỷ và không sân hận thì dễ chịu hơn sống với người ích kỷ hoặc sân hận.

Có nhiều cấp độ trí huệ. Khi trí huệ phát triển đến cấp độ cao, ta biết rằng đó không phải là do “ta” làm việc thiện, mà là do có nhân duyên tích lũy thiện trong quá khứ. Do đó, không có lý do gì để tự phụ hay kiêu hãnh. Bằng cách phát triển trí huệ, là hiện tượng tâm thức và không phải là “ta”, ta sẽ tích lũy được nhiều điều thiện hơn.

Trẻ em ở Thái Lan được giáo dục cúng dường thực phẩm cho tu sĩ, do đó, chúng tích lũy được thiện nghiệp. Người Thái nói thực hiện việc làm tốt là “tham bun” (tiếng Thái). Khi trẻ em học làm việc tốt lúc còn rất bé thì đó là nhân duyên cho chúng để chúng tiếp tục là người rộng lượng khi chúng trưởng

thành.

Khi có ai đó cúng dường thức ăn cho tu sĩ, người cho trước hết có được lợi ích từ hành động thiện, thứ đến là vị tu sĩ tạo cơ hội cho ông ta phát triển thiện nghiệp. Các vị tu sĩ không nói lời cám ơn; họ chỉ nói những lời ban phúc, chỉ ra rằng họ rất vui sướng trong việc làm thiện của thí chủ. Trước, ta thấy hơi lạ vì người tu sĩ không cám ơn người cho, nhưng khi ta hiểu biết nhiều hơn về việc làm của vị tu sĩ, ta sẽ thấy những thói quen này dưới một góc độ khác.

Ngay cả khi chúng ta không cho cái gì cũng có cơ hội phát triển được thiện nghiệp, nếu chúng ta hiểu rõ việc làm tốt của người khác: lúc đó, chúng ta không có tham sân si gì cả. Tán thán việc làm thiện của người khác là tạo nghiệp thiện, cũng như bố thí vậy. Nó tạo thành một cuộc sống hài hòa trong xã hội.

Cách thứ ba của việc làm thiện trong bố thí là có liên quan đến những người khác, cho dù họ ở thế giới nầy hay thế giới khác, họ có cơ hội thấy được các việc làm tốt của chúng ta để họ cùng có tâm thiện. Để làm việc thiện, chúng ta có thể cùng giúp người khác làm thiện. Thật ấn tượng khi thấy người khác chăm sóc cha mẹ già, học hay giảng Phật pháp. Chúng ta nên theo gương đức Phật. Chúng ta phải liên tục nghĩ cách giúp đỡ người khác phát triển tính thiện. Đây là biện pháp giảm bớt phiền não. Vào bất cứ lúc nào cũng có cơ hội để phát triển thiện nghiệp. Khi trí huệ chúng ta đã phát triển lên nhiều hơn, chúng ta sẽ cố gắng không bỏ cơ hội làm việc thiện bởi vì đời người rất ngắn.

Về giới hay đạo đức, có ba cách thiện. Cách thứ nhất là giữ giới. Phật tử tại gia thường giữ năm giới. Các giới này là:

– không được sát hại chúng sinh

– không được trộm cắp 

– không được tà dâm 

– không được nói dối

– không được dùng các chất gây nghiện kể cả uống rượu.

Chúng ta có thể giữ năm giới này chỉ vì ta theo giới luật, mà không nghĩ về lý do tại sao ta nên tuân theo chúng. Tuân theo chúng là việc làm thiện nhưng mức độ thiện thì không cao lắm, nếu ta không có chánh kiến. Người giữ giới bằng trí huệ khi người đó hiểu rằng họ cần gột sạch nghiệp bất thiện trong khi giữ giới.

Sát hại chúng sanh là việc làm ác. Đôi lúc ta có thể không cần thiết phải giết hại. Ta có nên không giết người khi có chiến tranh, ta có nên không giết côn trùng để bảo vệ mùa màng, ta có nên không giết muỗi để bảo vệ sức khỏe không? Đức Phật biết rằng sống trên thế giới này, người ta có nhiều lý do để phạm giới. Ngài biết rằng rất khó để giữ hết tất cả các giới, và trong một ngày ta không thể học để giữ tất cả giới.

Tuy nhiên, qua chánh kiến, ta có thể dần dần biết giữ giới. Giới không diễn đạt bằng lời được, ví dụ, “bạn không được sát hại”. Chúng không diễn đạt bằng lời như điều răn mà chúng được diễn đạt bằng lời như sau: “Tôi nhận giới nhằm tập luyện không phá hủy sự sống”.

Đức Phật chỉ ra cái gì là bất thiện và cái gì là thiện để cho con người tìm thấy con đường đến an lạc thật sự. Đó là trí huệ hay là chánh kiến, nó sẽ dẫn dắt con người tự rèn luyện giới luật. Không có trí huệ, con người sẽ phạm giới dễ dàng khi có cám dỗ mạnh mẽ; ở tình huống nầy thì rất khó giữ giới. Trí huệ được phát triển nhiều hơn là điều kiện để giữ giới thường xuyên hơn. Từ trải nghiệm cho thấy chúng ta phạm giới là do tham sân si. Khi biết được giữ giới là cách giảm bớt phiền não, ta còn chủ tâm không giết hại cả muỗi và kiến. Khi có ý định giết, chúng ta luôn luôn chồng chất sân hận, mặc dù đó là một con côn trùng nhỏ xíu. Chúng ta phải nhận ra rằng chúng ta tích lũy nghiệp bất thiện khi giết hại chúng sinh, cho dù chúng là con người hay con vật. Tuy vậy, chúng ta không thể bắt buộc người khác không giết hại chúng sinh.

Không sát sinh cũng là một loại bố thí, đó là món quà của sự sống, một trong những món quà lớn nhất mà chúng ta có thể cho. Phân loại nghiệp thiện, dù là bố thí hay trì giới, không phải không linh động lắm. Thực tế phân loại tùy thuộc vào các đặc tính khác nhau của chúng.

Về phần sử dụng các chất gây nghiện, ta phải chỉ ra có bao nhiêu bất thiện được tích lũy theo cách nầy. Cho dù ta có sử dụng và ít chấp vào nó, ta cũng tích lũy bất thiện, và điều này có thể gây hại cho ta ở tương lai. Khi sự chấp trước đủ mạnh, nó sẽ hiện ra ở lời nói và hành động. Thậm chí hớp một chút nước uống có rượu cũng có thể khiến ta tham sân si nhiều hơn. Quả của nó có thể làm cho ta không biết ta đang làm gì, và không biết sự thực của thời khắc hiện tại. Có trí tuệ sẽ làm cho ta càng ngày càng uống ít rượu, và sau cùng là không uống nữa. Ta không phải ép ta không uống rượu, ta chỉ bỏ qua vị của rượu bởi vì ta thấy những điểm bất lợi của nó. Theo cách này, ta không uống rượu. Người có trí huệ phát triển đạt được giác ngộ bậc Tu-đà-hoàn (sotapanna/ streamwinner) sẽ không bao giờ phạm ngũ giới nữa, các bậc ấy đã giữ giới theo bản tánh của mình.

Cách làm việc thiện lành thứ hai ở trong giới luật là kính trọng những người xứng đáng được tôn kính. Ta không nhất thiết phải tỏ ra tôn kính theo văn hóa đặc biệt, ta cảm thấy quý trọng người khác là quan trọng hơn. Điều này đem lại cho chúng ta thái độ khiêm tốn với người xứng đáng được tôn trọng. Cách thức mà ta bày tỏ lòng kính trọng tùy thuộc vào phong tục quốc gia mà ta đang ở hay là thói quen ta đã tích lũy. Ở Thái Lan, người ta bày tỏ lòng tôn kính tu sĩ, thầy giáo và người cao niên theo cách khác với người phương Tây. Ở một số quốc gia, trước người khác, người ta thể hiện sự tôn kính với thái độ rất là lịch sự. Sự lịch sự đến từ trái tim là một hành động thiện, lúc đó ta không có tham sân si. Đó là một hành động thiện bày tỏ lòng tôn kính tu sĩ, thầy giáo và người già. Ở Thái Lan, người ta bày tỏ lòng tôn kính tổ tiên; họ tỏ lòng biết ơn trước các đức tính tốt đẹp của tổ tiên. Đây là việc làm thiện. Tổ tiên thấy hay không thấy con cháu tôn kính mình cũng không quan trọng. Chúng ta không thể biết được họ tái sinh vào cảnh giới nào, cõi người hay cõi khác. Biết ơn tổ tiên là một hành động thiện.

Chúng ta phải luôn luôn cố gắng tìm xem tâm thiện hay tâm ác thúc đẩy hành động để hiểu ý nghĩa của việc làm đó. Như thế, ta sẽ hiểu và đánh giá cao nhiều phong tục của người Thái, và không đánh giá sai hoặc xem họ là mê tín. Cùng cách đó, ta phải biết kính trọng hình ảnh đức Phật. Đó không phải là sự tôn thờ; thật vậy, đó là việc làm thiện nếu ta nghĩ đến những phẩm chất hoàn hảo của Ngài: trí huệ, thanh tịnh và từ bi. Chúng ta không có cầu xin Ngài để lên cõi Thiên bởi vì đức Phật không ở cõi Trời hay bất cứ cõi nào, Ngài đã diệt độ. Biết ơn đức Phật và cố gắng đi theo con đường mà Ngài đã khám phá. Ta bày tỏ lòng kính trọng đức Phật theo cách nào – tùy thuộc vào thiện ý mà ta đã tích lũy được.

Cách làm việc thiện lành thứ ba trong giới là giúp đỡ người khác bằng lời nói hay việc làm. Hành động giúp đỡ người khác là việc làm thiện ở cấp độ cao, nếu ta biết giúp đỡ là việc làm thiện, đây là cách giảm bớt ích kỷ và các phiền não khác. Vì vậy, ta làm việc thiện nhiều hơn, giữ giới miên mật hơn. Do đó, sẽ tốt hơn nếu ta thực hành giới luật bằng chánh kiến hay trí huệ.

Hoàn thành bổn phận của mình không phải luôn luôn là việc làm thiện: con người có thể hoàn thành công việc của mình chỉ vì được trả lương. Thí dụ, thầy giáo dạy học và bác sĩ chăm sóc bệnh nhân, đó là công việc của họ. Tuy vậy, con người có thể phát triển tính chất tốt nếu họ hoàn thành công việc bằng lòng tốt và tâm từ bi.

Trí huệ là điều kiện cho ta làm việc thiện, cho dù nhiệm vụ của ta là gì. Tính thiện có thể được phát triển vào bất cứ lúc nào giữa ta và người khác, khi ta nói chuyện với họ hoặc lắng nghe họ nói.

Giúp đỡ người khác bằng lời nói dễ nghe và hành động một mình là chưa đủ. Khi đến thời điểm thích hợp, ta có thể giúp người khác sâu sắc hơn và hiệu quả hơn, nghĩa là giúp họ hiểu mình là ai, tại sao họ có mặt trên đời nầy và mục đích của đời sống là gì. Cách giúp đỡ này thuộc về quán chiêu (bhāvanā) hay là sự phát triển tâm thức.

Bình luận


Bài viết mới

  1. NĂNG LỰC SÁNG TẠO
  2. TÂM TỪ BI: CON NGƯỜI MÀ CHÚNG TA MUỐN TRỞ THÀNH
  3. ĐI QUA ĐỪNG CÓ ĐỐT CẦU, ĐỂ NGÀY CẦN ĐẾN CÓ CẦU MÀ ĐI