ROHIT BHARGAVA
—🌼🌸🌼—
BÍ QUYẾT: ĐƠN GIẢN HÓA MỌI THỨ
Chỉ mới hơn một thập niên về trước, một nhà nghiên cứu Đại học Princeton tên là Daniel M. Oppenheimer chủ trì một thực nghiệm rất thú vị, công trình này rất nên là tài liệu phải-đọc với mọi giảng viên đại học giao bài luận cho sinh viên.
Trong thực nghiệm, sinh viên đại học được yêu cầu chia sẻ (ẩn danh) xem họ sử dụng từ ngữ đao to búa lớn trong các bài luận để tỏ vẻ thông minh thường xuyên đến mức nào. Không ngạc nhiên: số đông thừa nhận rất hay làm vậy. Tiếp đó, Oppenheimer phân tích xem độc giả của các bài luận đó miêu tả mức độ thông minh của tác giả ra sao.
Hẳn bạn sẽ đoán: các sinh viên dùng từ to tát và miêu tả phức tạp hơn chắc sẽ được coi là thông minh hơn. Thế mà, Oppenheimer phát hiện ra một điều có vẻ trái ngược.
Nói cách khác, bạn càng dùng nhiều từ cao siêu không cần thiết, người ta càng nghĩ bạn ngu.
Không phải sự phức tạp, mà sự đơn giản mới là bí quyết, nhưng điều đó cực khó đạt được, cũng tốn thời gian hơn. Vì thế mà đa phần văn bản nhà nước và pháp luật đều rườm rà rắc rối. Làm cho ngắn gọn và ý nghĩa hơn sẽ mất thời gian, tốn công phu — mà những thứ này lại thường eo hẹp.
Thế nhưng, muốn đơn giản hóa các ý tưởng của mình, chỉ bỏ thời gian thôi vẫn là chưa đủ. Liệu trên đời có tồn tại một kỹ thuật bất cứ ai cũng có thể vận dụng để đơn giản hóa gần như mọi ý tưởng mà không hề đánh mất tinh túy?
SHARPIE và POST-IT
Có một gã nọ tên là Dan Roam đã tập trung một phần đáng kể trong sự nghiệp của mình để phát triển một kỹ thuật giải đáp chính câu hỏi này. Cuốn sách bán-chạy-nhất của ông với tiêu đề Back of the Napkin nêu sáng kiến: những thử thách khó khăn nhất ta sẽ phải đối mặt trong sự nghiệp hay đời sống riêng tư thường có thể được đơn giản hóa (và vượt qua), chỉ cần ta học cách vẽ chúng ra.
Dan Roam chu du khắp thế giới, chủ trì các lớp học về chủ đề “làm thế nào để giải quyết các vấn đề bằng hình vẽ”, ông đã huấn luyện hàng nghìn người lao động cách chuyển từ tâm thế “Tôi không vẽ được đâu” sang cầm một cây bút Sharpie và bắt đầu phác họa.
Thế nhưng, hóa ra tôi đã tình cờ phát hiện ra một trong những bài học lớn nhất mà Dan Roam giới thiệu nhiều năm trước khi đọc sách của ông, trong khi làm bảng phân cảnh cho bài thuyết trình với một khách hàng cực quan trọng. Lúc đó, tôi là thành viên trong một nhóm bán hàng toàn cầu đang cố giành về những hợp đồng quảng cáo nhiều-triệu-đôla từ các thương hiệu đình đám. Phương pháp chuẩn bị bài thuyết trình của chúng tôi gồm cả việc xây dựng “câu chuyện” bằng hình ảnh để chào hàng — rất gần với cách các nhà làm phim phác ra cốt truyện cho phim.
Cụ thể trong tình huống này, tôi vật vã để đơn giản hóa lập luận của chúng tôi, tôi quyết định viết một chuỗi các luận điểm trên vài mẩu giấy ghi nhớ Post-it nho nhỏ. Cây bút duy nhất ở gần tôi là bút dạ viết bảng Sharpie. Làm vậy, tôi mau chóng ngộ ra: sự kết hợp giữa bút Sharpie nét cực dày với không gian hạn hẹp của giấy nhớ Post-it nghĩa là tôi chỉ có thể nhét vài từ ít ỏi trên mỗi mảnh giấy.
Bỗng nhiên cách tôi miêu tả những ý tưởng mơ hồ lại mang tính quyết định. Tôi phải chọn từ “chuẩn không cần chỉnh”, vì đâu đủ chỗ mà cà kê dê ngỗng Tình cảnh buộc tôi phải đơn giản hóa.
LỢI THẾ CỦA SỰ ĐƠN GIẢN
Hóa ra, sức mạnh của sự đơn giản không chỉ giới hạn trong cách bạn miêu tả từ ngữ hay ý tưởng, hay loại bút bạn dùng để miêu tả những thứ đó (mặc dù tôi là “fan cứng” của Sharpie!). Một số sản phẩm và công ty rực rỡ nhất thời hiện đại đạt được thành công phần lớn nhờ kiên quyết tập trung vào sự đơn giản.
Trong cuốn tiểu sử về Steve Jobs, tác giả Walter Isaacson ghi nhận: thái độ tập trung không dao động đặt vào sự đơn giản chính là nguồn lực giúp Apple từng nắm giữ vị trí công ty giá trị nhất thế giới. Kể từ khi Steve Jobs qua đời, những năm gần đây, các thương hiệu khác đã chiếm thế thượng phong cũng với ý niệm này.
Snapchat. Amazon. Warby Parker. Netflix. Mỗi cái tên là một thương hiệu hoặc sản phẩm mà sự đơn giản được gắn trong trải nghiệm của khách hàng. Những thương hiệu này nổi bật hẳn lên bởi đơn giản hơn hẳn các đối thủ. Trong một thế giới ngày càng phức tạp, sự đơn giản ấy có thể trở thành lợi thế cạnh tranh tối thượng, với các thương hiệu và cả con người.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐƠN GIẢN HÓA MỌI THỨ
MẸO #1 – CẢNH GIÁC VỚI LỜI NGUYỀN KIẾN THỨC
Trước khi khoác cái bìa áo lên cuốn sách của mình, một trong những điều tôi học được từ bộ đôi tác giả Chip và Dan Heath của cuốn Made to Stick liên quan đến “lời nguyền kiến thức”. Họ giải thích thế này: “Vấn đề là một khi ta biết thứ gì đó (giai điệu của một ca khúc chẳng hạn) ta thấy khó mà tưởng tượng là mình không hề biết rõ nó. Kiến thức của ta đã ‘nguyền rủa’ ta. Ta gặp khó khi chia sẻ nó với những người khác vì ta không sẵn sàng tái-tạo tâm trí của họ. Ta bắt đầu quên mất cảm giác không biết những thứ ta đã biết là thế nào.”
Lúc này hay lúc khác, ai cũng có thể khốn khổ vì lời nguyền này. Mặc dù không thể “vờ như mình không biết”, ta có thể bắt đầu vượt qua tình trạng đó nhờ bắt đầu lưu tâm hơn đến những điều ta thường coi là lẽ dĩ nhiên. Một cách tuyệt hay: tự ép bản thân giải thích những gì ta biết với nhiều người còn xa lạ với chủ đề đó. Càng thực hành và xem các khán giả của ta “hiểu” gì và không hiểu những gì, ta càng có thể hoàn thiện hơn nữa năng lực đơn giản hóa của mình.
MẸO #2 — VẼ THAY VÌ NÓI
Nhiều người giỏi học từ hình ảnh thị giác hơn là từ ngữ. Như thế tức là vẽ không chỉ giúp ta thị giác hóa một giải pháp tháo gỡ vấn đề phức tạp nào đó, mà còn có thể là phương pháp duy nhất để giải thích biện pháp ấy cho một nhóm khán giả đông đảo. Người ta vẫn kể đi kể lại ví dụ rất hay: hồi năm 1966, một phi công cùng một luật sư cùng chén tạc chén thù trong một quán rượu ở San Antonio. Trên một mẩu khăn giấy, hai người bằng hữu vẽ một hình tam giác, tượng trưng cho mô hình kinh doanh của hãng hàng không họ sắp sửa khởi sự. Hãng này sẽ bay vài lượt mỗi ngày, bảy ngày một tuần giữa các đỉnh của tam giác (đại diện cho các thành phố Houston, Dallas và San Antonio của bang Texas). Cuộc trò chuyện đã dẫn tới sự ra đời của hãng hàng không Southwest, thời nay, mảnh khăn giấy ấy được đóng lên tường ở trụ sở của hãng này để làm kỷ niệm.
MẸO #3 – TỪ NGỮ MỘC MẠC THÔI
Khi ta còn cắp sách tới trường, môn Ngữ văn có lẽ đã tôn vinh một điều chưa chắc đã dẫn tới thành công ở nơi làm việc: sử dụng câu chữ đao to búa lớn để chứng tỏ vốn từ. Khoe khoang vốn từ đồ sộ giúp ta viết bài luận ở trường trung học, chiến thắng trò Srabble và sống sót qua môn văn học so sánh ở lớp cao học. Tôi biết quá mà… Chẳng là tôi có một bằng thạc sĩ Văn học Anh. Thế nhưng, với các tương tác ở chỗ làm, vốn từ của bạn không nhất thiết phải là một mớ những từ-siêu-khủng gồm mười bốn chữ cái. Thay vào đó, hãy cố gắng viết theo cách bạn sẽ nói ra thành lời. Kiểm tra xem bạn có đang làm đúng như vậy không rất đơn giản — chỉ cần in ra bất cứ bài viết nào và đọc thật to cho chính mình nghe xem sao. Nếu đọc lên không giống lời bạn sẽ nói: hãy thay đổi.
—🌼🌸🌼—
Ảnh: Nguồn Internet